SINH EM CHO CON DS
Chuyện dễ hiểu là cha mẹ sinh con khuyết tật thường ngần ngại với ý nên sinh con nữa hay không. Tôi xin được nói về trường hợp riêng của mình để các bạn có thêm hiểu biết khi chọn lựa.
Bây giờ gẫm lại, thấy vợ chồng tôi có nhiều cái may.
1. Đầu tiên là con có hội chứng Down (Down syndrome DS) của chúng tôi là con đầu lòng, hai vợ chồng trẻ trung đầy sức lực nên dồn hết sức mình mà tập cho con. Giả thử Thảo sinh ra lúc hai chúng tôi đứng tuổi, có phần mệt mỏi thì e rằng không được chăm sóc kỹ bằng.
2. Việc Thảo là con đầu lòng mang tới một điều may mắn lớn lao khác mà phải cả chục năm về sau chúng tôi mới nhìn ra, đó là con khuyết tật sẽ khá hơn khi có em hơn là khi có anh chị. Vì con sẽ học từ em của mình và có em để chơi, còn khi có anh chị lớn thì không ai phát triển cùng mức cho em bắt chước theo. Anh chị lớn cũng không mấy thích chơi với em khuyết tật.
Để nói rõ thì xin đưa thí dụ. Tay chân của Thảo yếu do cơ mềm là tật của DS, phải hai tuổi Thảo mới tự mình biết đứng, và đứng chựng xong là té xuống liền, cơ không đỡ nổi thân hình nên Thảo 2 tuổi vẫn chưa tự đi. Khi ấy chúng tôi có em trai cho Thảo. Tới tuổi tập đi, Vũ vịn theo ghế sofa chập chững lần bước thì Thảo cũng làm theo, chị bắt chước em tập tễnh đi. Từ đó Vũ làm gì thì chị hai cũng học làm theo, nhờ vậy mà biết đi, biết chơi. Vũ chạy, chơi đu thì Thảo cũng lon ton làm giống hệt. Được cái chúng tôi dạy Vũ từ nhỏ.
- Con biết cái gì thì dạy cho chị Hai, chơi với chị Hai.
Nhờ vậy mà Thảo phát triển. Bạn không nên coi thường con DS, tuy em có cách suy nghĩ khác người nhưng bạn phải công nhận là chúng có suy nghĩ, theo cách của chúng. Trong nhà chúng tôi có cậu em thứ Bảy, vợ chồng gọi là chú Bảy. Tên ở nhà của cậu em là Búp nên các con gọi là chú Búp. Vũ đi học mẫu giáo về, ngồi ngoài hiên dạy chị Hai.
- One, two, three, four, five, six, seven ...
Thảo nhắc lại.
- One, two, three, four, five, six, Búp ...
Vũ sửa chị
- Không phải, seven
Thảo nhất định.
- Phải (không phải), chịu (không chịu), Búp.
Hai con cãi nhau ngoài hiên, còn trong nhà nghe lén thì hai vợ chồng cười như nắc nẻ.
3. Chuyện may thứ ba là Trời thương chiều lòng hai chúng tôi, sau Vũ chúng tôi có cháu gái khác. Con khuyết tật xét ra nên có em đồng giới tính để học theo. Nhờ Bảo là con gái mà khi Bảo biết chơi búp bê lúc 5 tuổi thì Thảo 11 tuổi mới biết chơi. Năm Thảo 16 tuổi, đi phố vẫn đòi mua búp bê, thấy không tiện nên vợ tôi chỉ một búp bê đen từ đầu tới chân, bảo con.
- Mua thì mua búp bê này.
Thảo lắc đầu nguầy nguậy và từ đó mới bỏ tính chơi búp bê. Cấm con thì cũng tội nhưng 16 tuổi rồi, còn chơi búp bê gì nữa.
Nói thật, khi mới có Thảo và thấy những tật của con, hai chúng tôi sợ sẽ không đủ sức lo cho con nên cùng nói với nhau thôi không sinh nữa, một đứa này là đủ rồi. Tuy nhiên khi mang con đến nhà bạn chơi, để ý thấy không trẻ nào chơi với Thảo, con thui thủi ngồi chơi một mình nên chúng tôi bảo nhau.
- Mình phải sinh thêm con, không ai chơi với con thì có em chơi với nó.
Trời thương và quả đúng vậy, các em sinh ra đã giúp Thảo phát triển rất nhiều. Nhưng điều quan trọng là cha mẹ phải dạy các em biết quí trọng anh chị khuyết tật. Đó cũng là một điều may khác vì các em Thảo nghe lời dặn của chúng tôi. Nếu sinh thêm em cho con khuyết tật mà không dạy chúng cách đối xử thương yêu với anh chị khuyết tật thì chưa chắc có kết quả như ý. Và bạn phải dạy từ lúc sớm sủa khi con còn rất nhỏ. Các em của Thảo đều được dạy từ đầu là lo cho chị Hai, nên khi lớn lên chúng đã quen với cách suy nghĩ đó và rất quí yêu, săn sóc chị. Nay trưởng thành, có nghề nghiệp, hằng tuần mỗi em đều cho chị Hai tiền túi. Ăn thua là bạn phải dạy con cách cư xử thì mới mong có kết quả về sau.
Q.D.