Những tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang
Tôi cũng đã từng đọc nhiều bài dự thi trên báo phụ nữ, mỗi bài là một câu chuyện, một tấm gương rất đáng ngợi ca và tôn vinh. Với chị Lâm Thị Duyên, nhân vật trong bài viết, chị cũng đã nhận được rất nhiều lời tri ân trên trang web do chị sáng lập nhưng tôi vẫn viết về chị bởi chị là một tấm gương về người phụ nữ Việt Nam dù sống xa quê hương nhưng vẫn giữ được những phẩm chất vốn có của người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là sự tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang khi vượt lên muôn vàn khó khăn để nuôi dạy hai con khuyết tật nên người và việc chị làm từ thiện bằng chính cái tâm chứ không có một nguồn lợi nhuận nào, điều đó thật đáng trân trọng và cảm kính. Đồng thời cũng qua đây mong được nhân rộng ra tấm gương của chị để những gia đình, nhất là những bà mẹ có con khuyết tật, nhất là các trẻ mắc các hội chứng như Down, tự kỷ… đang gồng mình vật lộn với biết bao khó khăn, thử thách để cải thiện trình trạng của con có thêm niềm tin, hy vọng trong hành trình nuôi con khuyết tật dài đằng đẵng của mình.
TOA THUỐC CỦA LÒNG MẸ (Kính tặng chị Lâm Thị Duyên)
Làm mẹ, ai cũng mong muốn con mình sinh ra khỏe mạnh, thế nhưng số phận cay nghiệt đã đổ xuống cuộc đời của một người mẹ khi có đến hai đứa con khuyết tật. Trong đau khổ, tuyệt vọng chị đã vực mình đứng lên để trở thành một người mẹ vĩ đại chính với hai đứa con kém may mắn của mình. Người mẹ đó đã nhọc nhằn nuôi con khuyết tật suốt 33 năm qua và khi tóc đã điểm hoa râm vẫn đang từng ngày từng giờ dắt tay con chập chững bước vào đời. Người mẹ đó đã 13 năm làm công việc từ thiện với tâm niệm: mong cho trong mỗi gia đình trẻ khuyết tật vơi bớt đi những đau thương và nước mắt mà có thêm nhiều niềm vui, tiếng cười.
Chị là Lâm Thị Duyên, người điều hợp nhóm Tương Trợ Phụ Huynh Việt Nam có Con Khuyết Tật và Chậm Phát Triển tại Úc và là người đồng sáng lập trang web http://www.chamevoiconkhuyettat.org.au/.
Hành trình làm mẹ của chị là những chuỗi ngày gian nan, khốn khó. 23 tuổi, chị sinh con gái đầu lòng. Nước mắt đau khổ của người mẹ trẻ chan đầy khi bác sĩ định bệnh con mắc Hội chứng Down. Lúc này, vợ chồng chị mới sang Úc định cư với biết bao khó khăn chồng chất: không thông thạo tiếng Anh, tài liệu y tế bằng Tiếng Việt chưa có, bác sĩ định bệnh chứ không nói gì thêm, không người hướng dẫn, hỗ trợ, không biết phương cách dạy con ra sao và bắt đầu từ mốc điểm nào. Mọi việc bắt đầu từ con số không. Để rồi vì con mà vợ chồng chị phải cố gắng tự nghĩ, tự tạo ra phương cách dạy con, từ việc cho con ăn những muỗng sữa đầu tiên vì con không biết bú mẹ, bú bình, không biết nhai, rồi cách ẵm bồng, cách ngồi, cách đứng, cách đi… vì cơ thể con mềm rũ như không có xương.
Nhìn con lớn lên mà đau nhói tâm can, chị quyết định xin nghỉ làm, chấp nhận cả sự chật vật về tài chính để làm một người nội trợ dành hết thời gian chăm sóc, dạy dỗ con. Hàng ngày, chị cần mẫn, kiên trì, nhẫn nại bên con, tập luyện cùng con, chơi cùng con, dày công dạy con học nói, học đàn, sơn màu, rót nước, đồ chữ… với niềm tin mình cố gắng trời sẽ không phụ lòng người. Để rồi 10 năm sau Ngọc Thảo, con gái chị mới bắt đầu viết được 26 chữ cái và 10 con số tuy ngã nghiêng ngã ngửa. Cũng vì con mà chị không nề hà, quản ngại bất cứ việc gì, kể cả việc sinh nặng đẻ đau cho con thêm những đứa em để con có môi trường phát triển.
Sự hy sinh khổ nhọc của chị cuối cùng đã được đền đáp. Con gái chị giờ đã 33 tuổi dù trí tuệ vẫn chỉ bằng một đứa trẻ lên 10 nhưng đã nói được hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh, tự làm được nhiều việc và đặc biệt còn có thể chơi đàn piano, được Hội đồng Thành phố Fairfield, Sydney mời trình diễn để chứng tỏ người khuyết tật có khả năng như mọi người khi được chỉ dạy và hỗ trợ thì có thể phát triển được tiềm năng của mình. Con trai út của chị mắc chứng tự kỷ đã có việc làm, biết lái xe, giỏi về computer, biết chơi đàn, đánh trống, viết nhạc, hát, là thầy dạy Karate
Chị không những đã làm được những điều thật tuyệt vời cho các con của mình mà đã đem nỗi đau riêng trải rộng ra cho cha mẹ khắp nơi để tạo lòng tự tin và sự kiên trì chịu đựng lẫn chịu khó, chịu khổ hướng dạy con khuyết tật của mình phát triển khi đứng ra thành lập Nhóm Tương trợ phụ huynh Việt Nam có con khuyết tật và chậm phát triển tại bang New South Wales, rồi lập trang web, tích cực chuyển những tài liệu trẻ khuyết tật về các bệnh viện nhi và các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật ở Việt Nam. Chị cũng đã từng, về nước chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nuôi con khuyết tật tại Sài Gòn, Hà Nội. Chị làm việc thiện bằng chính cái tâm của mình mà không có sự hỗ trợ tài chính từ bất cứ tổ chức nào. Hàng ngày, sau những bộn bề công việc, cứ đều đặn 3h chiều giờ Việt Nam ( 7h tối ở Úc) chị lại lên máy. Có những cuộc nói chuyện dài 2h đồng hồ, chị hướng dẫn cặn kẽ, tận tình, có những lời động viên, khích lệ và có cả những giọt nước mắt nhạt nhòa khi trái tim cùng chung một nỗi đau…Làm cha mẹ là phải hy sinh cho con, nhất là con khuyết tật, nay mai không còn mình trên cõi đời con sẽ sống ra sao nếu hiện tại cha mẹ không học hỏi để cải thiện tình trạng của con và tận lực giúp con vượt qua những khó khăn trước mắt và lâu dài.
Dẫu biết rằng với những đứa con khuyết tật -những vầng trăng khuyết mãi sẽ không bao giờ tròn nhưng chính chị đã giúp rất nhiều bà mẹ hiểu ra rằng không có thuốc để chữa khuyết tật của con nhưng những khuyết tật ấy đã, đang và sẽ được san lấp dần, con ngày càng gần với người bình thường hơn nhờ một toa thuốc đặc biệt: Toa thuốc của lòng mẹ-toa thuốc của tình yêu thương, sự hy sinh, niềm tin và nghị lực phi thường mà mẹ đã dành cho con.
Tạ ơn chị, người đã thắp sáng rất nhiều niềm tin, hy vọng.
Bùi Thu Hoàn Hà Nội 2013