ĐOẢN KHÚC 

 

 

 

Ở tuổi thanh xuân bản thân tôi có lắm ước mơ, những ước mơ đơn thuần mộc mạt của tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Ở tuổi chỉ biết có mỗi mình. Lớn thêm một chút tôi hiểu nhiều hơn, biết phân biệt chọn lựa và duy trì những cái nên theo đuổi, đồng thời từ bỏ những cái không thực tiễn, những cái ngoài tầm vói của đôi tay. Nhờ vậy tôi mới sớm ngộ ra rằng ước mơ chỉ là mơ ước, bởi vì còn ý chí khả năng hoàn cảnh cơ hội và các bước thực hiện mới là việc chính. Khi lớn thêm chút nữa, tôi lại hiểu thêm rằng mơ ước còn nhiều góc cạnh phức tạp của nó mà tôi chưa thấy biết. Rồi thời gian đưa đẩy và tháng ngày dần trôi, đã giúp tôi cảm nhận sâu rõ hơn nữa rằng đường tương lai không chỉ thênh thang rộng mở, với đầy hoa thơm cỏ lạ như ý mong lòng đợi, mà là một chuỗi những thử thách, và trên lộ trình dong ruổi luôn có những chuyện bất ngờ, bất như ý sẽ liên tục xảy ra, nên lòng mãi bâng khuâng.  

Từ những năm trước tôi có đọc qua một đoạn trong một bài viết: lá già thì lá rụng, có lá úa vàng nào trụ mãi trên cành theo bốn mùa mưa nắng!!! Đọc rồi thì nhập tâm và khổ tâm vì thắm thía nên khó thể quên. Và có thể vì đồng cảnh nên tôi có cùng suy tư cùng quan điểm chăng? Kể từ ngày ấy, tôi cứ ngẫm nghiệm mãi trong đầu lời hữu tình đa ý và bắt đầu lo sợ, sợ rằng con sẽ bơ vơ và không biết phải làm gì, làm thế nào mới thật tốt cho con. 

Tôi không hiểu là mình có ủy mị, có bi quan lắm không khi viết lên nỗi lòng và suy nghĩ riêng của bản thân. Thực tế mà nói thì đường đi của một kiếp làm người của tôi không còn được dài. Khi mà vòng xoay của hai mươi bốn tiếng một ngày vẫn thản nhiên gõ nhịp. Khi mà sáng và tối cứ lần lượt tiếp nối như chuyện úp mở của bàn tay. Ngày lại ngày qua từng tờ lịch cứ nhẹ nhàng sang trang thì tuổi đời của tôi sẽ thêm một dấu cộng, có nghĩa là đường tôi đang dấng bước đang ngắn dần. Là mặc nhiên đồng nghĩa với mai nầy tôi sẽ phải rũ bỏ lại tất cả, chấp nhận trong miễn cưỡng và đơn thân cất bước mà lòng thì trĩu nặng sầu lo. 

Thật thật lòng mà nói, nếu có ai hỏi mơ ước cuối đời của tôi là gì, tôi sẽ trả lời rằng muốn con khuyết tật của mình lìa cha bỏ mẹ trước để tôi được chu toàn trách nhiệm cuối cùng, sau đó mới nhẹ lòng và thanh thản mà khép mắt. Ước mơ thì rất đơn giản nhưng khó mà thực hiện.

Tôi hiểu kiếp nhân sinh, và biết chuyện sinh tử là một vòng xoay, sớm hay muộn trước hay sau thì theo thứ tự, tôi cũng sẽ phải tự động xếp vào hàng và từ từ cất bước. Chính vì thế mà tôi luôn muốn được đứng xếp hàng sau con, vì lo sợ rằng mình sẽ là người buông tay con trước, đứa con đã làm tôi đau khổ suốt một kiếp làm người, lúc chợp mắt và trở giấc tôi luôn mãi bận tâm lo lắng. Rằng con sẽ sống ra sao, sống thế nào khi cha mẹ cùng nối bước giã từ cõi tạm. 

Ngày xưa thuở còn son trẻ tôi không quan tâm đến chuyện sống chết, và cảm thấy phật lòng với những ai ‘sợ hãi’ từ này. Với tôi sống chết là số phần định phận không ai tránh khỏi. Nhưng ngày nay ở tuổi gần cuối đời, tuổi gần kề với bên kia cuộc sống thì trong tôi lại có sự lưu luyến cõi trần, chỉ vì sợ sẽ bỏ con khuyết tật mà đi.  

Vốn tánh lo xa nên hai thập niên trước tôi bắt đầu dấn bước tìm hiểu, đi thăm các tổ chức đang chăm sóc những người khuyết tật không còn cha mẹ người thân. Hoặc vì hoàn cảnh không thể hoạn dưỡng nên gửi em vào viện. Nhìn họ mà tim tôi thắt nghẹn và không cầm được nước mắt chỉ vì cám cảnh, vì rằng đấy là hiện thân của con tôi ngày sau. Những gì mà các em cháu đang mặc cốt chỉ là che thân, vì tất cả đều cũ và sờn mòn rách. Gót son sẽ bẩn bùn khi con không còn cha mẹ. Nhưng cũng lắm trường hợp có đủ đầy mẹ cha nhưng chẳng khác gì đang sống trong viện.

Và có câu mà người đời vẫn thường ca cẩm cho người vừa mới khuất nhưng tôi không đồng tình. Hầu hết cho rằng người chết là hết, là yên phần là hết nợ, chẳng có gì để phải lo nữa. Có thương cảm lo lắng tội nghiệp chăng là cho người còn sống, vì họ luôn thương yêu tưởng nhớ và không quên được người vừa đã khuất, và lại còn phải vất vả lo toan mọi việc cho người vừa nằm xuống v.v. Đó là lời người sống thì thầm với người sống, lời thiên về một phía và có tính ích kỷ. Chúng ta đang đứng giữa ranh giới hữu hình và vô hình. Lấy gì chứng minh rằng người vừa đã khuất không buồn rầu nhớ thương luyến tiếc, không có gì để lo?

Một phụ huynh
Thu Sydney 5/2016