CÓ BẠN
Từ trước tới nay sự quan tâm và nỗ lực của chính phủ và các nơi cung cấp dịch vụ chú mục vào việc cải thiện phẩm chất cuộc sống của người khuyết tật về các mặt gia cư, giáo dục, việc làm và gần đây hơn là sức khỏe. Dù vậy, cuộc sống người khuyết tật có một điểm chung là thiếu tình bạn, có ít cơ hội giao tiếp với bạn mà họ có. Việc giao tiếp xã hội của họ chính yếu chỉ là với thân nhân trong gia đình và nhân viên chăm sóc có trả lương. Cho nhiều người, có vẻ như có rất ít cơ hội để tình trạng này thay đổi, và hệ quả là họ cảm thấy cô đơn.
Kinh nghiệm của ta và nghiên cứu nơi người bình thường thấy rằng có tình thân và nhất là tình bạn, là chuyện cần thiết để có sức khỏe tốt và được an vui, đối phó được với những thử thách trong đời. Kế đó, việc thiếu những mối liên hệ đáng kể hay liên kết với việc dễ mắc bệnh, sức khỏe suy sụp và chết sớm. Với ai có khuyết tật về trí thông minh, khó khăn trong việc không có những giao tiếp xã hội khác nhau và mang lại lợi ích còn có thể góp phần sinh ra bệnh tâm thần, như lo âu, sầu não, cho hệ quả là có thay đổi hành vi đáng ngại.
Càng lúc sự việc càng thấy rõ là tuy nhiều người khuyết tật trẻ có gia đình thương yêu chăm lo, được sử dụng nhiều dịch vụ thích hợp, họ lại thiếu rất nhiều sự hỗ trợ để làm bạn và duy trì tình bạn. Kết quả là trong khi người trẻ khuyết tật xem ra mạnh khỏe hơn, có mức học vấn cao hơn, có nhiều cơ hội hơn để tìm việc so với ngày trước, họ vẫn cho hay là thấy cô đơn và cần có bạn. Tình trạng này rất nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tâm lý của họ.
Nhiều người trẻ có khuyết tật khi được phỏng vấn đã nhìn nhận giá trị của gia đình như nói rằng:
— 'Mẹ luôn luôn hiểu ý tôi.'
— 'Ba chở tôi đi mọi chỗ'.
— 'Anh chị em vui lắm'.
Tuy vậy nhiều người cũng nhìn nhận sự quan trọng của bạn bè, muốn có bạn ngoài vòng gia đình để giao tiếp, dành thì giờ với nhau:
— 'Tại vì họ cùng lứa với tôi'.
— 'Bởi lẽ bạn giống như tôi'.
— 'Tại vì họ cũng có khuyết tật và biết có bệnh thì ra sao'.
Các thanh niên này có ý niệm rõ ràng về ai người họ muốn kết bạn nhưng bảo:
— 'Họ không hiểu đâu.'
— 'Họ không biết phải làm gì'.
Cha mẹ và anh chị em có vai trò quan trọng trong cuộc sống của người khuyết tật, ngoài cương vị là thân nhân trong gia đình, có mặt sẵn đó khi cần để trợ giúp, họ còn có thể tạo cơ hội và giúp cho người khuyết tật tìm bạn ngoài vòng gia đình, với ai đồng trang lứa có khuyết tật hay không. Tìm xem ai mà con hay anh chị em của bạn thích kết giao, tìm hiểu và rồi tạo cơ hội cho họ có thì giờ giao tiếp với nhau, có thể là một trong những điều quan trọng nhất bạn làm để mang lại hạnh phúc lâu dài, và là điều tốt đẹp cho sức khỏe tâm thần.
Cũng quan trọng y vậy là một khi tình bạn có rồi, hãy nỗ lực tạo cơ hội để duy trì liên lạc nếu có đổi nhà hay việc làm, đổi chỗ ở. Nhiều người trẻ cho biết có bạn rất thân mà mất liên lạc vì khi một trong hai người dọn nhà, không ai nghĩ đến việc ghi lại địa chỉ hay số điện thoại. Khi khác thì lúc học xong rời trường hay đổi chỗ làm, họ không còn gặp lại bạn nữa và không biết làm sao để liên lạc. Thấy rõ là trong lúc gia đình và nơi cung cấp dịch vụ hỏi họ giờ rảnh muốn làm việc gì, không có câu hỏi là họ muốn làm chuyện đó với ai.
Vài người nói họ có bạn ở chỗ làm, nhưng chỉ gặp bạn khi đi làm và không hề có cơ hội gặp bạn lúc cuối tuần, hay dành thì giờ với bạn trong cảnh thoải mái, chuyện trò thân mật. Thường thường cuối tuần là dành thì giờ với gia đình hay với ai mà họ sống chung, tuy nhiên đôi lúc họ muốn vui chơi với người khác ngoài gia đình hay nhóm người mà họ sống chung trong nhà tập thể.
Người trẻ cũng nói khi họ nghỉ hè (thường là với gia đình), hay khi chỗ làm đóng cửa nghỉ lễ, cả mấy tuần họ không gặp được bạn. Họ cũng than phiền là thấy lo lắng nếu bạn ở chỗ làm bị đau ốm phải nghỉ vài hôm, và không có ai chịu cho họ hay là bạn có khỏe chưa, họ có thể tới thăm ở bệnh viện không, hay ít nhất có ai giúp họ gửi hoa và thiệp cho bạn.
Họ lập đi lập lại nhiều lần rằng muốn mời bạn đến nhà chơi:
— 'Để xem một phim video',
— 'Chỉ để nói chuyện chơi ngoài sân'.
Điều đáng nói khác là họ coi trọng cơ hội 'Có thì giờ để chơi riêng với bạn, không có ba hay mẹ lắng nghe'.
Các thanh niên thuật lại là đã nhờ giúp để gọi điện thoại cho bạn, để nhớ ngày sinh nhật và do vậy có thể mua thiệp chúc mừng hay mua quà cho bạn. Họ hỏi làm sao để được giúp mua quà giáng sinh hay những dịp lễ lạc khác cho bạn bè. Ta thấy ngay đây là những cơ hội cho họ làm một việc có nghĩa cho người khác, ai quan trọng đối với họ. Tình bạn cho người khuyết tật cơ hội độc đáo để cho ra trong mối liên hệ, thay vì ở cương vị phải luôn luôn thọ lãnh; mà đó là tình trạng của họ khi được chăm sóc cả đời. Nó cho cơ hội được đóng góp, là kinh nghiệm ít có đối với họ nhưng lại quan trọng cho giá trị ta gán cho chính ta.
Nghiên cứu gợi ý rằng người khuyết tật không những cần có gia cư thích hợp, giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khoẻ và cơ hội tham gia vào cộng đồng, mà cũng cần gia đình và nơi cung cấp dịch vụ giúp họ kết bạn và duy trì tình bạn.
Theo Down Syndrome Ireland Newsletter, Spring 2006.