CHỐI BỎ
Chẳng biết rằng do hợp nhãn, hợp khẩu hợp suy luận hay do cả hai cùng làm mẹ mà cô thường giữ tôi lại năm mười phút trong giờ trà sáng hoặc xong giờ học để chuyện vãn. Sau nhiều lần nói chuyện qua lại cô biết tôi có con khuyết tật và đang nuôi dạy cháu, hơn hai mươi năm qua chỉ biết lo chăm sóc dạy dỗ con mà quên cả bản thân, vì thế mà trở thành người mù chữ. Những tháng ngày còn trẻ mắt sáng tóc đen chỉ biết lo cho con, ngày nay mắt mờ tóc đã điểm sương thì mới quay lại lo thân, ôm tập đến trường học lầm bầm ba chữ dằn bụng phòng thân may ra còn biết ú ớ chút đỉnh khi khẩn cấp. Tuy khó khăn chính là Anh ngữ nhưng hiện thời tôi đang tham gia nhóm khuyết tật tham dự các buổi học để có thêm kiến thức về lãnh vực này mà dạy con. Thế nên chuyện thỉnh thoảng của tôi và cô dần biến thành thường xuyên hơn … tôi không dồi dào Anh ngữ nhưng miệng nói tay quơ phụ mà cô hiểu, hiểu một cách thấu đáo và không ngờ một hôm cô tâm sự về đứa con út:
‘Sau nhiều lần tiếp xúc theo dõi qua đối thoại thì chuyên gia tâm lý cho biết cháu có chứng AS (Asperger) mà không phải do ngôn ngữ bất đồng như tôi nghĩ. Tôi cho rằng vì trở ngại này khiến cháu không theo dõi kịp bài giảng của thầy cô, không làm bài kịp như chúng bạn để nộp và chuyện học ngày một thụt lùi. Biết thế nên tôi ra sức giúp con làm homework nhưng hai mẹ con thường gặp xung đột, rồi vì cháu làm sai nhưng lại cho rằng mẹ không đúng, cứ thế mà thua kém bạn bè.
Thật lòng mà nói khi có gia đình, sinh và nuôi dưỡng hai con thì tự bản thân tôi đã có nhiều kinh nghiệm, bởi vì tôi là chị cả của một gia đình với năm chị em. Thế nên trong quá trình nuôi con, tôi biết con mình có vấn đề vì cháu có nhiều nét kỳ kỳ, bất thường hơn anh và khác biệt các trẻ nhỏ khác. Trước mắt là vậy nhưng tôi rất sợ phải nghe, không bao giờ muốn nghe và chấp nhận lời phê của chuyên viên lẫn người có thẩm quyền, để giải quyết tình trạng khác thường của cháu. Con người ta không ai giống ai, những chuyện nêu trên xét ra cũng chưa đủ yếu tố để phê rằng cháu có chứng AS.
Gia đình chúng tôi xin di dân sang Úc với hai con theo diện tay nghề đã mười năm nay. Ba cháu là bác sĩ toàn khoa còn tôi là giáo sư Anh ngữ nên không gặp trở ngại khó khăn chi cả. Dòng họ hai bên đều khá giả, tất cả đều có học thức cao, có chức phận và làm việc trong các cơ quan lớn nổi tiếng tại Hồng Kông, cho nên lời định bệnh của chuyên gia tâm lý theo nhận xét cá nhân sao có vẻ mơ hồ quá. Thiết nghĩ ông còn sót một yếu tố là không hiểu cho tâm trạng của một thanh niên sinh ra tại Hồng Kông, có nhiều sinh hoạt đã gắn bó với quê mẹ mười hai năm qua, rồi đột nhiên nay phải theo cha mẹ bỏ quê hương để đến sống ở một đất nước xa lạ, khả năng nói chỉ vỏn vẹn được có một ngôn ngữ trong khi anh của cháu thì không gặp khó khăn này.
Do sinh trưởng ở Hồng Kông nên cháu nói tiếng Hoa tương đối dễ hiểu, còn tiếng Anh thì tiếng được tiếng không; mặc dù tôi là mẹ là thầy dạy Anh ngữ lắm khi cũng không hiểu con nói gì, nhưng tuyệt đối không chấp nhận lời định bệnh của chuyên gia tâm lý.
Sau mười năm định cư anh của cháu tốt nghiệp kỹ sư và có việc làm vững chắc. Hiện chúng tôi chỉ nặng lòng với đứa con thứ hai này. Tuy là anh em nhưng xét có quá nhiều khác biệt, anh thì học giỏi, thông minh lanh lợi hoạt bát, biến ứng mau lẹ. Còn em thì rất ít nói, không bạn bè và không thích ai đưa bạn về nhà, tối ngày cứ rút trong phòng ngồi miệt mài trước máy computer, giường bàn học quần áo hôi hám dơ dáy cháu không thay ra để giặc giũ cho thơm sạch, phòng bề bộn đến nỗi không có lối đi vào, nếu tự ý dọn dẹp thì cháu bực tức khóc la; còn bảo cháu làm thì có dạ, có gật đầu đó nhưng không bao giờ thực hành. Thật là khổ hết sức.
Tôi nghĩ chuyên viên không sành về tâm lý nên đã cho ra nhận đinh không đúng. Theo hiểu biết cá nhân thì những bệnh thế này chỉ xảy ra cho những gia đình nghèo, thiếu ăn lao động lam lũ kiến thức kém.’
Là người có tí tí kiến thức về khuyết tật và hơn hai mươi năm nuôi dạy con nên khi nghe cô chia sẻ nỗi khổ tâm của một người cao danh lắm vọng luôn chối bỏ một sự thật trước mắt, thâm tâm tôi muốn hỏi rằng khi đã có sự tự lựa chọn rồi thì tất cả có thật sự vui hưởng không?
Tôi nghĩ rằng cần làm thinh để nghe mà không nên tiếp tục hao hơi, nghe là giúp giảm áp lực. Tôi có con khuyết tật nên luôn bênh vực người cô thế. Trẻ AS này là con ruột của cô tức nhiên là cháu của tôi. Cha mẹ không hy sinh cho máu thịt của họ thì tôi làm được gì? Đây là sự lựa chọn của cô nhưng xét cạn cùng thì người thiệt thòi vẫn là cháu. Riêng tôi thì rất đau lòng.
Với giấy chứng nhận bệnh cháu sẽ hưởng được nhiều quyền lợi, nhận được giúp đỡ hỗ trợ để tiếp tục học và biết đâu chừng sẽ tốt nghiệp bác sĩ kỹ sư đáp ứng đúng tham vọng của mẹ cha. Chuyện đời nói dễ khó làm, phải chi cô biết chấp nhận sự thật thì em sẽ dễ thở hơn và những thành viên khác trong gia đình sẽ nhẹ thở hơn em, nhất là cô.
Xuân Sydney 2008
Kh