CHIA  SẺ  01 

 

LỜI  CÁM  ƠN  

CỦA  PHỤ  HUYNH  CÓ  CON  TỰ  KỶ  Ở  VIỆT  NAM

 

 

Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình khỏe mạnh, khôn lớn như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng đôi khi niềm mong ước ấy cũng không thành hiện thực.

 

Bé Hằng sinh năm 2000. Bé dễ nuôi, phát triển về thể chất bình thường cho đến khi gần 18 tháng thì gia đình thấy có sự khác lạ so với các bé khác. Bé chưa thể phát âm, không hồi đáp, không mừng mẹ khi đi làm về. Ba mẹ đã bồng bé đi bệnh viện nhưng các bác sĩ không nói bé bị bệnh gì mà chỉ nói “không sao đâu, bé còn nhỏ lắm, đừng lo lắng gì hết”. Đến khi bé 3 tuổi thì tình trạng vẫn không cải thiện được gì hết. Lúc đó, các bác sĩ lại có nghi ngờ bé bị bệnh tự kỷ.

 

Ở VN, bệnh tự kỷ lúc bấy giờ rất mới lạ với phụ huynh, hầu như không ai hiểu được bệnh này. Tài liệu rất hiếm và các bác sĩ cũng chỉ nói rất chung chung và không có cách gì để giúp phụ huynh dạy con của mình.

 

Tình cờ được một cô giáo dạy bé Hằng ở trường Sương Mai cho mượn cuốn sách “Để Hiểu Chứng Tự Kỷ” của Nhóm Phụ Huynh có con khuyết tật ở Úc, tôi đọc đi đọc lại rất nhiều lần và khi đọc xong thì cảm thấy buồn vui lẫn lộn. Buồn vì bệnh này không thể chữa dứt được và vui vì thấy dù sao con mình cũng có hướng phát triển tốt hơn nếu mình nỗ lực dạy bé. Rất tiếc là sau một năm khi đọc cuốn sách này tôi mới có dịp liên  lạc với chị Duyên bên Uùc để nhờ chị  chỉ dẫn  thêm về cách thức dạy bé và củng cố tinh thần khi tôi cảm thấy hụt hẫng.

 

Sau 3 tháng dạy bé với muôn vàn khó khăn, gia đình tôi và cô giáo bé đã làm mọi cách để giúp bé phát triển. Chúng tôi đã rơi nước mắt khi nghe lần đầu tiên con mình gọi ba, gọi mẹ (dù chỉ là phát âm kiểu bắt chước), và đó là động lực giúp mọi người cùng hết sức mình dạy bé vì chỉ có dạy và dạy thì bé mới tiến bộ được.

 

Bé Hằng đã học được gần 2 năm với mọi sự nỗ lực của cả gia đình và các cô giáo và đã tiến bộ khá nhiều. Mục tiêu của gia đình là dạy bé tất cả mọi điều xảy ra trong cuộc sống, và mỗi điều dạy được là một kỳ công mà chúng tôi đã vượt qua. Điều gia đình rút ra được là :Phương pháp dạy bé rất đa dạng và cũng tùy thuộc mỗi bé có thích nghi hay không nên phụ huynh khi áp dụng cũng nên cân nhắc và uyển chuyển thay đổi nếu không thấy hiệu quả.  Điều này chúng tôi đã học kinh nghiệm từ Nhóm Tương Trợ Phụ Huynh VN có Con Khuyết Tật và Chậm Phát Triển tại NSW Úc Châu.

 

Chúng tôi rất cảm phục những gia đình đã dạy các bé trong nhiều năm qua và chỉ khi dạy con mình gia đình càng biết được nỗi khổ của các phụ huynh cùng cảnh ngộ. Tuy nhiên, con đường chông gai còn ở phía trước, những khó khăn và các vấn đề xung quanh khác xảy ra gây áp lực rất lớn cho phụ huynh.

 

Chúng tôi muốn qua bài viết này gửi lời nhắn nhủ với các phụ huynh hãy cố lên, cố  vượt qua tất cả vì bé, dạy bé mọi lúc mọi nơi, dạy đến khi nào có thể và không bao giờ là muộn để dạy bé cả.

Nỗi mong ước lớn nhất của tất cả các phụ huynh ở VN là có một tổ chức, một ngôi trường đặc biệt chuyên dạy các bé tự kỷ để các bé có thể tiến bộ nhanh vì gia đình trị liệu hay các lớp học hiện nay chưa thể giúp các bé nhiều được mà cần sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn, của xã hội về chuyên môn cũng như cơ sở vật chất,để các bé bị bệnh thuộc mọi tầng lớp xã hội cũng đều có cơ hội được can thiệp sớm, mau chóng hòa nhập xã hội.

Nhân thư này gia đình bé cũng gửi lời cám ơn chân thành đến các nhà tâm lý, các hội phụ huynh, Nhóm Phụ Huynh bên Úc, các cô giáo đã giúp đỡ gia đình rất nhiều trong việc dạy bé. Gia đình cũng mong được chia sẻ những kinh nghiệm lẫn nhau giữa các phụ huynh để giúp các bé tốt đẹp hơn.

Chúng tôi rất cám ơn Nhóm Tương Trợ Phụ Huynh bên Úc đã tạo điều kiện để các gia đình khắp nơi có dịp trao đổi với nhau, giúp đỡ nhau qua các bài viết trong các tập san hàng năm, đó là động lực hỗ trợ rất lớn cho các phụ huynh về kinh nghiệm, chuyên môn và rất nhiều vấn đề xung quanh khác.

 

 

Mẹ bé Hằng.

Sài Gòn.