AUSLAN 

 

 

 

Giới Thiệu.

 

Một điều ít người biết là có nhiều ngôn ngữ bằng dấu khác nhau cho các cộng đồng người điếc, giống như có nhiều ngôn ngữ bằng tiếng nói khác nhau cho người nói được. Mỗi ngôn ngữ bằng dấu này không do một ai sáng chế ra hết mà do nhiều người cùng làm nên trải qua thời gian, và cũng biến đổi theo thời gian y như ngôn ngữ bằng tiếng nói, là có những dấu mất đi và dấu mới sinh ra. Auslan là ngôn ngữ bằng dấu dành cho người điếc tại Úc, rút gọn từ các chữ Australian Sign Language. Auslan không phát xuất từ tiếng Anh hay dựa trên tiếng này mà nó có cách xếp đặt và văn phạm riêng. Nó là tiếng mẹ đẻ của nhiều người điếc có cha mẹ điếc, người nghe được mà cha mẹ điếc, hay là ngôn ngữ chính của những người bị điếc lúc lớn tuổi. Người điếc tại Úc dùng song ngữ trong đời, Auslan và tiếng Anh cả nói lẫn viết.

 

I. Lịch Sử.

 

Auslan sinh ra từ ngôn ngữ bằng dấu của Anh (British Sign Language BSL) và Ái Nhĩ  Lan được mang vào Úc hồi thế kỷ 19. Ngôn ngữ bằng dấu của Tân  Tây Lan (New Zealand Sign Language NZSL) cũng có nguồn gốc giống vậy, cả ba ngôn ngữ bằng dấu Auslan, NZSL và BSL có liên hệ với nhau nên được xem là thổ ngữ của một ngôn ngữ chung BANZSL. Auslan rất gần với BSL, BSL đương thời và Auslan đương thời đều cùng sinh trưởng từ BSL dùng hồi đầu thế kỷ 18, nhất là dạng BSL trong các trường nội trú của Anh lúc bấy giờ, tuy sau khi du nhập vào Úc và Auslan phát triển thì nó sinh ra một số dấu riêng đặc biệt. Mặt khác tuy Úc và Hoa Kỳ đều dùng tiếng Anh nhưng Auslan và ngôn ngữ bằng dấu của Mỹ (American Sign Language ASL) khác nhau tuy một số dấu của ASL được du nhập vào Auslan. Người Úc dùng Auslan và người Mỹ dùng ASL sẽ không hiểu nhau và không thể nói chuyện với nhau. 

 

Tuy Auslan dùng trong các tiểu bang tại Úc có những khác biệt nhỏ, tính ra có hai thổ ngữ chính của Auslan là nam và bắc, sinh ra do việc thành lập hai trường nội trú lớn tại Melbourne và Sydney. Ông Thomas Pattison lập trường cho người điếc tại Sydney (bắc) năm 1860, và ông Frederick Rose lập trường tại Melbourne (nam). Ông Pattison được giáo dục tại Scotland còn ông Rose tại Ireland nên hai trường tại Sydney và Melbourne chịu ảnh hưởng riêng biệt của mỗi người, có cách ra dấu khác nhau phản ảnh nguồn gốc của các giáo sư. Dầu vậy sau một thời gian dài sự khác biệt giảm đi cộng thêm với việc đi lại dễ dàng, và gần đây nhiều tự điển Auslan đuợc soạn ra khiến hai thổ ngữ nam và bắc tiến lại dần với nhau, liên lạc không còn mấy khó khăn. Sự kiện này khiến cho không có nỗ lực tiêu chuẩn hóa Auslan giữa các vùng. Tự điển đầu tiên về ngôn ngữ bằng dấu Auslan của Úc được soạn năm 1989, và gần đây đã có tự điển trên internet lẫn CDROM.

 

Ngày nay Auslan đang có thay đổi mau lẹ. Auslan được sử dụng ở trung và đại học, các dịch vụ y khoa, luật pháp, chính quyền tạo nên nhiều đòi hỏi cho thông dịch viên và người điếc. Diễn biến này sinh ra ba đáp ứng chính:

- muốn tiêu chuẩn hóa Auslan.

- đặt thêm dấu mới để đáp ứng nhu cầu mới, thí dụ dấu cho chữ email, internet.

- mượn từ những ngôn ngữ bằng dấu khác, nhất là ASL.

Đa số người trong cộng đồng Úc muốn dùng căn bản sẵn có của Auslan để phát triển và làm dồi dào phần ngữ vựng, một số không phản đối việc mượn dấu từ ASL. Việc ASL và Auslan được sử dụng trong hai cộng đồng lớn cùng nói tiếng Anh (Úc và Hoa Kỳ) có thể khuyến khích việc mượn này. Nhiều dấu mượn từ ASL có tính kỹ thuật và cho ngữ vựng trong Anh văn viết, tuy nhiên một số lớn người dùng Auslan bác bỏ việc mượn dấu của ASL khi đã có dấu thích hợp sẵn trong Auslan.

 

 

II. Anh Ngữ Bằng Dấu (Signed English SE)

 

Vào đầu thế kỷ 20 có khuynh hướng cho rằng cần phải dạy trẻ điếc biết nói tiếng Anh nên Auslan bị mất ảnh hưởng, thay vào đó các thầy cô dùng SE ở trường. Học sinh bị cấm không cho ra dấu, bị phạt phải ngồi lên hai tay trên ghế nếu bị bắt gặp ra dấu, nhưng bởi đây là ngôn ngữ tự nhiên nên các em chỉ vâng lời trước mặt thầy cô trong lớp, khi thầy cô ngoảnh mặt thì học sinh ra dấu với nhau, Auslan do đó tiếp tục được sử dụng chui ở trường và ở nhà giữa cha mẹ điếc với con. Với cha mẹ nghe được mà sinh con bị điếc thì trẻ và cha mẹ không biết đến Auslan, do đó một số người điếc lớn tuổi ngày nay dùng SE hơn là Auslan.

 

SE không phải là ngôn ngữ tự nhiên như Auslan mà là cách biểu lộ tiếng Anh bằng dấu, làm cho tiếng Anh hữu hình để giúp người điếc học và nói tiếng Anh, nói khác đi SE theo sát cách nói Anh văn nên bị gò bó thiếu tự nhiên. Lấy thí dụ câu 'John is tall', Auslan sẽ ra hai dấu 'John' và 'tall', còn SE sẽ ra ba dấu 'John', 'is', và 'tall'. Thí dụ khác là câu 'Mary is talking to Mike'. Auslan sẽ có các dấu Mary, talk, Mike, còn SE có dấu Mary, is, talk, ing, to, Mike. Đây là phương pháp nói chuyện Anh ngữ bằng tay, sử dụng nhiều dấu do các nhà giáo dục soạn ra không thuộc hệ thống dấu sẵn có của cộng đồng người điếc. Vì vậy khi người nghe được mà dùng SE để nói chuyện với người điếc thì đôi bên không hiểu nhau hay có hiểu lầm. SE bị phản đối trong cộng đồng người người điếc và trong thập niên 1980 bắt đầu có đòi hỏi dùng Auslan , ngôn ngữ đích thực của người điếc, để dạy trong trường thay vì SE.

 

Nếu có con bị điếc thì bạn nên học Auslan để nói chuyện với con, và yêu cầu cho con học Auslan nếu trường dạy em SE. Lý do là khi trẻ tiếp xúc với cộng đồng người điếc mà không biết Auslan em sẽ bị thiệt thòi, không thể liên lạc nói chuyện. Khuynh hướng lúc này là cha mẹ cho con đặt máy trợ tai, gắn cochlear khi điều kiện cho phép, một số trẻ vì vậy có thể nghe và nói được nhưng thường cha mẹ vẫn nên cho con học thêm Auslan nếu khả năng nghe và nói của em không đuợc rõ ràng, lưu loát. Nó có nghĩa cha mẹ nên đến thăm trường, hỏi cho biết trường dạy Auslan hay SE. Nếu trường không chịu dạy Auslan cho con bạn thì nên đi tìm trường khác, mà không nên hoàn toàn phó mặc mọi việc cho thầy cô.

 

 Kế tiếp có khi nên xét lại ý muốn cho trẻ điếc biết nói với bất cứ giá nào. Chủ trương ấy trước kia đã khiến trường dành nhiều thì giờ dạy trẻ tập nói cho thành thạo hơn là dạy chữ, kết quả là khi xong trung học, mức hiểu biết của em chỉ bằng trẻ lớp ba, không được cho cơ hội phát triển khả năng mà em cũng không nói rành bằng người nghe. Ngược lại nếu cha mẹ chấp nhận rằng trẻ không thể nói lưu loát và cho em học Auslan, khi ra trường em có thể có khả năng tương đương với trẻ nghe được, đủ sức tiếp tục đi lên như trường TAFE hay đại học, cho tương lai nhiều cơ may hơn. Tại trường TAFE và đại học  đều có thông dịch viên miễn phí ở lớp cho ai cần.

 

Ta đã thấy ngôn ngữ bằng dấu của các nước khác nhau, và người nước này không thể liên lạc với nước kia.  Tuy nhiên do có giao tiếp giữa các nước thí dụ như thế vận hội cho người khuyết tật (Para-Olympics) thì một số dấu hiệu chung đuợc công nhận và sử dụng, đó là tên gọi các nước.

 

 

III. Cộng Đồng Người Điếc.

 

Số người điếc và lãng tai ở Úc là gần một triệu, trong đó  có từ  30.000 đến 42.000 người dùng Auslan là ngôn ngữ chính để liên lạc, gồm người điếc và gia đình của họ. Người điếc  có cộng đồng của họ, những người này không coi mình là khuyết tật về bất cứ nghĩa nào, mà xem mình như là cộng đồng thiểu số giống như người thuộc nguồn gốc không nói tiếng Anh. Cha mẹ bình thường có thể sinh ra con bị điếc, và cha mẹ điếc có thể sinh ra con bình thường nghe được. Trong trường hợp sau tiếng mẹ đẻ của trẻ hay ngôn ngữ đầu tiên mà em biết là dấu hiệu tức Auslan, ngôn ngữ nói là tiếng thứ hai của em. Cả cha mẹ và con nếu sử dụng Auslan đều có thể sinh hoạt trong cộng đồng người điếc. Trẻ điếc biết Auslan có thể sinh hoạt dễ dàng trong cộng đồng điếc hơn là trẻ biết  SE.

 

Tính ra người điếc có 5 cách liên lạc:

   - nói

   - đọc môi (lipreading)

   - dùng Auslan

   - dùng SE (signed English)

   - ra dấu từng mẫu tự (finger spelling)

Dầu vậy người  bị điếc nặng bẩm sinh nói rằng học nói rất khó cho họ, đọc môi thì cực nhọc mà cho kết quả không chính xác. Có người nói được nhưng quan niệm chung coi đó là ngoại lệ, còn ai không nói được thì khi xong trung học họ vừa không thể nói mà cũng không thể ra dấu, thiếu học vấn tối thiểu vì dành quá nhiều giờ ở trường để học phát âm những mẫu tự mà họ không thể nghe. Trên thực tế người điếc được giáo dục kém và biết đọc ít hơn người thường, bất kể phương pháp nào được áp dụng để dạy. Mức biết đọc biết viết của người điếc thường rất thấp vì với họ Anh văn là ngoại ngữ y như tiếng Đức, tiếng Ý với người  Úc thường, nhưng họ cần phải giỏi Anh văn để tìm nghề thích hợp như bất cứ ai khác.

 

Nói chung người điếc chống lại việc dạy nói và nghe cho trẻ điếc, mà chủ trương dạy Auslan và SE cho trẻ ở trường học. Lý luận của họ là trẻ điếc cần biết Auslan để không bị cắt đứt khỏi cộng đồng người điếc cùng phát triển giao tế và trí thức. Biết Auslan còn là cách phòng thân cho em có phương tiện giao thiệp nếu không thể học nói và nghe được. Đa số trẻ điếc khoảng 90% do cha mẹ nghe được sinh ra, số còn lại  thuộc gia đình có bệnh điếc di truyền. Những người này đóng vai trò chính yếu trong việc phát triển nền văn hóa điếc, và duy trì ngôn ngữ bằng dấu Auslan  dù bị nhiều trở ngại trong quá khứ. Khi trẻ học Auslan từ lúc nhỏ tức nó là tiếng mẹ đẻ thì em học nó y như trẻ cùng tuổi học nói và phát triển  theo những giai đoạn tương tự. Trở ngại của Auslan khi hoạt động trong cộng đồng lớn là người điếc cần phải có thông dịch, hoặc thông dịch không có sẵn hay người ta không thể trả chi phí thông dịch khi gặp bác sĩ, luật sư v.v.

 

Kỹ thuật phát triển giúp cho nhiều người điếc nghe được hơn,  ngày nay đó là việc ghép cochlear, hơn phân nửa trẻ điếc nặng ở NSW nay được gắn cochlear, và những bệnh gây ra tật điếc như mẹ bị sởi lúc có mang, trẻ nhỏ bị sưng màng óc nay bị loại trừ gần hết, có nghĩa càng ngày càng có ít người bị điếc bẩm sinh. Nhiều trẻ điếc nay có thể nghe nên học nói rõ ràng hay ít nhất phát âm làm người ta hiểu được và không cần đọc môi. Tuy nhiên vấn đề chính vẫn là các em phải chú ý kỹ để nghe ra âm, có em nghe giỏi mà cũng có em nghe không bằng. Chuyên gia cho rằng trong khoảng hai mươi năm nữa trẻ điếc nhờ gắn cochlear có thể theo học trường bình thường, ngôn ngữ bằng dấu vì vậy sẽ tàn lụi.

 

Cộng đồng này sinh hoạt rất hào hứng như mọi cộng đồng khác,  tại Hoa Kỳ  cộng đồng người điếc có  kịch nghệ với sân khấu cho người điếc, nhà thờ có phần hát thánh ca cho người điếc, hát bằng cách ra dấu cùng lúc với người hát ra tiếng, và trên thế giới thì có Thế Vận Hội cho người điếc.

Họ cũng có văn hóa người điếc, nó nói rằng:

— Tật điếc được chấp nhận  mà không được xem như là vấn đề phải chữa cho khỏi.

— Chú trọng vào chuyện người điếc có thể làm được, tin rằng họ có khả năng vô giới hạn thay vì nhấn mạnh đến khiếm khuyết và điều họ không thể làm được, hay chỉ có khả năng giới hạn.

— Khuyến khích việc nhìn và ra dấu, phát triển kỹ năng ngôn ngữ theo cách ấy cùng xem đó là cách có giá trị để liên lạc, thay vì không nhìn nhận ngôn ngữ bằng dấu mà nhấn mạnh việc phát triển kỹ năng nói. Quan niệm sau xem lời nói là phương pháp duy nhất có giá trị để liên lạc, coi nhẹ ngôn ngữ bằng dấu.

— Anh ngữ được chấp nhận là ngôn ngữ  thứ hai của người điếc, thay vì bắt buộc họ dùng nó làm ngôn ngữ thứ nhất.

— Xem người điếc cũng thông minh như người nghe được. Quan niệm sai lầm tin rằng người điếc học chậm có trí thông minh thấp.

— Công nhận có cộng đồng người điếc, thay vì phủ nhận sự hiện diện của cộng đồng này, và cho rằng người điếc cần hội nhập vào thế giới của người nghe được.

— Có quan niệm tin rằng  ai không biết nói là kém thông minh, nhưng không phải vậy. Biết nói không phải là dấu hiệu của sự thông minh. Quan niệm ấy hoàn toàn sai lầm cần bác bỏ. Mặt khác người điếc mà học nói luôn luôn thấy họ bị yếu thế và không có lợi bằng người nghe và nói được vì người sau này nói khá hơn.  Người điếc có giọng nói bình thường nhưng không thể nghe để bắt chước do đó không thể nói, mà cũng không thể nghe giọng mình để sửa chữa, thay đổi. Dụng cụ trợ thính chỉ làm tăng cường độ âm thanh mà không làm âm trong trẻo hơn, tức không giúp người điếc nghe bình thường, nó cho người ta nghe được một chút mà không nghe được tất cả,  nó không tái tạo lại thính giác. Gắn cochlear vì vậy không chữa hết tật điếc, cũng như điếc không phải là bệnh để chữa.  

 

 

IV. Khó Khăn

 

Nhân đây ta nói thêm về những khó khăn của người điếc, bạn cần tưởng tượng một chút để thấu hiểu trở ngại người điếc gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.

 

a/ Tổng Quát.

— Trong gia đình, bình thường trẻ học có quan niệm, giá trị về các vấn đề bằng cách lắng nghe cha mẹ, ông bà, người lớn nói chuyện. Trẻ bị điếc không nghe được sự trao đổi ý kiến để tạo cho mình quan niệm đúng hay biết quan niệm nào là đúng, vì vậy cha mẹ phải giải thích mọi việc cho con rõ, đừng cho rằng tự động con cũng sẽ biết.

— Di chuyển. Lấy thí dụ loa phóng thanh loan báo là xe lửa đến trễ 5 hay 10 phút, hay xe sẽ ngừng ở X mà không chạy đến trạm Y  và hành khách phải đổi xe ở X, người nghe được thì không nóng lòng hay biết đổi xe còn người điếc thì sao ? Họ không biết việc gì xẩy ra nên khi xe ngừng thì lo âu, bối rối. Cách giải quyết là có đèn nhấp nháy để lưu ý cùng bảng hiệu chạy lời chỉ dẫn. Bạn có thể đề nghị để hệ thống giao thông lưu ý đến việc này.

— Sắm hàng. Siêu thị đôi khi đột ngột loan báo món hàng nào đó sẽ hạ giá 20% trong vòng một tiếng đồng hồ. Người điếc cũng là người tiêu thụ như ai khác nhưng họ không có được thông tin và do đó bị thiệt thòi.

— Họ không biết được thay đổi về thời tiết như có giông bão, lụt, thông báo khẩn trên radio về giông bão, động đất.

— Cần lấy hẹn trước để có thông dịch viên cho  việc khám bệnh, vấn dề luật pháp, đám cưới, tang lễ, trường học, giải trí.

— Họ không biết có đình công bất ngờ loan báo trên radio.

— Không nghe chuông báo động hỏa hoạn.

— Không nghe được radio, điện thoại nơi chỗ làm việc, thông tin thâu băng sẵn cho du khách, băng phát âm chỉ dẫn cho máy điện toán .

 

b/ Kỳ Thị.

Người điếc muốn được đối xử bình đẳng như người nghe được mà không muốn có nhân nhượng vì khuyết tật của họ. Bạn nên biết điều này để xử sự thích hợp.  Một số người điếc có thể hiểu ta nói gì khi nhìn vào môi cử động, trong trường hợp đó bạn đứng đối diện cho họ thấy rõ miệng, nói một cách bình thường mà không cần chậm rãi quá đáng. Nếu họ nghe được thì bạn không cần nói to hay nói chậm, cứ nói tự nhiên đừng gượng ép giả tạo, tuyệt đối đừng nói từng chữ rời một làm như  đang nói với người dốt nát. Bạn cũng nên tế nhị trong cách cư xử, với người lãng tai lúc có tuổi, phải gọi nhiều lần và gọi lớn họ mới nghe. Khi lên tiếng trả lời thì đã trễ, người gọi mất hứng có thể lạnh nhạt đáp:

- Thôi, không có gì.

Câu này vừa gây bực bội vừa làm tổn thương người bị lãng tai vì đối với họ chuyện 'rất có gì', họ cảm thấy bị coi thường chỉ vì sự suy yếu tự nhiên của cơ thể. Sự thông cảm và kiên nhẫn sẽ tránh được cảm tưởng đáng tiếc ấy. Nếu không có gì thì bạn gọi họ để chi ?

 

c/ Nhà cửa.

1. Bởi họ không thể nghe, nhà cho người điếc nên có vách nhìn xuyên thấu được cho phép họ thấy xa, thấy rộng rãi chung quanh nhất là cha mẹ điếc cần theo dõi con nhỏ.

— Không nên có vách ngăn giữa bếp và phòng ăn hay phòng khách để có tầm nhìn tối đa.

— Bếp nên ở ngay trước nhà để chủ nhân biết được ai vào ra, và không bị bất thình lình có khách đến mà không biết.

— Nhà không nên có lầu mà chỉ nên có một tầng.

 

2. Sàn nhà nên bằng gỗ thay vì lót thảm, lý do là người điếc cảm được sự rung động, thảm ngăn lại rung động còn gỗ truyền đi nên họ có thể cảm được bước chân, tiếng nện chân, và liên lạc được với nhau bằng cách dậm chân trên sàn để làm chú ý, hay biết có ai vào nhà.

- Cầu thang có tay vịn bằng gỗ và không nên có vách để nhìn thấy được.

 

3. Để được an toàn, bên cạnh mọi cửa ra vào nên có khung cửa kính nhỏ cho phép thấy người đứng ngoài để biết ai lạ ai quen và có nên mở cửa hay không.

4. Họ cũng nên nuôi loại chó được huấn luyện đặc biệt để đáp ứng với tiếng động, như tiếng chuông cửa, điện thoại reo, ấm nước sôi. Nếu không được vậy thì cần có dụng cụ đặc biệt để báo những tiếng động này.

 

 

V.  Hiểu Lầm.

 

a/ Người điếc về người nghe:

- Người nghe có thể nghe hết mọi thứ.

- Mọi người nghe đều có thể viết tiếng Anh (Việt, Pháp v.v.) giỏi.

- Người nghe không thể học Auslan.

- Người nghe có được tất cả câu trả lời hay biết chỗ để tìm trả lời.

- Người nghe không thể đọc môi để hiểu ai nói gì.

- Người nghe  không thể bị điếc.

- Người nghe không hề bị trục trặc trong việc nói chuyện liên lạc.

- Mọi người nghe đều nói tiếng Anh (Việt, Pháp) giỏi.

- Mọi người nghe đều thích nhau.

 

b/  Người nghe về người điếc.

- Người lãng tai thông minh hơn người điếc.

-  Có chung một ngôn ngữ bằng dấu.

- Mọi người điếc đều dùng ngôn ngữ bằng dấu.

- Mọi người điếc và người lãng tai đều đọc được môi và hiểu.

- Mọi người điếc đều thích nhau.

- Người điếc đều câm.

- Người điếc có thể hiểu được lời nói nếu có dụng cụ trợ thính.

- Người điếc sống đời cô lập và có đời sống xã giao nghèo nàn.

- Người điếc chỉ nghĩ được chuyện cụ thể mà thôi và không thể nghĩ chuyện trừu tượng.

- Trẻ điếc thường sinh ra trong gia đình điếc.

- Việc dùng sớm ngôn ngữ bằng dấu sẽ cản trở khả năng nói được tiếng Anh (Việt, v.v).

- Nếu cố gắng thì người điếc sẽ nghe được.

- Mọi người điếc đều muốn có con điếc.

- Bạn không thể có được văn hóa điếc nếu bạn có cha mẹ nghe được.

 

c/ Điều người nghe cần tránh:

- Đừng cho là văn hóa của người nghe cao hơn văn hóa người điếc.

- Đừng nghĩ mình là thầy dạy người điếc ngôn ngữ bằng dấu.

- Đừng tự cho mình là thầy người điếc về văn phạm.

- Đừng tự cho mình là thầy người điếc về chỉnh ngôn.

- Đừng cho rằng cộng đồng người điếc là cộng đồng khuyết tật.

- Bạn phải tin rằng người điếc có thể làm được mọi chuyện, ngoại trừ việc nghe.

 

 

VI. Cách Giao Thiệp với Người Điếc.

 

a/  Cho tất cả người điếc.

- Bạn phải luôn luôn nhìn vào mắt họ.

- Đối diện với họ và xem kỹ là được họ chú ý trước khi bạn nói.

- Đừng cho rằng dụng cụ trợ thính sẽ chữa được mọi việc, và đừng cho là mọi người điếc đều đeo nó.

- Đừng dạy dỗ hay ra vẻ sai bảo, coi nhẹ họ !

- Đừng nghĩ là mình biết cách nào tốt nhất để giúp họ, mà hãy hỏi trước khi làm khung cảnh thích ứng cho họ.

- Xem kỹ là khung cảnh sáng sủa, không có nắng chói hay cửa sổ/đèn chói vào mặt bạn.

- Đừng gọi to tên người điếc trong phòng đợi mà hãy đến gặp họ.

- Đừng nói chuyện với người điếc khi họ cúi xuống dùng mắt đọc điều gì trên giấy.

 

b/  Cho người điếc nói được hay người lãng tai.

- Đừng la to hay uốn éo môi quá đáng, mà hãy nói bình thường.

- Đừng lấy tay che khuất miệng, hay có viết chì, thức ăn, thuốc lá, vật gì khác che miệng.

- Để râu hàm, râu mép ngắn cho nó đừng che môi của bạn.

- Tránh có tiếng động chung quanh càng ít càng tốt.

- Nếu có hiểu lầm thì đặt lại câu hỏi hay câu nói theo cách khác thay vì lập lại y hệt.

- Đừng làm cử chỉ thái quá.

- Chịu khó viết ra câu hay chữ lạ nếu người điếc hay người lãng tai cần để làm họ hiểu được bạn.

- Dùng lối đặt câu hỏi mở (Mai anh đi đâu? thay vì Mai anh đi phố không ?) để bảo đảm là họ nắm được thông tin. Nếu cần thì cho chi tiết để họ trả lời.

 

c/  Cho người điếc dùng ngôn ngữ bằng dấu.

 Nếu có thông dịch:

- Nói thẳng với người điếc, nhìn vào họ khi nói mà không nói qua thông dịch viên, chỉ nhìn thông dịch viên.

- Hỏi xem cách ngồi xếp đặt như thế nào là tiện nhất để người điếc thấy được cả bạn và thông dịch viên dễ dàng.

 

 Nếu không có thông dịch:

- Sẵn sàng nói chuyện bằng cách viết ra giấy.

- Cho người điếc giấy bút để viết.

 

 

VII. Trường Học.

 

Trường dạy trẻ điếc không có chủ trương đồng nhất nên cha mẹ cần biết để cho con được dạy dỗ đúng  ý. Có trường nhắm tới việc hội nhập trẻ vào thế giới người nghe nên sẽ dạy em học nói và nghe bằng dụng cụ trợ thính hay gắn cochlear. Như thế tại các trường này trẻ không được dạy Auslan hay SE. Thí dụ là hệ thống các trung tâm Shepherd tại Sydney, Chatswood, Liverpool, Canberra. Trường Garfield Barwick cho trẻ bị hư hại thính giác mà nói được, cũng nhắm cho trẻ hội nhập vào trường bình thường.

 

Trường khác dạy Auslan và Anh văn cho trẻ điếc và anh chị em của chúng, hay trẻ bình thường có cha mẹ điếc để khi lớn chúng sử dụng cả hai ngôn ngữ, với kỹ năng về Auslan là ưu tiên một. Trẻ được cho tiếp xúc và chơi đùa  thường xuyên với người lớn điếc để có ý thức về cộng đồng người điếc. Một thí dụ là trường Roberta Reid Centre nhận trẻ từ hai tuổi. Chủ trương của trường như vậy ngược lại, là cho trẻ hội nhập vào cộng đồng điếc mà ngôn ngữ chính là Auslan. Tương tự là trường Thomas Pattison nhận trẻ điếc lẫn trẻ bình thường có thân nhân điếc.

 

Ta còn có trường đặc biệt cho trẻ điếc, mù và bị kiếm khuyết trí tuệ hay khuyết tật khác, thí dụ là Alice Betteridge School. Đa số trẻ ngồi xe lăn có khả năng cử động bị giới hạn nên không dễ học Auslan. Vì vậy một ngôn ngữ bằng dấu khác được đặt ra để dạy tại trường. Tất cả những trường vừa nói còn có chương trình trị liệu cho học sinh như chỉnh ngôn, cơ năng trị liệu, vật lý trị liệu, tâm lý. Sau chót ta phải kể đến Hội Trẻ Mù và Điếc tại Úc, có nhiều dịch vụ giáo dục cho trẻ mù, điếc, thính giác kém, thị giác kém, cộng thêm khuyết tật khác. Hội là tổ chức từ thiện lập năm 1860 nên rất hoan nghênh sự đóng góp của công chúng. Ngoài ra trường còn hợp tác với đại học Newcastle để thực hiện nghiên cứu và huấn luyện  nhân viên.

 

Nếu sinh con bị điếc, thường khám phá có được rất sớm và trên nguyên tắc em bé có thể gắn  cochlear implant hay gắn máy trợ tai từ khi được 5 tháng, nhưng vì phải có thử nghiệm và làm thủ tục nên phải vài tháng sau em mới được gắn. Có cha mẹ quá thất vọng khi được cho hay là con bị điếc nên không còn thiết tha với con, cũng bồng ẵm em lên nhưng không chuyện trò. Ta không nên làm vậy, cho dù biết là em không thể nghe bạn hãy tiếp tục chuyện trò với con như bình thường vì bạn có thể bầy tỏ tình cảm qua bộ dạng, thay đổi nét mặt rất có ích cho trẻ. Em cần học những thay đổi ấy để sử dụng Auslan hữu hiệu về sau, bởi song song với việc ra dấu người điếc còn bầy tỏ nhiều điều qua nét mặt rất hùng hồn làm cho dấu hiệu thêm phần ý nghĩa.

 

 Khi xưa trẻ điếc bị cô lập không có ai chuyện trò vì trong nhà không ai học ra dấu, biết nói chuyện bằng dấu để trò chuyện cùng em, than phiền là sau giờ học không muốn về nhà, chỉ mong cho chóng tới lúc vào trường gặp bạn bè trở lại. Với trẻ nội trú thì em không vui chút nào khi tới kỳ nghỉ ở nhà lâu, anh chị em nói đùa cười lăn ra đất nhưng không ai ra dấu cho em hiểu nên trẻ cảm thấy bị gạt ra ngoài. Cha mẹ cần biết tâm trạng này và học Auslan để trò chuyện cùng con. Bạn có thể học Auslan miễn phí tại trường TAFE và học dấu bằng cách vào website auslan.org, hay mua tự điển. Nay cha mẹ khi biết là con phải gắn  cochlear implant thường đi học Auslan ngay khi con mới vài tháng để chính họ thông thạo Auslan và rồi dạy con.  Có thông dịch viên Auslan nói rằng sau khi sử dụng hai ngôn ngữ Anh và Auslan, họ cảm thấy Auslan cho phép họ diễn tả phong phú hơn là nói tiếng Anh.

 

 

VIII. Makaton.

 

Chót hết ta nói về Makaton.  Khi trẻ gặp khó khăn trong việc học nói, không thể diễn tả ý mình em có thể hóa ra bực bội, cáu kỉnh và la hét, gây căng thẳng cho cha mẹ, gia đình. Trong trường hợp đó có lời khuyên là bạn nên cho con biết một ngôn ngữ trong lúc chờ đợi em biết nói, tức cho con phương tiện bầy tỏ ý như:

- đi toilet,

- uống nước, sữa, ăn cơm

- đói, no, khát, buồn ngủ

- nóng, lạnh, đau nhức.

- vui, buồn, giận, thích thú.

Có lo ngại hợp lý là khi ra dấu trẻ có thể không học nói, hay không nói được về sau nhưng điều này không đúng. Trẻ nói chậm mà không phải là không biết nói, do đó khi tới mức phát triển của em thì trẻ sẽ nói cho dù em biết ra dấu. Thực tế thấy là việc học ra dấu không ảnh hưởng đến khả năng nói của em sau này mà ngược lại, việc ra dấu nơi trẻ tự kỷ đôi khi dẫn tới việc tập nói và biết nói. Với trẻ DS đa số chậm nói, có em 8 tuổi mới biết nói, và nhiều trẻ tự kỷ không biết nói. Nếu bạn cho em phương tiện liên lạc với người khác thì nó có lợi cho nhiều người và về nhiều mặt:

- trẻ tỏ được ý mình nên không bực bội, ăn vạ, cảnh nhà yên vui.

- cha mẹ biết được ý con nên không căng thẳng.

- bạn cho con biết được ý mình do đó cũng tránh được cáu kỉnh về phần bạn.

 

Bạn  có thể liên lạc với hội Down syndrome, trường học cho trẻ điếc, dịch vụ về chỉnh ngôn v.v. để hỏi về Makaton. Đây là hệ thống ngôn ngữ bằng dấu dạy cho trẻ nhỏ bị nói khó khăn như  trẻ có Down syndrome (DS), trẻ tự kỷ hay trẻ nào nói chậm (language delay). Makaton dùng những dấu của Auslan được giản dị hóa nên đó là ngôn ngữ bằng ký hiệu  mà không phải bằng chữ. Nó dùng cử chỉ đã được hệ thóng hóa để nói chuyện với trẻ. Để Makaton  giúp phát riển việc nói, dấu phải luôn luôn đi kèm với lời nói và tay không che miệng.

 

Bạn có thể dạy con ra dấu rất sớm, vào lúc bạn nói chuyện với con tức là ngay lúc trẻ chào đời ! Không có lúc nào là quá sớm cả và hãy dùng trong chuyện hằng ngày ở nhà. Những dấu ban đầu là tắm, giường, sách, thêm, xong rồi (finished), Ba, Má, hết v.v. Bằng cách đó bạn tăng cường sự phát triển của trung khu nói cho dù trẻ bị điếc, thí dụ vậy. Dạy con ra dấu sớm là dạy con vào lúc não đang thâu thập tất cả thông tin, trước cả khi trẻ tập nói do đó rất thuận lợi. Có gia đình  nghĩ rằng trẻ bập bẹ ư,  a thì em sẽ không bị chậm nói, họ muốn chờ trước khi ra dấu để xem trẻ có cần hay không. Dù vậy, việc ra dấu cũng vẫn hết sức giá trị vì nó lợi dụng giai đoạn tối cần cho việc tập nói.

 

Để giải thích thì việc phát triển mỗi kỹ năng như nhìn, nói, ý thức về không gian v.v. nơi trẻ nhỏ xẩy ra trong một thời điểm tối cần nào đó, khi thời điểm này qua đi thì kỹ năng vẫn phát triển được nhưng mức độ giảm bớt không được trọn vẹn. Giai đoạn này thường là trong 3 năm đầu đời, học nói thì thường là trong 5 năm đầu. Sau 5 năm mà trẻ không nói được vài chữ thì có ít hy vọng là em sẽ nói, tuy cũng có ngoại lệ là có trẻ 8 tuổi mới biết nói.

 

Khó khăn của trẻ có hội chứng Down (Down Syndrome, DS).

Trẻ DS thường bị chậm nói vì cấu tạo thần kinh và cơ thể của em khác biệt, ống tai (ear canals) nằm ngang thay vì nghiêng xuống dưới như bình thường, xoang mũi nhỏ hơn, đường thông khí (airways) ngắn hơn và hẹp hơn làm cho trẻ dễ bị cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp, ho, lãng tai và khả năng thính giác thay đổi lên xuống. Cơ mềm khiến cử động phức tạp của cổ, hàm và lưỡi cần cho việc phát âm rõ ràng bị khó khăn. Cảm giác từ những vùng này của mặt truyền về não cũng yếu kém nên trẻ khó bắt chước để phát âm đúng, ngoài ra đường thần kinh trong não có vẻ như cũng không tạo nên mạng lưới theo cách bình thường, hay mau lẹ như bình thường. Người ta cho rằng dạy trẻ ra dấu sớm giúp em thâu thập ngữ vựng, có dồi dào khái niệm. Khi kỹ năng về miệng cải thiện thì ý niệm diễn ra bằng tay sẽ được chuyển sang trung khu nói của não, cho phép lời nói phát triển.

 

 

Lợi Ích của Việc Học Dấu.

 

a. Kích Thích Não.

Khi phân tích việc ra dấu một chữ người ta thấy rõ ràng là não nhận được nhiều kích thích hơn là lời nói. Thí dụ khi ra dấu 'chó' thì tay vỗ vào chân hai lần hàm ý gọi chó đến. Cha mẹ ra dấu rồi cầm tay con dạy cách làm dấu đó. Trẻ sẽ nhận được những kích thích sau:

- Thính giác: nghe chữ 'chó', nghe tiếng vỗ vào chân.

- Thị giác:            nhìn thấy miệng  nói, nhìn thấy tay ra dấu.

- Xúc giác:     cảm nhận  tay vỗ chân.

- Cử động:    cảm được cử động của cánh tay.

Trong truờng hợp này, chữ ra dấu sinh ra 6 kích thích qua 4 giác quan còn chữ nói chỉ sinh ra 2 kích thích qua 2 giác quan.  Nếu trẻ không nghe được lời nói thì chỉ nhận được kích thích thị giác,  mà nếu em không chú ý thì không có kích thích nào. So sánh thì chữ ra dấu vẫn cho em có 4 kích thích nhờ 3 giác quan nếu em không nghe được, và 2 kích thích nhờ 2 giác quan nếu không thể nghe và thấy. Ngay cả khi giác quan được bình thường, việc có nhiều kích thích khi ra dấu hiển nhiên có lợi vì nó khiến não tạo thêm mạng lưới, gia tăng sự đáp ứng với kích thích.

 

b.  Khi Biết Ra Dấu Sớm.

- Ra dấu đòi hỏi trẻ đáp ứng nhiều hơn vào lúc em còn rất nhỏ.

- Trẻ khi ấy được thưởng bằng việc có nhiều kích thích hơn (thính giác, thị giác, xúc giác, cử động), khuyến khích em thăm dò, khám phá thế giới của em.

- Nó tăng cường mối ràng buộc giữa cha mẹ và con do việc đòi hỏi có tương tác nhiều hơn và thưởng bằng nhiều kinh nghiệm tích cực. Cũng có tác dụng tương tự cho anh chị em, bạn bè.

- Nó thường khi làm lộ ra cá tính của trẻ, cho phép người ta quí chuộng  phản ứng của em thay vì xem em là 'tội nghiệp chưa'.

- Nó gia tăng sự phát triển kỹ năng cử động tinh tế vì hai trung khu miệng và tay ở gần nhau trong vỏ não (vùng cảm giác-cử động sensorymotor). Kích thích một trung khu sinh ra kích thích liên hệ ở những vùng kế bên.

- Tạo ra cách liên lạc sớm sủa và thích hợp (thay vì la hét, lăn ra đất) có nhiều ích lợi cho bất cứ trẻ nhỏ nào.

Nó có thể tăng lòng tự tin, giảm sự bực bội, ăn vạ và những hành vi khác không thích hợp.

- Nó có thể tạo nên khung cảnh khiến trẻ thấy mình có trách nhiệm, biết tự lực, có khả năng ('Mình làm được' thay vì 'Nếu mình nằm đây một hồi thì sẽ có ai đó cho mình sữa').

- Trẻ có thể học đọc dễ hơn.

- Chót hết, nó làm cuộc sống dễ chịu hơn cho gia đình.

 

Cách Bắt Đầu.

 

Sinh con có DS làm cha mẹ bối rối lúc đầu một chút, nhưng khi bạn sẵn sàng thì hãy nói chuyện với chuyên viên trị liệu về việc ra dấu với con, và bắt đầu học vài dấu căn bản. Bạn có thể không cần học theo sách mà ghi ra những dấu nào cần nhất để học trước rồi hỏi chuyên viên chỉnh ngôn mỗi khi gặp hai tuần một lần, nếu con bạn có chỉnh ngôn. Bạn dễ  dàng học năm dấu một tuần, và tiến bộ tốt nhất có được khi mọi người trong nhà cùng học và sử dụng. Anh chị của trẻ sẽ rất thích và là thầy rất giỏi vì các em nhớ hết các dấu so với cha me chậm chạp hơn !  Kế đó hội Down Syndrome thường có sách về Makaton, video cho bạn mượn. Kết quả sẽ làm bạn muốn khoe con với hết thẩy mọi người, vì trẻ 10 tháng biết ra dấu muốn uống, và tỏ rõ ý là uống sữa hay nước !  Có cha mẹ dạy trẻ từ lúc 5 tháng, đến 8 tháng em biết ra dấu cho hay cảm xúc của mình, ngữ vựng của em gia tăng theo khả năng học dấu của cha mẹ, và khi em bắt đầu tập nói thì dấu từ được thay bằng chữ.

Nhắc lại là đừng ngại việc ra dấu sẽ làm con không nói hay chậm nói. Một khi thân thể phát triển đủ cơ chế phức tạp cần để phát ra chữ thì dấu sẽ mất dần đi, trẻ không còn dùng tay để liên lạc nữa vì tay sẽ được dùng để làm nhiều chuyện khác lý thú hơn !

 

 

Tài liệu sử dụng:

- Makaton Signing for Children with Down Syndrome, Kerry Read, Down Syndrome NSW Newsletter, Winter 2005.

 

Tài liệu do Nhóm Phụ Huynh Việt Nam có con Khuyết Tật và Chậm Phát Triển tại NSW - Úc Châu soạn. 2007. Muốn sử dụng xin vui lòng ghi rõ xuất xứ.