CHỨNG TỰ KỶ
Chương Ba: Trị Liệu (tt)
Xúc giác gồm có cảm nhận về sờ chạm và tính chất bề mặt. Trẻ tự kỷ gặp trở ngại về xúc giác có thể thấy khó chịu với y phục hoặc chải đầu, cắt tóc, đánh răng, nhai thức ăn. Trị liệu viên có thể giúp em bớt nhậy cảm đối với những điều không thể tránh được như vừa kể, bằng cách tập cho em có thể chịu được các cảm giác này mới đầu chỉ một lúc ngắn, rồi từ từ lâu hơn.
Mục đích của trị liệu là giúp não phát triển khả năng diễn giải các cảm nhận của ngũ quan theo cách thông thường hơn, thay vì quá nhậy hay quá kém. Khi hòa hợp các cảm nhận từ ngũ quan đưa về, não có được thông tin chung về sự việc để từ đó cho ra hành động. Trị liệu dùng cách tập về thần kinh vận động và thần kinh cảm giác, giúp cho não tự điều chỉnh lại. Trị liệu hiệu quả có thể cải thiện sức chú ý, tập trung tư tưởng, làm em chịu lắng nghe, hiểu nhiều hơn, có được sự thăng bằng, điều hợp và làm chủ được tính bốc đồng nơi một số trẻ.
Việc lượng xét và trị liệu thường do chuyên viên OT hay thể chất trị liệu làm. Họ soạn một chương trình đặc biệt để cho em kích thích cảm quan, thường là phối hợp với sinh hoạt có chủ đích về cơ bắp, để cải thiện cách não diễn giải và sắp xếp thông tin về cảm quan. Việc trị liệu đôi khi cần sinh hoạt có cử động toàn thân, sử dụng những dụng cụ khác nhau thí dụ như banh trị liệu, gối rung. Người ta tin rằng trị liệu này không dạy kỹ năng mức cao, nhưng gia tăng khả năng diễn giải cảm nhận và như vậy cho phép trẻ thấy an ổn, thoải mái để học kỹ năng cao.
Hộp hay thùng cảm giác là dụng cụ thông thường được dùng trong sinh hoạt hòa hợp cảm quan. Đây là bình chứa nhiều vật khác nhau (hạt đậu khô, nui đủ loại, vải lụa trơn hay nhám v.v.) để cho kinh nghiệm về tính chất muốn tránh hay muốn có. Trẻ nhậy cảm về xúc giác được khuyến khích vọc tay vào hộp, để có được kích thích trong bài tập làm em bớt nhậy cảm. Ngược lại, em nào cần một loại kích thích đặc biệt có thể dùng hộp để có được kích thích thèm muốn. Trong một vài trường hợp, hộp hay thùng cảm giác được dùng như việc thưởng, và trị liệu viên dùng nó làm động cơ thúc đẩy cho em có hành vi thích hợp. Thùng cát hay nước, đồ chơi, góc ngồi chơi, là những phương tiện khác cho ra nhiều hình thức khác nhau, để kích thích cảm quan cho trẻ gặp khó khăn về mặt này.
Sinh hoạt có tính hòa hợp cảm quan có thể được dùng để làm trẻ tự kỷ dịu xuống. Trong vai trò đó, chúng thường được dùng để giúp trẻ liên lạc tỏ ý, biết chú tâm và là động cơ thúc đẩy. Nó có thể được dùng như là phần thưởng khi làm xong việc, hoặc dùng đi kèm với việc khác để trẻ dịu xuống và chịu làm xong việc. Bình thường, trẻ con có xếp đặt khá hơn, thông thạo và chịu học khi em được cho làm những việc ưa thích về hòa hợp cảm quan. Khi việc này cần hai người làm hay nhiều hơn, nó có thể dùng như là động cơ thúc đẩy để giúp trẻ tự kỷ chịu giao tiếp với trẻ khác.
Các sinh hoạt này tỏ ra vui thú và có tính hấp dẫn đối với trẻ tự kỷ, một phần vì nó liên kết chặt chẽ với việc chọn lựa hành vi tự kích thích của trẻ. Trẻ tự kỷ có hành vi tự kích thích để điều chỉnh mức kích thích cảm quan của mình (thêm hay bớt), nhưng sinh hoạt tự kích thích mà em tự động chọn có khi không được xã hội chấp nhận cho lắm, như vỗ tay bôm bốp không ngưng hoặc quay mòng mòng. Sinh hoạt có thể được dùng để giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu tự kích thích theo cách người ngoài coi được. Thí dụ em có thể chơi đu trên đu thay vì ngồi trong ghế lắc lư người tới lui; hoặc ôm chặt gối hay thú nhồi bông hơn là chui trong hốc trong kẹt để có cảm giác về áp lực sâu.
2. Trị Liệu tạo Mối Liên Hệ.
● Pivotal Response Treatment - PRT
Do hai tiến sĩ Robert Koegel và Lynn Koegel soạn ra hồi thập niên 1970. Đây là phương pháp can thiệp về hành vi dựa theo nguyên tắc của ABA. PRT được dùng để dạy ngôn ngữ, giảm hành vi phá phách-tự kích thích, và gia tăng sự liên lạc tỏ ý, giao tiếp và kỹ năng học bằng cách chú tâm vào hành vi chính yếu, ảnh hưởng một loạt rộng lớn nhiều hành vi khác. Mục đích của PRT là tạo động cơ thúc đẩy, khởi đầu sự liên lạc tỏ ý với người khác, cho ra thay đổi tích cực trong hành vi, dẫn tới việc cải thiện kỹ năng trò chuyện, chơi đùa, giao tiếp và khả năng theo dõi chính hành vi của em. Không giống như phương pháp dạy từng bước nói trên nhắm vào các hành vi riêng rẽ ghi trong bảng danh sách được soạn sẵn, PRT nhắm vào chính trẻ.
Nhiều cách khuyến khích, thúc đẩy được dùng rất thường như thay đổi bài làm, trở lại những bài đã học xong để bảo đảm là trẻ còn giữ được kỹ năng đã học khi trước, thưởng cho nỗ lực của em, và dùng hỗ trợ trực tiếp và tự nhiên. Trẻ đóng vai trò chủ yếu trong việc chọn sinh hoạt để học và đồ vật dùng trong việc trao đổi. Em được cho vật có liên hệ với nỗ lực tỏ ý của mình, thí dụ em cố gắng tỏ ý muốn có thú nhồi bông thì nhận được vật ấy.
● Chơi trên Sàn - Floortime.
Chương trình do y sĩ Stanley Greenspan soạn ra, là trị liệu cho chứng tự kỷ mà chủ về giao tiếp hơn là hành vi, nhắm về việc tương tác. Nó gồm việc dùng chính những sở thích của em, thay vì chỉ coi chúng như là phương tiện để thưởng cho hành vi muốn có. Thay vì đòi hỏi trẻ làm sinh hoạt có sắp xếp chặt chẽ, trị liệu viên nhập vào cuộc chơi của em. Trong trị liệu về hành vi ta có trị liệu viên dẫn dụ trẻ, còn trong bài tập về chơi trên sàn thì trẻ là người dẫn dụ. Chủ trương của trị liệu là trẻ có thể gia tăng và mở rộng vòng tương tác với người lớn tiếp xúc với em ở mức phát triển hiện thời, và dựa vào các ưu điểm đặc biệt của em.
Cách này nhằm giúp trẻ tự kỷ phát triển ý thức về mình và người khác. Ta đạt được mục tiêu qua trị liệu được soạn để làm tăng hiểu biết về cảm xúc của chính em, hơn là chỉ riêng về khả năng liên lạc tỏ ý. Theo ông Greenspan, khi trẻ có thể hiểu và điều chỉnh cảm xúc của mình, em có thể điều chỉnh được hành vi của em. Sự khác biệt giữa trị liệu này và ABA là tâm lý gia về hành vi không quan tâm đến cảm nhận của trẻ về cái tôi, còn trị liệu tìm cách giúp trẻ có được cảm nhận về cái tôi của em.
Phương pháp áp dụng là trị liệu viên đi vào phòng và dự vào trò chơi ưa thích của em mà không đưa ra đòi hỏi gì. Trị liệu viên (hay lý tưởng nhất là cha mẹ) làm theo ý trẻ, đi theo sở thích của em, rồi dần dần có nhận xét, chơi song song và tới chót, thay phiên và có tương tác. Có năm bước phải theo.
1. Trị liệu viên chỉ quan sát em chơi và ghi nhận ý thích cùng tâm tình.
2. Trị liệu viên gia tăng ý thích của em về sinh hoạt đang làm, bằng lời và cử chỉ mà không làm xáo trộn việc chơi của trẻ.
3. Họ làm theo dẫn dụ của em.
4. Trị liệu viên khen trò chơi của trẻ và kín đáo dự vào sinh hoạt. Họ được khuyến khích có tương tác mạnh mẽ với em, như có cử chỉ và nét mặt quá đáng. Song song thì trẻ được khuyến khích có đáp ứng mạnh mẽ tương tự và được thưởng khi em làm vậy. Trị liệu viên cũng được khuyến khích giúp trẻ làm được những sinh hoạt trong ngày, bằng cách giải thích rõ ràng để em biết sẽ có gì, và mình phải làm gì.
Thí dụ trị liệu viên có thể dùng câu nhắc như 'Tới phiên cô' để giúp trẻ biết xếp hàng chờ ở tiệm, và như thế áp dụng trị liệu trò chơi vào khung cảnh hằng ngày. Bằng cách dự vào và gây ảnh hưởng một cách tế nhị, họ giúp trẻ có ý thức về người khác, mở đầu việc tương tác và dùng ngôn ngữ để cho biết muốn gì hay cần gì.
5. Theo với thời gian, bước chót là trẻ bắt đầu nói chuyện với trị liệu viên (trẻ tự kỷ thường làm ngơ không màng tới ai) và dùng chữ, cử chỉ để đáp trả lại và khởi đầu sự tương tác.
● Relationship Developmen Intervention RDI.
Do tiến sĩ Steve Gutstein soạn ra, đây là chương trình tương đối mới, có tính bổ túc chủ trương hay gặp là tập kỹ năng sinh sống hằng ngày cho người tự kỷ; nó chú trọng vào giao tiếp nhằm cải thiện phẩm chất cuộc sống về lâu về dài cho họ, và được nhiều chú ý. Tự nó thì RDI không phải là một phần của việc trị liệu can thiệp, mà là một chương trình hoàn toàn riêng, chuyên huấn luyện trẻ. Chuyên viên RDI sẽ xếp đặt việc tập luyện cho em, nó có thể có những can thiệp khác đi kèm, nhưng điểm chính của RDI là giúp kết bạn, biết cảm thông, biểu lộ tình thân ái và biết chia sẻ kinh nghiệm và phát triển mối tương quan của trẻ với người chung quanh.
Trị liệu gồm một số bước dẫn tới việc trẻ tương tác với nhiều người. Mới đầu nó khởi sự một thầy một trò và dần dần tiến đến việc học theo nhóm. Trẻ học cách diễn giải những dấu hiệu xã giao không lời, như cử chỉ và nét mặt. Em được dạy các ý niệm về giao tiếp như chia sẻ, và được khuyến khích phát triển ý thức về người khác. Chương trình có những sinh hoạt đều đặn thường nhật, làm phong phú đời sống gia đình.
Hai phương pháp Floortime, RDI ở trên và Son-Rise bên dưới cho thấy có chủ trương khác với ABA, nó tin rằng trẻ tự kỷ không nên được dạy tuân theo cách xử sự thông thường của xã hội như là bước đầu tiên, bằng cách học những hành vi được chấp nhận. Thay vào đó, người ta nên làm theo trẻ, xem em ưa thích điều gì và tìm hiểu điều ấy, nói khác đi là ta nên bước vào thế giới của em thay vì ép buộc trẻ đi vào thế giới của ta.
Bằng cách ấy ta sẽ liên kết được với em, gặp em ngay ở cảnh mà em sống. Nó muốn nói là trẻ tự kỷ không tiến bộ nhờ học để có hành vi tốt, mà tiến bộ nhờ tạo mối liên hệ. Khi có liên hệ với người khác, trẻ có thể phát triển mọi điều mà em cần, như học để tiếp xúc với người chung quanh, liên lạc tỏ ý bằng cử chỉ, dùng tư tưởng một cách sáng tạo, chịu suy nghĩ và suy xét. Chủ trương này do đó chuyển trọng tâm của trị liệu từ việc tập hành vi sang tạo mối liên hệ cho trẻ tự kỷ.
● Social Communication, Emotional Regulation, and Transactional Supports–SCERTS
SCERTS là phương pháp theo nhóm, đa khoa, có tính toàn diện, áp dụng cho người tự kỷ và gia đình. Nó không phải là một cách riêng mà những phương pháp khác như ABA, viết chuyện có thể được ghép vào cách này. Nó dùng được cho nhiều lứa tuổi và nhiều mức độ khả năng, do một toán chuyên viên đa khoa soạn ra. SCERTS khác với ABA ở chỗ dùng hình rất nhiều, điểm khác biệt nữa là trong ABA người lớn dẫn đầu và trẻ làm theo, nhưng với SCERTS trẻ là người chủ động mở lời trước, khởi sự việc liên lạc tỏ ý, và rồi em cũng đáp ứng với ý biểu lộ bằng lời hay không lời của ai tương tác với em.
Chuyên viên soạn cách tập khuyến khích em làm vậy trong sinh hoạt thường nhật, cũng như trong sinh hoạt có sắp xếp phần nào cho những việc như yêu cầu, chào hỏi, biểu lộ tình cảm và phản đối / bác bỏ. Cha mẹ và thầy cô làm việc chung để soạn cách thức làm trẻ dự vào những công chuyện hằng ngày có ý nghĩa. Mục tiêu cho trẻ là phát triển thích hợp, học và áp dụng kỹ năng sinh hoạt trong nhiều khung cảnh với những người khác nhau, và có thể nhắm vào hình thức liên lạc tỏ ý bằng lời hoặc không lời.
– Về giao tiếp, chú trọng đến việc phát triển sự liên lạc tỏ ý tự nhiên, giao tiếp để sinh hoạt như hỏi đường, ra ngân hàng và tạo mối liên hệ tin tưởng, an toàn giữa trẻ và người lớn.
– Về tình cảm, gồm việc giúp trẻ gia tăng khả năng giữ cho em cảm thấy thoải mái, thuận lợi cho việc học và tương tác. Trẻ tích cực tham gia vào sinh hoạt với người lớn và bạn đồng tuổi, với việc nhấn mạnh có kinh nghiệm tình cảm tích cực.
– Về hỗ trợ, gồm việc hỗ trợ trẻ, gia đình và chuyên viên để tạo tối đa kinh nghiệm tốt đẹp về việc học, mối liên hệ và về giao tiếp trong nhà, trường học và cộng đồng.
C. Thuốc.
Ngoài những trị liệu về hành vi, liên lạc tỏ ý và học về cách giao tiếp, thuốc cũng được dùng cho trẻ tự kỷ. Nói cho rõ thì thuốc chỉ dùng như phương tiện để đối phó với triệu chứng của bệnh mà không có khả năng trị dứt bệnh. Tuy vậy, giải quyết triệu chứng như hiếu động, hành vi tự hại thân, hung hăng, và ăn vạ là điều cần thiết. Khi những triệu chứng có tính phá rối này được giảm thiểu, trẻ tự kỷ có thể chú ý nhiều hơn và học được. Có nhiều thuốc được dùng cho người bệnh để chữa trầm cảm, lo lắng, tâm thần và những thuốc giúp điều hòa hành vi cùng tâm tình.
– Thuốc ngăn trầm cảm và lo lắng.
Chúng thuộc loại SSRI - Selective Serotinin Reuptake Inhibitor với các tên thuốc như Zoloft, Paxil. Đôi khi chúng còn được dùng để làm giảm hành vi tự kích thích, hành vi lập đi lập lại và việc ăn vạ, nổi xung.
– Thuốc trị tâm thần.
Chúng được dùng để trị các triệu chứng của tự kỷ, giúp làm giảm hành vi hung hăng, cử chỉ lập đi lập lại; trong một vài trường hợp chúng cũng được thấy làm giảm tính lầm lì, xa cách mọi người. Các tên thuốc hay gặp là Risperdal, Seroquel và Zyphrexa. Chúng cũng được dùng để trị bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia) và trầm cảm.
– Thuốc kích thích.
Những thuốc dùng cho chứng hiếu động ADHD (Attention Defecit Hyperactivity Disorder) cũng được thấy là có ích cho vài trường hợp bệnh tự kỷ. Tên thuốc thông dụng là Adderall và Ritalin, chúng giảm sự hiếu động, bốc đồng, giúp bệnh nhân tập trung tư tưởng khá hơn và kiên trì làm việc hơn. Tuy nhiên thuốc dùng cho tật hiếu động thường không hiệu quả cho trẻ tự kỷ như cho trẻ khác.
Thuốc cho trẻ tự kỷ có thể sinh ra tác dụng phụ đáng kể, gây ra vấn đề khi dùng dài hạn. Vì vậy bạn phải luôn luôn cẩn trọng khi quyết định cho con dùng thuốc. Nếu muốn dùng thuốc, hãy nói chuyện với y sĩ về rủi ro có thể có, dấu hiệu khuyến cáo nào cần biết và những cách trị liệu khác.
D. Những Trị Liệu Khác.
Không một trị liệu nào tự nó có thể chữa được chứng tự kỷ, mà đa số trị liệu viên và người chăm sóc phối hợp nhiều cách can thiệp và phương pháp để trị, trong đó một số được chấp nhận và số khác gây nhiều tranh cãi. Ta ghi ra vài cách sau.
– Viết Chuyện - Social Story
Trong cách này, chuyện được viết theo cấu trúc nhất định, trẻ sẽ theo từng bước một giúp em có nhận thức. Mỗi chuyện dùng như là khuôn mẫu cho hành vi thích hợp trong các khung cảnh khác nhau ngoài xã hội. Chuyện giúp em nhận ra các dấu hiệu khi giao tiếp, cho em hay người kia nhìn sự việc ra sao.
Phương pháp do cô Carol Gray soạn ra và là trị liệu rất phổ thông cho bệnh tự kỷ. Nó được dùng để giúp trẻ tự kỷ hiểu về những tình thế khi giao tiếp, bằng cách cho em nhìn sự việc theo quan điểm của người khác.Trị liệu dựa trên thuyết Hiểu Trí Người (Theory of Mind ToM); đây là ý niệm được đưa ra vào giữa thập niên 1990, theo đó người tự kỷ chẳng những thiếu lòng cảm thông mà còn không hiểu được là người ta có những tư tưởng khác với họ. Nói khác đi, trẻ tự kỷ không có căn bản nào để nhìn sự việc theo quan điểm của người khác, và vì vậy không thể diễn dịch cảm xúc của họ. Trẻ khó mà hiểu rằng người ta suy nghĩ khác với em, nếu thích xe lửa thì em tin rằng mọi ai khác cũng phải thích xe lửa giống như em.
Theo thuyết này, sự việc không phải là trẻ tự kỷ thiếu sự cảm thông, mà là em tin mọi người có cùng tư tưởng và tình cảm như em. Chúng ta định nghĩa cảm thông là khả năng hiểu được xúc động của người khác cũng như đồng hóa với cảm xúc hay khó khăn của họ. Việc trẻ tự kỷ thiếu sự thông cảm không phải là do em không quan tâm đến họ, mà đúng ra là do khuynh hướng mạnh mẽ của em, nó hiểu lầm và diễn dịch sai các dấu hiệu không lời trong môi trường chung quanh. Chuyện kể được dùng để giúp trẻ tự kỷ khả năng cao ý thức đến tư tưởng và tình cảm của người khác.
– Chương Trình Son-Rise.
Được hai ông bà Barry và Samahria Kaufman soạn ra năm 1983. Hai người là giáo viên và tác giả soạn sách, sinh con trai Raun có định bệnh là tự kỷ nặng. Để đối phó, hai người soạn ra chương trình nhắm vào sở thích của trẻ nhằm giúp em hoạt động khá hơn. Họ thuật là chương trình rất thuận lợi cho Raun đến mức ngày nay, Raun trưởng thành có đời sống bình thường ít nhiều.
Chương trình áp dụng tại nhà, một trị liệu viên bắt đầu chương trình và luyện cha mẹ cách làm với con tự kỷ. Dần dần, cha mẹ đóng vai chính và trị liệu viên chỉ còn vai trò hướng dẫn. Một phần thiết yếu của chương trình là việc bắt chước theo hành vi tự kích thích của em. Thay vì nhắc trẻ ngưng lắc lư người tới lui, trị liệu viên và về sau là cha mẹ, cũng lắc lư người theo em. Cha mẹ làm trẻ chú ý bằng cách làm cùng hành động như em, và duy trì sự chú ý bằng cách chỉ chuyên tâm vào sở thích của em.
Chương trình chú mục vào việc dùng sở thích quá độ của trẻ. Trị liệu viên hay cha mẹ thực sự chen chân vào thế giới của em, bắt chước hành động, cách nói ngay cả khi đó là hành động khác thường và bị chê bai. Điểm này khác lạ vì đa số trị liệu làm ngược lại, tìm cách đưa trẻ ra khỏi thế giới cô lập của em và mang em vào thế giới của người bình thường. Chương trình nhắm đến sở thích của trẻ để dùng đó làm động cơ thúc đẩy em học; khuyến khích việc dùng sở thích và hành vi của trẻ như là phương tiện để có tương tác. Giống như RDI và Floortime, nó nhắm vào việc tương tác xã giao, tạo liên hệ hơn là áp đặt hành vi bình thường lên trẻ và dạy em học hỏi.
– Tẩy Độc - Chelation.
Đây là phương pháp y học gây nhiều tranh cãi. Nó có chủ đích là đẩy ra khỏi cơ thể những kim loại có hại. Cách thức là chích ethylenediamine tetraacetic acid EDTA vào tĩnh mạch, cho nó tràn lan khắp cơ thể. Chất này kết với kim loại nặng như chì và rồi hợp chất được tống ra ngoài. Thông thường phương pháp được dùng để tẩy độc chì, và không có chứng cớ nào cho thấy nó tẩy thủy ngân khỏi cơ thể.
Ai chủ trương thủy ngân sinh ra chứng tự kỷ có thể dùng việc tẩy độc để loại trừ thủy ngân trong người, tuy nhiên đây là phương pháp ít khi được áp dụng. Nó gây hại cho cơ thể, nhất là cho những cơ quan lo việc lọc độc chất như thận. Phương pháp có thể gây kích ngất, tim đập không đều và luôn cả việc trụy tim. Có một số trường hợp tử vong được cho là liên kết với việc tẩy độc.
– Facilitated Communication – Liên lạc có Trợ giúp.
Là một trị liệu bổ túc khác cho trẻ tự kỷ, cách này gây tranh cãi. Điểm lôi cuốn của trị liệu là có vẻ như nó cho trẻ tự kỷ - vốn không có cách nào để tỏ ý - biểu lộ được ý muốn của mình. Khuyết điểm chính của cách này là nó dựa trên chủ trương sai lạc, không làm được việc, và có thể dễ dàng bị lạm dụng. Vì những khuyết điểm trên, hội American Psychological Association đề nghị không dùng trị liệu.
Trong cách này, trị liệu viên hay người chăm sóc hướng dẫn tay người tự kỷ trên một bảng hình hay bàn phím đánh máy. Tay họ nằm trên tay trẻ để gợi ý cho em chọn chữ và hình; hoặc dùng tay của người tự kỷ để đánh chữ. Ý chính là trẻ tự kỷ có lợi nhờ được trị liệu viên dùng tay hướng dẫn vì tay em yếu, và có thể chọn hình hay chữ được dễ dàng hơn, bầy tỏ được ý mà em suy nghĩ hay cảm xúc.
Chuyện kể là trẻ khi được hướng dẫn theo cách ấy đột nhiên trở nên liến thoắng, chịu nói chuyện (qua giấy bút) và viết rành rẽ. Tuy nhiên khi quan sát thì tất cả việc bầy tỏ ý này đều là phải được nhắc nhở, và thường được trị liệu viên hướng dẫn hay cha mẹ chọn một cách vô thức, tựa như bàn chơi cơ cầu hồn. Điều đáng nói là trẻ không phải là người tích cực tham dự trong phương pháp, và thực ra không nhận được lợi ích gì. Phương pháp gần như là việc phóng chiếu về mặt tâm lý những hy vọng, tuyệt vọng, mong ước của người chăm sóc mà không phải là của trẻ tự kỷ. Trị liệu không có hỗ trợ đáng tin nào có tính khoa học.
– Nghệ Thuật và Âm Nhac.
Chúng có thể áp dụng cho từng cá nhân riêng rẽ hoặc cho một nhóm; và chúng cũng có thể được áp dụng như là một trị liệu riêng, hoặc như là một phần trong chương trình giáo dục. Nhạc và nghệ thuật đặc biệt hữu ích về hòa hợp cảm quan, cho kích thích xúc giác, thị giác và thính giác.
Nhạc trị tốt cho việc phát triển lời nói và hiểu ngôn ngữ. Bài hát có thể được dùng dể dạy nói, và gia tăng khả năng xếp đặt chữ thành câu. Đặc biệt vì trẻ tự kỷ không hòa đồng với người khác, khi em chơi một nhạc cụ và được xếp vào ban nhạc của trường, hoặc tập hát và ở trong ban hợp ca, sự việc bắt buộc em phải tiếp xúc với người khác, nhìn vào mắt, có tương tác. Tất cả giúp em tăng cường kỹ năng liên lạc tỏ ý, giao tiếp và cho em cảm nghĩ có sự thành đạt.
Trị liệu bằng nghệ thuật là cách không lời, có tính biểu tượng để trẻ tự biểu lộ. Nói chung hai trị liệu cho cách thức không có vẻ đe dọa, cho trẻ tự kỷ tạo được liên hệ tích cực với chuyên viên trị liệu trong môi trường an toàn.
– Dùng Thú Vật.
Đôi khi chó và ngựa được dùng làm trị liệu bổ túc cho người tự kỷ. Trị liệu viên làm việc với từng trẻ tự kỷ riêng biệt, dùng việc tương tác với thú vật để đạt tới mục đích của trị liệu. Thí dụ, thú vật có thể được đem vào hoạt động có tính hòa hợp cảm quan như kích thích xúc giác, hệ tiền đình và vị thế (proprioceptive). Người ta thấy trị liệu dùng thú vật làm trẻ được dịu xuống, và có tính thúc đẩy cho người tự kỷ. Thú vật cũng làm trẻ tự kỷ chịu chú ý rất khá.
Chó và ngựa được dùng thường nhất, tuy thỉnh thoảng mèo cũng được dùng tùy nhu cầu của mỗi em và gia đình. Cá heo cũng dùng trong trị liệu tuy có những ý kiến khác nhau về việc này. Có nghiên cứu ghi nhận là trẻ khuyết tật học mau hơn, và giữ lại lâu hơn những điều học được khi chơi với cá heo, so với trẻ học trong lớp. Trị liệu có chi phí cao khi dùng cá heo, và không có hay có ít chứng cớ gợi ý là nó có lợi gì mà trị liệu dùng chó hay ngựa không có được.
Giống như mọi trị liệu khác, điều quan trọng là ta thu thập thông tin để quyết định. Có những chương trình không có căn bản khoa học nhưng cũng nên tìm hiểu, nếu chúng cho kết quả mà không gây hại, kế đó đa số những trị liệu phụ thường là có ít nghiên cứu khoa học được thực hiện để cho kết quả rõ ràng.
Chơi.
Nếu biết cách phát triển thì chơi không chỉ thuần là chơi mà còn có tính giáo dục cao độ, và vài trường hợp trẻ tự kỷ học nói nhờ chơi. Việc rất giản dị, cô giáo chơi đua xe với em mỗi người một xe hơi xếp hàng, cô sẽ nói 'Chạy !' mỗi lần đẩy xe cho đua. Trẻ nghe không biết bao lần, và tới một ngày em bật ra chữ 'Chạy !'
Ứng Dụng Điện Toán - Apps (applications)
Một cách trị liệu mới gây thích thú là dùng các apps cho dụng cụ điện toán như iPad, iPhone v.v. Đây là chương trình làm nhiều việc như dạy viết, dạy đọc, dạy làm toán, dạy ý niệm. Một số app miễn phí, và đa số app có giá tiền thay đổi. Với những chương trình có nhiều cách dạy và đắt tiền, có lẽ bạn cần biết chắc cách thức sử dụng rồi hãy mua, để có thể khai thác được hết những khả năng của nó, bằng không sẽ uổng phí. Nhiều app tỏ ra hữu ích nếu bạn biết dùng thành thạo, tuy nhiên dù app tinh xảo tới đâu, điều cần nhớ và không thay đổi là app hay bất cứ dụng cụ nào cũng chỉ là vật vô tri, và nó hay thế nào, hữu ích ra sao là do cách bạn sử dụng.
Cha mẹ cần có óc sáng tạo, biết khai thác những khả năng của app để nghĩ ra cách lý thú dạy con. Sự việc giống như có hộp bút chì mầu, vật nằm trơ trơ ra đó và sẽ nằm yên mãi, nhưng khi được bạn cầm lấy sẽ trở thành linh động vẽ ra chữ, ra số có mầu sắc lôi cuốn, hình ảnh như trời xanh mây trắng v.v. làm con ưa thích và làm việc học đọc, học làm toán, học viết vui hơn. Tất cả tùy cách suy nghĩ, sáng tạo của người dùng máy, và không chắc là mua app đắt tiền nhiều công dụng sẽ làm con tiến bộ.
Một đề nghị là vài cha mẹ dùng iPad và app có thể họp lại, chia sẻ kinh nghiệm với nhau về cách dùng; hoặc nếu trong trường dùng app bạn có thể xin thầy cô chỉ dẫn, đề nghị app thích hợp để mua và dùng ở nhà cho con.
E. Cách Chọn Trị Liệu.
Có rất nhiều trị liệu cho chứng tự kỷ và cha mẹ dễ bị rối trí không biết cách nào hay, dở ra sao, có hợp với con hay không. Tâm lý 'Có bệnh thì vái tứ phương' và lòng tuyệt vọng, thương con khiến cha mẹ muốn thử mọi cách, ít nhất để về sau biết rằng mình đã làm hết sức trong việc tìm chữa trị cho con. Chuyện còn gây hoang mang hơn khi có thương mại xen vào việc chữa bệnh. Bởi chưa có nguyên nhân rõ ràng, người ta có thể nói trị liệu nhắm vào điều này hay kia và chữa trị được bệnh, như lý thuyết nói rằng tế bào não cần nhiều oxygen và cho trẻ thở oxy cao áp có lợi. Trị liệu thường tốn kém, cho tới nay chưa có kết quả nào đáng tin hỗ trợ thuyết này.
Cha mẹ vì vậy cần dè dặt với 'kỹ nghệ tự kỷ', quảng cáo những trị liệu chưa có giá trị được chứng thực, và nên dựa vào các điểm sau khi xem xét một trị liệu:
– Trị liệu phải không làm hại
– Chi phí có xứng với lợi ích hứa hẹn
– Phải áp dụng cách ấy trong bao lâu
– Lý thuyết có đáng tin
– Phương pháp có thực dụng
– Trị liệu gồm những gì và làm gì.
Nếu trị liệu được cha mẹ khác đã dùng và giới thiệu thì đáng tìm hiểu, tuy nhiên mỗi trẻ mỗi khác, cách này có thể lợi ích cho trẻ A mà không hiệu quả gì với trẻ B.
Nhận xét cho rằng đa số trị liệu vay mượn của nhau, phát xuất từ một căn bản chung có chi tiết khác biệt thí dụ như các trị liệu về hành vi (ABA) có nhiều điểm giống nhau, và các trị liệu như RDI, Floortime, Son-Rise chia sẻ cùng chủ trương là tạo mối liên hệ với trẻ. Việc theo đuổi trị liệu, tìm cách chữa, cách dạy con với bất cứ giá nào có điểm tế nhị sau cần nói tới. Nếu cha mẹ dốc hết ngày giờ, tài chánh để lo cho con tự kỷ và lãng quên những con khác trong nhà thì em sẽ nghĩ sao khi thấy mình bị hy sinh, thiệt thòi như vậy ?
Vài câu hỏi được ghi ra dưới đây cho bạn dùng trong việc đánh giá trị liệu:
– Tỉ lệ trẻ tự kỷ có được lợi ích nhờ trị liệu là bao nhiêu ? Chúng khác nhau ra sao so với trẻ không theo trị liệu này ?
– Tài liệu nào đã xuất bản, ở đâu, hỗ trợ cho trị liệu ? Làm sao để bạn tìm đọc nó ?
– Lý thuyết nền tảng cho trị liệu là gì ? Nghe có hợp lý, có bằng chứng khoa học ?
– Trị liệu nhắm vào điều gì, rủi ro và lợi ích ra sao, có phản ứng phụ nào ? Lợi ích có trội hơn rủi ro ?
– Trị liệu đã có từ hồi nào ? Có trường hay dịch vụ nào sử dụng nó để bạn tới xem ?
Tới đây nếu trị liệu tỏ ra an toàn, có lợi, có bằng chứng khoa học hỗ trợ thì bạn nên tìm hiểu thêm qua những câu hỏi kế, bằng không nếu nghi ngờ thì bỏ đi.
– Giá của trị liệu. Nó bao hàm không những chi phí bạn đóng mà còn phải kể đến ngày giờ, nỗ lực bỏ ra như mang con đi mỗi tuần; sự mệt nhọc và giá mà trọn gia đình phải trả, như sự thiệt thòi của những con khác trong nhà khi bạn không có đó cho chúng; xáo trộn trong gia đình. Giá ấy có đáng chăng ?
– Trị liệu có hợp với những can thiệp khác mà con bạn đang có ?
– Kinh nghiệm và huấn luyện chuyên môn của chuyên viên trị liệu. Họ có bằng hành nghề chăng ?
– Vai trò của cha mẹ là gì ?
– Làm sao đo lường hiệu quả của trị liệu ? Làm sao ngăn ngừa phản ứng phụ, nếu có ?
– Trị liệu theo bao lâu, chừng nào thì xong ?
Là người sử dụng dịch vụ và quan tâm đến sự an toàn, phúc lợi của con, cha mẹ chẳng những có quyền mà còn có bổn phận bảo vệ con mình. Bạn cần được biết là trị liệu mang lại điều chi, cùng những rủi ro có thể có liên hệ với trị liệu. Ai mời chào cách can thiệp cho người tự kỷ có bổn phận giải thích đầy đủ phương pháp làm việc, xác định rõ ảnh hưởng, và cho phương tiện thẩm định một cách khác quan kết quả của trị liệu. Theo đúng lý họ sẽ không phiền khi bạn nêu những câu hỏi liên quan đến dịch vụ, cũng như cha mẹ không nên cảm thấy e dè sợ sệt khi muốn có những thông tin này.
● Gợi Ý về Trị Liệu.
Trị liệu nói chung, bất kể đó là ABA hay chỉnh ngôn hay là gì khác, không phải là hai lần một tuần, mỗi lần nửa tiếng, mà đó là cách suy nghĩ. Nó không cần bàn hay ghế, có phòng riêng và dụng cụ. Có một số nguyên tắc chung cho các trị liệu mà bạn cũng nên theo ở nhà. Chúng dựa trên hệ quả và bản tính thông thường của người, như ta nhiều phần sẽ:
– Nhớ bài học khi thấy được trọn ý nghĩa của bài.
– Tiếp tục làm một chuyện khi thấy có lợi cho mình.
– Làm chuyện gì rõ ràng, dễ hiểu.
Như thế trách nhiệm của người lớn là:
– Làm cho trọn mỗi câu hỏi, việc làm mà bạn đòi hỏi trẻ. Nếu bạn nói với con 'Lại đây', thí dụ vậy, rồi không chờ cho con tới, là bạn day con hai điều: trẻ không cần nghe lời bạn, và em không biết 'Lại đây' có nghĩa là gì.
– Hãy tỏ ý mình rõ ràng. Bởi người tự kỷ thường sống trong cảnh có bực bội và bị kích thích làm ngợp, bạn phải rõ ràng với điều bạn hỏi, bằng không là bạn thêm dầu vào lửa.
– Hãy chuyên nhất trong hành động và phản ứng của bạn.
– Bạn là người học trị liệu mà không phải con, bạn cần học để sau buổi học sẽ dạy con ở nhà. Do đó hãy học chung với con, vì bạn sẽ nhớ trong khi không chắc là con còn nhớ khi học xong.
● Tương Tác với Chuyên viên Trị liệu.
– Đừng e dè, ngại ngùng mà hãy có liên hệ tự nhiên, có sự tôn trọng, thành thật và cởi mở với trị liệu viên. Sự trao đổi tự nhiên sẽ đặt nền tảng vững chắc cho việc trị liệu thành công. Khi trị liệu viên có được chi tiết chính xác, họ có thể áp dụng một chương trình mạnh mẽ hơn khi họ biết tình trạng thực. Đừng e ngại là sẽ bị xét đoán mà hãy thành thật hoàn toàn.
– Bạn có thể hỏi về trị liệu và bệnh tự kỷ nói chung, đó là những thắc mắc hợp lẽ, còn hỏi về sự tiến bộ và trị liệu của trẻ khác thì không nên. Ta cần tôn trọng sự riêng tư, kín đáo. Trị liệu viên cũng không thích khi bạn cho con đi học mà em không được khỏe, bạn có thể không muốn mất giờ học quí báu nhưng không nên gây nguy hại cho sức khỏe của con trong bất cứ hoàn cảnh nào.
– Đừng ngưng lại buổi học để làm dịu con khi em ăn vạ. Công dụng của việc ăn vạ và có lẽ là công dụng thông thường nhất, là tránh được chuyện. Nếu cha mẹ cứu con khi em có hành vi tránh né, hệ quả là em học được cách khỏi phải làm chuyện khó khăn với trị liệu viên. Và như vậy là em đạt được mục đích của mình, và cũng là mục đích của hành vi.
– Hãy liên lạc thường xuyên với trị liệu viên và thầy cô ở trường bằng cuốn sổ liên lạc. Trường cần biết sinh hoạt của em ở nhà để có thể làm cho chương trình được thành công hơn, và ngược lại. Đôi khi cách duy nhất để thực hiện việc này là bằng cuốn sổ liên lạc. Khi thầy cô bỏ thì giờ viết sổ để cho bạn hay về con làm gì ở trường trong ngày, câu trả lời của bạn có ích và cho họ hiểu thêm.
– Cha mẹ có nên ngồi xem con học ? Đôi khi việc học tiến triển tốt hơn khi cha mẹ không ngồi đó xem. Tuy nhiên chuyên viên có lương tâm sẽ muốn trẻ có tiến bộ và do đó sẽ hoan nghênh sự có mặt của cha mẹ, vì như nói ở trên, cha mẹ cần biết cách dạy để về nhà dạy con. Nếu chuyên viên có ý dấu nghề, không muốn cha mẹ tham dự bạn hãy đi tìm nơi khác. Hoặc bạn xin phép thâu hình buổi học để về nhà xem lại, và xin cho bài tập để bạn luyện cho con ở nhà. Buổi học một tiếng hay nửa tiếng một tuần phải được phụ thêm bằng cách tập ở nhà, bằng không sẽ không có tiến bộ.
● Điều Làm Được ở Nhà.
– Hãy hiểu rằng hành vi khó chịu thường khi không có nghĩa là con hư. Việc liên lạc tỏ ý làm em rất hoang mang nên cha mẹ phải đơn giản hóa cách nói chuyện giúp em học cách hiểu.
– Dùng hình với con, hoặc đó là biểu tượng, đồ vật, hình vẽ hay là chữ.
– Dùng hình để cải thiện ngôn ngữ tiếp nhận trước (receptive language - hiểu ý người khác), sau đó cho con dùng hình để tạo ngôn ngữ biểu lộ (expressive language - điều em muốn nói).
– Nói chậm và rõ ràng. Ban đầu chỉ dùng những chữ chính. Thí dụ nếu con muốn uống, bạn hỏi 'Drink - Uống ?' mà thôi. Đừng nói dài dòng nguyên câu 'Con muốn uống nước không ?'. Câu có nhiều chữ làm rối trí con; sau đó bạn thêm một chữ ' Muốn uống - Want drink ?'. Cách tốt nhất để giúp con học ngôn ngữ là làm việc liên lạc tỏ ý của bạn càng giản dị càng hay.
– Dùng nét mặt để giúp con đáp ứng. Gật đầu khi nói 'Yes - Được', lắc đầu khi nói 'No - Không'. Thí dụ nếu con muốn uống nước, bạn hỏi 'Uống - Drink ?', nhìn vào con và nói 'Yes - Được' trong lúc bạn gật đầu. Hình ảnh (gật đầu) và âm thanh ('yes') đi cùng với nhau sẽ giúp con hiểu.
– Luôn luôn dùng tên con để em biết bạn nói chuyện với em.
Khuynh hướng mới về trị liệu phản ảnh sự thay đổi trong cách nhìn của xã hội về bệnh tự kỷ. Ban đầu, đó là sự choáng váng, kinh sợ vì không hiểu nguyên do hành vi lạ lùng, kỳ dị của trẻ như phản ứng quá độ về kích thích cảm quan (mùi nồng, tiếng ồn). Xã hội xem đó là sự dị thường không thể chấp nhận được, và đáp lại bằng cách áp đặt tiêu chuẩn của người bình thường vào trẻ bất thường, đòi hỏi phải xóa bỏ hành vi khác lạ.
Sau vài thập niên như vậy, quan niệm có phần uyển chuyển hơn, căn nguyên của khuyết tật được khám phá và có sự thông cảm nhiều hơn với trẻ. Người ta hiểu tại sao em có hành vi khác đời, và tuy mục tiêu vẫn là tập cho em hòa nhập vào cuộc sống chung, phương pháp nay có thay đổi đáng kể. Nói giản dị thì khi trước, các trị liệu mạnh mẽ lôi kéo em từ thế giới tự kỷ với tật và hành vi tiêu biểu vào thế giới bình thường, bất kể sự phản đối ồn ào, dữ dội của trẻ. Ngày nay phương pháp thay đổi, bớt mạnh tay mà khoan nhượng hơn, cha mẹ được khuyến khích đi vào thế giới tự kỷ, sống trong đó cùng với em, tôn trọng cách xử sự tự kỷ của con thay vì thẳng tay gạt bỏ, rồi từ từ xoay hướng mời gọi con vào thế giới bình thường.
Có thay đổi quan niệm vì có nhận xét rằng tính bi quan mà đa số cha mẹ nghe và đọc về tự kỷ là chuyện không may, có hại và thật sai lầm, vì nhiều trẻ tự kỷ có thể bước vào thế giới người bình thường nếu ta chịu đi vào thế giới của em trước. Tương lai của trẻ tự kỷ có thể rất lạc quan nếu ta ngưng bác bỏ em, tìm cách khống chế em, mà thay vào đó cùng em đi vào thế giới tự kỷ như bạn đồng hành.
Nó muốn nói cần có sự cảm thông, hiểu cho em nhiều hơn. Thí dụ bà mẹ có con tự kỷ đã lớn, khi bà có bệnh phải vào nhà thương, trong lúc chờ xe cứu thương đến con hỏi:
- Rồi ai nấu cơm chiều nay cho con ?
Ích kỷ ư ? Không, đó là chứng tự kỷ nói, không phải con nói.
Đa số những gì mà nhiều người tìm cách làm với trẻ tự kỷ là muốn đưa em quá sớm vào thế giới học hành và của người lớn, không chuẩn bị cho em biết giao tiếp cùng liên lạc tỏ ý trước. Tự kỷ theo quan niệm gần đây là có vấn đề về mối liên hệ, liên hệ không tương ứng giữa trẻ với người khác. Em và người chung quanh ở trong hai thế giới khác nhau với nhận định, cảm quan riêng biệt.
Chẳng những người ta không nuôi nhiều hy vọng cho trẻ tự kỷ, mà cũng không mấy tôn trọng cha mẹ trong việc giúp trẻ phát triển, đem cha mẹ vào giúp việc trị liệu. Đa số cha mẹ tin rằng chỉ có chuyên viên mới chữa trị được con họ. Đây là tin tưởng hết sức nguy hiểm vì nhiều cha mẹ khoán trắng con mình cho chuyên viên, tránh không tạo nên tình thân chặt chẽ mà chỉ họ có thể làm được. Chủ trương mới như RDI tin rằng điều mà trẻ tự kỷ cần hơn trường học và trị liệu, là việc giáo dục cha mẹ về điều gì em cần và họ có thể làm gì.
Việc chữa trị thường khi xem ra quá nhiều, quá sớm và quá mau. Chúng ta thúc đẩy trẻ học những điều như ngôn ngữ lâu trước khi em sẵn sàng để học, và nhiều người không kiên nhẫn, không hỗ trợ đối với thành đạt nhỏ bé mà em có được.
Thành quả ở học đường không thì chưa đủ. Quả đúng là nhiều chương trình dạy học và hành vi cho thấy trẻ tự kỷ có tri thức cải thiện và học khá. Tuy nhiên, trừ phi ta giúp trẻ tự kỷ biết chơi đùa, giao tiếp và liên lạc tỏ ý, việc em xử sự đúng cách ở trường, học được, thì không có mấy ý nghĩa và công việc của ta không thành. Thực tế cho thấy nhiều em tự kỷ hoàn tất bài làm trong lớp mà vẫn bị cô lập, không thể phát triển tình bạn.
Quan niệm mới cho rằng trách nhiệm hệ trọng nhất của ta đối với trẻ là cho chúng một thế giới trong đó chúng có thể tạo dựng các mối liên hệ chân thật. Người ta nên muốn em trở thành người biết giao tiếp, liên lạc tỏ ý trước khi em thành học sinh. Có nhiều trường hợp cho thấy trẻ tự kỷ, chậm chạp mà chắc chắn, thành người biết giao tiếp tốt đẹp trong xã hội, khi gia đình các em chú trọng đầu tiên vào việc chơi đùa vui vẻ chung với con, trước khi dạy em thành học trò.
Chủ trương này đưa ra các nhận xét sau:
– Tự kỷ chính yếu là vấn đề về giao tiếp mà cần đối phó trong gia đình, hơn là vấn đề về tri thức mà chỉ cần nhà trường và chuyên viên giải quyết.
– Chuyện không tránh được là cha mẹ và gia đình ảnh hưởng sự phát triển của trẻ nhiều hơn là trường. Vì thế, chuyên viên và cha mẹ cần hợp tác nhiều hơn.
– Một trong những việc quan trọng nhất cho cha mẹ là vui hưởng với con, và giúp con vui hưởng với người khác.
..............................
Bài Đọc Thêm
Cơ Năng Trị Liệu
Occupational Therapy - OT
Chữ Occupational Therapy - OT Cơ Năng Trị Liệu có lai lịch thú vị như sau. Khi thế chiến I chấm dứt, một số binh sĩ Hoa Kỳ hồi hương có thương tật khiến họ khó thể tìm việc làm. Nhằm mục đích giúp các binh sĩ này được tự lập càng nhiều càng tốt, chính phủ Hoa Kỳ tìm cách tập luyện cho họ có kỹ năng để có thể đi làm trở lại. Trị liệu để giúp họ vì vậy có tên là Occupational Therapy, nhắm chính yếu vào việc tái tạo khả năng để tìm việc.
Sau đó người ta nhận thấy cách tập cho thương binh cũng có thể áp dụng cho người khuyết tật, vì khiếm khuyết đôi bên giống nhau là do cơ yếu hoặc dây thần kinh hư hại, và có chung mục tiêu là giúp tạo kỹ năng. Nơi người thương binh là kỹ năng khi trước nay bị mất hoặc suy yếu, cần được tái tạo, cải thiện, tăng cường hoặc thay thế, bù đắp bằng cách khác; nơi người khuyết tật cũng là do kỹ năng yếu kém và cần tập cho mạnh hoặc bù đắp; hoặc không có và nay được luyện để có.
Dần dần khoa OT mở rộng trong lãnh vực khuyết tật, có những cách tập luyện soạn cho trẻ có hội chứng Down lúc mới sinh được sáu tuần, hai tháng, với chủ đích làm cho cơ của em bé mạnh hơn. Vì vậy, dù tên của trị liệu vẫn được giữ nguyên, OT ngày nay có ý nghĩa chính là cơ năng trị liệu mà bớt dần tính chất tìm việc làm (occupation) như lúc mới đầu có khoa này.
OT thường chú mục vào việc cải thiện kỹ năng cử động tinh tế như đánh răng, ăn uống, viết; hoặc kỹ năng hòa hợp cảm quan như thăng bằng (hệ tiền đình), ý thức về vị trí cơ thể (proprioceptive system), và xúc giác. Cách trị liệu có thể là xoa bóp, chải nhẹ trên người, bóp mạnh trái banh nhỏ hay túi cát, và nhẩy bàn nhún (trampoline).
Nếu con bạn có khó khăn với những việc sau:
- Ăn -Mặc y phục -Đi toilet
- Cử động vụng về - Chạy
- Không tập trung - Nhẩy
-Vẽ - Viết - Tiếng ồn
- Mùi - Không biết chơi
thì chuyên viên cơ năng trị liệu có thể giúp em.
Chuyên viên sẽ thảo luận với bạn về lo ngại của bạn, những vấn đề mà con bạn có, và ảnh hưởng của chúng đối với việc học, đời sống ở nhà. Họ có thể thay đổi môi trường để loại trừ trở ngại hay đưa ra cách làm việc dễ hơn cho em. Chuyên viên sẽ làm việc với cha mẹ, thầy cô để giúp gia đình và trường hiểu và đối phó với hành vi của trẻ. Họ sẽ chỉ dạy các điều sau:
– Cách chơi với trẻ
– Cách dạy trẻ kỹ năng mới
– Giúp trẻ hiểu người khác
– Biến đổi môi trường bằng cách chỉnh kích thích cảm quan nhằm làm bớt rối trí trẻ khiến em sinh hoạt khá hơn.
– Giúp trẻ đối phó với thay đổi trong thông lệ hay sinh hoạt.
1. Các Hoạt Động Tăng Sức Mạnh cho Tay
Để có thể cầm bút chì và viết được, bàn tay phải đủ mạnh để giữ cho ngón tay vòng lại giữa ngón cái và ngón trỏ, hoặc áp ngón cái vào để giữ cây viết. Những hoạt động sau đây giúp làm mạnh các bắp thịt của bàn tay để làm được chuyện ấy.
Khi con bạn bắt đầu làm một trong các hoạt động này, xin xem chắc là ngón cái vòng lấy đồ vật mà không phải chỉ đặt cạnh ngón trỏ.
Nếu con bạn đặt ngón cái đúng cách, em có thể làm những chuyện sau và chỉ cần bạn trông chừng rất ít. Xin xem chắc là con được an toàn khi làm bất cứ hoạt động nào dưới đây.
1. Bình Xịt. Dùng loại bình xịt nước cho chậu cây trong nhà. Dùng nó xịt bụi nước vào hình trên tấm bảng đen hoặc một tờ giấy lớn trên bề mặt thẳng đứng (và tô màu cho vui hơn). Xịt nước để rửa kem cạo râu hoặc bọt xà phòng dính trên vách nhà tắm.
2. Miếng Bông Xốp, Bông Đá. Dùng miếng bông xốp có cỡ vừa với bàn tay của con bạn. Nhúng nó vào thau nước rồi bóp chặt để cho nước sang một thau khác. Cho con giúp chùi cửa sổ, tường nhà tắm hoặc xe nhà.
3. Đập Búa. Dùng búa nện đinh có đầu lớn vào miếng bấc, miếng nhựa xốp styrofoam (dùng để chêm cho chặt trong những thùng hàng) hoặc miếng gỗ xốp.
4. Tập Đi Bốn Chân. Tập đi bằng hai tay bắt chước các loại thú như gấu, hoặc đi như cua, hoặc đi như xe cút kít là một người ở sau nâng hai chân của trẻ và đẩy tới để em đi bằng hai tay.
5. Dụng Cụ ở Sân Chơi. Dành thì giờ cho con chơi các dụng cụ trong sân chơi như đi bằng cách nắm những thanh ngang monkey bars, chơi đu. Chơi bất cứ trò gì khuyến khích việc dùng bàn tay nắm chặt. Hãy xem kỹ là ngón cái vòng lại ôm tròn lấy thanh ngang mà không phải là đặt bên cạnh ngón trỏ.
6. Tạo Hình Bằng ống PVC. Nếu bạn những ống nhựa PVC, hãy để con chơi bằng cách dùng chúng xây nhà hoặc vật khác
7. Cắt Kéo. Cắt những loại giấy có độ dầy khác nhau.
8. Kéo Làm Vườn. Dùng kéo này cắt cỏ hoặc cành cây mỏng, đây là một cách làm bàn tay mạnh thêm.
9. Khuấy. Cho con làm chuyện nào trong bếp mà cần phải khuấy, thí dụ trộn các vật liệu với nhau, đây là cách rất hay để làm cho bàn tay mạnh thêm.
10. Khuôn Ép Bánh. Nhét bột chơi mềm playdough, bột làm bánh vào khuôn ép bánh hoặc đồ ép tỏi, đây là cách rất tốt để tăng sức mạnh của bàn tay. Hãy xem kỹ là bạn điều chỉnh độ cứng của bột để nó đủ cứng cho con cố gắng một chút thì làm được.
11. Bấm Lỗ. Cho con bấm lỗ những loại giấy có độ dầy khác nhau. Nếu được thì dùng những đồ bấm khi bấm cho ra lỗ có hình khác nhau. Em sẽ bấm hoài cho đến khi tay mệt mới thôi !
12. Mở Nắp Lọ. Vặn chặt nắp lọ rồi mở nắp có thể giúp tạo sức mạnh cho tay. Lực cần dùng để mở sẽ tùy vào việc nắp vặn chặt nhiều ít ra sao. Hãy thử dấu vài món con ưa thích vào trong lọ để biến hoạt động thành trò chơi.
13. Xách Túi. Xách túi hoặc cặp nặng nhưng con xách được và có quai xách. Coi xem quai xách có đủ dầy để nằm gọn trong vòng giữa ngón cái và ngón trỏ.
14. Kéo Co. Chơi kéo co với bạn hay với chó. Dùng một sợi dây mềm có đường kính lớn hoặc khăn lông cuộn lại. Trò chơi khác cũng vui là kéo đi một bạn nằm trên khăn lông.
15. Chơi Bột Nặn playdough. Chơi với bột nặn, hoặc bột theraputty hoặc bột đất sét có thể giúp làm mạnh bàn tay. Dùng cây gỗ cán làm bếp để cán bột, hoặt khuôn cắt bánh để cắt bột là một trò khác làm bàn tay mạnh hơn. Hãy dấu những 'báu vật' nhỏ trong bột cho con tìm ra (coi chừng con có thể nuốt và mắc nghẹn ).
2. Chải Khắp Người
Một số trẻ tự kỷ có trở ngại về xúc giác, ưa thích có áp lực sâu. Việc chải cho ra áp lực sâu khắp hết chân và tay, có tác dụng làm trẻ dịu xuống, và làm bình thường hóa những cảm nhận của ngũ quan. Bạn có thể bắt đầu ngay khi con thức dậy buổi sáng, và làm lần chót khoảng 1 – 1.30 giờ trước khi đi ngủ. Đa số người cảm thấy dễ chịu ngay lập tức sau khi được chải. Kết quả có thể thấy ngay hoặc phải mất một thời gian, và như vậy con có thể có thay đổi liền hoặc phải chờ 2, 3 tuần mới thấy có thay đổi rõ rệt. Cách này thực hiện được ở nhà cũng như ở trường, giúp em thấy an ổn, chịu chú tâm giỏi hơn và học cách tự điều hòa. Việc dễ làm và có thể mau lẹ thành thói quen cho bạn và cho con.
Phương pháp do chuyên viên OT Patricia Wilbarger soạn, theo đó bạn dùng bàn chải lông mềm, loại bàn chải plastic dùng để kỳ cọ tay, không cào sướt làm trầy da. Có đề nghị là áp dụng mỗi hai giờ để có hiệu quả, và trước khi dùng bạn nên hỏi ý kiến của chuyên viên, nhờ chỉ dẫn về kỹ thuật chải mà đừng tự mình làm lấy.
____________________
Transcranial magnetic stimulation (TMS).
Là kỹ thuật dùng luồng điện sinh ra một từ trường đi vào não. Dòng điện được cho đi vào một dây đồng nằm bên trong ống plastic đặc trên đầu người được trị liệu. Từ trường đi xuyên qua sọ và kích thích não, làm thay đổi hoạt động của một vùng não. Ban đầu chỉ có vài phút nhưng khi trị liệu được lập đi lập lại nhiều ngày liên tiếp, hoạt động không mất đi sau khi hết kích thích mà được duy trì nhiều tuần lễ sau đó. Tính chất này khiến có thử nghiệm dùng TMS làm trị liệu cho các bệnh về thần kinh, việc hồi phục và tâm thần. Riêng cho bệnh tự kỷ, lý thuyết về TMS cho là vài vùng não của người tự kỷ linh hoạt quá độ, chế ngự những phần khác của não. Người ta dùng TMS với hy vọng làm giảm hoạt động của các vùng ấy, và làm cải thiện hoạt động chung của não.
Người AS có tật chung của tự kỷ là không hiểu được ý nghĩa của nét mặt để suy ra người khác nghĩ gì, và ăn nói cho hợp với các luật bất thành văn trong khi giao tiếp. John Robinson (xin đọc phần Chuyện John trong quyển Chứng Tự Kỷ: Tuổi Thiếu Niên và Trưởng Thành) có AS, sau khi dùng trị liệu TMS đã mừng rỡ cho biết:
- Nay tôi đọc được trí người !
Cố nhiên là anh không làm được vậy, điều anh muốn nói là nay lần đầu tiên trong đời, anh hiểu vẻ mặt người ta bầy tỏ cảm xúc gì, tựa như bức màn được vén lên, đèn bật sáng và đột nhiên John biết được tâm tình của người khác là sao. Anh tả thêm:
- Thế giới của tôi nay sáng sủa hơn, sâu sắc, sống động hơn bất cứ gì tôi biết trước đây. Mà chuyện hay nhất là tôi tham dự hoàn toàn vào việc gì xẩy ra chung quanh. Tôi không còn là người ngoài cuộc. Tôi đi từ cảm nghĩ mình là kẻ lạc loài sang cảm tưởng là tôi có thể nói chuyện với bất cứ ai, gần như lúc nào cũng được. Thật là thần kỳ !
TMS không xâm phạm vào cơ thể, người ta chỉ cần ngồi yên một chỗ trong lúc có trị liệu. Kết quả gần đây thấy là nó ảnh hưởng đến khả năng nói, có thể làm cho trẻ nói được. Vì lý do đạo đức, thử nghiệm chỉ áp dụng cho trẻ từ mười lăm tuổi trở lên. Tương lai do đó đầy hào hứng, dầu vậy ta nên dè dặt vì sự việc còn trong vòng thử nghiệm mà chưa phải là trị liệu chính thức được công nhận.
- Chương Năm: Giáo Dục
- Chương Sáu: Chơi
- Chương Bẩy: Tính Dục
- Chương Tám: Sống Với Chứng Tự Kỷ
- Chuyện Stephen và Temple
- Kết & Tham Khảo & Từ Ngữ