CHỨNG TỰ KỶ 

 

Chương  Ba:  Trị  Liệu

 

A. Trị Liệu có Tính Sinh Học   trang       
B. Trị Liệu Không có Tính Sinh Học       
Cơ Năng Trị Liệu – OT                                          
Chỉnh Ngôn                                                                                    
Thể Chất Trị Liệu                                                                
ABA                                                                                                                       
TEACCH                                                                                        
RPM                                                                                                            
PECS                                                                                                                      
Hòa Hợp Cảm Quan                                                           
PRT                                                                                                             
Floortime                                                                                         
RDI                                                                                                             
SCERTS                                                                                                     
C. Dùng Thuốc                                                                                        
D. Những Trị Liệu Khác
Viết Chuyện                                                                                    
Chương Trình Son-Rise                                          
Tẩy Độc                                                                                                      
Nhạc Trị                                                                                                      
Dùng Thú Vật                                                                                 
Apps                                                                                                            
E. Cách Chọn Trị Liệu                                                     

Bài Đọc Thêm – OT                                                                                 

 

__________________________

 

Hiện nay không có thuốc hay cách nào chữa được hết bệnh tự kỷ hay PDD. Đây là những khuyết tật suốt đời chỉ có thể được cải thiện và làm giảm bớt nhờ trị liệu và can thiệp thích hợp. Điều tối hệ trọng là có can thiệp càng sớm càng tốt khi khám phá ra bệnh, vì (ngoại trừ chứng Asperger) những tình trạng này gây trở ngại cho việc phát triển bình thường về ngôn ngữ.
Chương trình can thiệp sớm áp dụng chính yếu cho trẻ nhỏ từ 0 - 6 tuổi, và thực tế thì phần lớn trẻ tự kỷ sẽ tiếp tục cần trị liệu trong lúc em lớn lên; khi trưởng thành thì nhiều người lớn cũng cần trợ giúp ít nhiều mặt này hay mặt kia để có thể sinh hoạt trong xã hội. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ nếu không có được trị liệu đúng lúc và thích hợp, sự việc có thể dẫn tới hệ quả bất lợi lớn lao cho người tự kỷ và ai chung quanh họ.
Không giống như nhiều bệnh khác, chứng tự kỷ không phải là bệnh theo nghĩa gây đau đớn. Tự kỷ cũng không lây và là bệnh về sự phát triển, trẻ phát triển theo cách khác thường, từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành và còn hoài. Những chữa trị chính có tính cách:
– Giáo Dục, như dạy trẻ làm chuyện mà em không biết làm.
– Bù Đắp, thí dụ chỉ dẫn để người tự kỷ học cách dùng ưu điểm bù đắp cho những mặt họ gặp khó khăn.
– Hành Vi, như giúp gia đình và người tự kỷ giảm thiểu hành vi gây trở ngại cho cuộc sống thường ngày, thí dụ nổi xung, tự hại thân
Nếu không có trị liệu để trợ giúp đặc biệt, trẻ có định bệnh PDD sẽ không học được ngôn ngữ đúng cách một chút nào cả; mà có khả năng dùng ngôn ngữ là điều căn bản vô cùng thiết yếu cho sự phát triển bình thường của trẻ, em không thể được giáo dục hay học cách tự lo thân mà không cần tới ngôn ngữ. Vì vậy điều hết sức quan trọng là giúp trẻ có những bệnh PDD học ngôn ngữ, hay có cách liên lạc tỏ ý (dùng hình, máy điện toán) vào lúc sớm nhất có thể được.
Lẽ tự nhiên có trị liệu sớm cho những triệu chứng khác của bệnh PDD như về hành vi và giao tiếp cũng rất quan trọng, nếu ta muốn giảm thiểu các vấn đề về hành vi và giao tiếp. Có nhiều loại can thiệp đã được soạn ra để giúp trẻ tự kỷ và trẻ PDD. Các nhà giáo dục và chuyên viên y tế chọn những cách khác nhau để đáp ứng với nhu cầu đặc biệt của mỗi em, nói khác đi việc định bệnh đưa tới việc soạn chương trình trị liệu riêng cho từng em. Mỗi chương trình này liệt kê những mặt giỏi dang và yếu kém của em, cùng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho em đạt tới. Chương trình cũng vạch ra những loại can thiệp sẽ được dùng để giúp em đạt tới các đích ấy.
Nhận xét chung là có trị liệu càng sớm thì kết quả càng khả quan. Bởi có nhiều dạng bệnh tự kỷ và có nhiều mức độ nặng nhẹ, không trẻ nào giống trẻ nào và do vậy không có một trị liệu duy nhất thích hợp cho tất cả trẻ tự kỷ; trị liệu khi được áp dụng phải thay đổi cho phù hợp với đặc tính riêng và nhu cầu của trẻ. Vì có sự khác biệt như vậy, cha mẹ nên biết là một trị liệu có thể cho kết quả đối với em này mà không có tác dụng với em khác. Một trường hợp gia đình có hai con bị tự kỷ, trị liệu thính giác cho kết quả rất phấn khởi với anh, mà không có hiệu quả gì cho em.
Trị liệu có thể chia làm hai loại chính là sinh học như dinh dưỡng, thêm sinh tố, ăn kiêng v.v. và không phải sinh học như hành vi, giáo dục, cảm quan, liên lạc tỏ ý v.v.Bởi có quá nhiều trị liệu và cũng do hiện tượng 'kỹ nghệ tự kỷ', cha mẹ cần tìm hiểu về các trị liệu và chọn cách nào họ cảm thấy là hợp nhất cho con và gia đình.
Vài trị liệu quan trọng được mô tả vắn tắt dưới đây.

A. Trị Liệu có Tính Sinh Học
Cách Dinh Dưỡng và Sinh Tố.
Như đã ghi trong mục Nguyên Nhân, vài lý thuyết cho rằng bệnh tự kỷ sinh ra do việc dị ứng hoặc phản ứng quá độ với thực phẩm. Do vậy, có gia đình dùng việc dinh dưỡng và uống thêm sinh tố, muối khoáng để trị triệu chứng của bệnh. Ta nên nhớ rằng vào lúc này không ai biết nguyên do gây ra bệnh tự kỷ thế nên người ta cần dè dặt với lý thuyết nào liên kết việc dinh dưỡng với nguyên nhân bệnh, chuyện hay thấy là chúng có tính phỏng đoán và không có chứng cớ vững chắc, khoa học, xác định rõ ràng là có liên kết giữa bệnh tự kỷ với trục trặc về dinh dưỡng.
Có hai cách can thiệp hay được đề nghị:

 

1. Cử thực phẩm có casein và gluten.
Casein là protein có trong sữa và gluten có trong bột mì, lúa mạch, lúa kiều mạch (rye, oat, barley). Lý thuyết của lối dinh dưỡng này cho rằng người tự kỷ không có khả năng tiêu hóa các protein đó, khi ăn sản phẩm của sữa (bơ, cheese, kem v.v.) và bột mì (bánh, bánh mì, nui, pasta v.v.) chúng qua màng ruột vào máu, lên não và kích thích não tựa như thuốc phiện. Người tự kỷ bị nghiền chất này và do đó, nhiều trẻ tự kỷ chỉ chịu ăn một số rất ít các món có những chất trên, như uống sữa ăn bánh mì bao nhiêu cũng hết.
Người chủ trương cách dinh dưỡng này tin rằng khi cử thực phẩm có casein và gluten, triệu chứng bệnh được giảm bớt và có trường hợp nói rằng trẻ hết bệnh. Cách ăn kiêng rất hạn chế và bó buộc, khó theo. Chẳng những phải tránh hết các sản phẩm của sữa và bột mì, mà hai protein còn có trong hàng ngàn thực phẩm khác, thí dụ khoai tây đông lạnh cắt sẵn để chiên có bọc bột mì để chúng không dính, nên khi muốn áp dụng cách kiêng cử cha mẹ phải đọc kỹ phần nguyên liệu của tất cả những món khi đi chợ. Thông thường cha mẹ cho con dưới năm tuổi ăn kiêng trong ba tháng để xem có gì được cải thiện; trẻ lớn hơn năm tuổi được cho ăn kiêng trong sáu tháng. Chưa có nghiên cứu nào cho kết quả đáng tin nói rằng lối ăn kiêng này cải thiện đáng kể triệu chứng của tự kỷ.

2. Uống sinh tố B12, A, C, D, dầu cá thu.
Loại thông dụng nhất là các sinh tố B, C giúp não tạo diếu tố (enzyme) trợ lực cho não hoạt động, sinh tố B12 và C giúp cho hệ thần kinh, và nhiều người cho rằng nó cải thiện việc trẻ nhìn vào mắt người khác và hành vi. Dầu cá thu có chứa lượng cao hai sinh tố A và D cho ảnh hưởng tương tự, và giúp cải thiện hành vi nơi vài trẻ tự kỷ. Sinh tố C còn được cho là giúp trẻ chịu liên lạc tỏ ý hơn. Thử nghiệm cũng liên kết dầu cá với việc não có hoạt động cải thiện.
Có khuyến cáo là lượng sinh tố A tổng cộng từ mọi nguồn không nên cao hơn mức đề nghị của bộ y tế trong một thời gian dài, vì lượng dư thừa sẽ được tích tụ trong gan, và có thể ảnh hưởng hoạt động của gan.

3. Uống sinh tố B6 và magnesium.
Nghiên cứu thấy là 45–50% trẻ và người lớn tự kỷ có được lợi ích khi uống thêm sinh tố B6 và magnesium. Magnesium được dùng để trị bệnh hiếu động, với tật này có thể xẩy ra nếu chỉ cho uống B6 mà thôi. Đa số nghiên cứu cho uống liều khoảng 8–15 mg/500gr trọng lượng thân hình. Người ta thấy là phải cần ít nhất lượng 3mg/500 gr mới bắt đầu thấy có lợi ích, và 6mg/500gr là đủ để cho lợi ích cho đa số trẻ. Chưa ai tìm ra lý do vì sao lượng cao B6 và magnesium sinh ra kết quả.
Lượng đề nghị theo tài liệu là khoảng 8mg/500gr cho B6 (tối đa 1gr) và nửa lượng như vậy cho magnesium. Tuy nhiên có người cần nhiều hơn hay ít hơn. Hiện nay chưa có thử nghiệm nào nhằm xác định ai sẽ có lợi với trị liệu này. Về sự an toàn thì có vẻ như lượng cao B6 cho trẻ và người tự kỷ rất an toàn. Điều cần biết là lượng cao B6 có thể tạm thời làm mất cảm giác ở ngón tay, ngón chân, nhưng điều này hết sức hiếm và khi ngưng uống thì thường hết triệu chứng, được hồi phục hoàn toàn. Chót hết, không thấy tài liệu nào cho biết là những cải thiện có được khi uống B6 và magnesium sẽ còn hoài sau khi ngưng uống.
Nói chung thì trị liệu bằng cách thay đổi dinh dưỡng là mục gây nhiều tranh cãi. Hiện thời không có chứng cớ có tính khoa học hỗ trợ kết quả của trị liệu, nhưng nhiều cha mẹ tin rằng thay đổi cách dinh dưỡng có giúp ích cho con họ. Ít nhất ta có thể nói cách dinh dưỡng có thể phụ giúp hữu hiệu cho việc trị liệu bệnh tự kỷ. Nhiều trẻ tự kỷ có vấn đề kinh niên như tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi và táo bón. Sự đau đớn và khó chịu mà những vấn đề này gây ra tự nhiên có thể dẫn tới bực bội, tức giận và những hành vi bất lợi khác. Kiêng ăn một vài thực phẩm và uống thêm sinh tố có thể cải thiện việc tiêu hóa cho một số trẻ tự kỷ, và nếu cảm thấy khá hơn em sẽ ít tỏ ra bực dọc.
Một lợi điểm của việc ăn kiêng hay uống sinh tố là nếu thấy không hạp thì bạn có thể ngưng lại bất cứ lúc nào.

B. Trị Liệu Không có Tính Sinh Học
1. Trị liệu về Hành vi và Liên lạc Tỏ ý.
Hai trị liệu này được gộp chung vì chúng liên kết chặt chẽ với nhau. Trong thực tế hai trị liệu thường được áp dụng cùng lúc; nhiều vấn đề về hành vi của trẻ tự kỷ được chấm dứt một khi em có thể bầy tỏ làm người khác hiểu được em muốn gì và cần gì. Trẻ tự kỷ nào hiểu môi trường chung quanh có thể làm gì được cho em, và em được mong đợi làm điều chi, thì nhiều phần ít có hành vi si mê hoặc nổi xung.

● Cơ Năng Trị Liệu (Occupational Therapy - OT)
Cơ năng trị liệu chú tâm vào việc giúp trẻ có được kỹ năng tự lo thân, để về sau em có thể làm được chuyện sinh hoạt hằng ngày và được độc lập hết mức, vì vậy nó có thể giúp cải thiện phẩm chất cuộc sống cho người tự kỷ. Trị liệu còn nhắm tới việc duy trì, cải thiện hoặc tập kỹ năng cho phép người ta tham dự vào sinh hoạt có ý nghĩa, thí dụ như kỹ năng đối phó, cử động tổng quát hay tinh tế, kỹ năng chơi, giao tiếp.
Theo phương pháp trị liệu, người tự kỷ có thể được giúp ở nhà và ở trường với sinh hoạt có tính giáo dục gồm mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh cá nhân, đánh răng, chải đầu. Về cử động tinh tế và kỹ năng thị giác em được giúp cách viết, đọc và dùng kéo, về cử động tổng quát thì em được giúp để tự mình đi xe đạp hoặc bước đi đúng cách, v.v.
Việc phát triển những kỹ năng này đòi hỏi tập nhiều các sinh hoạt kích thích sự điều hợp cử động tổng quát hay tinh tế. Một số trẻ tự kỷ không muốn làm sinh hoạt như tô mầu, cắt và xỏ hột trong khi có em khác rất hăng hái làm xong việc. Loại sinh hoạt như thế giúp trẻ phát triển kỹ năng cần thiết và căn bản về việc tự lo thân, cũng như hoàn tất bài trường. Trị liệu thường là một phần của nỗ lực chung giữa nhân viên y tế và giáo dục, cùng với cha mẹ và người trong gia đình.

● Chỉnh Ngôn (Speech Therapy)
Các vấn đề về liên lạc tỏ ý nơi trẻ tự kỷ thay đổi tùy em theo mức độ, và có thể tùy thuộc vào mức phát triển trí tuệ và giao tiếp của trẻ. Một số em có thể hoàn toàn không biết nói, trong khi nhiều em khác có vốn ngữ vựng dồi dào, và có thể nói thao thao về đề tài mà em ưa thích.  Trị liệu phải bắt đầu bằng việc thẩm định khả năng ngôn ngữ của trẻ, do chuyên viên chỉnh ngôn thực hiện. Có trẻ không gặp khó khăn gì trong việc phát âm ra chữ, nhưng đa số trẻ bị trở ngại trong việc dùng ngôn ngữ. Ngay cả trẻ nói thành thạo cũng lộ khó khăn trong việc dùng ngôn ngữ một cách thực dụng, như biết phải nói gì trong trường hợp nào, nói ra sao, khi nào nên nói, cũng như là cách giao tiếp với người khác.
Nhiều trẻ hay nói những điều không có nghĩa hay không có nội dung, em khác lập lại y hệt từng chữ điều gì đã nghe (tật nhái lạto6- echolalia), hoặc lập lại câu mà em thuộc lòng thí dụ như lời quảng cáo trên truyền hình, radio; em khác nói với giọng kỳ lạ như người Úc mà nói giọng Mỹ, hoặc nói phẳng lì đều đều như người máy không biết lên xuống giọng.
Hai kỹ năng cần phải có trước khi có phát triển ngôn ngữ là việc cùng chú ý và khơi chuyện. Cùng chú ý gồm có ánh mắt và cử chỉ hướng về như chỉ tay, giơ cho thấy và đưa cho. Trẻ tự kỷ thiếu sự khơi mào giao tiếp như đặt câu hỏi, em cũng nói ít và không biết dùng ngôn ngữ như là cách để khởi đầu việc chuyện trò. Tuy không có cách nào cho thấy là cải thiện thành công việc liên lạc tỏ ý, có đồng ý là trị liệu tốt nhất bắt đầu trước tuổi đi học, sắp xếp cho hợp với từng cá nhân, và có cha mẹ can dự cùng với chuyên viên. Mục tiêu luôn luôn là việc cải thiện sự liên lạc tỏ ý hữu dụng cho em. Trẻ nào biết nói thì nên tập liên lạc tỏ ý bằng lời, em nào không biết nói thì chuyện thực tế là tập cho em liên lạc tỏ ý bằng dấu, tức ngôn ngữ bằng dấu, hoặc bằng hình. Trẻ phải được có thẩm định theo kỳ hạn để xem mức tiến bộ, tìm cách tập tốt đẹp nhất, và đặt lại mục tiêu cho từng em. Chỉnh ngôn nhằm giải quyết những khó khăn trong việc liên lạc tỏ ý mà trẻ tự kỷ gặp phải, và thường chú mục vào việc cải thiện kỹ năng nói và khả năng ngôn ngữ. Dầu vậy, chỉnh ngôn cũng được dùng để dạy kỹ năng liên lạc tỏ ý không lời và kỹ năng giao tiếp, giúp trẻ tự kỷ nói chuyện khá hơn với người khác.
Chuyên viên sẽ thảo luận với bạn về quan tâm bạn có đối với con, em gặp những khó khăn gì, chúng ảnh hưởng ra sao đến gia đình và việc học. Họ cũng thẩm định cách trẻ làm những sinh hoạt trên, và xem xét những khung cảnh khác nhau mà em sống, chơi, học trong đó. Khi cần, chuyên viên sẽ biến đổi cách em làm công chuyện để khiến nó dễ hơn, họ cũng có thể thay đổi khung cảnh để dẹp bỏ trở ngại (như làm bớt tiếng ồn).
Có khi vấn đề của trẻ cho ra ảnh hưởng bất lợi cho gia đình, bạn bè, ở nhà và ở trường. Chuyên viên có thể làm việc với cha mẹ, người chăm sóc và thầy cô để giúp họ hiểu và đối phó được với hành vi của trẻ. Nó gồm có:
– Cách chơi với em.
– Cách dạy em kỹ năng mới.
– Giúp em hiểu người khác.
– Thay đổi khung cảnh bằng cách điều chỉnh những kích thích cảm quan để làm giảm sự chia trí hoặc khích động, khiến em làm việc khá hơn.
– Giúp trẻ đối phó với thay đổi trong sinh hoạt hay thông lệ.
Chuyên viên sẽ làm việc với cha mẹ, trẻ, người chăm sóc và thầy cô để soạn kế hoạch và mục tiêu cho mọi người làm theo. Kế hoạch này sẽ được theo dõi, duyệt lại và thay đổi khi trẻ tiến triển.
Cho gia đình có trẻ tự kỷ, cải thiện khả năng nói là gần như ưu tiên một. Để cho con có thể nói được, một trong những lời khuyên đầu tiên của chuyên viên chỉnh ngôn cho cha mẹ là nỗ lực duy trì khung cảnh giầu ngôn ngữ chung quanh em. Bởi chúng ta học nói phần lớn là nhờ bắt chước, và trẻ nào không thường xuyên có tiếp xúc với ai khác hay nói, sẽ phát triển ngôn ngữ chậm hơn. Cha mẹ và chuyên viên ngôn ngữ nên tích cực tìm khung cảnh mà trẻ được tiếp xúc với cách nói của trẻ bình thường, và sự chuyện trò hằng ngày. Bạn có thể ít nói, vậy hãy tập nói nhiều hơn bằng cách cho ý kiến với trẻ về chuyện thường ngày, thí dụ về những món hàng mua hay không mua, mầu sắc quần áo đang mặc, ngày lễ ta ăn mừng, chuyện trong cộng đồng như tết Trung thu.
Chỉnh ngôn và cơ năng trị liệu thường được áp dụng cùng lúc. Chuyên viên chỉnh ngôn sẽ nhắc trẻ dùng chữ hay ra dấu tay trong các sinh hoạt được soạn để kích thích sự phát triển cử động tổng quát hay tinh tế do chuyên viên OT đặt ra. Tuy nhiên cách này không thích hợp cho mọi trẻ; trong vài trường hợp cách tốt nhất là cho em chú tâm mỗi lúc vào một công chuyện mà thôi. Khi ấy chỉnh ngôn và cơ năng trị liệu có thể được áp dụng riêng rẽ.
Khi chỉnh ngôn và cơ năng trị liệu phối hợp với nhau, chuyên viên OT thường là sẽ cho trẻ làm những sinh hoạt vui thú như chơi đu. Họ sẽ cho ngừng đu và nhắc trẻ nói 'More, nữa' hoặc 'Swing, đu' trước khi đẩy cho em đu tiếp. Cảm giác đưa đẩy tới lui thường là động cơ thúc đẩy trẻ tự kỷ, em cảm thấy đó là nguồn kích thích dễ chịu. Khi em chú tâm vào cảm giác chơi đu qua lại, trẻ chịu làm theo lời nhắc của chuyên viên trị liệu hơn, và trẻ nào không biết nói đôi khi có thể được nhắc để bắt chước những âm đơn giản.
Vì việc học nói bị chậm trễ nặng nề trong nhiều trường hợp bệnh tự kỷ, với tỉ lệ khoảng 50% trẻ tự kỷ không biết nói, chuyên viên chỉnh ngôn có thể cho em làm những sinh hoạt chuẩn bị cho việc học nói. Họ bắt đầu với việc giúp em làm những cử động miệng đơn giản như há miệng, thè lưỡi ra và chúm môi. Những cử động miệng này có vẻ đơn giản nhưng đôi khi lại khó cho trẻ tự kỷ bắt chước làm theo. Chuyên viên có khi dùng gương trong việc tập để giúp em bắt chước.
Các bắp thịt quanh miệng rất phức tạp, và ta khó mà học để tập sử dụng chúng. Trong một vài trường hợp, tốt nhất ta nên bắt đầu chỉnh ngôn bằng cách học ra dấu tay, ngôn ngữ bằng dấu hiệu có tính tượng hình và cụ thể, thật dễ học so với lời nói. Chuyên viên chỉnh ngôn và cơ năng trị liệu có thể đặt tay mình lên tay trẻ để giúp em ra dấu chính xác, trong khi so với việc học nói họ không thể thúc đẩy cho em nói theo cùng cách như vậy. Người phê bình việc dùng ngôn ngữ bằng dấu nói rằng trẻ học và dùng cách ra dấu bằng tay để liên lạc tỏ ý, về sau sẽ không muốn học nói. Tuy nhiên điều này không đúng, vì người ta khám phá là ngôn ngữ ra dấu  tay thực ra giúp trẻ tự kỷ học nói dễ hơn.

● Ra Dấu Hiệu.
Nếu bạn nghĩ là có gì đó không ổn với con, con gặp khó khăn với những điều sau thì cơ năng trị liệu có thể giúp em:
- Ăn uống, Mặc quần áo, đi toilet.
- Chơi với trẻ khác.
- Chơi trong nhóm.
- Phản ứng quá độ với mùi, tiếng ồn, ánh sáng.
- Điều hợp tay chân, như điều hợp mắt và tay, không giỏi thẩy banh, bắt banh, tay chân vụng về.
- Sức chú ý.
- Chạy, nhẩy, viết, vẽ.
- Thay đổi từ một khung cảnh này sang khung cảnh khác.
Những sinh hoạt hằng ngày có thể hóa khó khăn hơn cho trẻ tự kỷ và ảnh hưởng đến phẩm chất đời sống, lòng tự tin của em nếu vấn đề không được cải thiện. Thí dụ tật nhậy cảm da đầu làm em không chịu cho cắt tóc, OT sẽ cho cách đối phó với những chuyện này và nhiều điều khác.

● Thể Chất Trị Liệu - Physical Therapy
còn gọi là vật lý trị liệu - Physiotherapy.
Chuyên về phát triển sức lực, sự điều hợp cử động và cử động. Chuyên viên cho em tập để cải thiện kỹ năng cử động tổng quát như chạy, vói, và nâng. Bài tập làm cải thiện hoạt động của những bắp thịt lớn trong người, cải thiện tư thế, sự thăng bằng, điều hợp và sức mạnh. Chuyên viên có thể làm việc với trẻ tự kỷ rất nhỏ về những kỹ năng cử động căn bản như tự ngồi một mình, đi, chạy và nhẩy. Họ cũng có thể làm việc với cha mẹ để chỉ dẫn vài kỹ thuật giúp con tạo sức mạnh cho cơ, có sự điều hợp và kỹ năng. Khi trẻ lớn dần, họ giúp em học những cử động phức tạp hơn như ném banh, bắt banh, đá banh hầu cho em tham dự được các trò chơi thể thao, chơi với bạn vào giờ chơi ở trường và những trò chơi khác.

Applied Behavioral Analysis (ABA)
Phân Tích Hành Vi Ứng Dụng.
ABA là phương pháp hữu dụng để dạy trẻ tự kỷ, PDD, dựa trực tiếp vào lý thuyết do chuyên gia về tâm lý hành vi soạn ra. Phương pháp nhắm đến việc thưởng hành vi tích cực và can ngăn hành vi tiêu cực. Chính yếu thì em sẽ được thưởng nếu xử sự theo cách nên có, Nếu xử sự theo cách không nên làm thì em không được thưởng.
ABA dựa phần lớn vào những nguyên tắc về hành vi như uốn nắn theo khuôn, diễn biến theo chuỗi và các bước kế tiếp nhau. Người ta khó mà học hành vi mới phức tạp, tuy nhiên nếu hành vi phức tạp được chia thành nhiều hành vi đơn giản, mỗi cái nối tiếp nhau dẫn đến hành vi muốn có thì việc học trở nên dễ hơn. ABA đòi hỏi là hành vi phức tạp muốn có mà trị liệu viên hy vọng dạy cho trẻ tự kỷ, được chia hay phân tích thành một chuỗi nhiều bước nhỏ em làm được. Thay vì tìm cách dạy hết trong một lúc trọn một hành vi phức tạp ta muốn em có, trị liệu viên chỉ dạy mỗi lần một bước giản dị. Khi trẻ làm được bước này họ sẽ dạy bước kế. Cách dạy một chuỗi nhiều bước như thế tỏ ra hữu hiệu cho ai thấy khó mà tập trung tư tưởng lâu.
Nguyên tắc này được dùng để tập nhiều hành vi khác nhau cho người có hay không có khuyết tật. Nơi người tự kỷ, ABA được dùng để dạy liên lạc tỏ ý, chơi, giao tiếp, học, kỹ năng tự lo thân, và giảm hành vi bất lợi. Vài kỹ thuật ABA gồm có việc người lớn đưa ra chỉ dẫn trong khung cảnh xếp đặt chặt chẽ; kỹ thuật khác dùng sở thích tự nhiên của trẻ và đi theo gợi ý của em. Cách khác nữa dạy kỹ năng cho các sinh hoạt mà trẻ làm. Bất kể tuổi của người học, mục đích của việc can thiệp bằng ABA là cho phép em sinh hoạt được độc lập và thành công càng nhiều càng tốt trong nhiều khung cảnh khác nhau.
Để ABA áp dụng được tốt đẹp, cả hai khung cảnh trị liệu và khung cảnh nhà phải đồng nhất và có xếp đặt. Trẻ phải được cho biết rõ ràng luôn về điều thưởng và hệ quả của những hành vi khác nhau, và ta phải thực hiện như đã nói. Thưởng mà không giống như đã hứa thì không phải là thưởng, và sẽ mau lẹ không còn là động cơ thúc đẩy nữa. Tương tự vậy, hệ quả khó chịu (thí dụ như không được phần thưởng ưa thích) cũng không còn là động cơ thúc đẩy nếu không được thi hành. Phương pháp ABA rất hữu dụng để dạy kỹ năng mới cho trẻ tự kỷ khả năng thấp (low functioning), như dạy nói, giao tiếp và dạy cách áp dụng thích hợp kỹ năng của mình trong nhiều trường hợp, và không hữu hiệu bằng cho trẻ khả năng cao (high functioning). 
Bình thường, trẻ con học kỹ năng về ngôn ngữ và giao tiếp rất tự nhiên, tự động, chỉ bằng cách sinh hoạt trong đời sống hằng ngày và quan sát, làm theo hành vi của người khác. Trẻ tự kỷ không thể và cũng không chú ý tới hành vi người khác chung quanh, và do đó không tự động học được những kỹ năng này. Nếu em học được kỹ năng về ngôn ngữ hay giao tiếp ấy là vì người ta đã chia kỹ năng thành nhiều bước dạy được cho em, và đã ra công dạy chúng từng bước từng bước khó nhọc cho trẻ.
Ngay cả khi được dạy kỹ năng rồi, trẻ tự kỷ cũng không dễ dàng biết cách tổng quát hóa chúng để áp dụng vào hoàn cảnh mới lạ khác, và sẽ cần có tập luyện rõ ràng cách áp dụng kỹ năng ấy vào từng khung cảnh có thể có. Nói tóm tắt, trẻ tự kỷ phải học để có kỹ năng về ngôn ngữ và giao tiếp một cách hữu ý, bằng trí tuệ, như đa số trẻ học cách đọc hay làm toán. Em phải chú tâm, để ý, tập luyện mới học và làm được điều mà trẻ bình thường chỉ quan sát rồi bắt chước làm được. Phương pháp ABA làm cho cách học cực nhọc ấy được thành tựu dễ hơn.
ABA là trị liệu thông dụng nhất về hành vi, tuy nhiên cách này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Trẻ cần học một thầy một trò chặt chẽ, từ 25-40 tiếng một tuần. Cha mẹ cũng cần học kỹ thuật căn bản về trị liệu để có thể làm việc với con tại nhà. ABA rất phổ thông nên bạn có thể hoặc nhờ chuyên viên tập cho con, hoặc tự mình tìm hiểu và lập chương trình dạy con ở nhà.

Dạy Từng Bước - Discrete Trial.
Phương pháp này và ABA thường hay bị lẫn lộn với nhau, nhưng chúng không y hệt nhau. Dạy từng bước là cách dạy được dùng trong ABA, nó uốn nắn hành vi bằng cách lập đi lập lại và dạy trẻ hiểu được liên hệ nhân quả. Nó là phương pháp tạo theo chuỗi, tạo một kỹ năng dựa trên một kỹ năng khác. Những việc làm phức tạp được chia thành nhiều bước nhỏ và mỗi bước được dạy cho làm thành thạo bằng cách tập tới lui nhiều lần. 
Các việc thay đổi theo tính phức tạp của chúng. Việc căn bản như có thể ngồi yên trong một khoảng thời gian là điều phải làm được trước khi sang chuyện khác phức tạp hơn, thí dụ như dùng một chương trình điện toán. Tương tự vậy, có thể nói được câu 'Hello, how are you ?' là chuyện phải làm được trước khi học những cách giao tiếp phức tạp như chào hỏi người khác (cần có việc nhìn vào mắt họ, và chú tâm vào điều họ nói với mình).
Phương pháp dạy từng bước cho thấy các việc đều có thứ tự, và tìm cách dạy trước tiên những việc có tính căn bản. Một việc có thể dạy đầu tiên là sao cho trẻ ngồi yên ở bàn học. Câu ra lệnh 'Come sit' thường là một trong những mục tiêu đầu cho trẻ học theo phương pháp này. Khi em có thể ngồi và làm công chuyện mà không ăn vạ, nổi xung hoặc tỏ ra hung hăng, em được dạy làm những việc phức tạp hơn, như giao tiếp và liên lạc tỏ ý. Kỹ năng liên lạc tỏ ý được dạy trước tiên thường là việc nhìn vào mắt theo cách thích hợp, và tiến lên dần đến kỹ năng cao hơn, như gọi tên vật và dùng ngôn ngữ bằng dấu để tỏ nhu cầu của mình.
Phương pháp dạy từng bước được soạn để tăng cơ may là trẻ sẽ xử sự theo cách thuận lợi. Nó không được soạn để giảm khuynh hướng xử sự theo cách tiêu cực của em. Trẻ được thúc đẩy để xử sự tốt đẹp nhờ có thưởng.  Khi hành vi giỏi được thưởng thì đó là sự hỗ trợ tích cực, như cho em món gì thích thú. Để được hữu hiệu thì phần thưởng phải được cho ra ngay lập tức và cụ thể. Phần thưởng không cụ thể (thí dụ khen, cười tươi) hoặc phải chờ một lát mới cho trẻ thì có thể em không liên kết nó với hành vi muốn tập, và em có thể nghĩ nó chỉ tự nhiên được cho không vì lý do nào. Phương pháp dạy từng bước không hề dùng trừng phạt (như thêm việc gì tiêu cực và khó chịu vào khung cảnh của em). Tuy nhiên, ta có thể áp dụng cách thưởng em khi trẻ ngưng không làm chuyện khó chịu nữa.
Ngoài việc uốn nắn hành vi của trẻ để có được kỹ năng giao tiếp và liên lạc tỏ ý, phương pháp dạy từng bước cũng dạy cho trẻ biết về liên hệ nhân quả. Trẻ học được rằng em phải tập làm nhiều lần, và mỗi đáp ứng mà em làm sẽ cho ra hệ quả (như được thưởng hay không). Trị liệu viên quan tâm nhất đến việc làm trẻ chú ý vào việc học cách làm và phát triển khả năng đáp ứng thích hợp của em về việc liên lạc tỏ ý. Vì vậy, tập theo phương pháp dạy từng bước còn cho ra kết quả phụ là trẻ học được chữ, số và biết gọi tên vật. Vì kỹ năng liên lạc tỏ ý có tính căn bản, nền tảng và phải biết rành trước khi ta có thể dạy những kỹ năng giao tiếp phức tạp hơn, chúng được dạy sớm sủa ngay từ đầu theo phương pháp này.

Cách dạy căn bản đi theo công thức SD → R → Sr, trong đó:
SD : Discriminative stimulus – lệnh hay đòi hỏi, thí dụ khi dạy về các phần của thân thể, bạn ra lệnh 'Chỉ vào mũi'. Lệnh cần được đưa ra bằng ngôn ngữ rõ ràng, chính xác và không dùng tên của em. Bất cứ ai dạy em như trị liệu viên, cha, mẹ, ông, bà v.v. đều phải theo cách đặt câu này; và phải nói không gián đoạn, nói mạnh mẽ, hơi lớn hơn bình thường một chút.
R: response – câu đáp, phải có trong một giới hạn thời gian, thường là 3-5 giây, vì vậy cần có đồng hồ đếm giờ (timer) trên bàn học để đo lường. Lệnh được nhắc lại và mỗi lần như thế câu đáp phải giống nhau, và trị liệu viên nên cẩn thận đừng tăng cường hành vi không muốn có.
Sr: stimulus reinforcer: thường được gọi giản dị là thưởng hay phạt (ở đây là không thưởng).
Thưởng hay kích thích tích cực là làm củng cố hành vi, khiến em dễ dàng có đáp ứng tương tự lần sau. Kích thích tiêu cực là không có thưởng và nhiều phần làm hành vi tương tự (đáp sai hoặc không đáp) không xẩy ra thêm. Sr phải được làm ngay sau khi có hành vi (đúng hay sai) để trẻ có thể liên kết dễ dàng lệnh SD và câu trả lời Sr. Đáp ứng không đúng thì trị liệu viên sẽ nói 'Không' bằng giọng thản nhiên, bình thường.
Việc thưởng hay không thưởng là trọng tâm của ABA. Thưởng có nhiều hình thức:
- Thực phẩm: kẹo, trái cây như miếng chuối, miếng cam, hạt nho khô.
- Sinh hoạt: xem truyền hình, có giờ rảnh.
- Chơi: chơi đồ chơi, đạp xe đạp.
- Có vật: được cho ngôi sao dán tập.
- Giao tiếp: ôm hôn, cười khen, đánh tay high five.
Không thưởng là nói 'Không – No', hay lấy đi món gì đó để tăng cường hành vi, làm hành vi thuận lợi xẩy ra thường hơn.
Một lệnh có thể được làm đi làm lại nhiều lần, câu trả lời của em được ghi lại mỗi lần và khi đáp trúng một số lần nào đó (thí dụ 15 lần trúng cho 20 lần tập) với nhiều trị liệu viên khác nhau, em được xem là nắm vững lệnh ấy và sẵn sàng học chuyện khác. Điều cần nhớ là  nghỉ một chút trước khi sang phần kế.

Verbal Behavior Intervention - VBI.
Thường được dùng đi kèm với ABA, bổ túc cho vài thiếu sót trong trị liệu sau. Có phê bình về ABA là phương pháp dạy trẻ chữ mà thường khi em không biết dùng chữ sao cho có  hiệu quả, hoặc dùng nó một cách tự nhiên. Thí dụ đưa cái bánh thì em biết đó là bánh và nói 'Cookie', mà không được khai triển để biết khi nào dùng chữ này, ngoài việc dùng nó mỗi khi em muốn có bánh. Nay VBI dạy em cách dùng ngôn ngữ để giao tiếp, thí dụ ta nói với trẻ.
– Mẹ nướng ...
em sẽ làm câu được trọn bằng cách nói:
– Bánh.
Hoặc bạn cũng có thể nói:
– Con nướng gì đó ?
mà không có cái bánh nào trước mặt, trẻ sẽ đáp:
– Bánh.
Cách ấy giúp trẻ nói, đáp ứng với ngôn ngữ của người khác, thảo luận về những điều không hiện diện, là diễn biến hay thấy trong khi trò chuyện, và là mục đích của VBI. Có ý kiến nói rằng VBI tìm cách thúc đẩy trẻ để em thấy liên kết giữa một chữ và cách dùng nó.

● Training and Education of Autistic and Related Communication Handicapped Children (TEACCH).
Đây là chương trình giáo dục soạn theo nhu cầu riêng của mỗi trẻ tự kỷ, dựa trên chỉ dẫn tổng quát. Nó bắt đầu từ thập niên 1960 khi các y sĩ Eric Schopler, R.J. Richler và cô Margaret Lansing làm việc với trẻ tự kỷ, đặt ra cách giúp em nắm vững được khung cảnh lớp học và do đó nuôi dưỡng tính độc lập nơi trẻ.
Phương pháp này đặc biệt ở chỗ trọng tâm được đặt vào kiểu mẫu của khung cảnh hoặc vật chất như phòng ốc, hoặc giao tiếp và liên lạc tỏ ý. Môi trường được sắp xếp để đáp ứng với khó khăn của trẻ, và cùng lúc tập cho em làm việc theo cách thích hợp và chấp nhận được trong xã hội. Thí dụ hộc tủ trong lớp có mầu riêng biệt cho em biết bút chì phải cất ở hộc nào, giấy cất ở đâu; khi mang giầy thì sàn có dán hình giầy chân phải và chân trái, em chỉ việc so giầy vào đúng hình là làm được việc.
Dựa trên nhận xét là trẻ tự kỷ thường học bằng mắt, TEACCH dùng hình rõ ràng trong việc học để em dễ tiếp nhận, dễ hiểu, có tổ chức và có độc lập. Trẻ học trong môi trường có tổ chức chặt chẽ như đặt bàn ghế theo một thứ tự đã định, các khu có lằn phân ranh rõ rệt, thời biểu bằng hình, chỉ dẫn minh bạch; thí dụ em biết cứ đi theo lằn mầu đỏ là tới thư viện. Học sinh được hướng dẫn theo trình tự rõ rệt về sinh hoạt, và như thế được giúp trở thành có sắp xếp, chỉnh đốn hơn. Chủ trương này tin rằng với trẻ tự kỷ, sự thứ tự, có sắp đặt cho em căn bản và khuôn khổ để học. Tuy TEACCH không đặc biệt chú tâm vào kỹ năng giao tiếp và liên lạc tỏ ý nhiều như các trị liệu khác, nó có thể được dùng cùng với trị liệu như vậy để làm chúng được hiệu quả hơn.

● RPM (Rapid Prompting Method).
Do cô Soma Mukhopadhyay soạn ra để dạy con là Tito có tự kỷ nặng, không biết nói. Theo cách này sau 11 năm, lúc Tito 14 tuổi em phát triển đến mức có thể viết sách, làm thơ, và dự vào những cuộc nghiên cứu về chứng tự kỷ. Phương pháp dựa vào cách não bộ làm việc, chú trọng vào việc tập cho trẻ biết viết, để cho em cách liên lạc tỏ ý và từ đó dẫn sang việc học. Hiện cách này đang được áp dụng cho một số trẻ tại Hoa Kỳ với kết quả khả quan. Cách dạy của cô Soma rất đáng chú ý, xin bạn đọc thêm chuyện Tito Mudkhopadhyay trên trang web của nhóm.

Picture Exchange Communication System (PECS) –
Dùng Hình Trao Đổi.
Đây là kỹ thuật khác về sự liên lạc tỏ ý cho trẻ không biết nói hay biết rất ít học cách liên lạc tỏ ý bằng hình.  Em dùng hình để nói lên ý muốn, nhận xét hay cảm xúc. Những hình này có thể làm lấy ở nhà, cắt ra từ sách, báo rồi ép plastic, hoặc mua làm sẵn. Vì một số người tự kỷ học bằng mắt, cách này tỏ ra hữu hiệu trong việc cải thiện kỹ năng liên lạc tỏ ý độc lập và trong một số trường hợp dẫn đến việc em biết nói.
PECS là phương pháp dùng hình để dạy trẻ tự kỷ hiểu về ngôn ngữ. Có lẽ việc trẻ tự kỷ học nói gặp khó khăn là do hai điều, một là trẻ tự kỷ thường suy nghĩ rất cụ thể và không giỏi suy nghĩ trừu tượng như về ý niệm, hai là trong khi đó ngôn ngữ lại là điều rất trừu tượng, thí dụ như chữ 'nước' không có chút liên hệ nào với nước, khiến ta mường tượng được ra nước, mà ta phải học trước đó mới nối kết được âm 'nước' với ý niệm, hình ảnh về nước. PECS làm công việc cụ thể hóa ý niệm để giúp trẻ hiểu ngôn ngữ và rồi học nói.
PECS có nhiều giai đoạn.
– Giai đoạn đầu không lời và yên lặng. Trị liệu viên thúc đẩy trẻ trao đổi hình để có được món rõ ràng mà em thích. Mục đích của giai đoạn một chỉ là giúp trẻ nối kết được giữa hình và những món khác nhau mà em ưa thích. Nhiều đồ vật, món để thưởng (kẹo bánh, đồ chơi, sách hình v.v.) và các sinh hoạt (ráp hình, vọc cát v.v.) được trưng ra để em học mà không lầm lẫn, rằng việc dùng hình để đổi lấy vật hay sinh hoạt ưa thích được giới hạn vào một loại đồ vật hay sinh hoạt riêng biệt. Dầu vậy, trong giai đoạn đầu trẻ không bị đòi hỏi phải học phân biệt giữa những hình khác nhau, trị liệu viên giúp em khám phá là em có được vật mong muốn bằng cách đưa hình. Khi em học được cách trao đổi hình để có đồ vật hoặc sinh hoạt rồi, em sẵn sàng bước qua giai đoạn hai.  

– Giai đoạn hai được soạn để giúp trẻ cách mở đầu việc trò chuyện.
Trị liệu viên đưa ra một bảng liên lạc, và vẫn không dùng lời. Trẻ học cách gỡ hình đính trên bảng, đưa cho họ để đổi lấy vật hay sinh hoạt mà em thích. Dần dần, trị liệu viên tăng khoảng cách giữa họ với trẻ, dạy cho em biết là phải có nỗ lực mới đạt được món em ham thích. Có nghĩa trẻ phải đứng dậy rời khỏi ghế, đi tới bảng liên lạc, gỡ hình, và rồi đi tới trị liệu viên để trao hình đổi lấy đồ vật. Phương pháp như vậy còn khiến trẻ đi tìm và có được sự chú ý của người khác; như vậy trẻ học được những chữ mới và cách dùng chúng. Khi em hiểu được nhu cầu là phải có nỗ lực về mặt thể chất để đạt phần thưởng thì em sẵn sàng cho giai đoạn ba.    

– Trong giai đoạn ba, trẻ được dạy phân biệt những hình khác nhau.
Em đã biết rằng có thể đổi hình để lấy thưởng, nay em phải học rằng mỗi hình liên kết với một phần thưởng riêng biệt. Để cho em nắm ý niệm này, trị liệu viên cho em xem một hình của vật muốn có và một hình của vật mà em không muốn; rồi họ cũng trưng ra từng món này riêng rẽ với nhau. Hình được gắn lên bảng liên lạc và trẻ được khuyến khích bắt đầu lệ thường là trao đổi hình để lấy thưởng.
 Tuy nhiên, khác với hai giai đoạn trước là  em luôn luôn nhận được món mà em ưa thích, trong giai đoạn này em nhận được món trên hình dù em có muốn nó hay không. Kế đó, trị liệu viên cũng bắt đầu nói trong giai đoạn ba.  Nếu trẻ đưa cho trị liệu viên hình cây bút chì mầu, họ sẽ nói:
-  Em muốn viết chì mầu
và đưa cho em sách hình để tô mầu. Khi em phản đối, họ sẽ nói:
- Lấy hình mà em muốn,
để khuyến khích trẻ lấy hình thích hợp. Nó sẽ khiến em quay trở lại bảng liên lạc và tích cực tìm trong các hình.
Trong suốt việc tập số hình ngày càng nhiều hơn, và do đó vốn ngữ vựng của em cũng tăng lên Khi em có thể phân biệt được hình này trong một loạt nhiều hình khác nhau để có được điều em muốn, thì ta sang bước kế.

– Giai đoạn bốn của PECS là việc dạy cấu trúc căn bản của câu nói.
Thông thường, câu đầu tiên được dạy là 'Em muốn', vì nó là động cơ thúc đẩy mạnh mẽ, và tương ứng với ba giai đoạn vừa rồi là có được điều mà em muốn. Trị liệu viên không dùng lời mà hướng dẫn trẻ đến một thẻ có hình tượng trưng ý 'Em muốn'. Họ cầm tay trẻ chỉ dẫn lấy hình của vật mà em muốn và đặt vào cuối hình của ý muốn. Khi xong rồi thì em đổi hình của câu đã hoàn tất lấy vật muốn có.
Khi em có thể tạo được câu trọn vẹn và trao đổi câu giản dị để lấy vật hoặc sinh hoạt muốn có, trị liệu viên bắt đầu nói lớn câu ấy để giúp trẻ liên kết giữa câu hình mà em đã ghép với lời nói. Thí dụ, trị liệu viên nói 'Em muốn sách' khi trẻ đưa cho họ một câu hình đầy đủ cho biết em muốn có sách. Trẻ đủ sức bước qua giai đoạn năm khi em tự mình hoàn tất một câu hình, và đưa nó cho trị liệu viên để trao đổi lấy vật hay sinh hoạt em muốn.

– Giai đoạn năm sẽ đem câu 'Em muốn gì ?' vào việc trao đổi hình.
Trị liệu viên chỉ hỏi trẻ em muốn gì, và rồi hướng dẫn em tới bảng liên lạc. Khi trẻ làm đúng luôn, tỏ cho thấy em muốn gì khi được hỏi thì em sẵn sàng cho giai đoạn sáu. Trẻ con thường học giai đoạn năm rất mau.

– Giai đoạn sáu dựa vào việc hoàn tất câu trong giai đoạn bốn ở trên để khai triển rộng ra.
Trị liệu viên dạy trẻ những câu mới khác nhau như 'Em thấy đồ chơi' hay 'Em thích đồ chơi', và khuyến khích em đáp ứng. Họ cũng dạy em chữ mô tả tình cảm và tính chất của vật trong bước kế tiếp. Thí dụ, họ có thể khuyến khích trẻ hỏi xin xe hơi mầu vàng hay con chó nhồi bông. Cách khác là thúc đẩy trẻ mô tả mình cảm thấy gì. Giai đoạn sáu tiếp tục mở rộng ra bao lâu mà việc trao đổi hình tỏ ra còn có ích hoặc cần thiết để giúp có sự liên lạc tỏ ý.
PECS là cách dạy và học có giá trị, ta cũng có thể dùng nó để giúp trẻ chuyển từ sinh hoạt này sang sinh hoạt kia, hoặc chịu được thay đổi trong thông lệ. Việc trao đổi hình dạy ở đây cũng có thể dùng để giúp trẻ hiểu ý niệm về thời biểu. Thời biểu bằng hình được soạn bằng cách đặt hình tượng trưng các sinh hoạt trong ngày lên bảng liên lạc hoặc lên tường. Hình cho việc thay y phục, đi toilet, ăn, đi học trị liệu, đi trường và vô số sinh hoạt khác có thể được dùng cho cùng mục đích. Trẻ sẽ học cách kiểm thời biểu của mình để biết sắp tới phải làm gì.
Việc tập có thể kéo dài nhiều tháng hay năm. Người ta tin rằng khi trẻ có thể tỏ ý không bằng lời vì không biết nói, như dùng hình, em sẽ bớt bực dọc hơn và hành vi khó chịu như ăn vạ được giảm bớt.

Hòa Hợp Cảm Quan - Sensory Integration.
Mỗi chúng ta đều có kinh nghiệm một cảm giác nào đó không dễ chịu hoặc làm chia trí, vào lúc này hay kia trong đời. Cảm giác thông thường gây chia trí có thể làm như ta không chịu đựng được trong một lúc, thí dụ quần áo ngứa ngáy khó chịu, ánh sáng chói lòa, hoặc thức ăn quá lạnh. Mỗi người có riêng một số cảm giác họ đặc biệt không chịu được, và không ai có những cảm giác này giống hệt ai khác. Thí dụ có người khó mà ngủ khi trong phòng mở máy truyền hình, còn người khác thấy âm thanh của truyền hình giúp họ ngủ mau hơn. Một người có thể rùng mình kinh sợ khi nghe tiếng thắng rít, mà người khác có thể không biết có tiếng động ấy. Có người thích được vuốt ve da thịt nhẹ nhàng, người khác dễ bị nhột và không thể chịu được sự sờ chạm ấy.
Những vấn đề về cảm nhận quá độ xẩy ra rất thường với bệnh tự kỷ. Vài trẻ tự kỷ không chịu được âm thanh hay sự ôm ấp, trong khi em khác dửng dưng với âm thanh mà lại thèm được ôm chặt. Một trẻ tự kỷ có thể cho phản ứng bùng nổ và quá đáng với âm thanh lớn còn em khác thì không phản ứng chút nào. Trẻ tự kỷ có vấn đề về cảm quan gặp khó khăn trong việc lọc để ngăn cảm giác nhận được. Hệ thần kinh của em không biết ngăn chặn cảm giác nào và khuếch đại cái nào,mà nhận tất cả ở cường độ làm em đau đớn.
Trẻ tự kỷ mà cảm quan quá nhậy có thể tránh những sinh hoạt cần chuyển động, em có thể bị say sóng rất dễ dàng. Em cũng có thể không muốn làm các hoạt động như lên xuống cầu thang, và nhờ giúp đỡ với việc xem ra rất giản dị như đi, hoặc muốn được bế thay vì phải tự đi. Ngược lại, trẻ mà cảm quan yếu kém sẽ tích cực muốn làm sinh hoạt có nhiều chuyển động, có lẽ để được kích thích. Em thích chơi đu hay sinh hoạt nào khác có chuyển động, và sau khi quay mòng mòng vẫn không bị chóng mặt. Người ta có khi phải ngăn không cho em có chuyển động quá mức thay vì khuyến khích để chơi trò có chuyển động (như trường hợp của trẻ quá nhậy ở trên).
Sinh hoạt có tính hòa hợp cảm quan giúp giải quyết nhu cầu về cảm quan của trẻ, bằng cách giảm thiểu hoặc tăng gia cường độ của những kích thích khác nhau về cảm quan mà trẻ nhận được. Đa số sinh hoạt này tác động vào hệ tiền đình (vestibular system), cảm quan sâu về tư thế và áp lực nằm trong khớp và bắp thịt (proprioceptive), và xúc giác.
Hệ tiền đình  giúp ta đứng thẳng và điều hợp cử động tay chân. Nó gồm có cảm nhận thị giác và cơ quan đặc biệt nằm ở tai trong. Sinh hoạt kích thích hệ tiền đình có liên quan đến chuyển động như chơi đu, nhẩy và quay vòng. Trẻ có cảm nhận yếu kém sẽ chơi những trò ấy như là cách để kích thích, và trị liệu viên có thể cho em làm các bài tập về chuyển động, được sắp xếp sao cho thỏa mãn nhu cầu của em, mà cùng lúc giữ cho em trong vòng chấp nhận được của xã hội.
Trẻ mà cảm quan quá nhậy sẽ có phản ứng rất mạnh với nhiều loại kích thích. Em sẽ cảm thấy thoải mái hơn với những sinh hoạt liên quan đến hệ cảm quan sâu. Hệ này giúp ta có thông tin về vị trí của cơ thể; thông tin làm ta điều hợp sinh hoạt cần cử động tinh tế như tô mầu bên trong đường biên của hình vẽ, hoặc cài khuy áo. Hệ cũng liên quan đến việc xếp đặt sự cử động như biết khi nào nhấc chân, giơ tay, hoặc khả năng điều hợp những động tác khác nhau để làm xong một việc. Làm như người tự kỷ có hệ tiền đình không nhậy, kết quả là họ yếu kém về cử động tinh tế, không điều hợp các cử động để được suông sẻ, cho người ngoài cảm giác là vụng về, tay chân quơ quào lóng cóng, hoặc tệ hơn là đi đứng ngả nghiêng như say rượu, cho ấn tượng xấu trong khi họ không say sưa be bét như thế. Sinh hoạt kích thích hệ về tư thế là điều chi tạo áp lực sâu như đè, ép người, ôm chặt, và leo trèo.