CHỨNG TỰ KỶ 

 

Chuyện  STEPHEN

và  TEMPLE

 

Stephen Wiltshire      
Temple Grandin                     

 

 

Stephen Wiltshire vẽ lúc 10 tuổi, lúc ở tiểu học em không biết nói, có những tật chính của tự kỷ như không nhìn vào mắt, không muốn được ôm, phẩy tay, không biết chơi. Năm bốn tuổi đi vườn trẻ, Stephen tỏ ra không biết đến ai khác mà chỉ lang thang một mình trong lớp nhưng tỏ ra có khiếu về vẽ. Em thích ngắm hình, lấy giấy viết chì và mê mải nguệch ngoạc một lúc lâu, thường đó là hình xe hơi, thỉnh thoảng có hình thú vật và người. Điều em si mê nhất là cao ốc, cao ốc trong thành phố London mà em có dịp thấy trên truyền hình, sách báo, hoặc theo lớp đi chơi.
Về giao tiếp, Stephen chỉ biết hỏi xin 'giấy' để vẽ lúc em sáu tuổi; trong nhiều năm em không hiểu để hỏi xin chuyện gì khi cần, ngay cả việc chỉ tay hoặc có cử chỉ. 'Giấy' vì vậy là chữ đầu tiên em biết nói, và đây cũng là lần đầu tiên em hiểu cách dùng chữ để nói chuyện với người khác, tức biết công dụng của ngôn ngữ trong việc giao tiếp, điều mà trẻ một tuổi đã biết.
Tại sao em đột nhiên có ưa thích này và nó mạnh mẽ, hoàn toàn mê say một điều mà thôi đến mức Stephen không vẽ vật gì khác, là điều không ai biết rõ. Tính si mê độc nhất một điều là chuyện hay thấy nơi người tự kỷ, với em đó là cao ốc với kích thước vĩ đại và phức tạp, từ trên không nhìn xuống. Đến năm bẩy tuổi Stephen có thêm si mê khác là động đất. Mỗi khi vẽ những điều này hoặc khi thấy hình ảnh trên truyền hình, sách báo, em có khích động lạ lùng, chộn rộn náo nức; không có chuyện gì khác làm em xáo động nhiều như thế.
Năm 1982 thầy giáo kinh ngạc với những bức vẽ của em, lúc đó em chỉ ngồi thu lu một góc trong lớp và mải miết vẽ, vẽ, vẽ những tòa nhà nổi tiếng của thành phố như vương cung thánh đường St. Paul, Tower Bridge với chi tiết tinh xảo, trong khi các bạn cùng lớp chỉ biết vẽ người khẳng khiu như cây sậy. Nét sắc sảo, đường nét vững chãi, theo đúng luật phối cảnh làm thầy giáo sững sờ vì không ai dạy mà tự em biết kỹ thuật vẽ. Cùng với điều này Stephen có trí nhớ phi thường, làm như em nhìn ngắm các tòa nhà phức tạp nhất hay khung cảnh đô thị chỉ trong vài giây đồng hồ mà có thể giữ trong đầu mãi mãi hết mọi chi tiết tinh tế, không tỏ ra phải cố gắng chút nào.
Chẳng những các chi tiết của cảnh vật phải liền lạc với nhau, xếp đặt ăn khớp trong cấu trúc bình thường, mà ngay với những bức vẽ đầu tiên về khu phố được phá hủy để có xây cất mới, và cảnh động đất với cột bê tông gẫy gục nằm ngổn ngang, la liệt theo đủ mọi hướng, sự xáo trộn gần như là hoàn toàn vậy mà Stephen nhớ sự đổ vỡ này và vẽ lại sát theo y hệt thật dễ. Làm như  không có gì khác biệt giữa việc em vẽ theo hình ảnh trong trí nhớ hay theo cảnh thật bên ngoài. Em không cần hình chụp để nhớ lại, không vẽ phác cảnh đã thấy hoặc ghi nốt để nhớ, mà chỉ nhìn một lần thoáng qua vài giây là đủ.
Nhận xét về ký ức của người tự kỷ, cha mẹ và ai quan sát cho rằng họ không biết tổng quát hóa chi tiết riêng của kinh nghiệm thành chuyện tổng quát như người bình thường làm. Mỗi chuyện, mỗi giây phút làm như đứng riêng một mình phân biệt, gần như không liên kết với chuyện khác trong trí óc của họ. Thành ra trong việc giữ lại kinh nghiệm có vẻ như không có gì mất đi. Làm như đời họ gồm những giây phút rời rạc mà sống động, không liên kết với nhau hay với chính họ, và không có sự liên tục hay diễn biến sâu xa nào hơn.
Lúc này dù đã 10 tuổi, Stephen không bầy tỏ tình cảm, như thể em không hiểu là có những tình cảm khác nhau, và sẽ bật cười khi bạn trong lớp ăn vạ khóc lóc hoặc la hét. Trắc nghiệm thấy là tuy Stephen là thần đồng về việc quan sát hình ảnh và vẽ theo trí nhớ, chỉ số thông minh IQ của em thua xa mức trung bình (100) và chỉ có 52. Dần dần, tài năng của em được biết tới nhiều hơn và năm 14 tuổi, nhiều bức vẽ của em được chọn lọc in thành sách về các cao ốc tại London.
Tình trạng khuyết tật của Stephen là tuy em vẽ thật dễ dàng bất cứ con đường nào đã thấy, em lại không thể băng qua đường một mình mà phải cần người giúp.  Em thấy được trọn thành phố London trong trí mình, nhưng không sao hiểu được trí người; em không thể chuyện trò xã giao với người khác, mà chỉ biết nói với người lạ theo cách kỳ quặc, không đầu đuôi. Em biết truyền hình đã tới phỏng vấn mình và chiếu cho cả nước xem, có một cuốn sách xuất bản và được xếp vào hàng sách bán chạy, nhưng các việc này không ảnh hưởng mảy may đến Stephen, khác với trẻ bình thường. Làm như em không hiểu sách bán chạy nhất là sao. Ý thức của Stephen không thay đổi làm thầy cô nghĩ là trí tuệ và tình cảm của em có khiếm khuyết nặng. Tuy nhiên suy nghĩ thông thường cho rằng muốn biểu lộ nghệ thuật người ta cần có ý niệm, hiểu biết về cái tôi; vậy người ta có thể nào là nghệ sĩ mà không có cái tôi không ?
Stephen đưa sách của mình cho người khác xem, nói về hình vẽ một cách tự nhiên không kiêu hãnh mà cũng không khiêm tốn, hoàn toàn không chút ngượng nghịu. Đứng xem em vẽ cảnh mới thấy lần đầu, người ta thấy thoạt tiên Stephen thản nhiên nhìn cảnh không tỏ vẻ có chú ý đặc biệt, rồi nhìn chung quanh một lượt xong đi vào phòng để vẽ.
Em không vẽ sơ trước mà chỉ bắt đầu ở một bìa tờ giấy, từ từ đi ngang qua tờ giấy, như  thể vẽ lại hình ảnh có trong đầu. Em không đứng ngoài ngắm nghía tòa nhà, không phác thảo, không đứng vẽ với cảnh trước mặt, mà sau một cái nhìn ơ hờ ngắn ngủi, đã ghi nhận mọi đường nét, thấy hết các chi tiết, nắm được bản thể của vật, giữ nó trong ký ức và rồi lẹ làng vẽ ra giấy. Hình vẽ chính xác về một số mặt và có tô điểm thêm thắt ở vài mặt khác, thêm vào điều gì không có ngoài cảnh thật, và bỏ qua vài điều có trong thực tại.
Thế nên tranh vẽ xong dù với chi tiết y như thật, lại không phải như là bản copy hay hình chụp và có tính máy móc, mà có thêm có bớt, thay đổi và có cách vẽ đặc biệt của Stephen. Hình cho thấy trí não làm việc phức tạp như thế nào, nó là sự xếp đặt của cá nhân nhưng ta có thể xem nó là sự sáng tạo chăng ? Tranh đi sát với cảnh thật, có sự hồn nhiên không biết vẽ vời thêm. Chuyện đáng ghi về trí nhớ của Stephen là khi vẽ tòa nhà ở Nga theo ký ức, em vẽ luôn bảng hiệu cửa hàng ghi chữ Nga trong khi em không biết chữ Nga nào. 
Vài người tự kỷ có tài năng nổi bật khác nhau, với Stephen là về vẽ, người khác về nhạc, về lịch (như cho biết ngày 16 -2 - 1754 là thứ mấy trong tuần). Có nhận xét cho rằng tất cả những người này có trí thông minh đúng thực, nhưng là sự thông minh theo một loại riêng biệt, nằm trong một phần tri thức giới hạn. Tài năng ấy là chứng cớ mạnh mẽ cho thấy có nhiều dạng thông minh độc lập đối với nhau, và mỗi dạng có qui luật riêng của nó, nhưng có đặc điểm chung là đi khác hẳn với cách phát triển thông thường.
Tài năng nơi người tự kỷ dường như phát triển trọn vẹn ngay từ bước đầu tiên và về sau không thay đổi hơn mấy, thí dụ Stephen năm bẩy tuổi không học mà vẽ xuất sắc hơn trẻ cùng tuổi với em, nhưng đến năm 19 tuổi, dù rằng em có phát triển chút ít về sự giao tiếp bản tính, tài năng của em không khác hơn mấy so với lúc trước. Có thể coi tài năng loại này như dụng cụ được làm sẵn, sắp sẵn, cắm điện bật nút vào là chạy.
Kế đó, tài năng ấy có tính chất tự động nhiều hơn tài năng nơi người bình thường, thấy không có vẻ chiếm nhiều tâm trí hay đòi hỏi có sự chú ý hoàn toàn. Trong lúc vẽ bức tranh tinh xảo, Stephen tay vẽ mà mắt nhìn chung quanh không nhất thiết chú mục hoàn toàn vào tờ giấy trước mặt, nghe nhạc với máy nghe đút tai, hát, và có khi còn nói chuyện. Thấy như tài năng không có liên kết với trọn con người như tài năng quan sát nơi người bình thường.
Stephen được cho đi phi cơ để ngắm núi, hẻm núi từ trên cao nhìn xuống. Em không có hiểu biết khoa học và do đó có lẽ không có ý niệm gì về địa chất, nhưng khả năng nhận xét mạnh mẽ, ký ức mãnh liệt khiến cho khi vẽ ra giấy, em có thể mô tả đặc tính địa chất của hẻm núi với sự chính xác hoàn toàn, và với sự chọn lọc không thể có được với bất cứ hình chụp nào. Stephen nắm được tính chất, đặc điểm riêng của hẻm núi như đặc điểm của bất cứ cảnh nào mà em vẽ. Tuy thế, tranh dù đẹp tuyệt vời ra sao đối với người ngắm, em không màng mà coi đó chẳng khác gì hơn là bản sao lại cảnh thật, bản vẽ y như thật mà thôi.
Đây là lần đầu tiên Stephen được thấy hẻm núi, sa mạc tại Hoa Kỳ, nơi người da đỏ gọi là vùng đất thiêng của họ. Ta có cảm tưởng như Stephen không có ý niệm gì về chuyện tâm linh, vậy mà con mắt em thấy được và bàn tay vẽ lại được trên giấy hình ảnh mà chúng ta gọi sự thiêng liêng. Người da đỏ của địa phương khi xem tranh vẽ của em nhìn nhận rằng tranh nói lên sự kỳ bí và tính thiêng liêng của chốn này. Câu hỏi đặt ra là Stephen có biết đến ý niệm ấy và đem vào tranh, hay là người xem tranh (là người bình thường) đã tự mình gán cho tranh ý niệm đó ? Ai biết hay ở gần với người tự kỷ luôn luôn đặt câu hỏi là họ nghĩ và cảm xúc gì, bởi lẽ tự nhiên là họ không biết diễn tả cho ta hiểu tâm tư và cảm xúc của họ, khiến mọi người phải đoán.
Giống như điều nói ở trên là kinh nghiệm của người tự kỷ có vẻ đứng rời rạc, riêng rẽ, không liên kết với nhau, có nhận xét cho rằng tình cảm tuy không kém phần mạnh mẽ nhưng có thể khác hẳn nơi Stephen so với chúng ta, làm như nó nằm trong ô riêng biệt, như ô đồ vật, ô khung cảnh, ô sự việc và không hề hòa hợp, mở rộng thành điều tổng quát (thiếu tính tổng quát hóa), không trở thành một phần của con người Stephen.
Thấy như Stephen bắt được tâm tình hay tính chất của nơi chốn, người khác, cảnh vật bằng cách cảm thông ngay lập tức hoặc bắt chước hơn là cảm nhận, đặc tính mà ta gọi là sự nhậy cảm. Vì vậy Stephen có thể họa lại, tạo nên trở lại hình ảnh, cho phản ảnh điều mỹ lệ của thế giới, nhưng Stephen không có chút khiếu thẩm mỹ nào. Anh có thể cảm ứng với bầu không khí 'thánh thiện' của hẻm núi hùng vĩ nhưng tự mình không có ý thức gì về tôn giáo.
Trẻ tự kỷ có tật  nhái lại - echolalia, tật này có khi vẫn còn nơi người trưởng thành. Stephen nhái lại lúc nhỏ và khi đã lớn anh vẫn giữ tật, nhất là khi mệt mỏi. Stephen có thể đọc thuộc lòng một đoạn băng video nhiều giọng, mỗi giọng được nhái lại riêng biệt giống hệt trong băng. Về một mặt tính này có sự tự động, người tự kỷ nói một cách thản nhiên không suy nghĩ, không cảm xúc; nhưng về một mặt khác, tính nhái lại có thể muốn nói là sự ước ao có bản tính riêng, nhu cầu muốn nắm bắt, giữ lấy bản tính người khác. Để so sánh có tác giả ví người tự kỷ như cái rây, không ngừng thu hút các bản tính khác mà không thể giữ lại và đồng hóa được với cái nào.
Stephen 19 tuổi mà chỉ có ít bạn để chơi, không biết nói chuyện với người khác, không có tình thân với ai ngoài gia đình mình. Khi gặp hai cô gái xinh đẹp trạc tuổi, Stephen đứng ngẩn say sưa ngắm rồi lại gần bắt chuyện. Tuy nhiên cách nói chuyện của anh ngây ngô, khờ khạo quá khiến hai cô gái cười dòn với nhau và làm ngơ Stephen. Khi biết ngắm nhìn người khác phái, Stephen bắt đầu nói chuyện về các cô nhưng tình cảm bầy tỏ cho thấy có sự ngây thơ, trẻ con, phản ảnh hiểu biết thiếu sót về con người và sự giao tiếp trong xã hội. Khó mà tưởng tượng được là Stephen có bạn gái và có tình thân với bạn.
Stephen có chứng tự kỷ và có tài vẽ độc đáo, vậy chứng tự kỷ có cần thiết hay có là một phần trong nghệ thuật của anh không ? Có thể có sự tương tác giữa tài năng và chứng tự kỷ, để cho nghệ thuật có được ưu điểm và khuyết điểm của tật, như việc vẽ lại với sự chính xác rất mực từng chi tiết của cảnh vật, mà cũng có tính lập đi lập lại và rập khuôn. Con người của Stephen có được nghệ thuật làm thay đổi ? Câu trả lời e rằng không. Người ta có cảm tưởng là nghệ thuật của anh không ảnh hưởng đến tâm tính, trí não của anh.
Stephen phát triển được tài năng của mình là nhờ có nhiều người nâng đỡ, nuôi dưỡng nó, giúp cho anh có cơ hội sáng tạo; và anh sẽ cần sự hỗ trợ này suốt cả đời. Tranh vẽ của anh có thể không bao giờ phát triển thành đại tác phẩm, biểu lộ cảm xúc sâu xa nào hoặc quan điểm nào về thế giới. Cũng y vậy, Stephen có thể không bao giờ phát triển, nẩy nở trọn vẹn thành người hoàn toàn với nét cao cả và khốn khổ của con người. Nhưng điều ấy không làm Stephen thua kém hoặc làm tài năng của anh hóa nhỏ bé hơn. Anh có giới hạn của mình, giới hạn ấy làm cái nhìn của anh có giá trị chính vì nó thẳng thắn lạ lùng, cho ra hình ảnh thật đáng kể về thế giới.
Nay ta sang chuyện tiến sĩ Temple Grandin, một trong những người tự kỷ khả năng cao được biết tới nhiều nhất trên thế giới. Cô là giáo sư về môn chăn nuôi tại đại học Colorado, vẽ kiểu những dụng cụ dùng trong các trại chăn nuôi và nhà sát sinh bò, chúng được dùng không những tại Hoa Kỳ mà còn ở nhiều nơi khác. Cô là một trong số nhỏ người tự kỷ có khả năng diễn đạt cho người ngoài biết về cách suy nghĩ của người tự kỷ, những sách và bài viết của cô được trích đăng trong các tài liệu nghiên cứu, cho phép ta hiểu rõ hơn cơ chế não bộ làm việc trong chứng tự kỷ.
Lúc được sáu tháng Temple bắt đầu cứng người lại khi mẹ bế lên, và lúc mười tháng thì không chịu được sự ôm ấp; em bé phản kháng lại bằng cách cào cấu mẹ như con thú bị nhốt trong chuồng. Cảm quan của em gia tăng cao độ tới mức gây ra đau đớn; xúc giác nhậy cảm như thí dụ ở trên  làm mặc y phục thì giống như bị giấy nhám chà xát mạnh vào thân hình, Temple không thể ngồi yên trong nhà thờ mà ngọ nguậy luôn, khổ sở với quần áo. Lúc hai, ba tuổi thính giác bén nhậy khiến tai em như máy khuếch âm, bắt được hết mọi âm thanh bất kể đó là gì và khuếch đại nó, làm đầu óc Temple nhức bưng.
Khứu giác cũng rất mạnh, nó cộng với xúc giác làm Temple hết sức chống lại việc được ôm ấp vì hơi người làm em nhỏ nghẹt thở. Mỗi lần họ hàng tới chơi và ôm chặt em nhỏ thì Temple đẩy ra cho bằng được, thái độ ấy chỉ làm phật lòng bà con. Mặt khác, thế giới của mùi lại rất sống động đối với Temple; khi đã lớn cô bẽn lẽn ghi rằng hồi còn nhỏ, cô hít và ngửi như ... chó, những mùi khác nhau làm thế giới bên ngoài rất sống động đối với Temple.
Temple không hiểu những lề lối hành xử, qui luật của xã hội. Mùi (thính giác), tính chất của vật như trơn, nhám (xúc giác) cho Temple nhiều kích thích; năm ba tuổi trẻ khác nặn đất sét để chơi còn Temple vọc phân mình để chơi, rồi bôi trét cùng nhà. Hễ không vừa ý thì quăng, ném bất cứ vật gì kể luôn cả phân, và la hét luôn miệng tuy rằng em không biết nói. Bác sĩ định bệnh tự kỷ và ba cho rằng tình trạng của con hết thuốc chữa, chỉ có cách cho vào viện. Dầu vậy mẹ kiên nhẫn đưa con đi trường đặc biệt, cho con học chỉnh ngôn, chính mình nghĩ ra cách dạy con, không ngần ngại dùng biện pháp mạnh để Temple biết kềm lại chứng tật. Thí dụ hôm nào trường cho hay Temple đánh bạn thì tối hôm đó không được xem chương trình truyền hình ưa thích của mình. Sau này lớn lên, Temple cho rằng nhờ bà mẹ kiên trì không bỏ cuộc mà cô phát triển và thành đạt.
Nhiều trường hợp nói rằng người tự kỷ được hồi phục và hết bệnh tự kỷ, nhưng thực ra không phải vậy. Quan sát nói rằng nhiều phần là người tự kỷ biết cách thích ứng, bù đắp cho tật khiến họ sinh hoạt được như người bình thường, còn thì chứng tự kỷ vẫn còn đó. Chẳng hạn Temple chỉ đường cho khách muốn đến gặp mình, nửa chừng khách hỏi lại cho kỹ thì Temple nhắc lại chỉ dẫn ngay từ đầu, mấy phút trước đó, lập lại y từng chữ một. Làm như lời chỉ dẫn trong trí cô phải được cho ra trọn vẹn, chúng hòa với nhau thành một phần chung không thể rách rời từng đoạn riêng rẽ.
Khi cô bắt tay khách thì tay giơ quá cao, cứng ngắc, như thể sự cứng đờ hồi xưa của thân hình còn sót lại chút ít. Cách đi cũng hơi loạng choạng vụng về, đây là cách điển hình của người tự kỷ, có thể do hệ tiền đình (vestibular system) trong tiểu não chủ về sự thăng bằng bị hư hại. Chào xong, Temple đi thẳng vào chuyện, nói về việc làm của mình ở trường đại học và trại chăn nuôi, không màng tới khách đi chặng dài nhiều tiếng đồng hồ để tới đây, và không mời trà nước lôi thôi. Sự việc cho khách cảm tưởng đây là người học 'biết cách xử sự' trong cách tiếp xúc với người khác, nhưng không nhận biết là người đối diện cảm xúc ra sao, hay biết các điểm tinh tế khác.
Thiếu sót này được thấy rõ thêm qua việc Temple không nắm hết tình tiết của chuyện hay kịch, không theo sát diễn biến phức tạp, động cơ này hay ẩn ý kia của nhân vật; có vẻ ấy là do sự kiện người tự kỷ khó mà cảm thông với tâm tình người khác. Cô cho hay mình hiểu được tình cảm giản dị, thông thường, ngoài ra bị rối mù khi gặp tình cảm phức tạp, hoặc mưu tính rắc rối của người, nên không thích đọc tiểu thuyết. Temple ví mình không khác gì người ở không gian bên ngoài lạc xuống địa cầu; chính cô thì không mầu mè, dễ tin.
Để có thể tương tác trong xã hội, cô quay lại trong đầu cảnh người ta xử sự khác nhau trong từng trường hợp, liên kết nó với chuyện cô thấy và học từng chút một, để có thể tiên liệu người ta sẽ phản ứng ra sao khung cảnh tương tự. Trí não cô tựa như máy quay phim, cô luôn suy nghĩ bằng hình ảnh và không biết suy nghĩ bằng tư tưởng trừu tượng là sao. Tật của chứng tự kỷ khiến Temple không hiểu được trí người khác và do đó, ban đầu lúc mới đi làm bị lợi dụng, phá rối do tính ngây thơ. Dần dần, cô biết cách quan sát người khác và học cách đối xử tương ứng. Tính ra Temple thành công trong lãnh vực chuyên môn, nhưng công nhận rằng mình trống vắng về mặt tình thân, tình người. Cô viết:
Tôi không hòa hợp vào đời sống xã hội ở nơi tôi cư ngụ hay đại học nơi tôi làm việc. Gần như tất cả những giao tiếp của tôi trong xã hội là với người trong ngành chăn nuôi hay ai quan tâm đến chứng tự kỷ. Phần lớn hai đêm thứ sáu và thứ bẩy tôi dành cho việc soạn bài cho tạp chí chuyên khoa và vẽ kiểu dụng cụ. Sở thích của tôi là dữ kiện và việc đọc sách giải trí là đọc các ấn phẩm về khoa học, mục súc. Tôi không thích mấy chuyện tiểu thuyết với tình tiết rối rắm giữa các nhân vật, vì tôi không nhớ được hết thứ tự các diễn biến. Trong khi đó chi tiết mô tả những kỹ thuật mới trong khoa học giả tưởng hay các nơi lạ lùng khiến tôi thích thú hơn. Đời tôi hẳn sẽ thật chán chường nếu không có nghề nghiệp đầy thử thách của tôi.
Tài năng về máy móc khiến Temple tìm được cách giải quyết nhu cầu của mình, cô chế ra máy ép, tạo áp lực lên thân hình làm người tự kỷ cảm thấy an ổn, dịu xuống khi họ bị căng thẳng hay khi thèm muốn có được áp lực sâu. Máy được dùng vì hồi nhỏ năm tuổi Temple muốn được ôm ấp vì nó cho sự an ổn và thích thú, mà cùng lúc kinh hoảng vì bị đè ngợp, bao kín. Cô ước ao có máy ôm mà do người điều khiển, và lớn lên khi thấy máy móc ở nông trại cô đã biến cải tạo chiếc máy hợp với nhu cầu của mình (squeeze machine).
Temple bảo mình không thể nào qua được những năm khó khăn ở đại học nếu không nhờ máy ôm. Cô không thể trông mong có ai để được an ủi, nâng đỡ nhưng luôn luôn có thể dùng máy làm cô thấy vui thích; sau khi nằm trong máy 20 phút, Temple hóa ra bớt cứng ngắc, khô khan mà êm dịu và lời nói nhẹ nhàng hơn. Máy chiếm chỗ trong phòng nội trú ở đại học, ai cũng thấy và cười nhạo Temple; tâm lý gia thì coi đó biểu hiệu của điều không ổn về tâm thần nhưng Temple mặc ai muốn nghĩ gì thì nghĩ, làm ngơ với mọi lời phê bình mà có thái độ đường ta ta cứ đi.
Chẳng những cô sử dụng máy cho mình mà khi xong bằng tiến sĩ, mở cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng của áp lực sâu nơi người tự kỷ. Ngày nay, máy được cải biến và được dùng ở nhiều nơi, tác dụng chính của máy là nó tạo sự thoải mái, không còn căng thẳng, làm ta cảm thông được với người khác, điều mà người tự kỷ khiếm khuyết. Có vẻ như máy mở ra cánh cửa vào thế giới tình cảm ngày thường đóng kín với người tự kỷ, gần như dạy họ biết cảm thông. Người bình thường khi nằm trong máy cho biết cảm giác được ép làm họ cảm thấy thư thái, bình an, không khác gì cảm giác lặn sâu dưới nước và được nước ôm trọn thân hình từ mọi phía.
Vì Temple làm việc với thú vật, nhất là bò, điều đáng chú ý là cô cảm thấy mình có thể hiểu được sự đau đớn hay kinh hoàng của con vật, nhưng lại không hiểu được trí và cái nhìn của người. Hồi nhỏ Temple khó mà hiểu được tình cảm người cho dù là loại giản dị nhất; về sau cô học cách để hiểu đó là gì tuy không cảm được cảm xúc ấy. Nay Temple nói mình có thể biết ai đó đang giận hay đang cười. Người tự kỷ khác cũng xử sự tương tự, thí dụ học trò cho thầy giáo hay:
- Joan nói nghe lạ lắm.
Thầy tới xem thì thấy Joan đang khóc nức nở. Trẻ tự kỷ hoàn toàn không biết ý niệm khóc, mà chỉ ghi nhận âm thanh nghe lạ tai, tức có nhận biết sự kiện thuần về thể chất và không nắm được ý nghĩa tình cảm. Người tự kỷ khác thấy ngộ nghĩnh là cắt hành thì hơi xông lên làm chảy nước mắt, hay là khóc, mà không sao hiểu được là khi quá vui mừng người ta cũng có thể khóc.
Tình thân là điều phức tạp cho người tự kỷ nên gần như họ không có bạn. Tuy nhiên, giống như mọi ai khác người tự kỷ học cả đời nên Temple cũng học được trong những năm qua. Kết quả là ở lứa tuổi 40 cô biết 'bạn' nghĩa là gì và có hai, ba người bạn để nói chuyện.
Xem ra đây có vẻ như là đặc tính của người tự kỷ vì trong cuộc thảo luận, có một sự kiện gây ấn tượng mạnh mẽ cho Temple tới mức cô nhắc lại nó vài lần, và khách để ý là mỗi lần như thế cô dùng chữ y hệt như trước. Khách lạ lùng thấy cô nhớ kỹ mọi chi tiết, sự kiện như cuộn phim quay lại không có chút  thay đổi. Ký ức sâu đậm như vậy vừa tuyệt diệu mà cũng bệnh hoạn theo nghĩa gắn chặt, giống như bản lưu trữ trong máy điện toán hơn là gì khác.
Temple cũng nhận biết đặc tính ấy, cô bảo trí óc mình giống như đĩa CD-ROM, khi sử dụng thì phải cho chạy từ đầu tới cuối mà không thể chỉ chú tâm vào một phần của toàn bộ.
Temple thấy chuyện tình cảm nam nữ thật là khó hiểu, quá phức tạp đối với cô. Cô không biết chắc là lời nói yêu thương nghĩa ra sao, hàm ý gì, mong ước hay đòi hỏi gì. Temple không hiểu người ta có hậu ý chi, giả dụ điều gì khi nói thế. Vấn đề không phải chỉ là hẹn hò đi chơi và có tình thân mà còn là cô không hề biết yêu, không biết thương yêu say đắm là như thế nào. Temple nói:
- Tôi hay nghĩ là đời tôi thiếu vắng nhiều điều.
Do không thể đáp ứng một cách sâu xa, rung cảm với tâm tình, Temple không thấy rung động với âm nhạc. Khi nghe nhạc, cô biết đó là một khúc nhạc hay nhưng nó không gợi nên điều chi sâu đậm trong lòng. Sự nghèo nàn cảm xúc cũng cho ảnh hưởng tương tự với phong cảnh bên ngoài, cô có thể tả chính xác một cảnh đẹp, mà dường như nó không sinh ra cảm xúc mạnh mẽ nào trong tâm trí.  Trước cảnh núi non hùng vĩ ở lâm viên quốc gia, khi được hỏi có cảm thấy sự lâng lâng thanh thoát, cô đáp:
- Phải, cảnh đẹp thật, nhưng tôi không biết về sự lâng lâng thanh thoát.
Khách gặn hỏi và được cho hay là cô lúng túng với chữ sublime, phải tra tự điển, ráng mường tượng hiểu nó có nghĩa gì, chữ sublime dẫn tới mysterious (huyền bí), awe (thán phục) và rốt cuộc không hiểu gì vì chữ nào cũng có một phần nghĩa của chữ kia. Temple nói thêm:
- Núi đẹp, nhưng nó không cho tôi cảm xúc đặc biệt, cảm xúc dường như làm bạn vui thích.
Nhận xét của cô đưa ra cho thấy cô có hiểu biết sâu sắc về mình:
- Bạn nhìn suối, ngắm hoa. Tôi thấy khung cảnh làm bạn hân hoan, vui vẻ nhiều. Tôi không có được vui thú đó.
Lời nói dường như có gợi buồn, mong ước, thấm thía.
Cảnh hoàng hôn lộng lẫy cũng vậy, Temple thấy nó 'đẹp' mà không cảm xúc gì khác.
- Bạn tỏ ra thật say mê với cảnh trời chiều. Tôi ước chi cũng vui mừng giống vậy. Tôi biết cảnh đẹp nhưng không 'bắt' được tình của cảnh.
Buổi tối đi bộ dưới ánh sao của trời đêm, cô nói:
- Khi nhìn lên sao trên trời ban đêm, tôi biết lẽ ra mình phải có cảm xúc thiêng liêng nhưng tôi không có. Tôi muốn cảm thấy điều ấy. Tôi có thể hiểu nó thuần bằng trí thông mình, nghĩ về Big Bang, nguồn gốc của vũ trụ và tại sao có con người.
- Nhưng cô có cảm thấy sự mênh mông kỳ diệu của vũ trụ chăng?
- Tôi hiểu sự mênh mông kỳ diệu theo nghĩa trí tuệ, ta là ai, chết là hết hay sao ? Tôi tin phải có lực điều hành vũ trụ. Không lẽ chỉ có Black Hole (lỗ đen - thuyết về vũ trụ) ?
Temple giải thích sự việc thật gọn ghẽ:
- Đường dây tình cảm không được bật lên, trục trặc là ở chỗ đó.
Điều quan trọng cần biết là dù không cảm nhận sâu sắc như người bình thường, đời sống tình cảm của người tự kỷ không có nghĩa chán ngắt, phẳng lì. Tình cảm của họ nói chung không bị hư hại vì người tự kỷ biết vui biết buồn như ai khác, mà chỉ hư hại về kinh nghiệm phức tạp, nhất là về giao tiếp, tình thương yêu nam nữ, mỹ thuật, thi ca v.v.
Có quan niệm khác về chứng tự kỷ cho rằng từ trước tới nay ta chú ý nhiều đến mặt tiêu cực hơn là mặt tích cực, đến các tật hơn là các ưu điểm. Người tự kỷ khả năng cao, thành đạt trong sự nghiệp và sống độc lập trong xã hội, dù có những khiếm khuyết của bệnh vẫn cho rằng:
- Dù có thể thay đổi để không còn chứng tự kỷ tôi cũng sẽ không làm, vì như thế tôi không còn là tôi. Tự kỷ là một phần tạo nên con người của tôi.
Cô đi xa hơn khi nói đến tiến bộ khoa học có thể dẫn đến việc loại bỏ các di truyền tử sinh ra bệnh tự kỷ:
- Ta có thể phải trả giá đắt khi loại trừ như thế. Có thể ai có những di truyền tử ấy có óc sáng tạo nhiều hơn, không chừng thiên tài là khác ... Nếu khoa học loại bỏ những di truyền tử này, biết đâu trọn thế giới sẽ chỉ còn kế toán viên.
Temple có nhận xét sâu sắc không ngờ về sự sống:
- Đây là điều tôi rất buồn bực ... tôi đọc thấy thư viện là nơi có sự bất tử ... Tôi không muốn tư tưởng của mình chết đi với tôi ... tôi muốn làm một điều gì đó ... Tôi không quan tâm đến thế lực, hay có nhiều tiền. Tôi muốn có đóng góp tích cực, biết rằng đời tôi có ý nghĩa. Những chuyện ấy là căn cốt cho sự hiện hữu của tôi ... Đa số người có thể truyền lại di truyền tử của mình , tôi có thể truyền lại tư tưởng hay điều tôi viết.