CHUYỆN DÀI
Trong cuộc sống hiện tại thường có những chuyện xảy ra bất ngờ do thật sự không hiểu biết vì không có kiến thức, tuy nhiên cũng không hẳn là khan hiếm người có kiến thức, và vô số người kiến thức tràng thùng nhưng lại cố ý lơ là, thế nên khi đọc chữ bất ngờ là tuỳ nơi bạn hiểu, có thể hiểu theo hai nghĩa, nghĩa đen và nghĩa bóng như đã giải thích qua.
Chuyện thấy bằng mắt và trước mắt là con có những thể hiện bất thường, không giống anh chị em một nhà hay anh chị em họ hàng gần lẫn họ hàng xa, và khác nhà như các trẻ hàng xóm. Chuyện đã biết trước từ tờ mờ cho đến khi khuya lơ khuya lắc, nhưng do bản tánh coi thường cố ý chối bỏ sự thật trước mắt nên cha mẹ luôn có biện luận rằng con sinh ra đứa vầy đứa khác, có thể em giống một ít tánh của ba hay giống hoàn toàn của má và ngược lại, nên cho rằng không có gì quan trọng để phải bận tâm, cha mẹ sinh con trời sinh tánh, và như đã nói đây là lý luận của người vốn muốn chối bỏ nhiều hơn chấp nhận.
Vì chối bỏ thì không phải mất công sức thời giờ cho em, còn như chấp nhận thì ôi thôi bận rộn mỗi phút mỗi giờ, hằng ngày, liên tục năm này sang năm kia với hàng lô lốc chương trình dạy để giúp em cải thiện tật mà phát triển … thời gian riêng tư của cha mẹ còn đâu. Thế nên kể từ khi phát hiện những bất thường của em thì cha mẹ không còn thì giờ hủ hỉ bên nhau, cho nhau, mở miệng, nhắm mắt hay mở mắt đều chỉ một đề tài là con khuyết tật, thôi thì vờ lơ được lúc nào hay lúc đó, còn bà con họ hàng ai nóng lòng ruột muốn xung phong làm anh hùng hiệp sĩ thì xin mời ra tay.
Và chuyện chỉ mới biết mà cắm đầu cắm cổ tìm hiểu cấp tốc để học cách cải sửa cho con, may ra còn kịp, may đâu có thể thay đổi chút gì, có còn hơn không thì những cha mẹ này hiếm thấy.
Đa số cha mẹ quan tâm con khuyết tật triệt để, thắc mắc lo lắng trăm điều vạn chuyện, hỏi tỉ mỉ chi tiết cách sửa dạy nhưng khi mang về tệ xá thì chỉ thử một vài lần là bỏ xụi … rồi lại thắc mắc và nêu thắc mắc nhiều đến nỗi cha mẹ khác đặt dùm câu hỏi vì cứ bổn cũ soạn lại, một câu hỏi mà buổi họp nào cũng nêu lên, mấy năm nay con từ biết đi đến giờ phải bế và ngồi xe đẩy, ấy thế còn hỏi nhờ các cha mẹ khác trong nhóm hộ tống phụ, trong khi cha mẹ tham gia nhóm ai cũng bận rộn với con khuyết tật.
Thấy con khuyết tật khác biết đàn piano thì vội mua đàn cho con đánh. Đàn để đóng buị mà con khuyết tật không màng, cha mẹ này hỏi ngay tía má có con biết đàn piano là sao con mình không đàn? Tía má này thật sự không biết gì về nhạc nhưng muốn cải thiện hành vi em nên nghĩ đàn nhạc sẽ giúp em thay đổi, và rồi kể những bước tự nghĩ cách dạy, ròng rã 30 năm là phải kè kè một bên, hỗ trợ, khích lệ tạo em tánh đam mê. Nghĩ sao thì thực hành vậy, ngày nay đàn nhạc là một lối trị liệu cho người khuyết tật, nhưng cha mẹ là người đóng vai trò chính yếu trong tiến trình phát triển con.
Và cuối cùng là gấp gáp làm chi, có bệnh thì đến bác sĩ khám, có toa là có thuốc chữa ngay. Bác sĩ giỏi là người mà cái quái gì cũng bàn vô tán ra, nói ăn trét hết. Và bác sĩ dở là không toại nguyện ý của cha mẹ, không hiểu biết và không đáp ứng đúng đủ những gì cha mẹ mong muốn. Nhưng nếu là người có kiến thức từ đầu, có chút suy luận hiểu biết thì không phải ai làm bác sĩ là đều thông thái mọi chuyện, sở dĩ bác sĩ không hiểu biết về khuyết tật vì chưa bao giờ hoặc không học về lãnh vực riêng này bởi vì khuyết tật có tính chuyên biệt, và chê như vậy là càng cho thấy cái đuôi dốt đặc về khuyết tật mà lại đòi hỏi quá đáng, vấn đề chỉ gây hại cho trẻ nhiều hơn vì tiếng tăm riêng là là bác sĩ.
Người xưa nói câu như ngầm trách khứ ’Cha mẹ nuôi con Biển Hồ lai láng’. Nhưng ngày nay, giờ đây đã sang thế kỷ 20 thì có chút chút khang khác là ‘cha mẹ nuôi con tính tháng kể ngày’ bởi em là trẻ khuyết tật. Chuyện kể của em không đoạn kết, chưa kể đến việc là xa lánh và mong em mau chết để rảnh nợ, hay bỏ vào cô nhi viện để khỏi phải gần gũi và phải trực diện hằng ngày, trước mắt là tránh được cảnh mang đi bệnh viện gặp nhiều người, gặp bác sĩ sẽ phải xấuhỗ khi ai ai cũng biết cha mẹ này có con khuyết tật. Hoặc nuôi vì chẳng đặng đừng vì sự hiện diện của em là do cha mẹ tạo thành. Phần ăn của em thường xuyên là mì gói và tộ cơm thập cẩm, ghế ngồi của em là một xó nào trong góc phòng, còn quần áo cốt là che thân. Những quyền lợi về mặt tài chánh gom góp lo hết cho con bình thường. Ngót 30 năm dài rồi thì lá rụng về cội, con bình thường không thấy tăm hơi mà giờ chỉ còn cha mẹ và con khuyết tật … ba mái đầu lụm cụm lo nhau và cũng chính vào thời điểm này con khuyết tật mới thật sự được thưởng thức các quyền được hưởng mà suốt quãng thời gian dài em chỉ ăn qua mắt, chẳng trách vì lúc đó cha mẹ em bận lo cho các anh chị em bình thường, vì nghĩ rằng con bình thường sẽ làm cho cha mẹ nở mặt mày với cộng đồng xã hội hơn con khuỵết tật, và do đó mà em bị lãng quên cùng với nhu cầu, em có miệng nhưng không biết tự động nên mắt buồn khuyết tật nhìn chứa u uất thiệt thòi, còn cha mẹ thì đã chôn sống quyền bình đẳng của em kể từ khi biết em là trẻ khuyết tật.
Con nào thì cũng là máu thịt do cha mẹ tạo nên hình hài mà chào đời, nhưng ở đây có thêm sự bất công là vì sinh phải con bất như ý nên sinh thêm bệnh suy nghĩ nhiều và tật đổ thừa nhau, thoả mãn nhu cầu riêng xong lại trốn tránh trách nhiệm. Và nuôi con vì sự bắt buộc, ép lòng nên từ hụt hẩng này dẫn đến hụt hẩng kia, và liên tục mỗi ngày, thế nên chuyện con khuyết tật lại là một chuyện dài không đoạn kết.
Nuôi con khuyết tật đòi hỏi sự kiên trì, can đảm, tính nhẫn nại, óc sáng tạo, biết nâng đỡ, tận tuỵ, chịu khó, hy sinh, hỗ trợ nhau và đi đúng theo thứ tự, có nghĩa là tất cả phải bắt đầu từ con số 0 rồi đến số 1, 2, 3 v.v thì căn bản về chuyện hướng dạy con sẽ có lớp lang, từng bước, từng bước phát triển nhịp nhàng và phát triển rõ nét, xứng đáng với công sức và nỗ lực của cha mẹ. Nhưng tiếc thay những cha mẹ VN thờ ơ với con khuyết tật lại vượt trội còn những cha mẹ biết hy sinh lo cho con khuyết tật …thì thú thiệt …chẳng có bao nhiêu.
Nói cho cùng nuôi con khuyết tật là song đôi với muôn ngàn khó khăn, gặp khó khăn thì phải cố gắng thêm lên và can đảm hơn nữa để vượt qua vì thất bại là bài học để chuyển hướng thành công; tính kiên trì và lòng can đảm nhẫn nại sẽ giúp vượt qua mọi trở ngại và đạt mục đích. Nuôi dạy con khuyết tật và mới gặp khó là vội bỏ cuộc thì không xứng đáng với câu ‘làm cha mẹ là phải hy sinh, nhất là đối với đứa con có vấn đề’. Con không nói, ít nói, lập lại câu ai vừa nói, tính tình chẳng giống trẻ trang lứa, không hoà đồng, không tham gia trò chơi, thơ thẩn, chơi một mình, nỗi lo ngại trên theo lời các cụ xửa xưa và bác sĩ là thông minh, ngày sau sẽ là nhân tài, đỗ bác sĩ, kỹ sư. Chỉ nói mà không có dẫn chứng cụ thể nhưng cha mẹ thích và ao ước vậy.
Đến khi em 3, 4, 5, 6 tuổi mà vẫn êm ru, những biểu hiện trên không chút cải thiện lại còn sinh lắm kỳ cục dị đời, riêng cha mẹ chỉ được một nỗ lực duy nhất là sốt sắng ngồi chờ đợi con có thay đổi, chờ mãi miết đã hai mươi lăm năm rồi nhưng vẫn chưa nghe các bác sĩ, kỹ sư này cất tiếng, giờ thêm tánh tình bậm trợn hung hăng thiệt chẳng giống ai. Nhiều cha mẹ phiền lòng đến hỏi thăm và khuyên nên có dạy dỗ để cải thiện tật thì cha mẹ đáp rằng tụi em đi bác sĩ gia đình lẫn chuyên khoa nổi tiếng, tất cả nói không có bệnh gì hết, rất thông minh, nói gì nó làm đúng hết, yên tâm về đi, lo gì từ từ sẽ nói. Chỉ nói mà không có dẫn chứng cụ thể nhưng cha mẹ thích và ao ước vậy.
Nói chung, cha mẹ các cụ và bác sĩ không chút hiểu biết, không có kiến thức về khuyết tật nên cho ra hướng dẫn sai lạc, thời giờ hiện tại thay vì dùng để dạy dỗ giúp các em phát triển thì cả hai lại bàn ra, tạo hy vọng hão cho cha mẹ là cứ đợi chờ và để thời gian trôi qua một cách lãng phí. Nhưng cha mẹ của em muốn thích và vui vẻ chấp nhận vậy.
Cuối cùng rồi những cha mẹ chối bỏ khuyết tật con tìm gặp những cha mẹ chấp nhận con có khuyết tật, cùng nhau chia sẻ những nhận định và chỉ dẫn những biểu hiện rằng em là trẻ khuyết tật, vì em sắp đồ vật, ghế ngồi theo hàng dài, đến nhà người khác thì vô từng phòng phá nghịch y như nhà của em, không biết sợ, không biết thế nào là nguy hiểm, tự động mở TV xem, mở tủ lạnh lấy đồ ăn không xin phép, nghịch phá bừa bãi, đi nhón chân, gom màng cửa sổ giật, ngửi, liếm công tắc điện, chui xuống bàn ghế, leo trèo trên bàn coffee, móc mũi, cắn sát thịt các móng tay chân đến rỉ máu, thiếu chú ý có tính si mê, không tập trung, thiếu nhẫn nại, không ngồi yên. Nói chung trẻ không bình thường nên hành vi có tính bất thường. Với cha mẹ chịu chấp nhận con có khuyết tật thì không có gì để chi tiết. Riêng cha mẹ vẫn một mực chối bỏ vì sợ, vì không muốn đối diện với nhiều sự thật nên bỏ nhiều thì giờ vào việc làm ra tiền, tránh không tham khảo tài liệu thế nên khô queo kiến thức về khuyết tật con. Do đó, khi nêu thắc mắc và được giải thích nguyên do, chia sẻ cách dạy và khó khăn này có giải thích nguyên do v.v … trong sách tài liệu … tên đó… thì cha mẹ hỏi tài liệu đó ở đâu bán để mua, trong khi các tài liệu trên đã được vào website chamevoiconkhuyettat.org.au.
Nghe cha mẹ sốt sắng hỏi mà người nghe không tìm được đủ lời để trả lời câu hỏi, vì tài liệu của Nhóm Tương Trợ đã đưa đến tận nhà, cha mẹ chỉ cần bấm máy computer là đọc được tất cả. Cha mẹ làm thế là mặc nhiên không muốn chấp nhận em có vấn đề, khi sự thật về em được dẫn chứng qua hành vi thì không chịu vậy và cho rằng nói quá đáng. Lý do đơn giản là vì nếu chấp nhận thì phải bỏ nhiều bỏ thời giờ tham khảo tài liệu học hỏi kiến thức, để tăng hiểu biết và sau cùng là hỗ trợ em bằng cách hướng dạy thì lại mất thêm nhiều thì giờ nữa. Trong thâm sâu của cha mẹ là không muốn hy sinh do đó không muốn chấp nhận em có khuyết tật, và do đã có sắp đặt nghề nghiệp tương lai trong khi em tượng hình, và chào đời là phải học Cống đỗ Nghè. Học theo ý cha mẹ muốn chứ không được học theo ước muốn và khả năng của em.
Em 7 tuổi học lớp 1, không thích làm quen chơi chung với bạn cùng lớp, khác lớp lý do đưa ra là vì mới chuyển trường được một tháng… ở trường cũ em cũng chẳng làm quen bạn cùng lớp. Làm cha mẹ mà không học hiểu tâm lý trẻ con, con nít rất dễ làm bạn, nhất là các em sinh ra ở đất nước văn minh tiến bộ của thế kỷ 20, nơi em đang sống không phải là nước chậm phát triển lạc hậu … Cha mẹ nói có nhiều điểm đúng đã nêu về em như sắp đồ vật, ghế ngồi theo hàng dài, vô từng phòng phá nghịch y như nhà của em, không biết sợ, tự động mở TV xem, mở tủ lạnh lấy đồ ăn không xin phép, nghịch phá bừa bãi, đi nhón chân, gom màng cửa sổ giật thiếu chú ý có tính si mê dài hạn hoặc ngắn hạn, không tập trung, thiếu nhẫn nại và thường đòi đi tiểu khi đến nhà lạ. Nhưng mà em đọc được 26 chữ cái và đếm đến số 10, tuy chưa biết viết nhưng cháu đẹp hơn con chị, đâu có lý nào là bệnh ? Khó vừa lòng người không chút kiến thức về khuyết tật!
Thêm nữa, khi cha mẹ quá may mắn gặp phải bác sĩ có chút hiểu biết về khuyết tật thì lại không chấp nhận lời nhận định của bác sĩ về hiện trạng của em, cho rằng bác sĩ nói bậy, nhìn gà hoá vịt, em đẹp thế kia mà bệnh là nghĩa gì? Khó vừa lòng người không chút kiến thức về khuyết tật!
Kinh nghiệm cho thấy rằng sau vài tháng hoặc nhiều năm ngụp lặn với dối lòng, và cuối cùng cha mẹ chỉ muốn dùng tiền mướn người dạy chứ không muốn hy sinh thì giờ cho em có nghĩa là đi tìm kiến thức và học hỏi cách dạy con khuyết tật. Cha mẹ thường hỏi một câu nhiều lần như: anh chị thấy con em đó, đẹp gái bảnh trai, nói nghe hiểu làm được đúng nhưng không nói, có thể cháu chưa thích nói, chắc giống tía nên trầm tánh và e ngại rụt rè là y chang má lúc còn nhỏ. Khổ nỗi khi tới nhóm thì lại thấy em quá giống các cháu là làm thinh và chơi một mình. Về nhà thì mặt mũi em không khác các anh chị em trong nhà nên có thấy gì là bệnh, không thể nào có bệnh. Một khi nghe nói thế thì có nghĩa là cha mẹ này không bao giờ mở tài liệu tham khảo, cho dù các tài liệu về khuyết tật của em đang có trong tay. Đây là quan niệm của người luôn muốn chối bỏ!
Em hăng hái tham gia trò chơi, chịu ngồi học nhưng cha mẹ lại thừ người ra, nhìn nhau và chê bai nhau thay vì góp tay hỗ trợ và học vì đây là một ý của cách dạy con khuyết tật, cứ luôn miệng nói rằng anh chị dạy hay quá em dạy không được, chồng em dở lắm chỉ biết cưng chìu không biết dạy con, hay là cháu có mẹ cũng như không có, mẹ gì chẳng chút trách nhiệm với con khuyết tật, chỉ biết la lối khi gặp mặt. Hoặc em thì bận làm nên không dạy được anh chị có nhận dạy trẻ khuyết tật không, xin nhận lời dạy cháu vì đi học chỉnh ngôn hơn hai năm rồi chẳng nghe em nói, nơi đó dạy dở quá. Đây là quan niệm của người luôn muốn chối bỏ!
Càng chối bỏ bệnh con vì sợ, mệt và mất nhiều thì giờ … mai này khi cha mẹ đã thật sự chấp nhận con có vấn đề và quay tìm giúp đở và cần được giúp đở, nhưng sẽ chẳng được giúp gì vào thời điểm mà cha mẹ muốn. Thời gian qua đi không trở lại, mấy ai níu được thời gian trôi.
Khi không có hiểu biết thì cha mẹ không muốn nới rộng kiến thức vì vậy cứ tàng tàng nuôi con khuyết tật, quần áo che thân cho tươm tất ngày ba bữa no lòng là quá đầy đủ. Ngoài chuyện ăn mặc và ăn uống thì không nghe cha mẹ kể em đến việc dạy em học theo khả năng để phát triển. Theo thời gian em có những biểu lộ phát triển thể xác, là đồng nghĩa với phát triển tâm sinh lý và khi nêu thắc mắc được chia sẻ cách hướng dẫn cách cải thiện thì có đủ lời chê trách người sao ăn nói bậm trợn, quá đáng, con tui bệnh học chữ không ‘dô’, đâu có những gì như bả nói.
Chuyện gì tới thì sẽ tới theo thời gian. Giờ đây em vào nhà tắm, nhà vệ sinh và ở lâu hơn trước đây, mẹ thấy kỳ kỳ nên ghé mắt kỹ hơn mọi khi và một hôm cửa khép hờ mẹ vô tình bước vào thì hỡi ơi … con khuyết tật đang thủ dâm rồi em chụp lấy mẹ với hai tay dơ bẩn, trần truồng chạy quanh phòng khách, chị gái thấy vậy hoảng sợ bỏ chạy, vừa chạy vừa la. Em rượt theo vì với em đây là một trò chơi đầy thích thú ngọan mục, cha mẹ nói rằng trước đây không tin như giờ là thật chẳng biết đối phó thế nào và làm sao chấm dứt tình trạng trên. Thời gian qua đi không trở lại, mấy ai níu được thời gian trôi.
Cha mẹ nói rằng con khuyết tật biết viết văn làm toán học về máy điện toán, nói chuyện lưu loát, đi học, đi phố, đi làm bằng phương tiện công cộng biết đi siêu thị mua những thứ em cần và tự lo thân, không cần phải nhắc tuồng như các thiếu niên khuyết tật khác được gọi là phát triển. Nghe nói thế cha mẹ nào cũng muốn được tạn nhãn và muốn được học cách dạy con quá tuyệt quá hay này, vì rằng những cha mẹ chịu khàn hơi khô cổ nỗ lực dạy con khuyết tật rất hiếm … nhưng mà trăm nghe không bằng một thấy, khi thấy rồi một chuỗi sự thật phản ảnh lời cha mẹ: em đi tiểu chưa biết tự vệ sinh nên nước tiểu còn đọng và thấm ước nơi zip quần, không biết nói chuyện mà chỉ chờ cười hùn, không hề xã giao mà chỉ biết trả lời câu hỏi, thấy có việc làm nhưng cứ thừ người ra đó chờ hỏi. Sự thật của con khuyết tật không nhiều màu sắc như cha mẹ đã tô vẽ. Cha mẹ càng đối lòng thì càng đau khổ với chính mình.
Bác sĩ nói con em chỉ chậm nói chứ không phải tự kỷ, cha mẹ có nhiều kinh nghiệm thì nói rằng em là trẻ tự kỷ Asperger, khi nói đến từ Asperger thì cả hai ngẩn ngơ không hiểu bệnh chi, nếu như chịu khó, chịu nhín chút thì giờ tham khảo tài liệu thì sẽ hiểu ngay chứng Asperger một dạng của chứng tự kỷ nhưng khả năng cao thấp tuỳ theo tình trạng khuyết tật mỗi em và cũng tuỳ vào nỗ lực của cha mẹ. Cha mẹ đính chính ngay rằng không, không phải đâu, con em không phải tự kỷ, cháu khó tính giống mẹ, kén bạn nên không làm quen ai, điển hình em rất thông minh, có trí nhớ lâu và dai ghe một bài hát hoặc ai kể chuyện gì thì lập lại y chang, nhưng có điều là thích thì mới nói. Cha mẹ càng dối lòng thì càng đau khổ với chính mình.
Con khuyết tật gái là quả bomnỗ chậm trong gia đình, cha mẹ nghe lời bàn nên muốn đưa em đi triệt sản một lần để không còn đêm dài lắm mộng. Nhưng tại Úc châu nói riêng cha mẹ không có quyền sử dụng cơ thể em bất hợp pháp. Cha mẹ không chú tâm dạy em mở mang kiến thức mà chỉ muốn tìm cái mau gọn và đơn giản. Cứ thế mà đầu óc bần thần tứ chi bải hoải.
Rồi có chuyện cha mẹ ép con đi chơi theo ý mình, không chịu hiểu ý của con. Tuy có khuyết tật nhưng em là thanh thiếu niên trưởng thành, biết mộng mơ và có giờ phút riêng tư, giờ đây không thích kè kè theo cha mẹ như những năm trước. Riêng cha mẹ nhìn ra vấn đề nhưng vì là cơ hội và quyền lợi, du ngoạn giá rẻ nên bắt ép em phải đi theo, đi vì áp lực khiến em không vui, lời nói và thái độ có nét hằn học bất nhã, cha mẹ có cùng hoàn cảnh tuy thông cảm nhưng chỉ chừng mực nào thôi. Không nên vì chút lợi riêng mà phủ quyết một chuyện không đáng.
Lý do rằng cũng có cha mẹ chấp nhận cho con khuyết tật ở tuổi trưởng thành được phép ở nhà với các anh chị em, do được cha mẹ tạo cơ hội cho em bày tỏ là cho biết ngày giờ, lịch trình du ngoạn gồm đi phà xem cá đolphin, cưỡi lạc đà, trượt cát và em có hai tuần để trả lời muốn đi hay không muốn. Suy nghĩ được một tuần, em thủ thỉ với cha rằng không muốn xem cá đolphin vì đã có tiếp xúc đolphin khi em đi camp tận Queensland năm ngoái, cưởi lạc đà thì nói là hôi và bị dị ứng lông thú vật, thôi thì trượt cát thì nói bụi vào mắt con. Với ba lý do biết dẫn giải chính đáng, em được phép ở nhà. Nói cho cùng dù con bình thường hay con khuyết tật, học giỏi nhờ có thực hành, dạy con khuyết tật phải biết tạo cơ hội, biết lắng nghe và chấp nhận. Một cuộc đi chơi gượng ép sẽ chẳng có gì vui mà hành vi của em làm người chung quanh đánh giá bạn về nhiều mặt.
Chuyện con khuyết tật kể sao cho hết vì mỗi em có lắm tật và chưa kể tật lớn của cha mẹ. Thôi thì những gì người đi trước đã thấy, đã trải qua và chia sẻ lại là vì ‘sợ’. Sợ rằng cha mẹ sẽ có những bước đi không chín chắn. Nói ra để được nhẹ lòng vì thấy rằng cha mẹ ngày nay có nhiều hiểu biết về tình trạng con nhưng cứ ‘lơ’, vì chấp nhận là phải dạy dỗ.
Cuối cùng thì mọi quyết định là từ nơi cha mẹ, không ai bỏ tù hay lên án ai về việc không dạy dỗ này. Nhưng mà toà án lương tâm sẽ xử phạt vô hình mỗi khi cha mẹ có những buổi họp mặt, có dịp nhìn con bạn con mình và tự so sánh. Không nên chắc lưỡi than trách chê bai đổ thừa người phối ngẫu không hỗ trợ giúp đở nên em mới ra nông nỗi. Và vào ngày cuối đời, đau khổ ngập tràn khi phải lìa xa con khuyết tật, than vãn không thành tiếng, khóc con mà không ra nước mắt. Cha mẹ quy tiên rồi con khuyết tật sống ra sao, vì từ bấy lâu nay em là ông vua bà chúa nhỏ, còn cha mẹ là người hầu hạ.
Cha mẹ là người bình thường thì luôn làm những việc bất thường; còn trẻ khuyết tật là người bất thường nên em cố gắng làm những việc thật bình thường.
Xuân Sydney 2010