Vui Sống 3 

 

THỬ TAI cho TRẺ dưới MỘT tuổi

 

Một trong những thử nghiệm mà trẻ DS phải làm là thử tai. Bài dưới đây giải thích vì sao việc thử tai vào đúng thời điểm là chuyện vô cùng hệ trọng cho em bé. Bạn có thể dùng bài này để thảo luận với nhân viên y tế về thính giác của con.

Tại sao Thử Tai Sớm là Chuyện Hệ Trọng.
Điều quan trọng là ta cần hiểu tại sao cần thử tai để xem con có bị điếc. Do cấu tạo cơ thể khác biệt, người có hội chứng Down (Down syndrome DS) rất dễ gặp khó khăn với thính giác, thường khi dẫn tới việc lãng tai hoặc bị điếc. Thử tai được mạnh mẽ đề nghị vì có tới 70% người bị điếc. Có chẩn bệnh sớm và chữa trị việc bị điếc là điều trọng yếu để bảo đảm rằng tình trạng này  không thêm vào việc trì trệ, hoặc gây trì trệ cho việc nói và có ngôn ngữ. Việc chậm phát triển bị xem là do có DS đôi khi cải thiện lạ lùng khi trẻ nghe được bình thường.

Ảnh Hưởng đến Thính Giác Kém hoặc bị Điếc.
Lời nói và ngôn ngữ học được nhờ thính giác, thị giác và xúc giác. Thính giác rất quan trọng cho việc nói, và nghiên cứu thấy rằng lời nói và việc phát triển ngôn ngữ bị ảnh hưởng bất lợi khi có dịch tụ lại kinh niên. Trẻ DS thường có thính giác kém bị thay đổi luôn. Khi có dịch trong tai thì thính giác bị ảnh hưởng  và khi dịch rút đi thì thính giác cải thiện. Khi trẻ con liên tục nghe kém, em khó mà học là âm thanh và sự việc có liên hệ với nhau, thí dụ như chuông điện thoại reo hoặc ai đó gọi bạn.

 Làm những thử nghiệm gì và khi nào ?
Khi bác sĩ nhi khoa đề cập với bạn việc thử tai, điều quan trọng là bạn biết có những thử nghiệm khác nhau có sẵn, và thử nghiệm để làm gì. Có hai loại thử tai tổng quát:

 

A. Đo thính giác (Audiometry). Thử nghiệm được làm để xem trẻ có nghe được âm thanh. Có hai loại thử nghiệm để đo thính giác mà người ta sẽ đề nghị với bạn để làm trong hai tháng đầu đời của em bé.

1. Auditory Brainstem Respose (ABR).
Thử nghiệm này được làm khi em bé ngủ và dài khoảng 30 - 40 phút. Thử nghiệm đo đáp ứng của dây thần kinh thính giác của em bé với âm thanh thuộc nhiều tần số khác nhau. Có bốn khoanh nhỏ được đặt trên đầu em bé, những khoanh này dò đáp ứng của dây thần kinh thính giác đối với âm thanh. Thử nghiệm ABR dò xem em bé có thể nghe trọn một loạt nhiều tần số hay không. Lý tưởng thì thử nghiệm nên thực hiện vào lúc em bé được hai tháng, hoặc trễ nhất là ba tháng. Sau khoảng thời gian này rất khó làm cho em bé ngủ và / hoặc nằm yên đủ để làm thử nghiệm. Ngay cả khi con bạn không có hẹn gặp trước khi em được ba tháng, chuyện cũng quan trọng là bạn hỏi để làm thử nghiệm. Nó có thể làm bằng cách cho em uống thuốc ngủ nếu cần.

Kết quả cho biết là mỗi tai của em có hoạt động tốt đẹp hay không, hoặc có cần phải làm thêm thử nghiệm. Kết quả tốt muốn nói là vào ngày làm thử nghiệm em bé không bị điếc đáng kể. Nếu kết quả không tốt, có thể em bị đòi hỏi phải có thử nghiệm thêm hoặc thử lại để xác định là bị điếc, hoặc nếu có lý do nào đó khiến thử nghiệm không thành công, như có dịch trong ống tai hoặc em bé ngọ nguậy không yên. Chuyên viên thử tai sẽ cho biết cách thử lại nào hợp nhất.

Bạn cần thảo luận với bác sĩ hay điều dưỡng viên về thính giác của con, vì trẻ DS theo với thời gian thường có thay đổi và trồi sụt về thính giác. Các em dễ có vấn đề với việc nhiễm trùng tai trong, và bị điếc dần khi em lớn lên. Có đề nghị là bạn cho con thử thính giác trở lại theo định kỳ trong những năm trước khi em đi học.

2. Otoacoustic Emission (OAE). 
Trong thử nghiệm này một nút nghe nhỏ (earphone) và một máy vi âm được đặt trong tai, âm thanh được phát ra và người ta đo đáp ứng của trẻ. Nếu em bé nghe một cách bình thường, một âm vang sẽ dội trở lại vào đường ống trong tai, và máy vi âm sẽ bắt được nó. Khi em bé bị điếc, thử nghiệm sẽ không đo thấy có âm vang nào. Vì người ta có thể có thính giác bình thường mà không đo được OAE về mặt kỹ thuật và ngược lại, không nên dùng thử nghiệm này không mà thôi như là thẩm định chính xác thính giác của con bạn.

Lý do nên làm hai thử nghiệm ABR và OAE càng sớm sàng tốt là để có ý niệm về việc bị điếc sẵn trước khi tai trong chứa đầy dịch, là tình trạng hay thấy trong năm đầu tiên. Nếu em bị điếc vĩnh viễn và cần được trợ giúp, tình trạng có thể bị tưởng lầm trong một thời gian dài như là vấn đề thuộc tai trong trước khi khám phá ra nó, nếu không có sàng lọc trước bằng hai thử nghiệm ABR và OAE.

 

B. Đo màng tai Tympanometry: 
Để thẩm định chuyển động của màng tai và tình trạng của tai trong. Đo màng tai không phải là thử nghiệm về thính giác, và có kết quả tốt đẹp về thử nghiệm này không nhất thiết có nghĩa là trẻ nghe được hết mọi tần số.

Thử nghiệm đo màng tai. 
Người ta thử tai bằng cách dùng một dụng cụ gọi là máy đo màng tai. Nó có một đầu mềm được giữ trong tai vài giây, để đo phận sự của tai trong. Không khí được thổi ra và vào trong ống tai, và một máy dò trong ống tai sẽ phát giác âm thanh vang lại từ màng tai. Cũng như trên, thử nghiệm này KHÔNG phải là thử thính giác vì nó chỉ thử về vấn đề của tai giữa như việc dịch tích tụ (tai dính), có ráy tai hay là màng tai bị thủng. Con bạn có thể không có dịch trong tai mà vẫn không nghe được các tần số cao, thí dụ vậy.

Thử nghiệm này có thể làm ở bất cứ tuổi nào, nhưng tốt hơn nên làm vào cùng lúc em có thử nghiệm ABR hay OAE, tức là trước khi em được hai tháng.

 

C. Thử nghiệm Hành vi:
Một thử nghiệm khác có sẵn cho em bé lớn hơn, là thử nghiệm phản ứng ra bên ngoài của trẻ đối với âm thanh. Người ta đặt em bé vào phòng cách âm với một chuyên viên thính giác đằng trước em và một người khác đằng sau em. Người đằng sau em bé sẽ phát ra một loạt nhiều âm thanh, trong khi người đằng trước sẽ theo dõi gương mặt em bé xem có phản ứng. Bạn nên biết là thử nghiệm này đòi hỏi em có sự phát triển tới một mức nào đó, và tốt nhất nên làm ở trẻ được bẩy tháng hay lớn hơn, nhất là trẻ nào bị chậm phát triển. Nên biết đây không phải là thử nghiệm đáng tin cậy cho trẻ bị chậm phát triển.

Phải làm gì ?
Bước đầu tiên là hãy chuẩn bị. Hãy trang bị bạn với đủ hết các chi tiết và tài liệu bạn cần khi đến gặp bác sĩ nhi khoa, để yêu cầu cho con được khám ABR trước khi em được ba tháng.  

Nếu phải chờ đợi thì sao ?
Đừng chịu cho tên vào danh sách chờ đợi làm ABR khi con hơn bốn tháng. Nếu thấy con nằm trong danh sách chờ đợi dài, hãy nói chuyện với bác sĩ gia đình. Cho họ hay rằng bạn lo ngại là con có thể bị điếc.

Down Syndrome NSW Newsletter - Spring 2007.

 

 

Cuộc Trò Chuyện Lạ Lùng

 

Có một cuộc trò chuyện lạ lùng diễn ra tại một hội nghị về hội chứng Down (Down syndrome DS). Tôi không ghi tên người can dự vì chuyện có tính cách riêng tư, thanh niên trong bài ở lứa tuổi hai mươi và đẹp trai, cao ráo.
Chúng tôi ngồi ở bàn, yên lặng một chút rồi đột nhiên ...

– Tiến sĩ Jim, tôi có thắc mắc về tình cảm !

Tôi đáp: – Vậy sao ? Chỉ có một thôi à, tôi thì lại có nhiều lắm !

Anh: – Tôi nói thật !

Tôi: – Nào, nó là gì vậy ?

Anh: – Tôi không hiểu làm sao một người cha lại có thể bỏ rơi con mới sinh của mình chỉ vì em có hội chứng Down ... Ông có thể cho tôi biết làm sao người cha có thể xử sự được như thế không ?

Tôi: – Ai làm thế ?

Anh: – Ba bỏ mẹ lúc tôi mới sinh, ba không muốn có con có DS.

Tôi (nói thầm – Mình trúng số rồi, làm sao xử trí chuyện này, nhất là khi mẹ của anh ngồi kế tôi). Tôi nhìn sang cô và cô hỏi:
– Ông có câu trả lời nào không ?
Tôi bị kẹt cứng !

Tôi: – Anh nghĩ là tại sao ba anh bỏ đi ?

Anh: – Ba nói ba không thể nuôi dạy tôi vì tình trạng của tôi.

Tôi: – Anh nghĩ anh được nuôi dạy ra sao ?

Anh: – Tốt lắm - Tôi có người mẹ giỏi dang nhất trên đời.

Tôi: – Thế thì, tại sao anh nghĩ mình phải cần có cha chứ ?
(Mắt bà mẹ sáng lên và cô cười lớn).

Anh: – Bây giờ thì tôi không cần có cha. Nhưng làm sao ba có thể làm vậy được ?

Tôi: – Có chuyện gì mà anh không làm được không ?

Anh: – Có chứ, bóng rổ.

Tôi: – Phải rồi, anh không chơi được bóng rổ và cha anh không đối đầu được với hội chứng Down. Coi coi anh lớn lên thành người tuyệt vời ra sao !

Anh: – Ông muốn nói ba tôi chỉ có điều là không đối phó được với DS ư ?

Tôi: – Đúng rồi, có nhều chuyện tôi không làm được, mà như vậy không làm cho tôi xấu đi.

Anh: – Đôi lúc tôi vẫn cảm thấy là mình bị bỏ rơi.

Tôi: – Nhiều người chúng ta thỉnh thoảng thấy mình lẻ loi, nhưng thật ra nó không phải là lỗi ai hết.

Tôi: – Tôi có một ý khác !

Anh: – Ý gì ?

Tôi: – Tôi thực sự muốn anh nghĩ tới bà mẹ tuyệt vời và anh chị em mà anh có, và quên đi chuyện gì anh không có. Anh biết không, khi nói về chuyện ấy anh có thể làm mẹ anh đau lòng.

Anh: – Không, tôi không hề muốn làm mẹ tôi bị tổn thương.

Tôi: – Thế này, khi anh cứ nói về việc bị bỏ rơi, mẹ anh có thể cảm thấy là bà đã không thành công khi nuôi anh khôn lớn.

Anh quay sang mẹ: – Mẹ có cảm thấy như vậy không ?

Mẹ: – Đôi khi.

Anh: – Con xin lỗi mẹ.

Tới cuối, tôi thích cách anh nhìn thật nghiêm trang. Và rồi anh nói:
– Con thương mẹ lắm, mẹ à.

Tiến sĩ Jim McDonald.
An Amazing Conversation.
Down Syndrome NSW  Newsletter - Summer 2006-7