OAM (The Order of Australia ) 

 

Nước Úc có lệ là hằng năm tuyên dương sự đóng góp và thành quả vượt bực của công dân ở mức độ quốc gia hay quốc tế. Truyền thống này gọi là The Order of Australia và người được vinh danh sẽ nhận  huân chương tùy theo loại, viết tắt là AC, AO, AM và OAM; trong đó OAM (Medal of the Order) là huân chương trao tặng cho thành quả xứng đáng đuợc vinh danh đặc biệt. Vào ngày lễ sinh nhật nữ hoàng 2004, việc làm của Nhóm Tương Trợ đã được nhìn nhận qua việc hai anh chị Phan văn Đặng và Lâm thị Duyên, người điều hợp nhóm, được chọn để trao tặng huân chương OAM. Lễ tuyên dương được tổ chức vào ngày 24-9-2004 và do bà Toàn Quyền NSW chủ tọa. Đây là tin rất vui và xin tổng hợp bài viết của hai tờ báo Advance, Liverpool Champion tại Sydney về vinh dự ấy. Anh Đặng nói:

- Chúng tôi không hề nghĩ là có ngày này. Chúng tôi lập nên Nhóm Tương Trợ là để cho các cháu không phải cho chúng tôi.

Hai anh chị thành lập nhóm vào năm 1999 do kinh nghiệm đối với con đầu lòng của mình là Phan Lâm Ngọc Thảo có hội chứng Down. Chị Duyên cho biết:

- Nuôi dạy cháu rất là khó cho vợ chồng chúng tôi, vì chúng tôi biết rất ít về khuyết tật của con và bởi chúng tôi không nói được tiếng Anh, việc đi tìm và xin dịch vụ để giúp con là chuyện trần ai vô cùng. Khi vợ chồng tôi khám phá là Thảo có thể học nếu được dạy đúng cách thì chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình với những phụ huynh khác, để chúng tôi có thể hỗ trợ và học hỏi lẫn nhau.

Chị giải thích là nhóm hoạt động theo nguyên tắc các gia đình giúp đỡ lẫn nhau:

- Chúng tôi thấy khuyết tật trong cộng đồng là vấn đề lớn hơn chúng tôi tưởng. Cha mẹ thường không biết có dịch vụ nào cho con họ, hay làm cách nào để sử dụng dịch vụ.

Theo ý anh Đặng cha mẹ được biết về những trợ giúp có sẵn sớm chừng nào tốt chừng ấy. Anh trình bầy:

- Tất cả chỉ là làm sao cho cha mẹ ý thức để trẻ không bị cô lập. Chuyện quan trọng là cha mẹ nhận được thông tin về dịch vụ khi con còn nhỏ để dạy dỗ và phát triển chúng trước khi quá trễ. Chúng tôi nhắm tới việc gia tăng ý thức cho phụ huynh và rồi cộng đồng để họ thông cảm cho trẻ khuyết tật. Người ta thường nghĩ hành vi kỳ quặc của trẻ là do chúng cố ý, hay cha mẹ không biết dạy con nhưng sự thực không phải vậy.

Hai anh chị tin tưởng là cộng đồng có thể thay đổi quan niệm nhưng cũng nhìn nhận là còn rất nhiều việc phải làm. Anh Đặng nói:

- Vinh dự có hơi bất ngờ một chút nhưng đương nhiên là chúng tôi rất vui. Tuy vậy chúng tôi nhận huân chương thay cho tất cả phụ huynh có con khuyết tật mà không phải chỉ cho riêng hai vợ chồng chúng tôi.

 

Vinh dự này càng đặc biệt khi ta biết rằng hiếm khi hai vợ chồng cùng có OAM một lúc, thường khi chỉ một người trong lứa đôi được trao tặng. Trong trường hợp hai người cùng có thì ít khi cả hai được cùng một lúc mà cách nhau vài năm. Ở đây, hai anh chị vừa là người Việt có vinh dự này trên đất Úc, mà còn thêm là được cùng một lúc. Chuyện thật hãnh diện cho cộng đồng Việt Nam tại Úc nói chung và nhóm Tương Trợ nói riêng. Nhân dịp này em Phan Lâm Ngọc Bảo viết như sau:

"Vào ngày mà gia đình em được thư là ba mẹ được tặng OAM do công việc mà ba mẹ đã làm cho cộng đồng người Việt, em không tin được. Em vẫn muốn ba mẹ được tuyên dương và khen ngợi do công khó và mọi chuyện mà ba mẹ đã làm cho các cha mẹ Việt Nam có con khuyết tật, nay vậy là cuối cùng ba mẹ được vinh dự ấy.

"Kể từ khi ba mẹ lập nhóm Tương Trợ khoảng 5 năm về trước, trong gia đình em không có gì thay đổi. Chúng em là con của Phan văn Đặng và Lâm thị Duyên, chúng em hãnh diện về những gì ba mẹ làm và ủng hộ cha mẹ hết lòng. Điều ba mẹ làm là khiến các con thành người tốt hơn, vì chúng em học được những gì ba mẹ học và hiểu biết những gì ba mẹ biết về đủ mọi loại khuyết tật, nhất là khuyết tật của chị em Phan Lâm Ngọc Thảo.

"Chị Thảo sinh ra có hội chứng Down và đối với em ba mẹ là anh hùng, là thiên thần của em. Hai người dạy các con biết thương yêu và chăm lo cho chị Thảo, vật chất cũng như tinh thần. Chúng em cũng biết là dù chuyện gì xẩy ra trong nhà, cha mẹ con cái cũng vẫn có nhau và sự hỗ trợ của những cha mẹ VN khác trong nhóm.

"Ngày ba mẹ em nhận huân chương OAM là ngày đáng nhớ nhất trong đời em. Em có thể nhớ lại mọi chuyện như nó chỉ mới hôm qua, thấy ba và mẹ bắt tay bà Toàn Quyền NSW, và nhìn bà gắn huân chương lên ngực áo ba mẹ. Hôm ấy em nhận thức rằng chót hết tất cả những công khó ba mẹ đã làm và việc ba mẹ giúp đỡ cộng đồng VN nay được ban thưởng. Đó là ngày vui nhất cho em, ai cũng sung sướng cho ba mẹ, kể cả đám bạn đặc biệt  có Lindy Hoàng Nguyễn là cô bạn thân nhất của em. Các bạn có biết việc làm của ba mẹ, cả bọn gọi cho em, dặn em thưa lại với hai người: "Kính mừng hai bác !  Nay cộng đồng VN thấy hai bác đã hết lòng với cộng đồng ra sao !" Với ba mẹ em muốn thưa là: Công khó của ba mẹ đã được đền bù !

"Em nhận ra là mỗi năm có thêm các gia đình mới đến với nhóm Tương Trợ, công việc trở nên nhiều hơn làm ba mẹ mệt nhọc thêm. Bất kể điều chi em vẫn luôn luôn thương yêu ba mẹ vì những điều ba mẹ làm, và em sẽ luôn luôn hỗ trợ tất cả những gì ba mẹ làm cho nhóm Tương Trợ.

"Bởi nói cho cùng, nay nhóm Tương Trợ cũng thành như là gia đình của chúng em vậy."

-------------------------------------------------------------------

CƯỜI

 

Giáng sinh 2003 Tony được quà do Santa trao và hí hửng nói với chú Quang:

- Con biết Santa Claus ở North Pole tới.

- Sai rồi.

Tony chưng hửng:

- Thiệt mà, trong lớp cô giáo nói vậy.

- Trật lất, Santa Claus ở China tới.

Tony đứng ngây người ra, không biết cô giáo trúng hay chú Quang trúng. Chú Quang bồi thêm:

- Con mở ra coi ông cho con món gì.

Món nào Tony mở ra chú Quang cũng lật lên cho thấy nhãn "Made in China".

- Thấy hông, có món nào ghi 'Made in North Pole' đâu. Con vô lớp nói với cô giáo là Santa Claus ở China tới.

 

.........................................

 

 

Hai chị em lớn tuổi sống chung với nhau, một hôm họ quyết định đi nghỉ hè và nhờ hàng xóm trông chừng con mèo. Nghỉ hè được ba ngày thì có thư là con mèo đã chết. Hai người vội vã trở về, hết sức buồn mà cũng không vui về cách hàng xóm báo tin. Họ bảo:

- Chuyện bạn đáng lẽ phải làm là gửi một bưu thiếp nói con mèo leo lên mái không chịu xuống nhưng đừng ngại. Vài hôm sau gửi thiếp khác nói con mèo đã xuống khỏi mái nhưng bỏ ăn một chút. Tuần kế bạn có thể viết là con mèo không khỏe và bạn hơi lo. Cuối cùng hãy gửi thư  nói con mèo đã chết.

Người hàng xóm xin lỗi về sự vụng về của mình. Năm sau bà lão em đi nghỉ hè một mình, nhờ hàng xóm trông chừng bà chị. Đang nghỉ hè thì bà được bưu thiếp:

- Chị của bác đang ở trên mái nhà và không chịu xuống ...