NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT 

 

Mọi chuyện bắt nguồn từ chữ DUYÊN. Chuyện tình cờ không hẹn mà gặp thì người bảo rằng hữu duyên. Thôi thì cũng chẳng sai, nếu không thật sự hữu duyên thì làm sau gặp được nhau, vì chúng ta là người của ba miền đất nước, vào thời điểm còn ở tận bên VN kia cơ. Gặp nhau đây âu cũng là duyên số, nhưng riêng tôi phải xác nhận là quá xá đúng và có thêm số may mắn nữa là được gặp những anh chị có hoàn cảnh rất đặc biệt này. Họ cư xử với nhau hoà nhã thâm tình như chị em một nhà. Lời chào câu hỏi đổi trao mà một người thì muôn chuyện đau lòng. Mỗi người một hoàn cảnh một chuyện kể, chuyện nào nghe cũng buồn não lòng thế nên đã dẫn chân tôi đến tìm một chỗ bỏ bàn tọa để lắng nghe chuyện người mà nhận thức chuyện may mắn của mình.

Chẳng hiểu chuyện bắt đầu từ lúc nào nhưng lời kể về gia cảnh của cô làm tôi chú ý, vì tên gọi của cô lại có lời trong một bài hát mà tôi rất yêu thích do đầy tính vui nhộn trong sáng, 'Đợi em về cho đời điểm trang, sáng mùa xuân nắng lên huy hoàng', ở thời điểm mà tôi đang chập chững bước chân vào giai đoạn làm người lớn. Lời ca phản ảnh cuộc sống hiện tại vì cô không may mắn. Chồng bị bướu não và được bác sĩ khám phá trong một tai nạn tại sở làm, cùng lúc ấy cô sinh đặng một trai kháu khỉnh. Cô cũng như những cha mẹ khác là chỉ mong con mạnh khoẻ ngoan hiền, ăn nhiều chóng lớn. Ước mơ tuy đơn sơ nhỏ bé nhưng trời cũng tiếc công. Con tròn thôi nôi thì đồng lúc lộ những hành vi lạ, quá sức khác biệt nếu so với những con cháu mà cô đã bồng ẵm thuở chưa lập gia đình. Đến bác sĩ chờ khám đợi thử mãi hơn hai tuổi mới khám phá cháu bị tự kỷ. Rồi cô lập lại một hơi dài của bác sĩ:

- 'Tự kỷ là người đui trước màu sắc điếc trước âm thanh', ổng chưa dứt lời là tui đã khóc hù hụ dù rằng lúc đó chưa hiểu biết về khuyết tật, về tự kỷ. Nghe tin về con mà bàng hoàng chết lặng người, dù không tham vọng con lớn lên sẽ học cống đỗ nghè mà chỉ mong con học được ba chữ dằn bụng nuôi thân, để hai thân già được thảnh thơi ở tuổi xế chiều. Nghĩ mà tủi thân nên nước mắt cứ trào ra và chỉ còn biết khóc vì ngoài chồng con tui đâu có người thân trên mảnh đất lạ này. Cuộc sống ngày thêm âm thầm khép kín, vì mấy ai dư giờ để nghe hiểu ba cái chuyện bệnh tật này cho nhọc trí, thế nên thời khoá biểu của gia đình chỉ có đi shop đưa đón con đi học và về.

'Lần nọ đảo shop Cabramatta thấy cháu đứng thờ thẫn, một anh ngưng bán bước ra chào xưng tên Tuấn xong hỏi con tui bệnh phải không. Tuy ngạc nhiên nhưng cảm thấy nhẹ lòng vì câu hỏi bất thường ẩn chứa chân tình, nên tôi gật đầu đáp 'Cháu bị chứng tự kỷ'.  Anh thản nhiên tiếp,  'Ở Sydney có nhóm cha mẹ với con khuyết tật sinh hoạt với nhau rất thâm tình, có hướng dẫn và hỗ trợ. Tôi biết khá rõ về hoạt động của nhóm vì có chị tham gia trong đó. Nếu muốn tôi cho chị số điện thoại để hỏi thêm.' Tai tôi chăm chú nghe và gật đầu ưng thuận nhưng lòng thì nghi ngại lo sợ và ngờ vực.

'Đắn đo nhiều lần tôi mới nhất ống điện thoại cho chị hướng dẫn nhóm và ngập ngừng hỏi:

- "Tôi có làm phiền và chị có chưởi tui hôn ?"

'Tui được trả lời.

- "Tôi làm về khuyết tật chị thắc mắc hỏi thì tôi giải thích, sao lại chưởi?"

'Nghe đáp mà tui vừa khóc vừa kể lể:

- 'Sở dĩ hỏi chị câu vô duyên nhất hành tinh vì tui là nạn nhân của thông dịch, của nhân viên song ngữ Centrelink, housing, trường học và các tổ chức trong cộng đồng chỉ cái tội không biết tiếng Anh. Khổ quá nên nhớ đời, một lần cuối tháng giêng nắng cháy da nóng mờ cả mắt mà tôi phải dắt chồng đi bác sĩ chuyên khoa bằng xe lửa, lại đẩy theo con mới sanh chưa tròn tháng với lỉnh khỉnh tã, sữa. Lúc tới nơi mắt nổ đom đóm, mệt muốn tắt thở còn bị anh thông dịch xỉ vả rằng tui qua Úc mà không nói được tiếng Anh,  là gánh nặng cho chính phủ.

'Tuy dốt chữ phải nhờ vào thông dịch nhưng tui còn hiểu biết thế nào là danh dự của cộng đồng của hai chữ VN, nên chỉ làm thinh nuốt nghẹn ngăn nước mắt chứ không dám phân trần, sợ lên tiếng ngay hiện trường sẽ gieo tiếng xấu cho người VN, từ đó hứa với lòng khi cần nói chuyện thì tra tự điển, miệng nói tay múa cho người nghe hiểu thêm ắt sẽ không bị tức nghẹn như xài thông dịch. Còn nhân viên song ngữ thì rảnh rỗi tréo chân đọc báo đó nhưng khi cần giúp thì làm vẻ lắm bận rộn, hết hẹn nay rồi xoay hẹn mai để kéo dài thời gian, nhưng khi nghe mùi lợi thì đon đả nhiệt tâm dù ở xó xỉnh nào cũng bị dời ra để được phục vụ.

'Thế nên từ đó đến nay tui rất dị ứng với họ, sợ cách làm việc đầy tánh hống hách thiếu tình người, mà kinh hoàng nhất là nhân viên song ngữ tâm thần. Họ đến tiếng là cố vấn giúp giảm bớt khủng hoảng chuyện bệnh hoạn của chồng con, nhưng cứ hạch hỏi cuộc sống riêng tư vợ chồng chẳng khác gì FBI. Gặp một lần mà trí óc lảo đảo sắp khùng nên tui đã từ chối lần hẹn kế. Nếu gặp lần nữa bảo đảm chính phủ phải nuôi thêm tui với bệnh tâm thần, còn không thì cũng vô nhà thương điên Paramatta.

'Từ chối vậy tưởng đã yên nào ngờ họ vẫn không buông tha, mà đưa chi tiết gia đình tui cho một tổ chức khác thuộc phe cánh của họ để tiếp tục hai chữ phục vụ khiến tui phải tránh khi có tiếng gõ cửa và nín không dám trả lời điện thoại nếu nghe tiếng họ để còn mạng nuôi chồng con. Và kinh hoàng thứ nhì là nhân viên song ngữ housing vùng Tây Syndey có nhãn hiệu là hung thần housing. Anh tự tạo lối phục vụ quái ác tàn nhẫn,' rồi cô nghẹn lời không tiếp được.

Tôi nghĩ chừng như  cô là nạn nhân đã bị nhiều tả tơi mà người ăn hiếp cô chính là anh chị em cùng mẹ đẻ Âu Cơ, nằm chung một bọc trăm trứng nở trăm con, cứ rỉa nhau cho lở loét mà không sợ bị ai biết luật để mét và dám mét. Thêm vào đó đã có phụ đề răn câu "Xấu che tốt khoe", nên khi nỗi lòng trở giấc thì chỉ có khóc. Người theo dõi chuyện kể thì mắt ngẩn mắt ngơ nhìn nhau lắc đầu, một hành động không lời mang nhiều ý nghĩa.

Một chút yên lặng rồi chị hướng dẫn nhóm từ tốn nói:

-' Đây là câu hỏi kỳ cục mà từ ngày làm về lãnh vực này tôi mới được nghe, nhưng ít nhiều gì cha mẹ cũng là nạn nhân bị đồng bào ăn hiếp đồng bào dưới nhiều hình thức. Bản thân tôi  làm mẹ từ năm 1979, tên họ cháu có trong cơ quan khuyết tật nhưng do không biết và không được ai hé môi chỉ  dẫn nên tôi cũng không biết cách sử dụng dịch vụ. Mãi đến năm 1997 do nhiều xung đột với thầy cô ở năm cuối bậc trung học, họ vì lợi riêng nên dụ và gây áp lực tinh thần ép cháu phải đi làm sau khi học xong lớp 12, ép luôn tôi  phải chấp nhận những an bài của họ vào thời điểm mà mọi hiểu biết là một chữ không.

'Nhưng nhờ vào sự thương lo đặc biệt cho con khuyết tật mà tôi sáng ý, suy tính được lợi hại của việc đi học, đi làm nên cố bảo vệ suy nghĩ riêng để dành quyền lợi cho con, muốn con tiếp tục học để duy trì  kỹ năng của 12 năm đã ở học đường và học để phát triển thêm, sau cùng sẽ đi làm nếu cháu thực sự có khả năng. Do vậy tôi mới yêu cầu thầy cô lấy hẹn với thông dịch viên để hai bên giải quyết một lần cho xong. Họ thực hiện nhưng người đến không phải là thông dịch viên, mà là nhân viên social worker nói tiếng Anh và nhân viên song ngữ của DoCS.  Tuy vậy vì quyết tâm và lý luận hữu lý nên mọi việc được thay đổi theo như ý muốn.

'Tiếp bước câu chuyện ở trường, nhân viên song ngữ đến nhà giới thiệu là case worker của cháu, song hỏi có cần giúp đỡ gì không. Cô hỏi hoài một câu mà mới nghe thì mừng háo hức chờ đợi nhưng lâu ngày thì biến thành trơ trẽn nhàm chán. Ba năm dài vỏn vẹn một câu hỏi không thêm không bớt và trong cảnh không hiểu, không có được giải thích hướng dẫn thì làm sao biết gì cần mà hỏi xin? Nói chung nhân viên làm việc là thế đó, nhận cái lợi trước còn cha mẹ với con khuyết tật sống chết mặc tình.

'Cũng y vậy, khi sanh phải con bệnh Down mang nhiều bệnh phụ tôi đã tự nuôi tự dạy từ thuở con èo uột khó cử động đi đứng, hành vi kỳ quặc không nói nhưng vẫn nuôi con lớn, dạy có hiểu biết và có phát triển tốt đẹp.  Ngày nay khi làm về khuyết tật và có nhiều hiểu biết thì càng đau khổ thêm khi thấy và hiểu những mất mát của con, thấm thía những cái xấu và ác của họ. Ngẫm chuyện xưa mà buồn thương con, nhìn hiện tại mà xót xa cho các cháu trót không may nên sinh làm người khuyết tật mà còn bị người bình thường xử ép, bị trích lợi từ hai chữ khuyết tật tạo thêm bất hạnh.'

Chị giải thích.

- 'Do vấp ngã chuyện con, nghe thấy nhiều cảnh đời nhiều chuyện trái lòng mà con người đối xử với con người thế, nên tôi đã đem hết kinh nghiệm bản thân mà tận lực tận tâm chỉ dẫn và hỗ trợ cho cha mẹ để có được cải thiện tốt đẹp cho các cháu, để người trong cộng đồng không chịu hiểu biết về khuyết tật sẽ chịu hiểu biết và người có quá nhiều may mắn sẽ không còn nhìn trẻ khuyết tật với ánh mắt kéo đuôi.'

 Ngưng một lúc chị tiếp.

-' Đã lâu lắm rồi trước khi làm về lãnh vực này tôi vô tình nghe được câu giảng của một thiền sư, “Chó là loài thú nuôi giữ nhà nhưng tâm sinh có bản thiện, có tánh người biết cứu chủ khi ngộ nạn. Nhưng người lại đi hại người vì tâm sinh không mang tính người”.'

Rồi chị thở dài nhìn cha mẹ, nhìn xa xăm mà không nói thêm lời gì.

Tôi chùng lòng khi nghe chị trải ưu tư và chia sẻ nỗi lòng làm mẹ, trải chữ từ tâm để hỗ trợ hướng dẫn cách nuôi dạy con khuyết tật. Chị đã gầy dựng lòng tự tin, kéo giúp nhiều mảnh lòng bể nát tuyệt vọng về con. Suốt giai đoạn 8 năm làm từ thiện tự túc, chị đã gieo mầm kiến thức cho cha mẹ cho rất nhiều người trong cộng đồng, chị đã đến nhiều nơi để chia sẻ ý niệm về cách nuôi dạy con khuyết tật, giúp giảm thiểu khoảng cách mà giai đoạn cha mẹ khởi đầu khám phá ra bệnh là từ 7 đến 12 tuổi hay hơn nữa. Kết quả sau bốn năm nhóm hoạt động là nhờ hiểu biết mà cha mẹ khám phá ra bệnh của con sớm hơn, lúc trẻ được từ 15 đến 30 tháng, kịp xin dịch vụ và bắt đầu dạy ngay. Kỳ thanh rằng đây là một nhóm khuyết tật có tuổi hoạt động lâu đời nhất trong CĐVN tại Úc, đã có những đóng góp đáng kể qua các sách tài liệu về khuyết tật hiện có trong thư viện trên toàn quốc và cả hải ngoại.

Bỗng một anh xen lời làm gián đoạn suy nghĩ riêng,  tôi cũng như các anh chị hiện diện phải chăm chú hơn, vì giọng anh đượm khó khăn do gốc sinh trưởng ở Chợ Lớn nhưng vẫn cố nói bằng tiếng Việt.

- 'Vợ ngộ đẻ con bệnh nuôi mà không biết, tưởng nó làm biếng nên ngày nào cũng bị la. Con ngộ đẹp trai,hiền, ít nói mà không có thông minh, học không hiểu mau như những đứa bạn, nó bị chọc ghẹo bị ăn hiếp nên không muốn đi học nữa, tụi ngộ không làm dữ là nó nghỉ mất đất hồi lớp 9 rồi.

'Tội nghiệp thằng con, khi nó sáu tuổi thì má nó có thêm em bé. Càng để ý kỹ đứa em thì thấy đứa anh có nhiều cái kỳ kỳ hơn em. Con hai tuổi rồi bốn tuổi mà không nói, muốn cái gì cũng nắm tay ngộ hay má nó làm cho. Lỗi tại ngộ nghe lời mấy người lớn tuổi và bạn bè là con ngộ chậm nói sau này rất thông minh, là nhân tài. Càng chờ thì càng sợ nên ngộ dắt con đi bác sĩ hồi bốn tuổi cho tới mười tuổi. Bác sĩ nói không phải con ngộ tự kỷ mà bị khó nói chữ, nó nói tại ngộ Tàu Việt, bà vợ Tàu Miên nên thằng con học tiếng Anh không được. Sau đó đưa con ngộ qua học lớp đặc biệt, người làm ở trường có cho miếng giấy kêu viết rồi đem đi chỗ xin tiền thất nghiệp, đưa mà không có chỉ thêm. Tiếng Anh thì ngộ với bà vợ dở lắm, nói chút xíu và không biết làm sao với giấy đó nên cất kỹ bao nhiêu năm nay. Nãy giờ nghe mấy chị nói mà đau trong bụng quá chừng, vì giờ mới biết đó là giấy xin trợ cấp cho con.'

Ai nấy nghe mà chưng hửng, có nghĩa cả chục năm qua anh chị không nhận được trợ cấp chính phủ, chỉ vì nhân viên không có lương tâm, không giải thích rõ ràng. Anh nói tiếp.

- 'Thằng con năm nay học lớp 12 dồi, nó nói là lo đi TAFE học nghề còn không là đi làm y chang như con của chị hồi nãy. Ngộ với má nó lo là không biết làm có được không, chớ ở nhà chỉ nó làm mà thấy nó dở quá ba đứa, ngộ làm cho nó không. Tới đây hôm nay ngộ học được nhiều cái tốt để lo cho con, nhưng nghĩ giận mấy người làm việc sao xấu quá không có trái tim, không giúp mấy đứa bị khó như con ngộ tốt thêm chút chút.'

Thấy một cô không nói mà chỉ gật đầu, thái độ này cho ta câu trả lời đúng sai rồi cô từ từ đưa cao tay như học trò xin phép thầy cô. Cả nhóm đang lao nhao bàn tán hai câu chuyện vừa qua nhưng không ai bảo ai, mọi người cùng im lặng vì giọng cô quá nhỏ, đượm nét yếu đuối.

Chưa cất tiếng mà nước mắt đã nối dòng vì cô cũng đồng xuồng, lúc chưa biết nhóm thì cũng ấp đầy đau khổ và điên đảo với con. Cô khám phá những bất thường khi so sánh cháu với đứa anh, nên nói với chồng là đứa con thứ hai của mình có vấn đề. Vì chồng bận đi làm nên cô phải đưa con đi bác sĩ và trình bày những nhận xét những quan ngại của cả hai về con. Cô quan niệm rằng làm bác sĩ mà là bác sĩ nhi khoa thì sẽ có nhiều hiểu biết hơn, nào dè ông trơ ra đó. Ba tới sáu tháng chờ đợi một lần gặp 20 phút chỉ để quan sát. Nhìn ngắm thế nào mà lần nào cũng như lần nấy, cứ nói y chang một câu là thấy cháu bình thường không có gì, từ từ sẽ nói sẽ thuần tánh lại.

 

 Ông bình thản kéo dài tình trạng quan sát này những hai năm trong khi ruột gan cô thì như lửa đốt, nhưng do không hiểu biết về khuyết tật nên cô không đủ lời, không biết làm thế nào để thuyết phục ông. Trong thời gian này không biết đi đâu hỏi ai để vấn ý lần đường vì ai cũng dấu con bệnh sợ xấu hổ. Có hỏi thì cũng chẳng ai biết mà chỉ dẫn, đa số nói tại cô cưng chìu không dạy nên con hư. Thời may có ngày nghỉ và gặp chị bạn học Anh văn hồi xưa rủ đi dự buổi hội thảo về bệnh tự kỷ, chính ngày hôm ấy cô mới thiệt sự hiểu biết về chứng bệnh của con. Cô quệt nước mắt nói trong nghẹn ngào.

- 'Làm cha mẹ là thương lo con nhất là đứa con có vấn đề nên nghe đâu thì lần ngay tới đó, em cậy một chị có nhiều hiểu biết về khuyết tật và một chị làm thông phiên dịch thiện nguyện của nhóm đến gặp ông lần cuối. Cho dù văn phòng ông có thư ký song ngữ nhưng nay do có hiểu biết, em sợ thông dịch không chuyên môn sẽ tạo thêm bất lợi. Lần gặp này làm theo nhóm chỉ dẫn thì được ông xác nhận là cháu bệnh tự kỷ.

'Nói cho cùng sự thật lúc nào cũng thật,  chỉ những người làm về lãnh vực riêng mà không kinh nghiệm hiểu biết thì sẽ đưa vấn đề vào ngõ cụt, mà trẻ khuyết tật là người gánh nhiều thiệt thòi và điển hình là con của em. Em không ép bác sĩ phải làm theo suy nghĩ của em, nhưng ông không hiểu biết nhiều về khuyết tật về tự kỷ mà lại phản bác giải thích nhận xét của em về cháu, trong khi em là người gần gũi con nhiều hơn bác sĩ.

'Gặp ông lúc con một tuổi mà đến bốn tuổi mới được định bệnh là quá trễ, vì còn phải hợp thức hoá giấy tờ và ghi tên chờ dịch vụ mất thêm sáu tháng. Nhưng nhờ tánh nhẫn nại chịu khó học hỏi và chịu khó dạy, nên đúng thời gian nhận dịch vụ thì con em lại nhờ vào đó mà phát triển thêm. Lúc chưa biết nhóm thật tình em không biết dịch vụ, không hiểu bệnh không biết cách dạy con. Cháu thì leo trèo lên bàn ghế chạy nhảy suốt ngày, không sợ té không biết nguy hiểm, tay vơ được thứ nào là ton em thứ đó. TV mở không coi mà cứ thè lưỡi liếm màn ảnh, máy video thì cứ trả băng qua lại để nghe tiếng kêu, màn sáo giật đứt hết, nhà cửa như một bãi chiến trường dẹp hết nổi.

'Em ráng sức vì con, và nhờ vào hướng dẫn an ủi hỗ trợ nên trở ngại về cơ bắp và hành vi chỉ hai tuần dạy là có tiến bộ, một tháng sau thì dứt hẳn. Hiện chỉ buồn là cháu không hề có tánh tự động, mọi vấn đề  phải nhắc nhở luôn mồm cho dù có phát triển. Em đã được chỉ dẫn và giải thích nên hiểu đây là khuyết tật khó sửa, nhưng nếu tiếp tục kiên trì dạy thì cháu sẽ phát triển thêm. Thế nên việc tham gia nhóm đã giúp em mở rộng kiến thức, học được nhiều kinh nghiệm quý báu về cách dạy con khuyết tật là chuyện gì cũng phải từ từ, không được hấp tấp dạy kiểu nước rút.

'Giờ nhìn lên thì cháu không bằng ai nhưng nhìn xuống cháu không quá tệ là em mừng rồi. Nuôi dạy con khuyết tật thì thời giờ của vợ chồng sẽ bị giới hạn, mà thiếu hiểu biết thì sẽ dẫn đến xung đột. Sự bắt đầu nào cũng vô cùng khó khăn dễ sinh nản lòng, em chan nước mắt theo từng giai đoạn mà không dám bỏ cuộc, vì hiểu lời khuyên "Con khuyết tật là một phần máu thịt của mẹ cha, nếu tiếc rẻ công sức thì giờ cá nhân mà không dạy, không hy sinh cho chính máu thịt của mình thì đừng nên trông chờ ai khác sẽ thế vào khoảng trống này."

'Trước đây do không hiểu biết bệnh nên em không dạy mà cứ la hét con … Sau khi có định bệnh và nhân viên giáo dục về khuyết tật đến thẩm định khả năng để chọn trường, cô cho biết cháu quá yếu kém nên sẽ vào trường khuyết tật. Nghe lời kết luận mà đau khổ tuyệt vọng, nhưng em không dám bỏ cuộc mà phải cố gắng nỗ lực dạy con theo hướng dẫn. Kết quả sau một năm khó nhọc đã có bù đắp. Cuối năm đó cô trở lại thẩm định lần cuối để chuẩn bị cho niên học tới, thay vì cháu phải học trường khuyết tật thì nay được đổi qua trường bình thường học lớp đặc biệt. Em mừng hết biết, báo tin cho chị hay rồi no luôn ngày đó. Ông bà mình nói câu đi một ngày đàng học một sàng khôn quả thật không sai.'

Mới vui đó rồi giọng cô lại se buồn.

- 'Em với chị Phượng đến nhóm cùng một thời điểm, nếu chị chịu khó thì cháu đâu học trường khuyết tật. Tom nói khá, hiểu nhiều, tánh hiền hơn con em nhưng không được dạy để phát triển thêm. Cha đi làm tối om mới về. Mẹ thì nằm nhà luyện phim giữ cháu nhỏ, rủ đi dự hội thảo họp thông tin thì nói mệt, chán đi, mà dạy không hết bệnh, thôi thì cứ để nó yên phận còn sống ngày nào thì lo ngày đó, khi tuổi già sắp chết lo không nổi thì giết nó chết trước anh chị chết sau.

'Nghe thế em không còn lời để khuyên mà chỉ biết nỗ lực dạy con mình. Càng chịu khó dạy thì con ngày càng phát triển, em càng thấm thía lời chị, "Nếu không thay đổi suy nghĩ bản thân về từ khuyết tật thì làm sao dạy để phát triển con ?" Giờ em vui với những tiến bộ của con nhưng lại buồn đau khổ khi nhìn cháu, cho dù em đã được giải thích trước rằng càng hiểu biết nhiều về khuyết tật thì em sẽ càng đau khổ, lý do là tại mình nhìn ra được vấn đề.'

'Nói chung những cha mẹ chịu tìm đến nhóm là những người có cái nhìn lạ, có lối suy nghĩ khác người. Dù họ có tư tưởng tìm thuốc chữa bệnh hay không có tư tưởng đó,  nhưng họ là những cha mẹ chịu nhìn ra sự thật của vấn đề, biết thay đổi và có chia sẻ, chấp nhận bệnh con nhẫn nhịn với công việc, tranh thủ với thời gian kiên trì để học để dạy con phát triển. Gương về con khuyết tật mà có được dạy dỗ đang đứng trước tầm nhìn của cha mẹ. Trăm nghe không bằng một thấy.'

Thế rồi chuyện bắt đầu sôi nổi thêm khi vang tiếng cô Mười, vì từ lúc nhập cuộc đến giờ cô bận lo con ăn nên chỉ có nhìn và nghe mà không thể góp tiếng. Khi xong trách nhiệm với con cô thở dài khoan khoái, hớp ngụm nước cho trơn giọng rồi cất tiếng.

- 'Nói thiệt nếu đầu óc chị em mình chứa được tiếng Anh, thì tên thông dịch hay nhân viên gì gì đó đã sắp hàng nộp form xin trợ cấp thất nghiệp nhiều năm rồi. Em hồi đó dở lắm nhưng mấy năm nay nhờ tham gia nhóm, dự họp nên học hỏi được nhiều và tự tin hơn. Dù Anh văn chỉ lớn bằng bụm tay, nhưng hễ bị ăn hiếp là em mét tới chỗ chứ không làm thinh ôm bụng tức về nhà nằm khóc đâu.

'Kinh nghiệm cho thấy rằng mình càng hiểu biết thì càng ít bị các ông bà đồng hương đồng ngữ bắt chẹt tạo khó khăn … Khi quá sức chịu đựng phải dẫn đến khiếu nại thì bị chụp mũ là nói xấu cộng đồng. Họ biết xấu nhưng cố tình làm thì mình cũng không nên sợ mà che đậy. Em thấy nếu mãi sợ và cả nể là tự bắt thang cho họ leo cao, tiếp tục ăn hiếp nhiều đời của mình.

'Khiếu nại không có nghĩa là nói xấu mà chỉ nói đúng nói thật, để có sửa đổi làm lại cho tốt đẹp hơn. Như tình cảnh em lúc bị chồng nghe lời mẹ ruột, bỏ em với đứa con hai tuổi có bệnh bại xụi để lấy vợ khác. Lúc đó em đơn thân không một đồng một chữ, chỉ biết ôm con mà khóc mà gõ cửa cơ quan, may sao hai mẹ con từ ngày ấy có được sự giúp đỡ. Nhân viên đi tới đi lui xin được 600$ mới có tiền mua mền đắp con và đồ ăn tuần đó. Trong cảnh khốn cùng mà vô phước gặp phải nhân viên như các anh chị kể nãy giờ chắc mẹ con em đã chết teo vì đói lạnh.'

Rồi cô nghẹn lời khi phải nhắc chuyện xưa.

- 'Không nhớ thì thôi mà nhắc nhớ người không tình nghĩa là em thêm hận tức. Ảnh lớn khôn chớ đâu phải nhỏ nhít gì, mà lại nghe lời mẹ nói tại em ăn ở thất đức nên sinh con khuyết tật. Nghe mẹ chồng dạy con trai thế đó nên em không còn lời giải bày. Thật tình không cha mẹ nào muốn sinh con khuyết tật, và khi sinh phải con khuyết tật thì tất cả đều là người tàn ác thất đức hết sao? Câu nói đầy ác tánh dùng để quy lỗi cho một cá nhân mà họ không thích. Cuộc đời của mẹ con em những tưởng lúc bị chồng bị cha bỏ là sẽ chấm hết, nhưng ông trời có mắt và còn thương nên cùng đường còn lối thoát. Mẹ con em may mắn gặp được social worker người tây phục vụ nhiệt tâm và tận tình.'

 Nghe nói vậy nên cô Trang tiếp lời.

-' Tui cũng vậy được cô Kim giúp đỡ rất nhiều có thua kém chị đâu.'

Mỗi chuyện kể là một nỗi lòng, chẳng hiểu chữ Kim có tác động gì mà khi nghe câu đối đáp cuối cùng của hai cô thì thấy cô Tâm liếc nhìn chị hướng dẫn nhóm dáng nét mất vui. Chừng như cả hai hiểu nhau sâu sắc lắm nên chị nheo mắt cười, nụ cười chứa đựng nhiều thông cảm trấn an và nói.

-' Kim của Trang là Kim Maunday, kim tây tà đầu tốt bụng chỉ giúp người chứ không đâm bậy bạ. Kim của em là kim ta chánh hiệu nên nhọn hoắt, chỉ đụng nhẹ mà gieo khủng hoảng đau khổ cho vợ chồng em từ 8 năm qua.'

Nghe đến đây thì cả nhóm nhớ, hiểu chuyện nên góp tiếng cười dòn, người mới tham dự và luôn cả tôi thì ngẩn ngơ thắc mắc, nên nhao nhao hỏi chuyện ra sao mà các chị cười quá cỡ vậy.

Vài giây yên lặng rồi chị Ngân háy mắt về phía cô Tâm.

- 'Muốn biết chuyện gì đã xảy ra thì hỏi cổ sẽ rõ như trăng 16 thôi.'

Thế rồi mấy chục cặp mắt xoay hết qua cô Tâm chờ đợi, còn cô thì quay sang cô Mười nhỏ nhẹ hỏi.

- 'Còn nhớ hôm mà nhóm tổ chức sinh nhật tập thể cho mấy cháu khác và Stephen không?'

 

Đang lau miệng con mà cô Mười gật đầu lia lịa, miệng trả lời liền ba bốn chữ.

- 'Nhớ, nhớ, không bao giờ quên được ngày đó vì đây là lần đầu tiên trong đời Stephen được nhóm làm tiệc sinh nhật cho.'

Cô bảo tuy mẹ con cô tham gia nhiều nơi nhưng không ai ngó nghĩ đến trẻ khuyết tật, chỉ lo cho cha mẹ hay người chăm sóc đi ăn, đi chơi, nói để thư giãn, trong khi trẻ khuyết tật cũng là con người cũng rất cần những buổi thế này thì lại bị cố ý quên. Khi đề nghị thì họ nói là không cần thiết, chả lẽ trẻ khuyết tật là thú hay sao. Họ luôn miệng nói trẻ may mắn sinh ở Úc nên có đầy đủ, nhưng trẻ lại bị những người này cướp mất sự may mắn đó.

Chừng như ức lòng nên cô nói một hơi xong rồi nhìn Tâm chờ đợi. Cô Tâm thư thả kể.

- 'Sau buổi đó tất cả tụ nhau ở phòng bida chuyện vãn, anh Quang đề nghị giáng sinh năm nay cha mẹ hùn tiền mua quà bánh tặng các cháu, em có góp thêm lời là quà nên đồng đều không phân biệt bệnh hay không bệnh và ai ai cũng đồng ý. Cha mẹ tham gia nhóm vì đặt trọng tâm cho con, thế nên ngày sinh hoạt được cố định vào chúa nhật là xoay theo nhu cầu của gia đình, vì ai cũng bận chuyện cơm áo và mục đích chính của nhóm là muốn tạo thuận tiện cho cô dì chú bác, để có thêm thông cảm hỗ trợ cho cha mẹ. Riêng các cháu khuyết tật có cơ hội cùng gặp cùng sinh hoạt chung với các cháu không khuyết tật, để nhờ đó mà phát triển thêm.

'Lúc nhóm thảo luận chị Kim ngồi im nghe, sáng sớm hôm sau phone đến la em quá chừng, la ghê lắm mấy chị ơi, la mà không cho em trả lời không cho thanh minh thanh nga gì ráo trọi. Chị Kim hiền từ khi đến nhóm vậy mà hiện nguyên hình hung dữ chưa từng thấy khi dũa em trong điện thoại, chẳng khác gì mẹ ghẻ xử con chồng, thế nên em rất nhậy cảm với cái Kim này.'

Mới dự lần đầu nên Lê thắc mắc hỏi.

- 'Đã gọi là đồng xuồng sao không hiểu mà thương nhau, sao lại tàn sát chị Tâm dữ dội vậy?'

Chị Giang lớn tuổi nhất bàn, bẩm tánh hòa hưỡn nên giờ mới giải thích.

- 'Không đúng như Lê nghĩ, Kim này không có con bệnh, xin tham gia nhóm nói là giúp cha mẹ điền đơn tiếng Anh và rất thương trẻ khuyết tật, nhưng cái Kim tới nhóm có  thâm ý vì nơi đây tập trung nhiều con nít mà công việc của Kim thì rất cần những trẻ này, để tăng uy tín và giữ vững việc làm. Tại cổ thâm quá nên tự leo rào và chuyển hoá vai trò xin tham gia nhóm thành người có quyền hạn.'

Nói xong chị quay sang cầu viện thêm với nhân chứng mà cùng là nạn nhân của cái Kim.

Tôi thấy chị hướng dẫn nhóm lắc đầu cười buồn, chừng như không muốn thêm lời về câu chuyện không vui đã xảy ra cho chị và cô Tâm, nhưng vì ai cũng chờ nghe nên phải tiếp lời.

- 'Tháng bảy ở Úc là giữa đông nên trời tối sớm mà được vợ chồng cô Tâm và hai cháu đến thăm bất ngờ thì tôi cảm thấy lạ. Lý do là gia đình này chỉ chí thú làm nuôi lo con, dự họp để mở mang kiến thức và dự những sinh hoạt định kỳ của nhóm. Sinh con khuyết tật bởi do trí não trì trệ nên tâm tánh bất thường; nhưng cha mẹ nuôi con khuyết tật là người bình thường mà đi thăm không chút sửa soạn không hẹn trước, nên dạ sanh nghi hỏi "Hai em với hai cháu đến chơi hay có chuyện gì ?".'

Chồng Tâm gãi đầu cười trừ nhìn vợ trong khi Tâm ngập ngừng không trả lời mà hỏi lại,

"Chị Kim có xuống chị thường không?"

 'Tôi lắc đầu nói vì bận nên có yêu cầu Kim nếu cần thì điện thoại. Rồi Tâm nói trong tiếng nghẹn là không làm birthday cháu và không tham gia nhóm nữa, vì hồi sáng chị Kim điện thoại hạch hỏi,

"Tại sao mày ủng hộ đề nghị của anh Quang ? Nếu vậy từ rày về sau mày theo phe Quang Duyên còn tao ra lập nhóm riêng, 50 cents tao cũng không đóng, birthday con mày tao điện nói người trong nhóm không dự". Sau đó chị Kim cúp phone.'

Tâm dứt lời thì khóc tức tưởi. Trong cảnh này tôi chỉ đứng yên nghe và nhìn cô khóc, vì nói được khóc được cô sẽ vơi đau khổ. Chuyện dần lắng dịu tôi đưa tay lau những giọt nước mắt vẫn liên tục ứa ra, và vỗ nhẹ vai cô khuyên giải.

- "Nước mắt là dành để khóc cho cha mẹ cho người thân, không nên nhỏ xuống cho những người ác tâm. Em là người nuôi dạy con khuyết tật,  tham gia nhóm là vì con vì cháu. Còn cổ là nhân viên mà đến nhóm vì lợi riêng, muốn làm về khuyết tật mà không hiểu biết về khuyết tật, không hiểu suy tư của cha mẹ. Cô không có quyền cấm chị em trong nhóm không cho dự sinh nhật cháu, em cứ tổ chức chị bảo đảm nhóm sẽ đến dự đông đủ."

'Tâm bớt khóc sau câu nói cả quyết của tôi, mà chừng như chưa yên dạ nên hỏi lại, "Thiệt hả chị?" Lúc đó điện thoại reo, bên đầu dây Kim nói 10 phút sau sẽ xuống nhà nói chuyện vãn. Nghe đối đáp Tâm quýnh lên hối chồng và hai con lật đật ra về,  không kịp mang giầy và quên chào từ giã. Thật là tội cho gia đình có con khuyết tật này đang chạy trốn một con người hai mặt.'

Mọi người đang say sưa với tình tiết của chuyện bỗng  vang tiếng khóc cháu Thịnh con của anh chị Loan Thành. Cả hai nhìn nhau, Thành nói.

- 'Cháu gây vì nóng mà âm thanh quá lớn, phần thì tới giờ ăn mà chuyện chưa hết trong khi tụi em rất muốn nghe, nghe không phải để nhiều chuyện mà để biết được nhiều chuyện, là học thêm kinh nghiệm để né kịp nên ngồi nán. Nhưng chuyện khuyết tật thì quả thật quá dài không đoạn kết nên phải bỏ cuộc nghe để chu toàn bổn phận.'

Miệng anh chào từ giã nhưng ánh mắt còn luyến tiếc thì có tiếng phản đối.

-' Sao về sớm ?', anh cười méo mó đáp.

- 'Chỉ tôi và cháu Thịnh về thôi, có thế chân bà xã với hai đứa nhỏ.'

Khoảng trống của anh được mẹ Thiện điền ngay, chị rối rít khen Loan quá tốt phước lẫn khéo căn tu, được chồng chia sẻ mọi khó nhọc thì anh Quang cười đáp.

- 'Mấy lần tụi em ghé thăm anh chị và cháu mà chỉ gặp anh trông cháu và được anh tâm sự,  tôi đi làm năm ngày một tuần tuy mệt nhưng nhà tôi giữ con bảy ngày liên tục, mà giữ con khuyết tật nữa nên tôi nghĩ bả mệt hơn mình. Nếu so là mệt thì cái mệt của đám mày râu mình không đáng là bao, nghĩ thế nên tôi ở nhà một ngày cuối tuần trông con cho mẹ cháu đến nhà bạn xả hơi. Nuôi dạy con bệnh tật này mà không được chồng hiểu, không được thông cảm và có nghỉ ngơi thì thật là tội nghiệp cho người mẹ. Tôi thì không quản ngại gì hết, nếu chia sẻ được gì cho vợ là tôi làm, chớ giao xác mọi chuyện thì nhỡ quá sức bả ngã bệnh là nguy to. Tôi bệnh thì không sao nhưng mẹ cháu mà bệnh là cả nhà cùng bệnh.'

Giờ tôi hiểu thêm vì sao nhóm có những buổi sinh hoạt họp mặt cho gia đình, mà nhiều cha mẹ không hiểu hay không có tánh muốn học hỏi để có sửa đổi chia sẻ và hỗ trợ thì họ cố né, không muốn tham gia, là vậy. Nhóm có lợi cho những cha mẹ thật sự học muốn phát triển con, và không có lợi cho những ai ôm tư tưởng chồng chúa vợ tôi.

Từ đầu buổi tiệc nói đến giờ có chị chỉ lặng thinh nghe nay mới góp tiếng.

- 'Ông xã em không bao giờ hiện diện để nghe được những lời này, mà ổng có thay đổi suy nghĩ như mấy anh thì em đỡ khổ biết mấy. Năn nỉ dự họp để mở mang kiến thức và hợp lực phát triển con thì nói phải đi làm kiếm sống. Còn tham dự sinh hoạt họp mặt gia đình để chia sẻ kinh nghiệm, vợ chồng cùng học hỏi thêm giúp giảm bớt áp lực nuôi dạy và con có chỗ vui chơi, thì không nói tại cũng sẽ nói bị. Em có chồng cháu có cha nhưng mẹ con em vô phần. Quần quật cả ngày cho gia đình thì không có sóng gió, nhưng nếu cần nhờ trông con lúc em quá bận thì cả gia đình ảnh liếc ngang liếc dọc, chuyện nặng nhẹ gì cũng một tay em.'

Chị lắc đầu thở ra thì bị hỏi là đã gọi là vợ chồng thì phải biết hỗ trợ và giúp đỡ chớ, người gì mà hiểm quá vậy. Chị Hải ngồi cạnh bên nói đẩy đưa gần xa như trách móc.

- 'Dễ thôi, tại vì người ta cưới lãnh Hồng qua là để làm dâu, là để phục vụ chứ đâu phải để làm bà dâu mà nhờ này nọ kia. Họ nằm chờ phục vụ thì OK chứ dâu nhờ phụ là có mở phiên toà. Tui thì không vơ cả bó đũa đâu, vì biết rằng trong số các anh về cưới vợ lãnh sang có người sống bình đẳng, chịu chia sẻ và rất hạnh phúc nên gọi đó là những người vợ được cưới. Còn nàng dâu như Hồng là bị cưới, lãnh qua đây là chỉ để phục vụ. Thật là quái dị cho một chế độ tự tạo dã man mà chưa bị diệt chủng.'

Chị Hồng như có thêm nghị lực nên tiếp.

- 'Từ ngày đến nhóm quen mấy chị em, em vơi buồn và giữ vững tinh thần, không còn nghĩ quẩn chứ lúc trước buồn vì cô thân tủi phận và xót xa cho con. Nhiều lần em không thiết sống, cái đau nhất của em là còn gia đình bên VN mà họ kỳ vọng ở em quá nhiều, chẳng ai chịu tin, họ nói em qua đây sung sướng rồi quên hết. Đã nhiều lần muốn thư cho gia đình biết tự sự nhưng chỉ sợ tốn giấy mực rồi đau buồn hơn nữa. Và nếu may mắn được bên nhà tin thì em lo sợ cho má em sẽ chịu không nổi, vì em là con cưng nhất nhà.'

Chị cúi đầu lau nước mắt. Dựa lời chị Hải nên một cô ngồi đối diện kể rằng mình may mắn là được chồng cưới nên dễ thở hơn.

- 'Ông xã em đỡ lắm, thấy em là gì cũng phụ một tay cho mau. Em thì không chịu vậy vì anh ấy làm đến hai ca nên rất mệt. Ảnh rất thương vợ con nhưng phải tật nóng tánh, khi nổi tam bành lên rồi mười ông trời cũng không tè. Có lần ba em xuống chơi, thấy ảnh giặt đồ rồi đi phơi còn em thì lo con và dọn dẹp trong nhà. Thấy rể làm phụ cho con gái thay vì mừng con tốt phúc có được tấm chồng chỉ biết vui thú điền viên bên vợ con, đàng này khi về nhà ba nói với má và mấy đứa em "Anh rể bây là đàn ông mà giặt đồ cho vợ là không có túi đạn".

'Nghe cha vợ trộ con rể em sợ chồng buồn nổi quạu, nào dè anh ấy tỉnh bơ nói "Nếu anh như ba, như mấy ông chồng khác là để em làm hết việc nhà, còn anh thì tréo chân uống cà phê đọc báo thử hỏi ba có chịu nổi không? Còn em thì chừng nào mới làm xong việc nhà và vợ chồng có thì giờ cho nhau và thì giờ cho con nữa?"

 'Nhưng chuyện lại chưa kết thúc êm đẹp, vài hôm sau mấy đứa em xuống báo tin đặc biệt, "Ba chê chồng chị giặt đồ cho vợ nhưng lại xách dao làm cá cho má. Như vậy ba mí chồng chị hết đạn rồi", và chị em cùng cười vì hiểu nhau.'

Một cô đi qua đi lại ru con ngủ cũng cố góp tiếng.

- 'Em không biết mấy chị có để ý hôn, chớ chị điều hợp nhóm tên Duyên nhưng mà không duyên thì khó gặp, đó là trường hợp của em. Nuôi con bệnh ở cách chỉ có sáu cây số mà không biết, phần có suy nghĩ lạc hậu rằng hễ có bệnh là có thuốc trị,  nên em ôm tư tưởng tìm thầy tìm thuốc trị dứt bệnh. Lần nọ nghe cái vụ tượng Chúa chảy mùi thơm nên đốc thúc chồng chở mẹ con xuống, tìm phép lạ trị bệnh bẩm sinh.

'Các anh chị biết Sydney cách Brisbane 1.200 km, ông xã em chạy 180 km giờ, chỉ bảy tiếng là đến nơi mà em chưa hài lòng, cứ lầu bầu là chạy chậm nên bị chồng cự,  "Xe đang bay trên mặt đường bà muốn chết phải không ?" nên em nín thinh. Gia đình em đến nơi lúc hai giờ sáng, không được phép mầu chữa bệnh con mà loay hoay gặp một chị tốt bụng dắt về nhà nghỉ, chỉ cũng có con bệnh và thường xuyên liên lạc với nhóm ở Sydney.

'Hỏi ra mới biết em từ trển xuống, chỉ cho em địa chỉ xong còn trách ở sát bên mũi sao không tới lại lặn lội xuống đây chi cho xa, về Sydney tìm chỉ để lo cho con. Kể từ ngày gặp chị đến giờ em học hỏi và có nhiều hiểu biết, giờ cải thiện con bằng dạy dỗ chứ không còn tin vào chữa trị với phép màu nữa. Tiếc là em đã bỏ mất hai năm thời gian dạy con và vượt một quãng đường dài tìm chữa trị, bất chấp nguy hiểm cho gia đình để cuối cùng mới có duyên gặp chị.'

Ngồi nghe chuyện người và nhiều lần muốn góp vào một đề tài, mong được kéo dài niềm vui hôm nay hoặc xoa dịu phần nào nỗi buồn hiện tại, nhưng tôi lại không thể xen lời khi nhìn được sự khắn khít của họ. Dù sao đi nữa chúng ta cũng chỉ là người ngoại cuộc, không thể nào cảm nhận được niềm vui nỗi buồn của những anh chị em này ngoại trừ hiểu, thông cảm và thật lòng giúp đỡ hỗ trợ. Nếu tôi không tò mò không có tánh chịu khó thì sẽ không mắt thấy tai nghe những chuyện khó tin nhưng có thật. Một ngày với nhiều hữu ích.

      

   

Nghe Ngóng Sydney.