ĐỌC SÁCH 2 

 

Tôi sinh ngày 31 tháng giêng năm 1979, đó là ngày thứ tư trong tuần. Tôi biết đó là ngày thứ tư vì ngày này mầu xanh dương trong trí tôi, và thứ tư luôn luôn có mầu xanh, giống như số chín hay tiếng cãi nhau lớn giọng. Tôi thích ngày sinh của mình vì cách mà tôi có thể nhìn ra phần lớn những số có hình trơn tru, tròn trịa, tương tự như các hòn cuội trên bãi biển. Ấy là vì chúng là những số nguyên tố: 31, 19, 197, 79 và 1979 đều chỉ chia được cho số một và chính nó. Tôi có thể nhận ra bất cứ số nguyên tố nào tính đến số 9973 dựa theo tính tròn nhẵn như sỏi của nó.

 

Tôi có một tật gọi là hội chứng thông thái (savant syndrome), ít được biết tới nhưng sau này được Dustin Hoffman diễn trong phim Rain Man năm 1988. Giống như vai Raymond Babbitt mà Hoffman đóng, tôi có nhu cầu gần giống như si mê về thứ tự và thông lệ (routine), nó ảnh hưởng mọi điều trong đời tôi. Tôi ăn điểm tâm đúng 45 gr cháo mỗi buổi sáng, tôi cân cái bát bằng cân điện tử để chắc chắn là ăn đúng bấy nhiêu. Rồi tôi đếm số y phục mặc trong người trước khi rời nhà. Tôi lo lắng không yên nếu không thể có tách trà vào đúng lúc mỗi ngày. Bất cứ khi nào bị căng thẳng quá và không thở được, tôi nhắm mắt lại và đếm. Nghĩ tới những con số làm tôi được bình tĩnh trở lại.

 

Con số là bạn của tôi, luôn luôn có chung quanh tôi. Mỗi số đều độc đáo, có cá tính riêng của nó. Số 11 thân thiện, số 5 to tiếng trong khi số 4 nhút nhát, yên lặng. Nó là con số ưa thích của tôi, có lẽ vì nó làm tôi nhớ lại chính mình. Có những số lớn như 23, 667, 1179 mà cũng có những số nhỏ như 6, 13, 581. Có số đẹp, như  333 và có số xấu như 289. Đối với tôi mỗi số đều riêng biệt. Bất kể tôi đi đâu hay làm gì, con số không bao giờ rời xa tâm trí tôi. Tôi nói với một người là trông họ giống số 117, vì họ ốm và cao lêu nghêu. Sau đó tôi đi ra công trường có tên rất thích hợp về số là Times ở New York, nhìn đăm đăm vào những tòa nhà chọc trời chung quanh, và cảm thấy mình có những con số chín bao bọc vì tôi liên kết con số này nhiều nhất với cảm xúc về sự mênh mông.

 

Khoa học gia gọi kinh nghiệm về số có lẫn thị quan và cảm xúc này của tôi là synaesthesia, là một bệnh hiếm về thần kinh với tính chất là lẫn lộn các quan năng với nhau. Kết quả hay có nhất của tật  là khả năng thấy được các mẫu tự và con số bằng mầu. Tật của tôi khác thường và thuộc loại phức tạp, vì tôi thấy hình dạng, mầu sắc, tính chất và chuyển động của những con số. Lấy thí dụ số một có mầu trắng sáng chói, giống như ai đó chiếu luồng sáng đèn pin vào mắt tôi. Số năm là tiếng sấm nổ lớn hay tiếng sóng vỡ khi đập vào ghềnh đá. Số 37 thì lộn nhộn như cháo, còn số 89 làm tôi nhớ đến tuyết rơi.

Nét đẹp của việc quan năng lẫn lộn này có chuyện hay lẫn chuyện không hay. Nếu thấy một số trên bảng tên cửa hiệu, hay trên bảng số xe mà tôi cho là đặc biệt đẹp đẽ, thì người tôi run rẩy vì khích động và hân hoan. Ngược lại nếu con số không hợp với kinh nghiệm của tôi về nó, chẳng hạn như con số trên bảng hiệu là 99 sơn mầu đỏ hay xanh lục (thay vì xanh dương), thì tôi thấy bực bội không thoải mái.

 

Chứng tự kỷ trong đó kể luôn chứng Asperger, được định nghĩa như  là bị yếu kém về mặt giao tiếp xã hội, liên lạc và tưởng tượng (như thiếu óc trừu tượng, uyển chuyển và sự cảm thông). Khó mà định bệnh chứng này và không có thử nghiệm nào như chụp hình não để tìm ra bệnh, bác sĩ  phải quan sát hành vi và xem xét sự phát triển từ thuở nhỏ của người có triệu chứng. Người có chứng Asperger thường có khả năng cao về ngôn ngữ, và có thể sống đời tương đối bình thường. Nhiều người có chỉ số thông minh IQ trên trung bình, rất giỏi về mặt nào chuyên suy nghĩ bằng hình hay dùng óc lý luận.  Bệnh ảnh hưởng con trai gấp 4 lần con gái hay hơn. Óc chuyên chú vào một điều là đặc điểm của bệnh này, cũng như là lòng say mê phân tích chi tiết, xác định mẫu mực, luật lệ trong hệ thống. Người có tật này có kỹ năng chuyên biệt về trí nhớ, con số và toán. Họ sinh ra là có tật mà chưa ai biết tại sao.

Tôi nhớ luôn luôn thấy con số bằng hình ảnh có lẫn cảm xúc từ hồi nào tới giờ. Con số là ngôn ngữ đầu tiên của tôi, tôi suy nghĩ  và cảm xúc bằng số. Tôi khó mà hiểu được tình cảm, hay biết cách phản ứng ra sao với nó, thành ra tôi hay dùng số để giúp chuyện này. Nếu bạn tôi nói họ buồn hay xuống tinh thần thì tôi mường tượng mình ngồi trong khoảng rỗng tối đen của số sáu, để giúp tôi kinh nghiệm cảm xúc đó và hiểu được nó. Nếu đọc một bài báo ghi ai đó cảm thấy bị chuyện gì đe dọa, thì tôi tưởng tượng là mình đứng cạnh số chín. Khi ai tả đến thăm nơi đẹp đẽ, tôi nhớ lại hình ảnh những con số và nỗi vui trong lòng khi ngắm chúng ra sao. Mỗi lần làm vậy, con số giúp tôi hiểu được người khác rõ hơn.

 

Đôi khi, người tôi mới gặp lần đầu tiên gợi tôi nhớ đến một con số đặc biệt, và điều này giúp tôi cảm thấy thoải mái ở cạnh họ. Họ có thể rất cao làm tôi nhớ đến con số chín, hay tròn và khiến tôi nhớ số ba. Nếu tôi không vui hay lo lắng vì cảnh ngộ chưa gặp lần nào trước đây, tôi tự đếm thầm trong đầu. Khi đếm, mấy con số họp thành hình và kiểu thức (pattern) trong trí có tính đều đặn trấn an được tôi, và tôi có thể thoải mái người, tương tác với bất cứ cảnh ngộ nào gặp phải.

 

Nghĩ đến lịch luôn luôn khiến tôi vui, trọn bao nhiêu số và kiểu thức gộp vào một chỗ. Những ngày khác nhau trong tuần gợi nên mầu và cảm xúc khác nhau trong đầu tôi, thứ ba có mầu ấm, thứ năm thì mờ mờ lem nhem.  Nhiều người có hội chứng thông thái thường có thể tính được lịch, tức là khi cho ngày tháng thì nói ngay ấy là thứ mấy trong tuần, cả quá khứ lẫn tương lai. Tôi nghĩ  ấy là do những con số trong lịch đều đoán trước được, họp thành mẫu giữa các ngày khác nhau trong tháng. Lấy thí dụ ngày thứ 13 của một tháng luôn luôn là hai ngày trước bất cứ ngày nào mà đầu tháng rơi vào, ngoại trừ những năm nhuận; trong khi đó nhiều tháng bắt chước  nhau, như tháng giêng với tháng 10, tháng chín và tháng 12, tháng hai và tháng ba theo cách ngày đầu tiên tháng hai thì cùng ngày với ngày đầu tiên tháng ba. Do đó nếu ngày đầu tiên của tháng hai một năm nào đó mà có dạng mờ mờ ảo ảo trong trí tôi (tức là thứ năm), thì ngày 13 của tháng ba năm ấy sẽ có mầu ấm. Buổi tối khi tôi đi ngủ, có những lúc trí tôi đột nhiên chứa đầy ắp ánh sáng chói. Tất cả những gì tôi thấy chỉ là con số, hàng trăm hàng ngàn số bơi lội mau lẹ qua mắt tôi, an lành và xinh đẹp.

 

Tật lẫn lộn số và mầu cũng ảnh hưởng cách tôi nhận ra chữ và ngôn ngữ. Thí dụ chữ  'ladder, cái thang' có mầu xanh dương sáng bóng, còn 'hoop, vòng' là chữ mềm mầu trắng. Chuyện cũng y vậy khi tôi đọc chữ thuộc ngôn ngữ khác, như 'jardin, khu vườn' tiếng Pháp có mầu vàng mờ mờ, và 'hnugginn, buồn' tiếng ở Iceland có mầu trắng lấm tấm chấm xanh. Có những chữ  ăn khớp với nhau tuyệt diệu, 'raspberry, dâu đỏ' vừa là chữ có mầu đỏ mà cũng là một trái cây đỏ, còn 'grass, cỏ' và 'glass, ly thủy tinh' đều là chữ mầu lục mô tả vật mầu lục. Ngược lại có chữ tôi thấy không hợp với vật mà nó mô tả, 'geese, ngỗng' là chữ xanh lục nhưng lại mô tả cầm điểu trắng (tôi nghĩ đổi nó thành 'heese' thì hợp hơn); và như chữ 'white' lại có mầu xanh dương, trong khi 'orange, cam' thì trong suốt và bóng như nước đá.

 

Nhìn chữ có mầu và tính chất khác nhau giúp thêm cho trí nhớ tôi về dữ kiện và tên người. Khi gặp ai lần đầu tiên tôi thường nhớ tên họ bằng mầu của chữ,  những tên Richards có mầu đỏ, tên John mầu vàng và Henry mầu trắng. Nó cũng giúp tôi học sinh ngữ mau hơn và dễ hơn. Tôi biết 10 thứ tiếng: Anh (là tiếng mẹ đẻ), Phần Lan, Pháp, Đức, Lithuanian, Esperanto, Tây Ban Nha, Romanian, Iceland và Welsh. Liên kết những mầu và cảm xúc khác nhau mà tôi kinh nghiệm về mỗi chữ với nghĩa của nó giúp làm cho chữ thành sống động. Thí dụ chữ 'tuli' tiếng Phần Lan đối với tôi có mầu vàng, nó có nghĩa là 'lửa'. Khi tôi đọc hay nghĩ về chữ này, lập tức tôi thấy mầu sắc trong trí tôi làm gợi nên hình ảnh. Thí dụ khác là chữ 'gweilgl' tiếng Welsh có mầu lục và xanh dương đậm. Tôi nghĩ nó có mầu rất hợp để mô tả mầu của biển. Rồi chữ 'rokkur' tiếng Iceland có nghĩa 'chạng vạng, hoàng hôn'. Đó là chữ mầu đỏ tía và khi tôi thấy nó, chữ làm tôi nhớ đến cảnh mặt trời lặn đỏ như máu.

 

 

Trích từ Born On A Blue Day: The Gift Of An Extradordinary Mind by Daniel Tammet. 2006.