ĐỌC SÁCH 1 

 

Quyển  Freaks, Geeks and Aspeger Syndrome by Luke Jackson, 2002 do một trẻ có hội chứng Asperger (Asperger Syndrome, AS) viết ra, nhằm chia sẻ kinh nghiệm với bạn đồng cảnh, và cho cha mẹ cùng người khác hiểu thêm về những tật, lý do có hành vi khác thường của người có chứng này. Sau đây là tóm lược vài điểm đáng chú ý trong sách, áp dụng cho cả người tự kỷ và người AS: 

Tổng Quát về Tật. 

Luke kể em có tật là khi đi toilet thì bấm nút dội nước xong là phải chạy biến đi trước khi nước ngưng chảy. Trẻ có một số thông lệ khư khư giữ lấy, như có em ba tuổi trước khi đi ngủ thì phải hôn bốn bức tường, tắt bật đèn ba lần, xếp một số đồ chơi thành hàng, hôn vài món đồ chơi rồi mới chịu đi ngủ. Nay lớn lên nhìn lại em mắc cỡ nhưng nói rằng khi ấy em thấy bắt buộc phải làm vậy. Nếu không làm thì thấy như cơ thể sẽ bung ra tan vỡ vì áp lực quá mạnh. Với người trưởng thành thì khi ý thức được tật của mình, mỗi khi thấy sắp  bị thúc giục phải làm gì không cưỡng lại được, họ tự ý thức và tìm cách hướng sang chuyện khác. Sau đây là vài tật chính của chứng AS. 

Tật về Cảm Quan: 

— Trẻ có thể bị nổi mề đay và muốn nôn mửa khi ngửi thấy mùi sơn hay chỉ cần thấy sơn. Nay đi trường thì em chịu cho sơn tay trong giờ học vẽ nhưng sau đó phải rửa đi liền. 

— Trẻ cũng không chịu mặc quần áo vì có những loại hàng làm em đau da. Em chịu mặc quần áo khi đi học nhưng về tới nhà là cởi ra ngay. Khi bị căng thẳng em cũng tuột hết quần áo thế nên rất khó mang em ra đường, vì tiếng động, mùi, mầu sắc bên ngoài làm em căng thẳng và rồi cởi quần áo ra giữa phố. Trẻ khác thì khi quần áo dính một giọt nước cũng không chịu và đòi cởi ra ngay.

 — Có em ưa tiếng động lớn và thích đập trống, trong khi em nữa thì bịt tai lại không chịu được.

 — Tật khác là không chịu được cát ướt tuy có thể chơi cát khô. 

— Trẻ không màng đến khung cảnh xung quanh, không để ý là quen thuộc hay không nên em rất dễ đi lạc. Em đi lạc còn là vì đa số thời gian sống trong tâm tưởng của mình, cảnh vật bên ngoài không có nghĩa gì  tức  em không thấy hốt hoảng khi ở nơi xa lạ. Người AS trưởng thành nói rằng trong đầu họ chất chứa đầy hình ảnh, mầu sắc, đường nét, hình dạng trộn lẫn với cảnh bên ngoài, họ sống trong cảnh giới ấy nhiều hơn là ngoại giới nhưng cho biết là càng lớn thì càng ý thức nhiều hơn về không gian, thời gian, người và vật chung quanh, và bớt chú tâm vào thế giới riêng của họ.

Trẻ đi lạc rất thường, nhưng người đã lớn nói rằng họ chỉ đi lạc đối với người thường còn thì chính họ không nghĩ là mình đi lạc mà luôn luôn biết mình đang ở đâu. Trẻ vui chân đi hoài, sau một  lúc lâu muốn quay về thì không biết đường nhưng không sợ hãi, em nói với người lạ rằng em không lạc mà chỉ không biết mẹ ở đâu. Mẹ nhờ loa phóng thanh kêu tên nhưng trẻ không nghe. Người AS giải thích họ chỉ nghe khi chú tâm vào cái biết là cần nghe còn thì gạt bỏ tất cả cái khác, coi nó như là tiếng ồn.

Họ thấy khó mà phân biệt giữa tiếng ồn và tiếng có nghĩa, loa phóng thanh cho dù lớn thế mấy cũng bị bỏ qua. Đi trường thì bị la vì thầy cô nói với em nhưng em làm ngơ, trẻ giải thích là em không biết thầy cô đang nói với mình. Tóm tắt là nhiều khi em không biết mình đã làm gì sai, cũng như không thể giải thích rõ ràng đã làm gì sai. Cha mẹ được khuyên là cần giải thích thật rõ mọi chuyện cho con. 

Áp Lực. 

Vì bị hoang mang với thế giới chung quanh, người tự kỷ và AS tìm cách cảm thấy an toàn bằng nhiều mẹo, có khi bằng cách ngăn chặn chuyện bên ngoài. Có trẻ phản ứng là đội mũ len trùm kín đầu và mặt như đi cướp nhà băng, em đội bẩy ngày một tuần, 24 tiếng một ngày, ở trường, ở nhà, lúc ăn cơm, ở bất cứ đâu vì nó cho em cảm giác an toàn.

Trẻ giải thích đội như vậy có nhiều tiện dụng, nó ngăn hay làm dịu bớt một số tiếng động em phải nghe cả ngày, ngày nào cũng nghe, vì em nhạy cảm với tiếng động mà chung quanh thì ồn quá. Kế đó mũ có tác dụng như màn ngăn cách giữa em và thế giới bên ngoài, em thấy an toàn nhìn ra thế giới rối loạn bên ngoài bức ngăn ấy. Lý do thứ ba là mũ căng, bó chặt tạo áp lực khiến đầu và mặt em lúc nào cũng bị ép lại và em thích cảm giác ép đó, cảm thấy yên tâm.

Em khác thì có cách khác, như phải đeo kính luôn (goggles), đồ bịt tai (earmuffs) trong ngày, luôn cả khi đi ngủ, và em chỉ ngủ được khi có gì ép chặt chân lại. Đây là tật hay thấy ở chứng tự kỷ, AS, họ muốn cảm thấy áp lực, thèm muốn có áp lực và phải thỏa mãn nó như chui dưới nệm dầy, dưới đống quần áo, gối chăn, bàn, trẻ nhỏ thì chui vào trong áo len của mẹ để mẹ mang đi trước bụng như con kangaroo. Vì nhu cầu này mà có máy tạo áp lực được chế ra cho người tự kỷ (squeeze machine), khi chui vào đó người ta bị ép lại và họ cảm thấy thoải mái.

Để chữa tật thì cha mẹ thưởng cho con mỗi khi trẻ chịu bỏ mũ len mới đầu 10 phút, sau tăng dần lên. Phần thưởng là đọc sách, chơi games, lâu ngày em không thấy cần phải đội nữa. Đầu tiên cha mẹ cần chọn khoảng thời gian nào mà con ít bị căng thẳng nhất để tập cho con bỏ tật một lúc ngắn, ngoài chuyện thưởng cha mẹ có thể ghi trên bảng và gắn dấu sao hay sticker nào khác. Người tự kỷ học bằng mắt nên hình hấp dẫn đối với trẻ, em thấy được thành quả của mình, việc tập hóa ra dễ hiểu.

 — Nhiều trẻ có tật xoay tít người, em giải thích là làm vậy cho em cảm giác thích thú tức tật có liên hệ đến cảm quan hay có trục trặc về cảm quan. Em có thể ngồi xem vòng quay Ferris wheel ở hội chợ ba tiếng đồng hồ không chán. Rối loạn khác cũng về cảm quan là thích đèn có mầu sắc rực rỡ hay nhấp nháy, trẻ tả là khi mê mẩn nhìn cả mấy tiếng liền em quên hết mọi chuyện xung quanh.

 — Có em đặc biệt gặp khó khăn khi đi xem xi nê vì bao nhiêu cảm giác tấn công: mùi, ánh sáng, âm thanh. Em bịt tai, mắt nhắm nghiền la hét khiến gia đình phải ra về. Để tập thì theo cùng cách trên là mỗi lần một chút, từ từ em quen và ở được trong rạp lâu hơn, cha mẹ cũng có thể giải thích và khi biết chuyện gì sẽ xẩy ra thì trẻ chấp nhận dễ hơn. Ở nhà thì tiếng động như tiếng máy hút bụi có thể làm em khó chịu, bạn hãy cho con biết trước là sắp làm phòng nào để em sang phòng khác.

Rối loạn về âm thanh có khi là do tai quá nhậy, trẻ nói là không thể chịu được tiếng vang ở hồ bơi hay sảnh đường vắng người, và em ghét nhất khi ngồi thi làm bài với hàng trăm bạn học trong sảnh đường lớn. Em nghe được tiếng lật trang giấy từ cuối phòng làm điên đầu rất bực.

 — Nhiều người bị trục trặc về vị giác, hoặc thích món nhạt không có vị gì, hoặc thích có nhiều gia vị, làm như các chồi vị giác trên lưỡi hoặc quá nhậy hoặc quá yếu. Đa số trẻ chỉ thích ăn rất ít món không phải do vị của những món này mà nhiều phần là do mùi, đặc tính của món như dòn/cứng/mềm/dai, và tính muốn có sự đồng nhất (sameness) bữa nào cũng chỉ mấy món đã biết. Kết quả là trẻ không muốn thử ăn món mới.

 — Rối loạn còn có thể xẩy dưới hình thức là cảm giác bị lộn với nhau, khi đèn đột nhiên bật lên hay tắt đi thì trẻ lấy tay bịt tai, hay khi có mùi quá nồng thì nhắm nghiền mắt lại.

  — Về mùi vị thì trục trặc thường là do quá nhậy, trẻ đi ngang một tiệm hay nơi nào và than phiền là không chịu được mùi nơi ấy trong khi người khác không ngửi thấy gì. Trong gia đình thì không sao nhưng khi đi chơi với bạn nếu em lên tiếng chỉ trích mùi nước hoa hay xà phòng bạn dùng thì rất có thể sẽ mất bạn. Cha mẹ có thể dạy con cho bạn hay là có một số mùi làm em khó chịu và đề nghị lần sau bạn dùng ít đi. Cái đáng mừng là tính quá nhậy giảm lần đi khi trẻ trưởng thành, nhưng vẫn còn ở người lớn. Mặt khác khi một số trẻ theo cách dinh dưỡng không có gluten và casein thì rối loạn giảm đi rất nhiều.

 Gluten và Casein. 

Giả thuyết nói rằng ở những trẻ này, khi gluten (có trong bột mì và một số loại lúa) ăn vào nó được phân giải thành peptide có tên là gluteomorphine, và casein (có trong sữa và sản phẩm của sữa như butter, cheese, yoghurt) thành peptide tên caseomorphine. Cả hai có tác dụng tương tự như morphine đối với não tức làm não nghiện, và trẻ thích ăn những món có hai chất trên, nhưng casein và gluten cũng gây ra rối loạn cảm quan, khiến người ta đáp ứng lạ lùng với một số cảm giác.

Khi cho trẻ cử ăn những món có casein (cử tất cả những món gì làm bằng bột mì và các loại lúa có gluten như lúa mạch) và casein (cử sữa và sản phẩm của sữa) thì rối loạn giảm đi. Tuy nhiên lúc đầu cảnh nhà có thể là địa ngục và cha mẹ muốn bỏ cuộc, lý do là trẻ 'nghiện' một số món như bánh mì, khoai chiên, pasta, sữa nay bị cấm bất thình lình em sẽ thấy khó chịu như người nghiện cai thuốc và bị thuốc hành, khóc la rầm nhà, bỏ ăn làm bạn điên đầu. Do đó nếu muốn theo cách dinh dưỡng này bạn cần chuẩn bị tinh thần để đối phó.

 Chuyện khác là khi thay sữa bằng sữa đậu nành, cha mẹ có thể e ngại là sữa đậu nành mua ở tiệm thực phẩm Á châu không có phẩm chất bảo đảm. Trong trường hợp đó bạn hãy làm lấy ở nhà hay mua sữa đậu nành đóng hộp của hãng thực phẩm đáng tin trong siêu thị. Cách làm là mua đậu khô ngâm qua đêm, sau đó lấy máy xay lọc lấy nước, pha thêm nước nhiều ít tùy ý, nấu sôi thêm đường cho dễ uống nếu muốn. Bạn xay vài lần thì xác đậu nhuyễn hoàn toàn.

 Hiểu Nghĩa Đen 

Một em kể rằng có hôm mẹ đến trường đón con thì trường xin mẹ chờ vì không tìm ra trẻ. Biết tính con mẹ hỏi trước đó cô dặn em làm gì. Cô bảo kêu em chui xuống gầm bàn bỏ sách vào hộc, mẹ ngó vào gầm bàn thì quả nhiên thấy con ở đó. Trẻ không nghĩ mình đã làm gì sai khiến mọi người lo lắng, em giải thích khi chui xuống gầm em cảm thấy an toàn, thế giới rối rắm lộn xộn dường như nay rất xa, không thật khi em có một cái gì che trên đầu và được bao lại chung quanh. Mặt khác em ở mãi dưới gầm bàn vì nghe lời cô, cô không nói làm xong rồi thì đi ra ! Không ai nói vậy thì em ở hoài chỗ đó.

Vì tật này người ta cần nói rõ ràng với người tự kỷ và Asperger khi muốn họ làm điều gì. Trong cách giao tiếp thường ngày đa số chúng ta nói có ẩn ý, không hết ý như thí dụ trên vì cho rằng người nghe sẽ đoán ra nhưng tốt hơn không nên làm vậy với người tự kỷ và Asperge. Họ than phiền là người thường:

- nói điều không hàm ý (nói lơi)

- bỏ sót không nói chuyện muốn nói (ngụ ý, hiểu ngầm)

- nét mặt biểu lộ đủ điều kỳ cục xem ra tương phản với lời họ nói.

Và như thế người thường đúng ra thật kỳ lạ theo cái nhìn của người tự kỷ. Vài câu thông thường làm người tự kỷ hoang mang là:

- Nghĩ coi làm vậy thì mẹ cảm thấy ra sao ?, hay

- Con không quan tâm đến em/anh/chị v.v. à ?

- Ích kỷ quá.

Trẻ không hiểu thật sự người lớn muốn nói cái chi, và mong mỏi cha mẹ, thầy cô muốn gì thì nói thẳng đừng úp mở, đừng tự động nghĩ rằng con sẽ biết được ngụ ý vì nhiều phần là em không hiểu. Em hay bị rầy là không nghĩ coi lời nói, hành động của mình có làm buồn lòng người khác, nhưng em thấy rất khó khi làm vậy, không thể đoán ra người khác nghĩ gì trừ phi họ nói cho em rõ, mà ngay cả khi được nói cho nghe thì lời nói cũng quanh co, úp mở không thẳng thắn rõ ràng. Người tự kỷ muốn rằng mọi chuyện phải thật tách bạch đối với họ.

Nếu cha mẹ không hiểu được hành vi của trẻ AS thì được khuyên là coi lại cách họ nói chuyện. Họ có nói rõ ràng ? có giải thích đầy đủ ? Cái xem ra hiển nhiên với họ chưa chắc là vậy với trẻ, và cách suy luận của trẻ có khi khác với người khác. Một điều an ủi cho cha mẹ là tật hiểu nghĩa đen bớt dần đi khi trẻ lớn, em hiểu được nghĩa bên trong của lời nói và còn có thể dùng nó khi nói chuyện. Cái khác biệt là có những điều trẻ bình thường tiếp nhận một cách tự nhiên không cần gắng sức thì trẻ tự kỷ phải chú ý mới học được.

Lấy thí dụ mẹ muốn con dọn phòng cho ngăn nắp thì cần phải dạy từng chút, giải thích rõ ràng muốn con làm gì mà đừng la lối khi phòng chưa gọn gàng. Nếu chỉ dẫn rằng gọn gàng ngăn nắp nghĩa là sao:

- lượm hết quần áo dơ trên sàn,

- bỏ vào rổ

- máng áo khoác lên mắc áo

- để sách lên kệ

thì trẻ sẽ biết chính xác phải làm những chuyện gì. Bằng không em đi vơ vẩn quanh phòng  không biết phải bắt đầu từ đâu. Để giúp con bạn có thể lập bảng ghi những chuyện cần làm khi:

- dọn phòng

- tắm, vệ sinh cá nhân,

- rửa mặt

Giải thích kỹ lưỡng cách gội đầu, thoa xà bông, chà xát thân hình, bao lâu phải thay quần áo lót, đừng giả dụ là không cần nói trẻ cũng biết. Tóm tắt lại:

- Nói rõ ràng chính xác muốn con làm gì. Đừng nói khơi khơi 'Dọn phòng cho sạch' và tin vậy là đủ.

- Đừng ví von, xa gần, dùng ẩn dụ trừ phi bạn cắt nghĩa tách bạch. Nếu so sánh thì dùng thí dụ mà em có thể hiểu được.

- Đừng cho rằng con sẽ học được thế nào là hành vi tốt , xấu trong đời mà chuyện gì cũng phải dạy. Trẻ bình thường học bằng cách lắng nghe chuyện trong nhà hay ngoài phố, nhìn mặt, nhìn khung cảnh chung quanh, sống theo thế giới bên ngoài nhưng trẻ tự kỷ không làm những việc này thành ra có rất nhiều điều em không biết và cha mẹ phải chỉ dẫn cho con.

- Mọi chuyện, bất cứ chuyện nào cũng phải giảng giải đầu đuôi  gốc ngọn cho trẻ, về mặt này em như người ngoại quốc tới nước xa lạ.

- Kiểm lại để bảo đảm là con đã hiểu.

Có người tự kỷ hay AS rất thông minh nhưng cha mẹ vẫn cần áp dụng những điều trên cả đời.

 Đọc. 

Mỗi trẻ khác nhau, có trẻ biết đọc làu làu khi mới hai tuổi, trẻ khác dạy hoài vẫn không biết đọc vì em bị chứng đọc khó (dyslexia). Có trẻ 7 tuổi hôm trước thử nghiệm thấy là em không thể đọc chữ gì, hôm sau cô giáo đưa cuốn sách và em đọc một mạch xuôi rót, thử nghiệm làm lại thì thấy em có khả năng  đọc của trẻ 14 tuổi. Không có giải thích nào cho những việc lạ lùng  ấy, nhưng ta có thể dựa vào đó để khuyên cha mẹ đừng bỏ cuộc khi có vẻ như không thể dạy trẻ đọc, làm như bất ngờ có gì bật lên trong đầu và mọi việc rời rạc từ trước tới giờ nay ăn khớp, và chuyện kỳ lạ như trên xẩy ra cho đủ mọi lứa tuổi. Về nói cũng vậy, có trẻ không nói trong nhiều năm rồi đột nhiên nói câu dài mạch lạc xong ngưng luôn không nói nữa. Tốt hơn cha mẹ nên tiếp tục dạy con không ngưng nghỉ.

 Thể Thao. 

Nếu trẻ than phiền là em sợ giờ thể thao ở trường thì cha mẹ, thầy cô nên hiểu tại sao. Về những trò chơi theo đội như đá banh và hai đội đấu với nhau trẻ giải thích là:

-Em không hiểu khi các bạn chạy tán loạn và la hét. Để chi vậy ?

Nó muốn nói như trên là chuyện gì rõ ràng và hiển nhiên với ta thì không bắt buộc cũng là vậy với trẻ.

Tiếng ha hét làm em rối trí, em không biết ai la, tại sao phải la, la cho ai nghe và sự  ồn ào làm em lo sợ. Khi đoán ra được là mình phải làm gì thì đã trễ, bạn đã chạy sang hướng khác hay cơ hội làm bàn đã qua, bạn không muốn chơi với em nữa, lần sau không ai muốn em vào toán của mình. Hay tệ hơn là khi thấy cơ hội vuột mất, mọi người quay sang trách móc giận dữ nhưng trẻ không biết mình đã làm gì sai, đâm ra hoang mang, lo lắng, chơi mất vui. Chuyện đầy bí ẩn và hoàn toàn khó hiểu đối với em.

 Vỉ vậy em nói rằng tối không ngủ được khi biết hôm sau có giờ thể thao, chỉ nghĩ tới cũng đủ làm em khó ở trong người, vào lớp thì không tập trung tư tưởng được vào bài học vì biết là ác mộng sắp tới. Trẻ coi thể thao là giờ đáng sợ nhất ở trường. Ngược lại thì người AS có khi giỏi những môn thể thao cá nhân như bơi, chạy, leo vách đá (rock climbing), nói chung là bất cứ môn gì không cần phải giao tiếp nhiều với người khác

Một số trẻ AS có tật cử động thiếu điều hợp (dyspraxia), tay chân vụng về, luống cuống nên chơi thể thao chơi theo đội rất khó đối với em, em chơi thua luôn và sẽ tìm cách tránh né không chơi như quên đồng phục, đau bụng, nhức đầu, tự gây thương tích. Cha mẹ thầy cô cần nhận ra những dấu hiệu này để biết con có vấn đề và tìm cách giúp trẻ.

 Khoảng Cách.

Có thể việc trẻ gặp khó khăn với thể thao một phần là do em không có ý thức về khoảng cách. Em không biết trái banh xa gần đối với mình ra sao, không biết mình đứng đâu, và cũng không ước lượng được là mình đứng cách người khác nhiều  ít thế nào. Điều em biết là người khác hay nói với em:

- Đừng đứng sát tôi như vậy,

- Đứng xích ra một chút,

- Sao lại đi kè kè sau lưng tôi ?

Gia đình nói em đứng quá gần người ta, và hay đi theo họ không cần thiết. Nếu đây là vấn đề thì cần dạy trẻ chính xác đứng cách bao xa là được, tập cho con đừng đứng gần bạn ở trường. 

Bắt Nạt. 

Trẻ tự kỷ và AS có nhiều tật như trên nên thường bị bắt nạt ở trường. Cha mẹ nên hỏi han con thường xuyên chuyện ở trường để xem con có bị ăn hiếp, và nếu có thì cho trường hay để giải quyết. Trong trường hợp chuyện không cải thiện thì có thể phải tìm trường khác cho em. Một cách hiệu quả là cho trẻ học võ, nó mang lại nhiều lợi ích như:

- Tập võ thường theo một số qui tắc, cách thức, trẻ tự kỷ và AS  ưa thích qui củ như vậy. Mỗi buổi học em đứng cùng một chỗ, tập những thế căn bản trước. Thứ tự này không thay đổi mà năm nào cũng y như nhau. Vài tuần đầu có thể khó vì em phải làm quen với khuôn phép mới nhưng khi quen rồi thì mọi việc trở nên dễ dàng.

- Các thế võ đánh theo thứ tự nhất định, trẻ biết trước phải làm những gì và chuyện gì sẽ xẩy ra nên em ưa thích, khi làm được em sẽ tăng lòng tự tin. Hơn nữa em tập một mình, làm theo nhịp cùng với các bạn mà không tiếp xúc với ai. Những thế này nhằm  giúp phản ứng bén nhạy hơn, cải thiện sự điều hợp chân tay, gia tăng ý thức về thời điểm, khoảng cách, sự uyển chuyển, những điểm mà người tự kỷ rất cần.

- Trẻ tây phương nói rằng những môn võ đông phương như Nhu đạo, Thái Cực đạo, Hiệp Khí đạo v.v. không những chỉ dạy võ mà còn huấn luyện cho người ta tự giác nhiều hơn, nhờ vào triết lý Á đông. Em phát triển được những tính như khiêm tốn, tự chủ, kiên trì, bất khuất. Dầu vậy cái lợi trước mắt cho em là  giờ em có phương tiện đối phó khi bị bắt nạt ! Ta nên nhớ trẻ rất dễ bị ăn hiếp nhưng nay đã có võ thì em không phải là nạn nhân.

 Giao Tiếp. 

Trẻ tự kỷ và AS thường không thích giao tiếp mà cũng vụng về trong cách trò chuyện, đa số em rút trong thế giới riêng của mình và hài lòng, vui vẻ khi sống tách biệt như vậy, chơi trò mà em thích như máy điện toán, games, vẽ v.v. Trẻ không thích ra ngoài chung đụng, có bạn còn là vì em sợ đám đông, thấy lo lắng ở chỗ đông người, hễ ai tới gần thì hoảng sợ hay rất khó chịu. Có em phản ứng mạnh đâm ra kinh hãi cuống cuồng muốn thoát khỏi nơi đó, hay la hét gào khóc, run rẩy khắp người, phẩy tay lia lịa. Vài em nói là khi dinh dưỡng theo lối cử gluten và casein thì mất hẳn tật.

Cha mẹ có thể không muốn con chơi một mình, muốn tập cho con giao tiếp và có bạn và thúc đẩy con chơi chung, gia nhập Hướng đạo, vào đoàn thể này hay kia. Với nhiều trẻ những sinh hoạt này không có nghĩa đối với em, không ích lợi gì và em bực bội. Trẻ nói rằng tốt hơn nên để em yên và không nên áp đặt ý người khác cho em, còn cha mẹ được khuyên nên cho con quyết định muốn chơi với bạn hay không.

Ngược lại có trường hợp trẻ muốn có bạn nhưng ăn nói vụng về, nói quá thật làm mích lòng, không biết đưa đẩy chuyện mà ngắt lời luôn, khi đó cha mẹ cần dạy con phép xã giao, hay thỏa thuận trước những dấu hiệu cho biết khi nào nên nói và khi nào lắng nghe. Cũng cần giải thích những điều người khác cho là thô lỗ vì người AS không biết  và rất khó nhận ra đối với họ.

 Thông Lệ (routine). 

Người AS muốn có thông lệ và theo sát, khi có thay đổi thì ăn vạ, la hét. Khi xưa lúc chứng tự kỷ chưa được hiểu rõ họ bị xem là có bệnh tâm thần, một phần vì có nổi cơn như trên mà không ai biết lý do. Cha mẹ nói rằng nay khi nhìn lại, việc trẻ thuở nhỏ đập phá làm nư có thể là do cha mẹ vô tình thay đổi thông lệ của con, khiến chúng bị rối loạn cảm quan và bực bội giận dữ.

Tại sao họ thích thông lệ, qui tắc nói chung ? Họ giải thích rằng qui tắc, luật lệ khiến mọi việc trở nên dễ hiểu hơn, luật làm phân minh rạch ròi, luật bảo đảm, chắc chắn so với thế giới chung quanh thay đổi luôn nên luật hợp với người tự kỷ có tư tưởng cứng ngắc.

 Nhìn vào Mắt. 

Họ xem đây là đòi hỏi kỳ quặc vì tuy không nhìn vào mắt họ vẫn chăm chú nghe. Bởi có theo dõi chuyện, vẫn trả lời được câu hỏi, làm theo yêu cầu, họ nghĩ nhìn vào mắt hay không không quan trọng. Người AS giải thích rằng khi nhìn thẳng vào mắt ai, nhất là người không quen, cảm giác sinh ra thật khó chịu không tả được. Trước tiên làm như mắt người khác muốn thiêu đốt họ, làm như họ nhìn vào mặt của người xa lạ ngoài hành tinh. Kế tiếp nếu nhìn được vào mắt ai thì họ sẽ nhìn chằm chằm và quên mất việc lắng nghe người ấy nói gì, có nghĩa chỉ làm được một trong hai việc là nhìn hay nghe mà không thể làm cả hai cùng một lúc. Nét mặt với nhiều thay đổi là điều thích thú cho một số trẻ AS, chúng tiến đến gần người lạ nhìn chòng chọc vào mặt rồi cười khúc khích một mình như thú vị lắm. Dĩ nhiên làm vậy khiến người khác khó chịu mà thôi.

Việc chúng khó mà vừa lắng nghe vừa nhìn cùng một lúc còn do cách nói chuyện của người ta thường khi khó hiểu đối với chúng, nay thêm gương mặt quay tới lui, lông mày nhướng lên xuống, mắt khi mở to khi nheo lại, trán nhăn, bao nhiêu tín hiệu phát ra tương phản nhau khiến trẻ không biết diễn giải ra sao cho đúng nên chúng bỏ cuộc không nhìn nữa.Có em tập cách đối phó là nhìn vào  miệng người ta. Dầu vậy cũng có khi em thích thú ngắm miệng thay đổi khi nói và quên lắng nghe. Cách khác là nhìn vào tai, em bảo cách này đỡ hơn không làm chia trí. 

Khó Ngủ.

 Một số trẻ tự kỷ và AS bị khó ngủ nên có vài chỉ dẫn sau:

- Tránh không có mùi vị hay âm thanh trong nhà làm khó ngủ, kéo màn che kín cửa sổ.

- Tuy nên tránh thông lệ cứng ngắc nhưng nên có thói quen làm trẻ dễ ngủ như mỗi đêm đọc sách, kể chuyện 10 phút rồi tắt đèn.

- Đặt ra thứ tự phải làm trước khi lên giường giúp trẻ dễ ngủ, như xếp sẵn cặp ngày mai đi học, đồng phục để sẵn, làm xong bài tập.

- Người khác trí óc không chịu làm việc chậm lại để ngủ thì tập đeo máy nghe (headphones) có nhạc mà họ ưa thích.

- Nếu ưa thích mùi hương nào, thấy thoải mái khi có mùi ấy thì nên có hương trong phòng, giống như ta cảm thấy tâm hồn dịu xuống khi ngửi mùi trầm, nhang. Cách khác là khi tắm pha nước cho vài giọt tinh dầu của mùi.

- Cha mẹ cũng có thể xoa bóp cho con trước  khi  ngủ

- Mặt khác người ta không thể ngủ được khi lo lắng. Trẻ nói rằng từ khi học võ em cảm thấy thoải mái hơn.

 Cho cha mẹ thì họ có thể làm những việc sau:

- Thay đổi cách dinh dưỡng như cử gluten, casein đã nói ở trên làm một số trẻ ngủ dễ hơn.

- Trẻ có thể thích có áp lực đè lên người, bạn hãy quấn chặt con trong mền, bó lại cho dù trời nóng nếu trẻ muốn.

- Cho con biết phải làm gì khi đi ngủ: kéo màn cửa sổ, tắt đèn, lên giường nằm xuống, kéo mền lên. Bạn thấy đâu có gì phải nói nhưng người AS không tự động biết làm, khi được cho thấy thứ tự và hiểu rõ họ sẽ dễ ngủ hơn.

- Khuyến khích con nói ra điều gì bận tâm như té ở sân trường ban sáng, sau đó trấn an là chuyện đã qua rồi. 

Có lẽ vì những chứng tự kỷ, AS nay được nhìn nhận và xã hội bớt thành kiến nên người ta mạnh dạn hơn trong việc nói về các tật này. Càng ngày càng có thêm nhiều sách viết về hai khuyết tật do cả người có tật lẫn chuyên gia soạn, nó có nghĩa lắm sách có giá trị xuất hiện mà cũng có sách không có giá trị bằng. Những điều trên trong sách được trích ra để giúp cha mẹ biết thêm về tật và giúp con đối phó.