Chuyện Tito và Trị Liệu RPM 

 

 

(Rapid Prompting Method)

 

 

Tito Mukhopadhyay là thanh niên người Ấn có chứng tự kỷ nặng, không biết nói, không kiểm soát được cử động của thân hình, tuy nhiên không giống như đa số người tự kỷ khác, Tito làm được điều mà người ta từng cho là không thể có được, anh viết giỏi dang, tự mình suy nghĩ độc lập và cho người khác biết có chứng tự kỷ với những tật về cảm quan là sao. Đây là chuyện thật lạ lùng và đáng chú ý hết sức, vì có rất ít trường hợp như thế.
Tito sinh năm 1988 miền nam Ấn, có định bệnh tự kỷ lúc ba tuổi. Cô Soma, mẹ anh, tốt nghiệp đại học về ngành hóa và không biết gì về bệnh, nhưng quyết tâm dạy con biết đọc, biết viết. Y sĩ khuyên cô là nên giữ cho con bận rộn trong ngày, hàm ý em có tật nặng, khoa học không chữa được vậy nên cho em có chuyện để làm hay chơi cho qua năm tháng. Cô không có chuyên viên nào giúp đỡ mà tự mình soạn chương trình học gắt gao, tập luyện cho con. Gia đình ở tại Ấn Độ, tuy nhiên cô chọn dạy con tiếng Anh vì cho rằng tiếng Ấn sẽ khó học cho Tito.
Mới đầu, người ta cho hay cô hay là Tito bị chậm trí (mentally retarded) vì em không biết làm gì, không làm điều mà trẻ ba tuổi nên làm. Em không đáp ứng chi hết. Cô để ý thấy con ngó chăm chăm cuốn lịch nên bắt đầu dạy con số và mẫu tự. Khi em không chịu cầm viết, cô lấy giây thun cột cây viết chì vào ngón tay con và dạy Tito vẽ thành hàng, rồi cuối cùng học viết. Sinh hoạt trong khi học gồm có đọc sách giáo khoa, đọc văn chương, nhắc Tito chỉ vào con số và mẫu tự, và tập cho em đạp xe.
Nói một cách giản dị thì cô Soma dạy con biết chú tâm, chỉ tay và đánh vần bằng cách dùng tập giấy để viết và về sau dùng bàn đánh chữ. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của mẹ, Tito tự viết năm lên sáu.  Tito phát triển đến mức từ năm lên tám anh biết viết giỏi dang, suông sẻ, viết nhiều thành sách xuất bản năm 12 tuổi, và còn làm thơ.
Phương pháp của cô Soma đòi hỏi có sự kiên trì, cô dạy con liên tục 11 năm, luôn luôn thúc đẩy, giữ cho con có kích thích và tâm trí đi đúng hướng. Có lẽ là sự quyết tâm của cô, và giả dụ cô có về Tito đã làm thay đổi mọi chuyện. Cô không hề nghi ngờ là con mình có thể học được, nên mẹ dạy cho con thật nhiều hiểu biết đủ loại, như đọc kịch của Shakespeare cho đến hình học rồi nhạc. Nay Tito nói rằng nếu mẹ không thúc giục như vậy hẳn anh sẽ thành người có tâm trí ù lì.
Khi Tito 14 tuổi chuyện của anh được nhiều người biết và hội tự kỷ tại Anh làm thẩm định, thấy rằng Tito có tài năng vượt trội với chỉ số thông minh IQ (intelligence quotient) là 185. Để so sánh thì đa số người tự kỷ có IQ từ 50 đến 70, và  nơi người trung bình là 100. Năm 2000 đài BBC làm một phim tài liệu về Tito, và quyển sách đầu tiên của anh được xuất bản, có tựa 'Beyond the Silence'. Năm 2001, tổ chức tự kỷ Cure Autism Now cho mời hai mẹ con Soma và Tito sang Hoa Kỳ, để cô Soma dạy 9 trẻ em tự kỷ tại một trường ở Los Angeles theo phương pháp của cô, tên Rapid Prompting Method RPM là phương pháp chủ yếu dạy liên lạc tỏ ý (communication). Kể từ đó cô Soma làm cho phương pháp hoàn bị hơn, và dạy hàng trăm trẻ tự kỷ trên khắp Hoa Kỳ. Về Tito thì anh dự vào nhiều cuộc nghiên cứu khoa học, để chuyên gia về thần kinh học hỏi thêm về chứng tự kỷ và cách não bộ làm việc. Riêng mục đích của hai mẹ con là cổ súy sự thông cảm và tôn trọng đối với học sinh tự kỷ ở khắp nơi.
Dù Tito được xem là có tài năng, anh vẫn còn nhiều tật nặng của chứng tự kỷ, anh không tự mình cầm giấy và viết, mà chỉ làm vậy khi mẹ thường xuyên nhắc nhở, thúc giục. Tuy nhiên khi anh chịu viết thì người ta kinh ngạc, vì câu viết sâu sắc so với tuổi 14 của cậu bé. Nay trong lứa tuổi 20, Tito viết sách với tựa 'How Can I Talk if My Lips Don't Move ?Inside my Autistic Mind', về tâm và trí của một tâm hồn vui vẻ tuy bị thử thách nặng nề. Trong sách anh mô tả cách trí của anh làm việc, cách anh nhìn thế giới và người bình thường. Anh cũng chia sẻ nhận thức độc đáo của anh về cảnh sống của người bị tật nặng. Sau đó Tito  cho ra quyển sách thứ ba tên 'The Mind Tree: A Miraculous Child Breaks the Silence of Autism'.
Tito có thể tả và phác họa tư tưởng về thế giới mà anh sống trong đó với chi tiết thật lạ lùng và sâu sắc. Não của người bình thường làm việc theo cách là phối hợp nhiều diễn trình, và các hệ thống làm việc cùng nhau một cách hòa hợp. Chúng ta sắp xếp hình ảnh và âm thanh cùng lúc, ngay tức khắc. Nghiên cứu thấy là thông tin được xếp đặt theo vận tốc khác nhau trong não, nhưng rất mau nên ta thấy có vẻ như xẩy ra cùng lúc. Ngược lại, Tito tả thế giới của anh tựa như kính vạn hoa, anh bắt buộc phải chọn mỗi lúc chỉ một cảm quan, để giữ lại luồng thông tin ào ạt từ thị giác và thính giác không cho chúng tràn ngập anh. Những mô tả này xác nhận lý thuyết gần đây về tự kỷ, và giúp khoa học gia nắm vững được cách làm việc của não trong chứng tự kỷ.
Khi làm thí nghiệm với chuyên gia, Tito không ngồi yên lâu. Anh thường làm công chuyện ngưng lại với những lúc có sinh hoạt riêng của mình, như cơ thể lắc lư nhịp nhàng rồi anh đứng dậy và quay mòng mòng, phát ra âm lốp bốp, cánh tay vung vẩy trong không như là hình múa rối được giật dây, ngón tay lúc lắc. Ai nấy chờ đợi, rồi Tito vươn tay lấy tập giấy và viết:
– Tôi làm cho mình trầm tĩnh lại. Những cảm quan tách rời với nhau làm tôi thấy mình bị mất thân hình, thành ra tôi phẩy tay. Nếu không làm vậy, tôi cảm thấy mình bị vung vãi tứ tung và lo lắng.
Tito có kho ngữ vựng dồi dào nhưng phát âm yếu kém, người khác khó mà nghe và hiểu được anh, tuy nhiên khi viết trên giấy hay trên máy điện toán, anh viết trôi chẩy về việc bị giam hãm trong thân xác và trí não bị tự kỷ là như thế nào.
Ý kiến cho rằng Tito là khung cửa sổ mà từ trước tới nay chưa có, mở vào thế giới tự kỷ. Các chuyên gia về tự kỷ nghiên cứu anh, ngạc nhiên khi khám phá một người bị chứng tự kỷ nặng có thể giải thích tật của mình. Đây là lần đầu tiên có chuyện như thế. Họ nói.
– Thực sự là vậy. Anh trả lời không ngần ngừ và chi tiết, trung thực cao độ về những câu hỏi liên quan đến dữ kiện trong sách anh đã đọc, hay về kinh nghiệm mà anh có.
Anh ngồi trước cử tọa gồm các khoa học gia, cho họ đặt câu hỏi. Anh viết trên máy điện toán câu trả lời dí dỏm, thông minh, và dùng máy nói. Không có ai chạm tay anh để giúp mà Tito tự mình liên lạc tỏ ý. Cha mẹ nói họ có thể hỏi anh những điều luôn luôn muốn hỏi con của mình (em không biết nói và có những tật của chứng tự kỷ) như:
- Tại sao con phẩy tay ?
- Tại sao con lắc lư ?
- Tại sao con không thể nhìn vào mắt mẹ ?
Và Tito trả lời hết những câu này. Khi được hỏi anh nghĩ điều chi là ngộ nhận lớn nhất mà  người ta có về chứng tự kỷ, anh viết:
– Là cho rằng người tự kỷ không có hiểu biết gì.
Khoa học gia nói chưa gặp ai giống như Tito trước đây. Theo định nghĩa thì người tự kỷ nặng gặp khó khăn với ngôn ngữ, nhưng ý niệm này bị Tito phá vỡ tan mỗi lần anh đặt bút viết. Tito cũng không phải là người thần kỳ, hay người tự kỷ mà có một tài riêng đặc biệt như giỏi toán hay có trí nhớ lạ lùng. Chuyên viên tâm lý nghiên cứu anh và nói:
– Anh suy nghĩ, cảm xúc và có ý kiến như ai khác trong chúng ta. Anh phá bỏ mọi giả dụ mà chúng ta có về chứng tự kỷ.
Giống như nhiều trẻ tự kỷ khác, ban đầu Tito tỏ ra phát triển bình thường. Anh biết ngồi và biết đi như các em bé khác, nhưng lúc được 18 tháng, anh lộ ra dấu hiệu cho thấy khác thường, nhất là cách anh lánh xa khung cảnh nào cần tương tác và không chịu nói. Khi có định bệnh, cô Soma quyết định dù vậy vẫn dạy con, dùng phương pháp mà cô tự nghĩ ra tùy theo hoàn cảnh. Cô nói:
– Tôi thấy Tito có trí nhớ rất tốt với đường đi nước bước, vị trí của các vật trong phòng, và biết dùng que diêm tạo nên những mẫu phức tạp. Tôi chỉ muốn hướng ý thích của con vào việc liên lạc tỏ ý và học.
Trong 11 năm cô và Tito sống trong appartment nhỏ ở Mysore và Bangalore tại Ấn, mẹ dạy con ngày đêm. Tuy Tito muốn trốn trong kẹt và mê mẩn ngắm quạt xoay trên trần, mỗi ngày cô Soma dắt con đi ra ngoài, tiếp xúc với mầu sắc, hương vị và âm thanh của chợ nơi đó. Ban đầu cô dạy Tito nhận mặt các mẫu tự và âm của chúng trên một bảng mẫu tự, và dạy cách viết từng chữ một. Đôi khi cô không cho con ăn tới khi nào Tito chịu viết.
Mẹ cũng đọc sách, đọc chuyện Dickens, Thomas Hardy cho con nghe, và đòi hỏi Tito phải viết chuyện sau đó. Một trong những lý do làm vậy được cô giải thích:
– Tôi hết sức muốn tỏ cho người ta thấy là thơ và chuyện mà con tôi viết là tự em có, mà không phải do tôi. Tôi đặt mình vào hoàn cảnh người khác và biết là phải đưa ra bằng cớ rõ ràng, chứng tỏ Tito có thể tự mình viết.
Ngày nay Tito tiếp tục làm thơ, viết bài mỗi ngày. Anh viết nguệch ngoạc lên tập giấy:
– Tôi cần phải viết, nó thành một phần của tôi. Tôi đang chờ được nổi tiếng.
Từ khi sang Hoa Kỳ, anh đã tới thăm sáu phòng thí nghiệm để có thử nghiệm về thần kinh. Vì anh không thể ngồi yên đủ lâu để cho rà hình não, ta không có được hình chụp não bộ anh lúc đang hoạt động. Thay vào đó anh đưa ra một số manh mối về tình trạng trí tuệ của mình trong các bài thơ và bài viết. Thơ của anh cho ra nhận xét hiếm có về nội tâm của người tự kỷ biết suy nghĩ, thí dụ những câu sau:
Tôi là hắn.
Và tôi là tôi
Tôi là hắn đằng sau tấm gương kia
Tôi là tôi đang nhìn ngắm hắn.

Cách Não Làm Việc.
Tito viết:
– Hồi 4 hay 5 tuổi, tôi khó mà nhận ra là mình có một thân xác ngoại trừ khi tôi đói, hoặc khi đứng dưới vòi sen và thân thể bị ướt. Tôi cần có cử động liên tục, nó làm cho tôi có được cảm giác về cơ thể. Cử động có thể là quay tròn hoặc chỉ là phẩy tay. Mỗi cử động là một bằng chứng rằng tôi hiện hữu. Tôi hiện hữu vì tôi có thể cử động.
Có vẻ như Tito thiếu cảm nhận về cơ thể của mình, không có bản đồ nội tại mà trẻ bình thường tạo ra trong vài năm đầu đời. Bản đồ gồm những vùng trong não chuyên về xúc giác và cử động, có liên kết rộng rãi với những vùng khác. Tất cả những vùng này hết sức năng động trong suốt cả đời, thay đổi để đáp ứng với kinh nghiệm hằng ngày. Khi chụp được hình não của người tự kỷ khả năng cao, ai có thể nằm yên cho chụp, khoa học gia thấy là người tự kỷ có bản đồ não bị rối loạn.
Giải thích thì nơi người bình thường, não có những trung khu với ranh giới rõ rệt chuyên biệt về việc nhận ra gương mặt, vài người tự kỷ có trung khu này thuộc những phần khác của não, nơi mà không ai nghĩ nó có thể nằm ở đó. Chuyện cũng y vậy với bản đồ trong não nhằm giúp sắp xếp cử động. Nó có nghĩa trẻ tự kỷ có bản đồ trong não, nhưng các phần trong não có thể nối kết khác nhau nơi mỗi người. Lại nữa, có giả thuyết cho rằng vài trẻ tự kỷ có bản đồ về cơ thể bị rối loạn. Nhiều em không thể nhận ra những phần của cơ thể khi đứng trước gương. Thí dụ ngay cả khi em biết 'mũi' ở đâu, khi được kêu chỉ tay vào mũi em có thể đưa ngón tay chỉ vào tai. Các em cũng vụng về, nếu đứng mà nhắm mắt thì em loạng choạng và nghiêng tới lui.
Bản đồ nội tại rất quan trọng, nếu không có bản đồ chính xác trong trí, ta không thể hiểu được sự biểu lộ trên mặt người khác. Một trong ba khiếm khuyết chính của chứng tự kỷ là không có khả năng tương tác. Ai không có bản đồ bình thường về thân hình có thể không tạo được khuôn mẫu nhất quán trong trí về thế giới. Họ có thể không hòa hợp được hình ảnh, âm thanh, mùi vị, sự sờ chạm. Đây là điều mà Tito nói tới khi anh viết là mình không thể cảm nhận thế giới mỗi lúc bằng nhiều hơn một cảm quan.
– Tôi chỉ có thể chú tâm vào một điều là đang thấy hoặc đang nghe, đang ngửi. Tôi thấy đó là chuyện tự nhiên cho đến lúc tôi hiểu ra là người khác có thể thấy, nghe và ngửi cùng một lúc.
Khoa học gia làm thí nghiệm sau với Tito. Trong phòng tối anh ngồi trước máy điện toán, lắng nghe tiếng bíp và sau đó có một lóe sáng trên màn ảnh điện toán. Đa số người có thể nghe âm thanh và thấy lóe sáng, ngay cả khi hai cảm giác này cách nhau chỉ một phần của giây. Nhưng Tito không thấy được trừ phi ánh sáng phát ra sau âm thanh trọn ba giây, là khoảng thời gian mà những não khác thấy dài dằng dặc. Anh cho chuyên gia hay.
– Tôi cần thời gian để chuẩn bị đôi tai. Tôi cần thời gian để chuẩn bị cặp mắt, bằng không thế giới đầy hỗn loạn.
Tito nói người tự kỷ, ít nhất là những ai giống anh, chọn một cảm quan để ghi nhận. Anh chọn thính giác và trong đa số lúc anh để ý tới âm của tiếng nói, và thông tin truyền khẩu; đây có thể là giải thích tài năng làm thơ của anh. Tito nói hình ảnh gây đau đớn cho anh. Anh nhìn thế giới xung quanh bằng thị giác ngoại biên mà ít khi nhìn thẳng vào vật gì. Người tự kỷ khác như tiến sĩ Temple Grandin thì chọn thị giác. Cô nói:
– Khi tôi nói về vật gì mới, tôi phải nhìn vào hình của vật trong trí, và lời nói thuật lại nó như là buổi chiếu những tấm phim slide.
Đối với Tito, muốn cơ thể làm chuyện gì là cả một vấn đề. Cô Soma nói.
– Nếu con ngồi trên sofa và tôi kêu con vào bếp, Tito không làm được. Nhưng nếu con nghe tôi mở gói bánh, em phóng chạy như con nai được thúc đẩy rõ ràng.
Về phần Tito, anh kể rằng khi tập đạp xe đạp, anh phải 'muốn' bắp thịt chân cử động mà nhiều khi bắp thịt trơ trơ anh không điều khiển được. Giải thích này có vẻ như hỗ trợ cho giả thuyết vì sao trẻ tự kỷ không nói. Ý kiến cho rằng vì mạng lưới thần kinh không được toàn vẹn, việc tập nói – do cần có nhiều xếp đặt như uốn lưỡi, dùng các bắp thịt ở miệng – hóa ra quá phức tạp cho trẻ nên em buông xuôi.
Chuyên gia tâm lý nói đây là dấu hiệu khác cho thấy não của anh không liên kết với nhau. Trẻ con dần dần phát triển đường dây thần kinh phức tạp để kiểm soát hành vi bốc đồng của mình, khi thùy trán của não trưởng thành và kết hợp với mạng thần kinh đã phát triển trước đó. Mỗi giai đoạn dựa vào mạng lưới đã lập trước nó; nếu mạng lưới này bất thường, những trung khu phát triển về sau có thể không sao được sắp xếp đúng cách.
Tito viết một cách trong sáng và chi tiết, cho người ngoài hay về một thế giới mà người tự kỷ bị cầm giữ trong đó. Anh mô tả là mình thu nhận hình ảnh bằng nhiều mảnh vào mỗi lúc khác nhau, và bắt buộc phải ghép các mảnh lại trong trí để hiểu mình đang nhìn vật chi. Anh phải phẩy tay và lắc lư để luồng máu chẩy vào tay và luồng không khí chuyển động mà anh khuấy tung lên, xác định đường nét của thân hình. Có lý thuyết nói rằng thông tin được các phần của não diễn giải theo vận tốc khác nhau, nhưng xẩy ra quá lẹ khiến ta có cảm tưởng chúng diễn ra cùng lúc. Sự kiện Tito nói rằng chuyện không diễn ra cùng lúc, là bằng chứng đầu tiên có vẻ như xác nhận thuyết trên.
Ta đi tới giả dụ là cách người tự kỷ xử sự bên ngoài không nhất thiết là phản ảnh của việc họ là ai, và cách họ suy nghĩ bên trong.

RPM.
Điểm chính của RPM là tập cho trẻ tự kỷ khả năng liên lạc tỏ ý (communication), để giải quyết một trong ba khiếm khuyết chính của chứng tự kỷ, và cải thiện việc học. Thầy cô khi dạy sẽ không màng đến hành vi mà chú tâm vào việc khơi dậy phần lý luận của não để học sinh hóa ra tích cực và chịu học. RPM khác với những phương pháp khác ở điểm nó dựa vào cách não làm việc, mục đích là làm trẻ học được nhiều nhờ vào đường lối cởi mở và khêu gợi phần tốt nhất của trẻ, để có được kết quả tối đa trong một giới hạn thời gian. Khi tri thức và khả năng cử động của em gia tăng, câu đáp của trẻ cũng sâu sắc khôn khéo hơn.
RPM dùng cách nhắc nhở để khơi cho trẻ tự mình có câu đáp, và không có hỗ trợ cho tay cầm viết. Ngoài việc tập cho trẻ chỉ vào bảng mẫu tự để ghép lại thành câu, RPM cũng có những bài tập vẽ dẫn đến việc biết viết chữ.
Cô Soma cho biết là khi Tito còn rất nhỏ, cô nói với con không ngừng. Thí dụ:
- Mẹ thấy 12 giờ rồi, con nghĩ là bây giờ mình nên ăn sáng hay ăn trưa ? Phải rồi, giữa trưa thì mình ăn bữa trưa, mình sẽ nấu món gì ? ... Mẹ nghĩ là khoai tây, mình đi lấy khoai nào, rồi cất nó ở đâu ? Đúng đó, cất trong tủ thức ăn, và bây giờ mình cầm nó lên và gọt vỏ. Con sẽ tả khoai tây ra sao ? Con nghĩ là nó tròn và trơn láng hay cứng và có góc ? Bây giờ mình lựa để riêng khoai và hành, và mình đếm bằng cách chỉ tay v.v.
Cô mô tả luôn miệng, giải thích và đặt câu hỏi để khiến Tito dùng óc lý luận và có chọn lựa.
RPM dùng phương thức 'Dạy – Hỏi' để gợi nên đáp ứng nơi trẻ qua việc nhắc bằng lời, âm thanh, hình ảnh và sự sờ chạm. Nó cho rằng trẻ có khả năng và rồi nâng lòng tự tin, gia tăng sở thích của trẻ. Lời nhắc với hành vi chộn rộn của trẻ tranh nhau để làm em chú ý, và lời nhắc được xếp đặt để gợi nên đáp ứng của trẻ. Em đáp ứng bằng cách chọn một số câu trả lời, hoặc chỉ tay, đánh máy và viết, cho thấy mức thông hiểu, khả năng học tập và về sau là kỹ năng trò chuyện. Đây là phương pháp giản dị chỉ cần thầy cô, học trò, giấy và viết chì, nhưng cách dạy và tại sao có kết quả cho một số em lại là chuyện phức tạp.
Cho đa số người, lắng nghe thông tin, hiểu nó, chuẩn bị có đáp ứng và dùng những bắp thịt cần thiết để nói lên câu đáp là diễn trình phản xạ, có trong tiềm thức. Tuy nhiên cho người có chứng tự kỷ nặng, cũng diễn trình ấy có thể là việc làm rắc rối. Khi Tito và những trẻ tự kỷ tương tự muốn liên lạc tỏ ý, các em thấy sắp xếp thông tin do ngũ quan mang lại là điều rất khó vì em bị tràn ngập cảm giác làm ngợp.
Vì thế, để chú tâm vào việc nghe và nhìn, soạn câu trả lời thích hợp, và rồi phải có cử động cần thiết để cho ra câu đáp, tất cả những việc này đòi hỏi nỗ lực và sức thúc đẩy lớn lao. Nhờ các khoa học gia và người tự kỷ tham dự vào cuộc nghiên cứu, nay ta bắt đầu biết não làm việc ra sao nơi người tự kỷ, cách những phần khác nhau của não làm việc hay không làm việc chung với nhau, và cách nhiều phần khác nhau của não có thể được huấn luyện để hỗ trợ cho những phần nào không làm việc đúng cách.
RPM chủ về học tập, dựa trên cách não làm việc. Ta có kết quả nổi bật thấy ở trẻ không biết nói thí dụ như Tito. Quan niệm thông thường cho rằng trẻ không biết nói có tri thức bị hư hại trầm trọng, nhưng cách dạy của cô Soma chứng tỏ rằng cho dù thiếu kỹ năng liên lạc tỏ ý, em vẫn có tiềm năng lớn lao về chuyện học. Cô đòi hỏi học trò có trả lời mau, để ngăn não của em không bị chia trí.
Tuy chủ đích chính của cô Soma là dạy trẻ tự kỷ không biết nói, cô cũng làm việc với trẻ biết nói để loại bỏ tật nhái lại (echolalia), phát triển kỹ năng lý luận, và cải thiện việc học bằng tai. Nhiều học trò biết nói đã có thể mở rộng ngôn ngữ biểu lộ của mình bằng cách học đánh vần câu đáp của em, rồi học cách nói câu trả lời thích hợp vào đúng lúc.
Nói chung thì trẻ tự kỷ biết nói hay không biết nói, khả năng cao hay khả năng thấp, cô Soma đều có thể thích nghi phương pháp RPM cho mỗi em với tật và khả năng riêng biệt của em. Vì cách này chú trọng vào việc dạy và học, nó không phải là trị liệu về hành vi như ABA, và nó dựa vào cách não làm việc. Bài học giáo khoa có mục đích kích thích việc học của bán cầu não trái, dẫn tới việc liên lạc tỏ ý.
Mỗi buổi học vẫn tiếp tục diễn ra bất kể hành vi của trẻ, bài học vẫn xong cho dù có tật và hành vi tự kích thích, miễn là thầy cô chú tâm vào chuyện phải làm hơn là vào hành vi tự kích thích của học trò.

Dạy RPM.
Do kết quả tốt đẹp của việc Tito biết đọc biết viết, cô Soma được mời sang Hoa Kỳ năm 2001 để dạy phương pháp do cô nghĩ ra cho một nhóm nhỏ trẻ tự kỷ 9-10 tuổi ở trường Carousel tại Los Angeles. Đa số không biết nói, và thầy cô không biết là các em có thật sự học được điều gì chăng. Thế nhưng trong vòng một năm, những trẻ trước đây đi theo chương trình mẫu giáo nay được dạy toán, khoa học, nhân văn ở lớp bốn.
Cô Soma làm khác hẳn cách thông thường. Thầy cô được huấn luyện là chỉ đưa ra chỉ dẫn căn bản rồi chờ có phản ứng, đừng nói nhiều vì nó có thể làm học sinh chia trí, nên họ cho biết ban đầu không tin cô Soma cho lắm khi cô mới đến trường, vì cô nói liên miên. Tuy nhiên thay vì làm chia trí, có vẻ như phương pháp RPM giữ cho trẻ chú tâm đủ lâu để em chịu liên lạc tỏ ý. Cô làm ngơ cử động lăng nhăng và mắt liếc tới lui của các em (là các tật của chứng tự kỷ), thay vào đó cô chú tâm đến trí não bị chặn đứng bên trong. Cô tin là phương pháp có hiệu quả, và có vài chứng cớ thật kinh ngạc. Dov, trẻ tự kỷ 9 tuổi không biết nói, là một trong số những học trò đầu tiên của cô Soma mà cha mẹ nói là họ ngạc nhiên với tiến bộ của em. Sáu tuần trước Dov không biết cột dây giầy, nay đột nhiên Dov biết viết câu đầy đủ, tư tưởng phức tạp và đúng chính tả. Mẹ em nói:
– Cách hay nhất mà tôi có thể mô tả là nó giống như tôi thấy lại được đứa trẻ đã mất dạng bẩy năm về trước. Đột nhiên không phải là tôi chỉ có thể có được một chữ hay một cử chỉ, mà là trọn một câu, và nhiều ý tưởng. Tôi giống như em nhỏ được vào tiệm kẹo, tôi không biết bắt đầu từ đâu. Như hỏi 'Con thích mầu gì ? Con muốn làm gì khi lớn lên ?' Tôi muốn nói, hết tất cả những điều bạn hỏi con trong bao năm dài. Mỗi ngày tôi lại tìm ra trọn một loạt nhiều điều mới mẻ.
Theo RPM, cô Soma làm cách dạy của mình đi kèm với sức tự kích thích mau hay chậm của trẻ trong lúc cô liên tục nói và đòi hỏi học trò cho đáp ứng, để khiến học trò chú tâm vào bài làm và bài học đang giảng. Thêm vào đó, cô sắp xếp bài học để kích thích phần não ta muốn kích thích. Cách dạy của cô có sự tôn trọng học trò và có tính trò chuyện qua lại, và cô nói chuyện với trẻ theo tin tưởng là các em có thể học và đáp ứng để trả lời câu hỏi của cô.
Khởi sự thì cô Soma bắt đầu bài học bằng cách nói vài câu về đề tài, và đặt câu hỏi dựa trên điều cô vừa nói. Cô viết hai câu trả lời có thể có lên hai tờ giấy riêng biệt, gõ gõ vào các chọn lựa này trong khi đọc và đánh vần lớn tiếng các chữ ấy. Xong cô khuyến khích học trò chọn câu trả lời đúng. Do làm việc với hằng trăm học sinh, cô nhận diện những loại học trò khác nhau, và thích nghi cách dạy với từng loại. Thí dụ em nào học bằng tai có thể không nhìn thẳng vào câu trả lời hay đọc nó, thay vì vậy em dựa vào việc cô 'gõ' vị trí của câu trả lời đúng. Người ta giúp những loại học trò khác nhau bằng cách trước tiên xác định với mỗi em là giác quan nào chế ngự nơi em; có em học bằng mắt, em khác học bằng tai.
Tùy theo kỹ năng của học trò, cô Soma chuyển mau lẹ từ việc cho học trò có hai chọn lựa sang ba cái, từ việc cầm tờ giấy lên sang việc để cho học trò chỉ vào câu đáp, và rồi cô chỉ vào các mẫu tự để đánh vần câu trả lời. Bởi đưa tay từ bên này sang bên kia thì dễ hơn là đưa nó lên xuống, học trò của cô ban đầu học có chọn lựa trên mặt ngang, và tiến dần sang chọn lực để theo cách thẳng đứng. Sơ khởi thì có xác nhận của vài chuyên gia thần kinh là phương pháp này có lợi cho người tự kỷ, trẻ nhỏ cũng như người lớn nào gặp khó khăn trong việc học và liên lạc tỏ ý trong lớp học sắp xếp theo lối thông thường.
Tuy phương pháp của cô Soma chưa được chuyên gia nghiên cứu một cách khoa học, họ tin rằng người ta nên chú ý nhiều tới nó vì dựa theo kết quả của trường Carousel, RPM có thể áp dụng cho đa số trẻ tự kỷ. Khi Dov theo học cô Soma và biết dùng bảng viết chữ, em không còn câm lặng mà biết viết để đòi có áo khoác mầu xanh dương và muốn được học đại số. Lúc mẹ hỏi con làm gì trong bao nhiêu năm qua, em ráp chữ thành 'lắng nghe – listening'.
Cha mẹ khám phá là Dov ưa thích tìm hiểu về tôn giáo, và thật ngạc nhiên thấy em giỏi toán. Khi chương trình truyền hình phỏng vấn, hỏi Dov làm sao em học được nhiều điều như thế khi không có ai dạy, Dov viết rằng suốt thời gian qua, lúc mọi người tưởng là em chìm đắm trong thế giới của riêng mình thì thực ra, em chăm chú lắng nghe mọi chuyện chung quanh. Kết quả trước mắt là nay sự kiện có thể liên lạc tỏ ý đã cho ảnh hưởng sâu đậm đối với Dov, em cảm thấy sung sướng hơn. Em viết:
– Em có thể nói cho người khác biết cảm xúc của em.
Khi mẹ hỏi Dov việc có thể liên lạc tỏ ý đã cho em điều gì, Dov viết:
– Con làm người ta hiểu được con.
Với cả trăm em khác được tập theo phương pháp RPM, cha mẹ cho hay kết quả rất đáng kể. Dầu vậy họ nhấn mạnh rằng RPM không phải là cách chữa hết được chứng tự kỷ.

Tính Chất của RPM.
● Dạy cách chọn và chọn cái gì.
Người tự kỷ cần được cho quyền có quyết định, và nhận thức là chọn lựa của mình sinh ra hệ quả. Cô Soma bắt đầu bằng cách dạy học trò cách chọn và chọn cái gì. Trước tiên cô kêu em chọn một trong hai điều. Em tiến dần trong việc học các chữ cái bằng cách chỉ vào chữ em chọn trong một hàng có từ 3 đến 6 chọn lựa, rồi tới việc chọn trong hai hàng, đi tới cuối là chọn trong nguyên một bảng mẫu tự 26 chữ.

● Tạo lòng tự tin, thành công và sở thích.
Tạo lòng tự tin cho học trò là một phần quan trọng của RPM. Người có chứng tự kỷ nặng thường thiếu kỹ năng liên lạc tỏ ý và sự giao tiếp, cha mẹ và thầy cô đôi khi có thói quen là chỉ dạy có tính 'lên lớp' trẻ nào không biết nói, hơn là trò chuyện thông minh, có ý nghĩa đáng nói và ngôn ngữ khéo léo; nói khác đi là người ta có khuynh hướng coi thường óc thông minh của trẻ tự kỷ. Khi được đối xử với lòng tin tưởng (tin tưởng rằng em có khả năng, và cố gắng một chút thì có thể học được, làm được) trẻ tự kỷ, giống như mọi trẻ khác, thấy có hy vọng hơn và tin chắc hơn về chính mình và tiềm năng của em. Niềm tin này không hàm ý rằng trẻ tự kỷ học và hiểu như trẻ bình thường, mà nó muốn nói rằng trẻ có khả năng để học. Kế đó, nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho em có thông tin và hiểu biết. Học sinh phải được dạy những đề tài lý thú, thay đổi khác nhau nếu ta muốn em có nhiều hiểu biết hơn.

● Tập kiên nhẫn và phát triển kỹ năng cử động.
Chỉ tay là kỹ năng trọng yếu cần được luyện. Nghe có vẻ giản dị nhưng khả năng chỉ tay và đưa cánh tay lên xuống, đi ngang qua lại cần nhiều bắp thịt và cách sắp xếp cử động khó cho nhiều trẻ tự kỷ. Để tập kỹ năng này cho trẻ, cha mẹ và thầy cô cần có sự kiên nhẫn, thông cảm và khích lệ. Khi kỹ năng cử động cải thiện hơn, trẻ học chỉ tay vào 3-4 mẫu tự trên một hàng, dần dần nhiều mẫu tự và hàng hơn, cho đến khi em chỉ được vào bảng mẫu tự 26 chữ (nó chỉ là tờ giấy lớn ghi mẫu tự như bàn phím máy điện toán). Việc học có thể khó khăn và tẻ ngắt cho cả thầy lẫn trò, nhưng khi thành đạt rồi sẽ thấy nó đáng công.
Ngoài việc dạy cho học sinh có đáp ứng độc lập, chỉ tay để chọn lựa, RPM cũng có bài tập viết, vẽ để dẫn tới việc học trò tự viết, không có hỗ trợ như người khác cầm tay giúp em.
Tuy RPM chú trọng vào việc học giáo khoa, cha mẹ có thể bắt đầu với con từ lúc nhỏ ở nhà, trong khung cảnh tự nhiên. Đó giản dị chỉ là cha mẹ nói, giải thích, đọc và hát cho con nghe. Thí dụ với trẻ 2-3 tuổi thì đó là bài đồng dao, mẫu tự, số từ 1 đến 10, mầu sắc, hình dạng v.v. Bạn có thể nói:
– Con hát làm sao: Con vỏi con V-O-I voi hay C-H-Ó chó ? Lấy tay chỉ câu trả lời.
Đa số trẻ 2-3 tuổi chưa biết đọc nhưng em biết cách chọn, và chọn cái gì, và việc cho em thấy chữ viết và chữ đọc sẽ giúp đẩy mạnh khả năng đọc và viết.

Định bệnh nói rằng Tito bị 'chậm trí – mentally retarded' nặng, đó là nhận xét mà cô Soma không hề chấp nhận cho con mình. Nay sau khi đọc chuyện Tiito, bạn sẽ không bao giờ nhìn một trẻ tự kỷ theo như trước nữa. Khi được hỏi có phải Tito chỉ là một trường hợp trong một triệu người tự kỷ, chuyên gia thần kinh đáp là có thể có tới hàng ngàn, hay hàng chục ngàn trẻ khác như Tito nếu được dạy để phát triển khả năng.
Người khác chỉ nói một cách giản dị:
– Bây giờ tôi rất phục người tự kỷ. Tôi không biết mình sống được chăng nếu phải luôn luôn đối đầu với những khó khăn như họ.

 

& & & & & & & &