CHUYỆN TÍNH DỤC 

 

Thật khó mà thay đổi tư tưởng của cha mẹ về vấn đề này, nhưng nếu cả hai không biết ý thức sớm, không chịu học hỏi để có chút căn bản vỡ lòng thì con khuyết tật sẽ lớn dần theo thời gian, và chính lúc ấy cha mẹ sẽ thấy nhiều chuyện phiền lòng, đáng tiếc lần lượt kéo đến.

 

Chuyên sẽ không thể gọi là bất ngờ vì cha mẹ đã thấy những hành vi không mấy đẹp mắt hiển hiện hằng ngày, nghe các buổi phỏng vấn báo động về tính dục trên đài phát thanh, song song với việc Nhóm Tương Trợ  tổ chức nhiều buổi thông tin về tính dục của trẻ tự kỷ, tính dục của thanh thiếu niên khuyết tật. Cha mẹ nuôi con khuyết tật thì người hiểu con nhiều nhất cũng chính là cha với mẹ, học hỏi để sửa dạy con thì chẳng ai vào đây ngoài mẹ với cha. Thế nên cả hai đóng một vai trò rất quan trọng trong tiến trình dạy để phát triển con, đặc biệt là chuyện tính dục.

 

Diễn giả của các buổi học là chuyên viên về lãnh vực này, là người có nhiều kiến thức và truyền đạt kiến thức đến cha mẹ như hướng dẫn, giải đáp, giải thích về chuyện tính dục, cách hướng dạy con, sự bắt đầu bộc phát chuyện tính dục qua hành vi, nơi nào thể hiện được hành động thủ dâm v.v.

 

Điều quái lạ tại đất nước này là người bình thường hay có khuyết tật đều có sự bình đẳng, người khuyết tật nhất là phái nam được cha mẹ ủng hộ và hậu thuẫn, có quyền lập gia đình với người mà em yêu mến và sinh con đẻ cái, không có chuyện ngăn cấm mà chỉ có hỗ trợ, hướng dạy cho hoàn chỉnh hơn.

 

Chuyện tính dục nơi các cháu trai bắt đầu với cách  rất ư dễ thương là hay mằn vú mẹ. Đối với cha mẹ có hiểu biết thì hành vi mới lạ này sẽ khiến họ thêm lo âu, và giải quyết bằng cách tìm hiểu học hỏi thêm để hướng dạy giúp con cải thiện. Ngược lại với cha mẹ không kiến thức thì lại tăng tình thương yêu bằng những cử chỉ như cười thích thú mỗi khi em thể hiện, rồi lại khoe hành vi đó với người phối ngẫu có cả sự hiện diện của em. Cha mẹ có biết rằng trẻ khuyết tật chỉ hiểu một chiều, và chuyện mà miệng cười toe toet khoe khoang sẽ là chuyện trẻ tiếp tục phô diễn mọi nơi trong nhà, ngoài công cộng v . v.  

 

Rất nhiều cha mẹ vướng vào tình trạng là trẻ khuyết tật trai khoảng ba bốn tuổi hay ngồi vào lòng, mò rờ nhũ hoa của mẹ rồi lần lượt chuyển sang cô dì, bạn đồng phái tính với mẹ. Xong người này em dời sang người kế cận cứ thế tiếp nối và tiếp diễn thường xuyên mỗi khi nhà có khách nữ, em chẳng chừa một ai. Tất cả ngộ nhận vì rằng em là trẻ khuyết tật nên tỏ ý thông cảm, riêng em thì được tự do tung hoành. Ngược lại các em gái không có tật ấy.

 

Vì không có kiến thức về chuyện tính dục của trẻ khuyết tật nên khó ai nhìn ra, và khó ai đoán biết rằng đây là một thể hiện để mở màn về chuyện tính dục, hành vi tính dục. Đa số cha mẹ nuôi con khuyết tật mà không dạy dỗ, khi nghe lời giải thích lại tỏ thái độ giận, oán, không chấp nhận lời báo động trên, cho rằng nói quá đáng, rằng em là trẻ khuyết tật học chữ không vô thì sao vô được ‘chuyện đó’. Cha mẹ có ý coi thường con khuyết tật và có tánh ỷ lại, nhưng vì cả hai không kiến thức nên không hiểu rằng tuy con học chữ không vô, nhưng thu hiểu quyền lợi và nhu  cầu cá nhân không thua kém trẻ bình thường. Thế nên có câu nói thật nhưng có tính đùa rằng 'Trẻ khuyết tật là con người hai mặt'.

 

Những dấu hiệu bắt đầu hay thấy là để tay ngay lưng quần ngang với rốn, dần dần dời tay khỏi rốn và lần xuống hạ bộ của em, để mở màn cho các cuộc phiêu lưu thám hiểm mới, khác.

 

Phái nữ cũng tự mò mẫm luc soạn thân thể và tham gia cuộc thám hiểm không khác gì phái nam, nên dễ bị nhiễm trùng âm đạo. Em có tật mò trước bụng, re vạt áo và từ từ kéo lên tận cổ. Nếu em là trẻ lên năm thì chẳng có gì để chia sẻ, nhưng nếu em đang trong giai đoạn phát triển thể xác ở tuổi mười hoặc mười hai, thì cha mẹ thấy được gì ở con khi chuyện xảy ra tại nhà ? Xin hỏi nếu là ngoài đường phố trong quán ăn, cha mẹ có phớt lờ để em tiếp tục hay là đánh mắng con 'Tại sao làm vậy, đồ khùng đồ điên thiệt là nhục nhã' v . v. Nếu như chịu hướng dạy ngay từ những ngày đầu thì sẽ không có những chuyện đáng tiếc này.

 

 Do cấu tạo bên ngoài và bên trong cơ thể con người khác nhau và do không hiểu biết, nên khi đón con tan học về và nghe em rên la khi tiểu tiện thì cha mẹ nhẩy dựng, nghi ngờ con bị xâm phạm tiết hạnh. Sự nghi ngờ này được xem là chính đáng và chỉa thẳng tay nếu người phụ trách lớp em là thầy … oan như oan Thị Kính.  Chỉ là nghi ngờ mà vội gặp luật sư để kiện thầy giáo? Thiệt là bậy bạ hết sức.

 

 Cha mẹ nói không cần dự họp các buổi học về tính dục, vì con khuyết tật đã ba mươi mà không thấy gì về tính dục; nói vậy làm các cha mẹ cùng dự họp ước ao được thế để đỡ khổ. Tuy họ nói không cần nhưng không bỏ sót buổi học nào về tính dục, và khi nêu thắc mắc với chuyên viên thì không đúng vậy. Họ bảo cháu dạo này cứ nói tên các bạn học nam trong lớp, đón cháu tan học thì thấy kè rè theo đám bạn học nam, hay đóng cửa phòng thì thầm một mình, trên tường phòng ngủ treo hình nam tài tử nhiều hơn nữ, bắt tháo bỏ thì không chịu, giờ thích nói về nam giới hơn … em hé màn bày tỏ nhu cầu … mà cha mẹ của em muốn dấu, muốn chối bỏ, muốn đả phá lại lời báo động Thế nên xin lưu ý các cha mẹ khác đang nuôi dạy con khuyết tật về vấn đề này.

 

Chuyện tính dục của con khuyết tật có thể hiện hay không chỉ cha mẹ nuôi dạy mới thấy rõ hơn ai hết. Sự thật thì muôn đời vẫn thật, vì người khuyết tật có chứng  tự kỷ hoặc hội chứng Down cũng lập gia đình và sống hạnh phúc cùng nhau. Gả cưới hay không thì hậu tính, chuyện thật thì tôi cứ xin nói thật là trẻ tuy khuyết tật về trí tuệ nhưng không khuyết tật về tính dục.

 

Trẻ khuyết tật hay trẻ bình thường đều có tính dục như nhau mà không giống như ý nghĩ, quan điểm và suy luận ngắn gọn của cha mẹ. Thế nên khi Nhóm tổ chức những buổi giải thích, dẫn chứng các hành vi biểu hiện thì có sự xung đột từ hai thành phần cha mẹ. Một chấp nhận và một chống đối, nhưng hiện tại cha mẹ tham dư  các buổi học về tính dục đông hơn xưa, và hỏi làm cách nào để chấm dứt tình trạng … có nghĩa chuyện tính dục thực sự có nơi con khuyết tật.

 

Nói cho cùng con khuyết tật và con bình thường đều cần được hướng dạy, nhưng xin nhắn nhủ với cha mẹ rằng người cần chiếu cố nhiều nhất vẫn là con khuyết tật. Nên chấp chuyện tính dục của con là một sự phát triển bình thường song hành với hướng dạy. Xin đừng chối bỏ và coi nhẹ mà hệ quả ngày sau thật khó lường. 

 

 

 

Thật  Thà  nhận xét

Úc Châu 1/11/2008