CHỮ SỐ VÀ MẦU 

 

Daniel có chứng Asperger (Asperger syndrome AS) mà không biết, mãi đến 25 tuổi năm 2004 anh mới có định bệnh. Điểm đặc biệt nơi anh là khác với đa số người có AS khác, Daniel có thể viết để mô tả lại chuyện gì xẩy đến cho anh, giúp cho khoa học hiểu thêm cách não bộ làm việc. Quyển 'Born on a Blue Day' là hồi ký ghi lại kinh nghiệm lúc đi học và giai đoạn trưởng thành của anh. Sách chứa nhiều chi tiết thích thú, cho phép ta so sánh kinh nghiệm của anh với kinh nghiệm của những người tự kỷ khác, thấy nhiều điểm tương đồng và rút ra nhận xét tổng quát về bệnh. Phần dưới đây lược dịch những điểm đáng chú ý để giúp cha mẹ hiểu thêm về chứng tự kỷ hầu thông cảm cho con và giúp con phát triển.

 

 

……………………

 

Daniel là con đầu lòng sinh ngày 31 - 1- 1979 tại Anh, anh biết đó là ngày thứ tư vì trong trí anh ngày này mầu xanh dương và thứ tư thì luôn luôn có mầu đó, y như con số chín hoặc âm thanh của giọng nói lớn tiếng cãi nhau. Anh thích ngày sinh của mình vì anh tượng hình trong trí các con số có hình tròn nhẵn như các viên cuội trên bãi biển. Chúng có hình dạng ấy vì chúng là số nguyên tố (những số chỉ chia chẵn cho chính nó và số 1): 31, 19, 197, 1979. Anh có thể hình dung ra mỗi số nguyên tố cho đến số 9963 do tính tròn nhẵn như cuội, vì đó là cách não anh hoạt động.

Do chứng AS anh hết sức cần phải có thông lệ (routine) và trật tự trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, thí dụ ăn sáng thì anh ăn đúng 45 g lúa kiều mạch bằng cách cân cái chén với cân điện tử để bảo đảm đúng bấy nhiêu. Rồi anh đếm số y phục mình mặc trước khi rời nhà. Anh lo lắng nếu không thể uống trà vào cùng giờ mỗi ngày. Bất cứ khi nào bị căng thẳng quá không thở được, anh nhắm mắt lại rồi đếm, nghĩ đến các con số giúp anh bình tĩnh trở lại.

Con số là bạn của anh và chúng luôn luôn ở chung quanh anh, mỗi con số đều riêng biệt và có cá tính riêng của chúng. Chẳng hạn số 11 thì thân thiện mà số 5 thì to tiếng trong khi số 4 thì vừa nhút nhát vừa yên lặng; số 4 là số ưa chuộng của anh, có lẽ vì nó làm anh nhớ đến chính mình. Có những số lớn như 23, 667, 1179 mà cũng có những số nhỏ như 6, 13, 581. Có số đẹp như 333, số khác xấu như 289. Đối với anh mỗi số đều đặc biệt.

Bất cứ chỗ nào mà anh tới hay chuyện gì anh làm, con số luôn kề cận trong tư tưởng. Hồi phỏng vấn trên truyền hình Mỹ với David Letterman, anh nói với ông rằng trông ông giống số 117 vì ông cao và ốm. Sau đó khi đi ra Times Square, anh ngước nhìn những tòa nhà chọc trời cao vòi vọi và cảm thấy như có các số 9 bao quanh, đây là con số mà anh liên kết với cảm xúc về sự mênh mông bát ngát.

Khoa học gọi kinh nghiệm của anh thấy những con số và cảm xúc đi kèm là synaesthesia (hòa hợp mỹ  cảm); đây là trường hợp hiếm thấy của việc thần kinh cảm quan hòa lẫn vào nhau. Nó thường cho ra kết quả là người ta có thể thấy mẫu tự với / hoặc con số bằng mầu. Trường hợp của Daniel được xem là bất thường và phức tạp vì anh có thể thấy con số như là hình dạng, mầu sắc, đặc tính tròn, nhọn v.v., và luôn cả sự chuyển động. Thí dụ số 1 thì chói rực và sáng lòe như có ai rọi đèn pin vào mắt anh. Số 5 thì như  tiếng sấm bùng nổ hay nước đập vào đá văng tung tóe. Số 37 thì lục cục lòn hòn như cháo đặc, còn số 89 gợi cho anh cảm tưởng tuyết rơi.

Trường hợp người có mỹ cảm hòa hợp đã được ghi lại từ thập niên 1920, họ có trí nhớ kỳ lạ và cũng thấy số có mầu và có hình dạng. Daniel có khả năng này từ hồi nhỏ, kèm với việc có thể làm tính nhẩm trong đầu với những số lớn mà không cần chút cố gắng nào, tương tự như nhân vật Raymond Babbitt trong phim Rainman. Nhiều người khác cũng có khả năng này không riêng gì anh. Để mô tả thì Daniel nói rằng phép tính mà anh ưa thích là tính lũy thừa, như bình phương một số luôn luôn hiện ra có tính đối xứng trong trí anh, làm con số đặc biệt đẹp đẽ. Mỗi một bậc lũy thừa đều có hình dạng riêng biệt trong đầu Daniel, con số càng lớn thì hình dáng và mầu sắc càng trở nên phức tạp; anh đưa thí dụ là lũy thừa bậc 5 của 37 = 69.343.957 là vòng tròn lớn gồm nhiều vòng tròn nhỏ tuôn theo chiều kim đồng hồ từ vòng trên đầu.

Khi làm tính chia thì Daniel thấy trong đầu một vòng xoắn ốc xoay xuống dưới theo vòng tròn càng lúc càng rộng và cong lại. Những phép chia khác nhau sinh ra các vòng xoắn ốc có kích thước khác nhau theo những vòng cung khác nhau, anh có thể tính kết quả của phép chia như 13: 97 đến gần 100 số lẻ.

Daniel không cần viết ra giấy khi làm toán mà luôn luôn có thể tính trong đầu, cũng như chuyện dễ hơn cho anh khi tượng hình câu trả lời bằng hình dạng nhờ hòa hợp mỹ cảm, so với cách tính thông thường. Khi nhân hai số thì trước tiên anh thấy hai số là hai hình dạng riêng biệt rồi hình ảnh biến đổi cho ra một hình thứ ba là câu đáp, sự việc diễn ra chỉ trong vài giây và tự động, Daniel không cần phải suy nghĩ.Thí dụ anh nhân 53 với số 131, anh thấy hai số nằm đối diện nhau trong không gian, khoảng trống giữa hai số sinh ra hình thứ ba và anh hiểu đó là con số thứ ba: 6,943 và là đáp số.

Những phép tính khác nhau cho ra các hình dạng khác nhau, và anh cũng có cảm giác hay cảm xúc thay đổi cho các con số. Đối với anh số sáu khó nhớ nhất, vì thấy nó như là những chấm nhỏ mầu đen mà không có hình dạng rõ ràng hay cảm giác rõ rệt như nhẵn nhụi / xù xì; trông nó như các lỗ trống nhỏ. Daniel thấy hình từng con số tới số 10.000 và có đáp ứng tình cảm với chúng, giống như có ngữ vựng thấy được về số.  Tựa như thi sĩ chọn lựa từ ngữ, anh thấy có những phối hợp số này đẹp đẽ hơn những phối hợp số kia, thí dụ số 1 đi với số đậm như 8 và 9 thì hợp hơn là đi với số 6. Số điện thoại có chuỗi số là 189 thì anh thấy đẹp hơn là chuỗi 116.

Mỹ cảm này về số khiến tâm tình anh bị ảnh hưởng lúc lên lúc xuống, nếu anh bắt gặp một số mà anh biết là đặc biệt đẹp viết trên bảng hiệu cửa hàng hay bảng số xe, thì thân hình rung lên thích thú hân hoan (nhận xét này đáng chú ý khi so sánh với phản ứng của Jessie trong quyển Để Hiểu Chứng Tự Kỷ, trong mục Tài Liệu trên trang web, Jessie cũng rung rẩy vì xúc động và thì thầm vì 'quá đẹp'). Mặt khác, nếu con số không giống như anh thấy trong đầu, thí dụ giá hàng là 99 xu viết mầu đỏ hay lục (thay vì xanh dương), thì anh thấy khó chịu bực bội.

Nhìn lại Daniel nói rằng đó là cách anh thấy con số từ nào đến giờ, số là ngôn ngữ đầu tiên của anh, anh suy nghĩ bằng số, cảm xúc cũng bằng số. Anh thấy mà khó hiểu được cảm xúc nên thường dùng số để giúp mình hiểu, chẳng hạn khi có người bạn nói là họ thấy buồn hoặc chán nản, anh tưởng tượng là mình ngồi trong hốc tối của số 6 để giúp mình kinh nghiệm cùng cảm giác ấy và hiểu được nó. Nếu đọc bài báo nói rằng ai đó bị dọa nạt thì anh tưởng tượng là mình đứng cạnh số 9, còn ai tả rằng họ viếng nơi xinh đẹp thì anh nhớ lại khung cảnh có những hình dạng về số và chúng đã làm anh vui vẻ ra sao. Khi tưởng tượng như thế, con số thực sự giúp anh hiểu được người khác nhiều hơn vì người tự kỷ và Asperger có khiếm khuyết là không hiểu được tâm tình của kẻ khác.

Đôi khi người mà anh gặp lần đầu tiên làm anh nhớ đến một con số đặc biệt, liên tưởng này giúp anh cảm thấy thoải mái với họ. Nếu họ rất cao thì anh nhớ đến số 9, nếu họ tròn trĩnh thì anh nhớ đến số 3. Nếu anh thấy lo lắng, không vui hay ở trong khung cảnh chưa gặp (khiến anh dễ thấy căng thẳng và không thoải mái), anh sẽ tự đếm thầm. Khi đếm, các con số tạo thành bức hình và khuôn mẫu trong trí giống như anh đã biết và có sức trấn an. Khi đó anh thấy thoải mái và tương tác với mọi người trong bất cứ cảnh nào.

Nghĩ đến lịch luôn luôn làm anh thấy vui, với con số và khuôn mẫu ở cùng một chỗ, những ngày khác nhau trong tuần gợi nên mầu sắc và cảm xúc khác nhau trong đầu anh, như thứ ba có mầu ấm còn thứ năm thì lờ mờ.  Daniel cũng rất thích những số nguyên tố, thấy mỗi số có hình dạng riêng biệt, có tính trơn nhẵn khác với những số khác có hình không rõ rệt và xù xì hơn. Mỗi khi nhận ra được số nào là số nguyên tố, anh cảm nhận một luồng cảm xúc tuôn trong đầu ngay giữa trán khó mà diễn tả. Nó là cảm xúc đặc biệt, đột nhiên xẩy ra như cảm giác kim chích tê rần.

Đôi khi anh nhắm mắt và nghĩ đến trăm con số nguyên tố đầu, thấy chúng trong trí, trôi nổi trong không gian kèm với những cảm xúc anh có về số. Trí não anh thấy chúng đứng khác biệt thật là đẹp và đặc sắc so với những số thường. Chính vì lý do này mà anh thích nhìn ngắm chúng mãi, mỗi số nguyên tố khác rất xa số trước lẫn số sau nó, tính đơn độc của từng số trong muôn vàn các con số làm chúng nổi bật hẳn, khiến anh thích thú.

Có những lúc khi anh chìm vào giấc ngủ buổi tối, tâm trí đột nhiên tràn đầy ánh sáng chói lọi và chỉ thấy số với số, hằng trăm hàng ngàn con số, lướt mau lẹ trước mắt anh, kinh nghiệm này thật đẹp đẽ và êm ái. Đêm nào trằn trọc khó ngủ, Daniel tưởng tượng mình đi giữa rừng những con số, khung cảnh làm anh thấy an toàn và vui sướng; anh không hề thấy lạc lõng vì hình dạng những số nguyên tố đóng vai trò như bảng chỉ đường.

Tính hòa hợp mỹ cảm cũng ảnh hưởng cách anh cảm nhận chữ và ngôn ngữ, thí dụ chữ 'ladder - cái thang' có mầu xanh dương sáng, còn chữ 'hoop - vòng' có mầu trắng và êm. Ngôn ngữ khác cũng cho cảm giác tương tự, như chữ 'jardin - vườn' tiếng Pháp có mầu vàng nhòe, còn chữ 'hnugginn - buồn' tiếng Băng Đảo thì mầu trắng có lấm tấm những điểm trắng nhỏ. Nghiên cứu về tính hòa hợp mỹ cảm nói rằng chữ thường lấy mầu từ mẫu tự đầu tiên của chữ, và anh có kinh nghiệm giống vậy: chữ 'yoghurt' mầu vàng, 'video' mầu tím có lẽ do liên kết với chữ 'violet', và 'gate' mầu xanh.

Anh còn làm được việc là thay đổi mầu một chữ bằng cách thêm một mẫu tự vào đầu, biến chữ đang có thành chữ khác, chẳng hạn chữ 'at' có mầu đỏ nhưng khi thêm chữ H để thành chữ 'hat' thì nó trở thành chữ mầu trắng; và rồi nếu anh thêm chữ T thành 'that' thì nay chữ hóa mầu vàng. Không phải chữ nào cũng theo luật này, những chữ bắt đầu với mẫu tự A thì luôn luôn có mầu đỏ, chữ bắt đầu với mẫu tự W luôn luôn là xanh dương đậm.

Vài chữ hợp với vật mà chúng mô tả, như dâu đỏ 'raspberry' thì vừa có chữ mầu đỏ mà trái cũng đỏ, hay hai chữ 'grass''glass' đều mầu xanh lục và chỉ vật mầu xanh. Chữ bắt đầu với mẫu tự T luôn luôn có mầu cam, như 'tulip - hoa uất kim hương', hay 'tiger'  hay 'tree' như cây đổi lá vào mùa thu. Ngược lại, anh thấy có những chữ mà theo anh không hợp với vật chúng mô tả, chữ 'geese' có mầu xanh lục mà lại dùng để chỉ ngỗng mầu trắng, anh thấy viết là 'heese' thì đúng hơn; và chữ 'white' lại có mầu xanh dương, 'orange' trong trẻo và sáng như nước đá.

Thấy chữ có mầu và tính chất khác nhau giúp anh nhớ dữ kiện và tên người. Thí dụ anh nhớ là người về nhất trong mỗi chặng của cuộc đua Tour de France được trao áo jersey mầu vàng mà không phải mầu nào khác, vì chữ 'jersey' có mầu vàng đối với anh. Anh nhớ cờ nước Phần Lan có thập tự xanh dương trên nền trắng, vì chữ 'Finland' có mầu xanh dương giống như tất cả chữ nào bắt đầu bằng mẫu tự F. Khi gặp ai lần đầu tiên, Daniel thường nhớ tên của họ nhờ mầu của chữ, Richards mầu đỏ, Johns mầu vàng và Henrys mầu trắng.

Mỹ cảm hòa hợp còn giúp anh học ngôn ngữ mới một cách mau lẹ và dễ dàng. Anh biết 10 thứ tiếng: Anh (tiếng mẹ đẻ), Phần Lan, Pháp, Đức, Lithuanian, Esperanto, Tây Ban Nha, Romanian, Băng Đảo và Welsh. Nối kết mầu sắc và cảm xúc khác nhau khiến chữ hóa sinh động cho anh, thí dụ chữ Phần Lan 'tuli' có mầu cam và có nghĩa là lửa. Khi anh đọc hay suy nghĩ về một chữ thì lập tức thấy ngay mầu sắc trong đầu và gợi nên nghĩa của chữ. Một thí dụ khác là chữ 'gweilgi' tiếng Welsh có mầu lục với xanh dương đậm, và có nghĩa là biển; anh nghĩ đó là chữ hết sức đẹp để diễn tả mầu sắc của biển. Rồi có chữ 'rokkur' tiếng Băng Đảo có nghĩa 'trời chiều' hay 'hoàng hôn'. Nó có mầu đỏ tía và khi anh nhìn chữ này, nó làm anh nghĩ đến cảnh mặt trời lặn đỏ như máu.

Khi anh còn nhỏ người ta chưa biết nhiều về chứng Asperger, mà bệnh này chỉ mới được nhìn nhận vào năm 1994.  Ở tuổi thiếu niên anh cảm thấy lo lắng, cô độc và tương lai bất định, trong nhiều năm anh không hiểu tại sao mình khác người và tách biệt với thế giới chung quanh. Em trai Steven của anh  giờ 19 tuổi cũng có định bệnh là tự kỷ khả năng cao. Nay khi viết về kinh nghiệm của mình với chứng tự kỷ, anh hy vọng giúp được người trẻ có tự kỷ khả năng cao như  Steven cảm thấy bớt lẻ loi hơn, vững tin với hiểu biết rằng người ta có thể sống đời hữu ích và vui vẻ mà bằng cớ là cuộc đời của anh. 10 năm về trước, khó ai nghĩ được là anh có thể sống hoàn toàn độc lập, có bạn đời, có nghề nghiệp, ngay cả anh cũng chưa chắc sẽ tin như vậy, thế nhưng đó là chuyện đã xẩy ra.

 

 

Tuổi  Thơ.

 

Ngay từ lúc mới sinh, Daniel khóc không thôi, mỗi lần cả mấy tiếng đồng hồ. Mẹ làm đủ cách để dỗ con mà cách nào thì Daniel cũng vẫn khóc. Đặc tính khóc nhiều thấy nơi một số lớn trẻ về sau có định bệnh tự kỷ, cha mẹ kể lại là bế lên cũng khóc mà đặt xuống cũng khóc, chỉ khi nào cho bú thì mới ngưng được một lúc. Nghiên cứu ghi nhận là trẻ tự kỷ nào lúc nhỏ bú mẹ thì có đáp ứng nhiều hơn, thích ứng hơn về mặt xã hội và tỏ ra thân ái hơn so với trẻ tự kỷ mà bú bình.

Cha mẹ khám phá ra một cách làm Daniel bớt khóc là tạo cảm giác chuyển động, ba ru con trên tay cả tiếng đồng hồ, và thường khi chỉ ngồi ăn một tay còn tay kia bế đong đưa con. Khi khác thì sáng sớm ba đặt con vào xe đẩy, đẩy đi một đoạn đường dài sau khi ông vừa xong ca làm việc, hễ xe ngừng là em bé khóc trở lại. Ta hãy so sánh ghi nhận này với chuyện Dane trong quyển Để Hiểu Chứng Tự Kỷ, mẹ Dane cũng kể là con khóc suốt buổi, chỉ bằng cách đẩy xe thì em bé mới yên. Trở lại với Daniel khi hết cách mà con vẫn khóc, cha mẹ mới nghĩ ra việc đặt con vào mền làm võng rồi mỗi người một đầu đưa võng, cách đó làm dịu Daniel. Cha mẹ mang con đi bác sĩ nhiều lần, lần nào cũng được nghe trẻ bị khó tiêu nên khóc, từ từ rồi sẽ được cải thiện. Nay người ta thấy là việc khóc nhiều lúc sơ sinh có thể là dấu hiệu hành vi bị trục trặc về sau. So với trẻ 5 tuổi mà khi nhỏ khóc bình thường thì trẻ đồng tuổi mà khóc nhiều có điều hợp mắt và tay kém hơn, cũng như dễ bị hiếu động (hyperactivity)  hoặc có vấn đề về kỷ luật.

Hơn một tuổi Daniel vẫn còn khóc nhiều, hay bị đau ốm, bực bội, tuy nhiên về những mặt khác thì may mắn là Daniel phát triển bình thường, biết đi biết nói đúng lúc. Người có chứng Asperger không bị chậm ngôn ngữ mà có khi còn nói rất giỏi, khác với chứng tự kỷ thường có chậm ngôn ngữ đáng kể với khoảng 50% người không biết nói. Năm hai tuổi Daniel sinh chứng đập đầu vào tường, đập hoài tới mức bầm lên, ba cản không ăn thua gì; khi khác thì làm nư  dữ dội, lấy tay đánh vào đầu và la hét chói tai. Lúc hai tuổi rưỡi được cho đi nhà trẻ, Daniel không màng tới ai mà chỉ ngồi vọc cát trong hố, cho cát rơi qua kẽ ngón tay hoài không chán, hành vi này rất hay thấy nơi trẻ tự kỷ; hoặc ngồi mê mẩn ngắm cát rơi trong đồng hồ cát, làm ngơ với những trẻ xung quanh và trò chơi của các trẻ này.

Đây là các triệu chứng điển hình của chứng tự kỷ nhưng vào lúc ấy người ta chưa biết để có can thiệp sớm; đang từ một trẻ nhỏ hay la khóc Daniel trở thành trẻ nhỏ lặng yên, quá đỗi lặng yên là khác, không chơi với trẻ khác đồng tuổi mà chìm đắm vào thế giới của riêng mình. Với người lớn thì sự thay đổi được xem là dấu hiệu tốt lành, mẹ cho là con ngoan và vui sướng nhưng nay khi hiểu rõ hơn thì ta thấy thay đổi ấy không muốn nói là có cải thiện.

Hơn nữa, vì chưa hiểu rõ về chứng tự kỷ, hành vi của Daniel không được xem là dấu hiệu của tật này. Em nhỏ không lắc lư thân hình, em biết nói và tương tác với môi trường chung quanh. Phải một thập niên sau người ta mới bắt đầu có nhận biết về người tự kỷ khả năng cao và chứng Asperger. Bây giờ Daniel không nhớ gì về những trẻ khác cùng lớp, anh không nhớ mình có chơi với ai, có nghĩa anh không tương tác với trẻ khác. Về nhà thì Daniel kén ăn, chỉ thích ăn cốm, bánh mì và sữa, phải khó khăn lắm cha mẹ mới khiến con chịu ăn rau. Ta lại có thêm một triệu chứng khác của bệnh tự kỷ, đó là không hiểu vì sao nhiều trẻ thích ăn thực phẩm bằng bột mì và sữa.

Tật khác là theo một lệ bất di bất dịch không uyển chuyển. Buổi sáng ba đẩy xe mang con tới trường, một hôm ba đổi lộ trình thì Daniel ngồi trong xe la hét rầm rĩ làm ai trên đường cũng quay lại ngó, khiến ba mắc cỡ hết sức. Lúc đó em nhỏ chưa tới ba tuổi mà đã thuộc đường đi từ nhà đến vườn trẻ, ba quay xe trở lại đi theo đường cũ thì em nhỏ ngưng la tức thì. Daniel cũng nhớ là không có chơi với đồ chơi ở vườn trẻ hay ở nhà, khi cầm đồ chơi thí dụ như con thỏ thì cầm nó cứng ngắc, đẩy qua đẩy lại mà không hề có ý ôm thỏ vào lòng, vuốt ve hoặc giả bộ cho thỏ nhẩy.

Ấy là một triệu chứng hay thấy khác của trẻ tự kỷ là không biết chơi đồ chơi và không biết chơi giả bộ. Kế đó lại thêm một triệu chứng là Daniel thích búng cho đồng xu quay trên sàn phòng, mải miết ngó đồng xu quay tít không ngưng. Em cứ  chơi đi chơi lại một trò này, làm như không biết chán. Bây giờ Daniel đã có em và hai anh em ngủ một phòng nhưng anh nhớ lại là không có cảm xúc nào với các em lúc nhỏ, tựa như anh sống trong một thế giới khác song song và tách biệt với em. Em thích chơi ngoài vườn còn Daniel thì rúc trong phòng, cả hai rất ít khi chơi chung; khi nào chơi chung thì không phải chơi cùng trò vì Daniel không hề có ý muốn chia sẻ đồ chơi của mình hoặc kinh nghiệm với em.

Daniel sợ tiếng động, nếu đi ngoài đường mà có xe bất thình lình nhấn còi vang lớn, em nhỏ sẽ đứng khựng lại lấy hai tay bịt chặt lấy tai. Anh cho biết mình sợ sự đột nhiên hơn là âm thanh lớn, sự bất ngờ làm anh kinh hoảng. Vì lý do này anh không thích bong bóng và sẽ co rúm người lại khi thấy ai cầm bong bóng, sợ rằng bóng sẽ nổ sinh ra tiếng động chát chúa, vang dội. Tính lập đi lập lại biểu lộ trong cách chơi của em nhỏ, vườn trẻ có đồ chơi là những hạt nhỏ, Daniel sẽ bỏ từng hạt vào bình rồi trút ra và làm lại, hoài hủy không chán. Em nhỏ không chơi với ai mà không cảm thấy cô đơn cần có bạn, em chơi một mình mà vui thú không hề bận tâm rằng mình khác chúng bạn. Hễ cô giáo bầy trò chơi chung thì Daniel đứng tách ra ngoài không chơi, cô khuyến khích cách mấy em cũng khăng khăng không tham dự, sợ bị chúng bạn xô đẩy. Em hài lòng đứng dựa tường xem cả lớp chơi.

Ở trường về Daniel đi thẳng lên phòng và ở luôn trong đó, đôi khi em chui vào gầm giường nằm yên, làm như sự bó chặt cho em cảm giác an toàn thấy dễ chịu. Lắm lúc con yên lặng quá nên cha mẹ phải gõ cửa vào phòng xem sao, anh tả lại rằng căn phòng là nơi anh được thoải mái, vui vẻ nhất, nơi ẩn trú của mình. Daniel ở hoài trong phòng nên dần dần cha mẹ học ra là lên phòng ngồi với con để gần trẻ.

Năm bốn tuổi Daniel bị động kinh dữ dội nhưng nhờ thuốc nên sau đó không hề bị tái lại. Cha mẹ lo lắng tuy vậy em nhỏ không nhận ra được cảm xúc của hai người, nay đã lớn anh bảo mình khó mà biết được ai cảm xúc ra sao. Đôi khi ba mẹ cãi cọ lớn tiếng thì trong trí Daniel giọng nói hai người có mầu xanh đậm, em nằm ép xuống sàn đầu chúi vào thảm lấy hai tay bịt tai cho tới khi tiếng ồn giảm bớt.

 

 

Trường  Học

 

Tới tuổi đi học Daniel phải đối phó với nhiều việc. Thông thường học sinh phải máng áo khoác rồi mới vào lớp, Daniel chọn một móc áo là của mình và chỉ máng áo nơi đó, hôm nào đến trường mà móc áo này đã có áo ai máng sẵn thì em nhỏ rất lo lắng bối rối, không biết phải làm sao. Trong lớp Daniel thấy khó mà tập trung khi học sinh nói chuyện rầm rì chung quanh, ngoài hành lang thì có người đi lại gây tiếng động. Em không biết cách làm ngơ với những kích thích này của cảm quan và chú tâm vào việc, phản ứng của em là đút ngón tay bịt tai.

Chuyện đáng nói là chữ viết của Daniel. Em không thể viết liền một hơi một chữ với các mẫu tự nối dính nhau, mà chỉ có thể viết riêng rẽ từng mẫu tự trong chữ đó. Daniel 'vẽ' mà không phải là 'viết' chữ, giống như tật của trẻ có chứng NLD (xin đọc thêm quyển Chứng Asperger và Chứng NLD trên trang web mục Tài Liệu). Có vẻ tật động kinh ảnh hưởng phần nào đến khả năng yếu kém này, động kinh xẩy ra ở bán cầu não bên trái, nói khác đi làm như bán cầu não trái có thương tật.

Daniel luôn luôn muốn mọi việc diễn ra theo thứ tự biết trước thì mới an lòng, bằng không sinh ra lo lắng sợ hãi. Vì vậy ở trường nếu có thay đổi bất ngờ chỉ báo trước một lúc ngắn, hay lệ thường ngày trong lớp có xáo trộn thì em bối rối. Anh giải thích là việc biết trước thứ tự công chuyện rất quan hệ với mình, nó cho cảm giác anh làm chủ tình thế, không lo lắng ít nhất trong một lúc. Anh bảo mình không hề thấy thoải mái ở trường, trừ khi nào được để yên làm chuyện của anh. Sự căng thẳng khi đi học làm Daniel bị nhức đầu và đau bụng luôn.

Anh kể lại là rất sợ mỗi khi trường tổ chức tranh tài thể thao, những lúc đó đám đông chen lấn chật chội, trời nóng nực, tiếng cười nói reo hò ồn ào náo động Daniel chịu không nổi. Nếu bị chấn động mạnh quá anh sẽ đỏ bừng mặt, lấy tay đập đầu cho tới lúc đau hết sức; anh nói rằng mình bị căng thẳng trong lòng quá đỗi và phải làm gì đó, bất cứ chuyện gì để xả căng thẳng ấy ra. Một cách cha mẹ dạy con đối phó là tập nhẩy dây, làm vậy mang lại nhiều điều lợi là nó vừa cải thiện kỹ năng điều hợp chân tay, vừa khuyến khích anh chơi ngoài sân nhiều hơn vì Daniel thường rúc trong phòng. Khi biết nhẩy dây thành thạo rồi anh nhẩy một lúc lâu, thấy thoải mái hơn và bình tĩnh lại; anh vừa nhẩy vừa đếm, mường tượng trong đầu con số và tính chất của nó theo óc tưởng tượng của mình.

Trong lớp khi có bài làm về toán thì Daniel rất hoang mang, vì tất cả những con số đều in mực đen như nhau và có kích thước bằng nhau, mà theo anh luôn luôn biết thì chúng to nhỏ có hình dạng khác nhau và mầu sắc cũng khác. Do đó Daniel nghĩ rằng tờ giấy in sai, anh không hiểu tại sao số 8 lại không lớn hơn số 6, hay tại sao số 9 không in mầu xanh dương mà lại có mầu đen. Trí óc thơ ngây của em nhỏ nghĩ rằng có lẽ trường hết mực xanh nên phải in mực đen. Cũng theo lý luận này khi viết ra giấy thì con số của Daniel không đều, mà có số lớn số nhỏ khiến thầy cô phiền trách là bài nộp của anh lôi thôi, không ngay hàng. Thầy cô yêu cầu em nhỏ viết số giống như những em khác, tuy nhiên Daniel không muốn viết sai các con số như thấy trong đầu, còn những trẻ khác thì chẳng màng là phải viết đúng theo lý luận của Daniel. Mãi nhiều năm về sau qua tuổi thiếu niên anh mới ý thức là kinh nghiệm về số của mình khác xa người khác.

Những tật khác cũng lộ ra nếu ta để ý, chẳng hạn như anh rất thích dữ kiện và mỗi lần đến thư viện là tìm đọc bộ Bách Khoa Tự Điển. Người Asperger có đặc tính này, thích thực tại hơn chuyện tưởng tượng do đó chuộng chuyện thật hơn chuyện tiểu thuyết. Họ cũng thấy khó mà làm hai việc cùng một lúc, mỗi lần họ chỉ làm được một việc thôi. Có lần Daniel được giải thưởng và khi ông thị trưởng trao giải cho anh, ông cúi xuống hỏi tên nhưng Daniel không nghe và không nói gì, vì khi ấy anh đang bận đếm những vòng trên dây huy hiệu ông đeo và không thể làm chuyện khác.

 

 

Tật  về  Giao  Tiếp

 

Giờ ra chơi anh không nhập vào và chơi trò với chúng bạn, thay vào đó em nhỏ đi lang thang dọc theo rào, mãi rồi bạn bè biết ý, cười nhạo hay tệ hơn là bắt nạt. Trẻ Asperger và tự kỷ thường hay bị ăn hiếp vì chúng khác đời. Daniel không thích nhập bọn chơi vì không muốn bị xô đẩy, đụng chạm, anh thích đi giữa những hàng cây để mải miết suy nghĩ; lắm khi anh muốn biến mất vì thấy mình khác đời, tách biệt với chúng bạn, không hòa nhập được với ai. Ở nhà khi bạn của các em đến chơi, anh ngồi bên thành cửa sổ lắng nghe bọn trẻ trò chuyện và tự hỏi sao chúng không nói điều gì lý thú thật sự như sưu tập các đồng xu là sở thích của anh lúc đó. Anh có tật si mê, theo đuổi một việc thí dụ thâu góp những tờ quảng cáo trong một thời gian, chất giấy đầy nhà không cho ai đụng vào hay đem bỏ, rồi sau đó đâm chán và nẩy sinh một si mê khác.

Cũng có lúc bạn trong lớp muốn bắt chuyện với anh, nhưng ít khi anh nói lại vì tương tác với người khác là điều khó cho anh. Thứ nhất là anh không biết nói hay làm gì, gần như lúc nào anh cũng cúi gầm mặt nhìn xuống sàn khi nói, và không nghĩ đến việc nhìn vào mắt người khác. Thảng hoặc có nhìn lên thì anh lại nhìn vào môi người đối diện đóng mở khi họ nói. Nếu thầy cô yêu cầu anh nhìn vào mắt họ thì Daniel ngẩng đầu nhìn, mà phải cố gắng dùng ý chí lắm mới làm được vậy, cảm thấy lạ lùng không thoải mái. Khi anh nói chuyện với ai thì thường là nói huyên thiên một tràng không dứt, không hề nghĩ là phải biết thay phiên cho người khác nói hay thỉnh thoảng phải ngừng nghỉ.

Daniel không cố ý tỏ ra bất lịch sự mà chỉ không hiểu rằng mục đích việc trò chuyện không phải là để nói về điều gì mình thích mà thôi. Anh sẽ nói liên tu bất tận đầy chi tiết cho đến khi nói hết tất cả điều gì muốn nói, và nếu có ai ngắt lời nửa chừng thì anh có cảm tưởng là mình có thể bị vỡ bung ra, nên không thích bị ngắt lời. Anh không hề tự hỏi là chuyện anh nói có làm người khác thích hay không, và cũng không bao giờ để ý là người nghe có bắt đầu ngọ nguậy dòm quanh quất tỏ ý nóng ruột; anh cứ nói mãi cho đến người đối diện chịu hết nổi và tìm cách rút lui với câu 'Thôi tôi phải đi đây'.

Nghe người khác là chuyện không dễ đối với Daniel. Khi ai đó nói chuyện với anh thì nó giống như nghe radio, nhiều chữ và ý đi vào tai này rồi chạy ra tai kia không lưu lại ấn tượng gì trong đầu, có nghĩa tuy nghe nhưng anh không nắm được ý. Anh biểu lộ tật của bệnh tự kỷ là suy nghĩ bằng cách liên kết, chuyện nọ dẫn tới chuyện kia, một chữ trong câu nói dễ dàng khiến anh liên tưởng đến người hay vật không có liên quan đến gì đang nói rồi nó lại đưa đến một loạt nhiều chuyện khác. Thí dụ như khi nghe chữ 'Ian' thì ai mà anh biết có tên này lập tức hiện ra trong đầu, anh không cần phải làm gì cũng có hình hiện ra. Rồi hình biến sang chiếc xe Mini mà Ian lái, dẫn đến những cảnh trong một phim anh đã xem.

Việc cũng khó khi câu nói không được nói ra hết ý, tách bạch.   Anh coi chuyện gì  nói với anh như là thông tin mà không phải là sự giao tiếp đòi hỏi có đáp ứng. Trong lớp thì thầy cô cho thái độ ấy là không đáp ứng, thí dụ họ ngó anh và nói '7 x 9 ...'. Cố nhiên anh biết 7 x 9 =  63 , nhưng không biết là mình phải nói to câu trả lời cho cả lớp nghe. Chừng nào thầy hỏi rõ ràng:

- 7 x 9 là mấy ?

chừng đó anh mới biết ấy là câu hỏi và hiểu là mình phải trả lời.

Khi khác ai nói 'Bữa nay xui quá', Daniel không biết cách đáp ứng thích hợp là nói ' Vậy sao ?' rồi hỏi han là xui như thế nào. Anh không thể tự nhiên biết hay đoán biết là người khác mong anh trả lời ra sao cho câu nói của họ, và anh chỉ học được phép giao tế bằng cách tập tới lui trăm bận. Anh chịu tập nhiều lần vì nó quan trọng đối với anh, Daniel muốn có bạn, muốn được bình thường như các trẻ khác; anh cố công hết sức để tập nhìn vào mắt người khác khi nói chuyện, và khi làm được rồi thì hết sức hân hoan, cảm thấy đó quả là thành công lớn lao cho mình.

Lúc đi sau những hàng cây trong giờ ra chơi ở sân trường, Daniel mải mê suy nghĩ không còn biết ai chung quanh làm gì; hoặc khi thích thú vì chuyện gì đó anh sẽ lấy tay bụm mặt. Đôi lúc anh phẩy tay hay vỗ tay lớn tiếng, nếu ở nhà thì mẹ tỏ ra bực bội và bảo con ngưng; tuy nhiên anh không cố ý làm vậy mà chuyện tự nhiên xẩy ra, nhiều lần anh không biết mình làm thế mà chỉ ý thức khi có ai đó cho anh hay.

Chuyện cũng y vậy khi anh nói một mình, lắm bận anh không biết mình đang nói. Thỉnh thoảng anh thấy khó mà suy nghĩ nhưng lại không nói lớn ra tư tưởng của mình. Khi nào anh chìm đắm trong tư tưởng thì có sự căng thẳng và điều ấy ảnh hưởng tới cơ thể, người anh cứng lại. Tới bây giờ tay anh sẽ vung vẩy tới lui, tự động kéo môi một cách vô thức khi anh mãi miết suy nghĩ. Đây là điều cũng quan sát thấy với Jessie trong quyển Để Hiểu Chứng Tự Kỷ, khi thích thú quá độ Jessie cũng co rúm người lại vì căng thẳng. Daniel cho hay tự nói một mình giúp anh bình tĩnh lại hay chú tâm vào chuyện.

Như đã nói, giá trị của quyển hồi ký nằm ở điểm Daniel có thể giãi bầy cảm nghĩ của anh, cắt nghĩa lý do một số hành vi của người có hội chứng Asperger (AS) mà xã hội thắc mắc không hiểu, vì  ít người AS có khả năng viết để giải thích. Thế thì Daniel nói rằng muốn có bạn nhưng thấy khó mà kết bạn. Anh cảm biết sâu xa rằng mình bị cô lập và thấy rất đau khổ. Có trẻ trong sân chơi đến chọc ghẹo anh như bắt chước phẩy tay và kêu anh bằng chữ này kia, khi chúng tới cạnh anh hơi thở phà lên da làm anh bực bội, Daniel ngồi bệt xuống nền xi măng, đưa tay bịt tai chờ cho bọn trẻ bỏ đi. Nếu căng thẳng quá thì anh đếm số trong đầu, số tạo ra hình trong trí và trấn an Daniel. Vì anh khác người, lũ trẻ không biết chọc phá anh ra sao nên sau một lúc hóa chán khi không thấy anh phản ứng như chúng muốn là òa khóc hay bỏ chạy. Chúng vẫn gọi anh tên này tên kia nhưng anh học làm ngơ và không bận tâm mấy.

 

 

Tật  về  Cảm  Quan

 

Daniel cũng giải thích tật của người AS là muốn  có cảm giác tuy bình thường đối với họ mà lại bị cấm trong xã hội. Anh kể khi chơi với các em ở nhà, anh lại gần lấy ngón trỏ chạm vào cổ chúng vì thích cảm giác ấm và trấn an nó sinh ra. Anh không biết việc ấy làm các em bực bội hoặc đó là hành vi không thích hợp về mặt xã hội, chỉ khi mẹ dạy cho biết Daniel mới ngưng; tuy nhiên thỉnh thoảng anh vẫn còn chạm vào cổ người khác nếu hứng chí hết sức, và xúc giác là một cách cho anh bầy tỏ sự hứng thú ấy với người chung quanh. Anh thấy khó mà hiểu là mỗi người có khoảng cách riêng phải được luôn luôn tôn trọng, không khi nào được xâm phạm vào. Daniel không biết tại sao hành vi của mình gây bực dọc và xâm phạm đến người khác, nên cảm thấy bị tổn thương khi em trai hay em gái giận dữ với anh về chuyện mà anh thấy chẳng có gì để giận. Xin đọc thêm chuyện Johnny thích ngửi tóc mẹ và em gái trong quyển Để Hiểu Chứng Tự Kỷ để so sánh.

Thính giác nhậy cho hệ quả là anh không thích đánh răng, vì tiếng bàn chải chà răng rất khó chịu đối với anh. Khi còn nhỏ anh trốn đánh răng luôn khiến ba mẹ phải mang bàn chải và kem vào phòng, bắt con đánh răng trước mặt mình bằng không anh sẽ không chà răng. Daniel nghĩ ra cách là vặn truyền hình để át tiếng bàn chải và chịu được việc đánh răng. Về cử động tinh tế, Daniel không biết cột dây giầy, ba phải cột giùm mỗi sáng đi học và mãi đến tám tuổi mới học được kỹ năng đó. Trục trặc về cử động thấy được qua chuyện khác là đi xe đạp. Daniel và em trai nhỏ hơn hai tuổi được cho xe đạp cùng lúc, chẳng mấy chốc em trai đã có thể đạp xe băng băng nhưng Daniel cứ nghiêng ngả tới lui, thấy khó giữ thăng bằng hay vừa điều khiển tay lái vừa đạp xe. Tật này ta đã thấy ở trên là không thể làm hai chuyện một lúc, anh té nhiều lần sướt tay chân hay bầm da thịt, và tám tháng sau mới đạp được xe chạy đua với em.

Khó khăn về tình cảm cũng được anh đề cập tới, lúc 10 tuổi ba đau nặng phải nằm bệnh viện. Nhà trống vắng có vẻ lạnh lẽo hơn. Daniel ngồi trong phòng ngẫm nghĩ xem mình có cảm xúc gì, vì anh biết là mình phải có cảm điều gì đó mà không biết nó là chi. Cuối cùng em nhỏ nhận thức là căn nhà không đầy đủ vì thiếu ba và muốn ba về nhà. Đó cũng là phản ứng của nhiều người AS khác, họ không nói đến tình thương hay nhớ người thân mà chỉ nói đến thực tại là có thay đổi, và muốn sự việc trở lại như trước.

Lên trung học thầy cô có nhận xét sai lạc về Daniel vì không hiểu được các tật của anh. Chẳng hạn trong lớp Mộc anh tỏ ra chậm chạp không theo kịp chúng bạn, thầy tưởng anh lười nhưng anh viết đó chỉ vì cảm thấy lạc lõng trong môi trường và không muốn ở trong đó. Giờ thể thao cũng vậy, anh thích chơi môn nào không có tương tác, tức không chơi theo nhóm. Thí dụ như túc cầu thì Daniel bảo mình không hề biết khi nào phải chạy, phải giao banh cho người khác và khi nào phải nhường. Trong trận đấu khi tới lúc sôi nổi có quá nhiều tiếng ồn thì anh tự động chặn lại trong trí mà không ý thức, do đó không biết chuyện gì xẩy ra chung quanh nên không nhận banh, đá banh hay giao banh đúng cách; kết quả là huấn luyện viên và bạn đồng đội sẽ bực dọc trách mắng Daniel.

Đến tuổi thiếu niên Daniel có thay đổi về mặt tâm tình nhưng vẫn chưa biết tình cảm là chi, mà chỉ  cảm nhận rằng đó là chuyện tự nhiên xẩy đến cho mình, đột nhiên mà tới. Anh chỉ biết muốn gần gũi một ai khác mà không hiểu sự thân cận này có nghĩa tâm tình hơn là thể chất. Anh sẽ tới đứng sát, thật gần học sinh khác trong sân chơi cho tới lúc cảm được sức nóng của họ trên da thịt mình. Daniel vẫn chưa có ý niệm về khoảng cách cá nhân, rằng mình làm người khác cảm thấy không thoải mái.

Xong trung học anh không muốn học lên đại học, khi cha mẹ biết quyết định này của con thì hai người tỏ ra thất vọng, bởi họ không chắc là anh có thể thích ứng được hoàn toàn với những đòi hỏi của xã hội bên ngoài. Đến tuổi này tính ra Daniel vẫn còn thấy chuyện nhỏ như đánh răng và cạo râu thật khó làm, phải bỏ ra nhiều thì giờ và công sức mới xong. Mỗi lần cạo râu anh ở trong nhà tắm cả tiếng đồng hồ, gia đình không sử dụng được nhà tắm trong suốt thời gian đó nên các em rất bực bội; lý do là cảm giác dao cạo đụng chạm vào da mặt làm anh hết sức khó chịu nên mất nhiều thì giờ. Kết cục là Daniel để râu mọc nhiều ngày mới cạo một lần.

 

 

Đi  Làm

 

Không còn đi học mà cũng chưa tìm được việc làm, anh ghi tên làm thiện nguyện và được chọn cho dạy Anh ngữ tại Lithuania. Anh được gửi đi huấn luyện một tuần với nhiều người khác, dầu vậy Daniel tránh tiếp xúc với mọi người khi nào có thể được. Giờ giải trí thì anh ở trong phòng đọc sách hay xuống phòng thông tin kiếm tài liệu; giờ ăn thì anh là người đầu tiên lấy mâm, ăn lẹ làng cho xong để khỏi bị kẹt giữa đám đông. Tắm rửa thì anh dậy thật sớm mỗi ngày, làm xong chuyện mau lẹ trước khi có ai khác dậy.

Thời gian sống một mình ở Lithuania, bắt buộc phải hòa đồng với mọi người làm Daniel tự tin hơn về khả năng sống độc lập của mình, cho anh thật nhiều kinh nghiệm quí  giá, cũng như trong thời gian này anh học tiếng Lithuania. Trở về Anh sau 9 tháng làm việc, anh được cấp một số tiền đủ để mua máy điện toán và Daniel học cách dùng internet. Anh khám phá là internet hữu dụng cho người tự kỷ về một số mặt không ngờ, phương tiện rất hứng thú và có tính trấn an để họ liên lạc với người khác. Khi gửi email hay trò chuyện trên internet người ta không cần phải biết cách gợi chuyện như khi đối mặt ngoài đời, và cũng không phải cười xã giao hay cần biết cử chỉ thân hình người đối diện muốn nói gì như trong các dịp tiếp xúc giao tế. Không có việc nhìn vào mắt, mà người ta có thể hiểu hết những chữ viết trên màn ảnh. Kế đó việc dùng các biểu tượng như :) (vui) và :(  (không vui) cũng khiến ta hiểu ngay tâm tình người kia vì họ nói bằng hình giản dị.

 

 

Biết  Yêu

 

Qua internet, Daniel kết bạn với Neil làm nghề thảo chương điện toán (programer), tình thân nẩy nở và sau một thời gian hai người quyết định sống chung với nhau. Quyết định này được gia đình hai bên đồng ý khiến Daniel rất cám ơn sự hỗ trợ của cha mẹ và các em. Nay anh phải tìm việc làm, nộp đơn cho thư viện, trường học, bưu điện. Đối với anh việc xếp sách lên kệ theo đúng thứ tự, phân chia thư theo mã số vùng hợp với tính thích có trật tự, xếp loại của mình, và nghĩ đó là loại công việc lý tưởng. Anh được kêu đi phỏng vấn mà không lần nào được việc

Cho người tự kỷ nói chung, thống kê ghi nhận là chỉ có 12% người tự kỷ khả năng cao hoặc có chứng Asperger tìm được việc làm,  so với 49% người có khuyết tật khác và có nhiều lý do đưa ra để giải thích con số quá thấp ấy. Người tự kỷ thường khó mà tìm được cơ hội làm việc, hoặc hiểu được những chữ nói tắt hay thấy trong quảng cáo tìm việc. Khi phỏng vấn thì người ta phải có kỹ năng tương tác và liên lạc tỏ ý, mà đây là hai mặt khiếm khuyết của chứng tự kỷ. Tiếp đó thì người tự kỷ thấy khó mà theo kịp câu hỏi trong buổi phỏng vấn và trả lời đầy đủ. Daniel ghi rằng nhiều câu hỏi trong buổi phỏng vấn có tính cách giả dụ, anh thấy khó mà tưởng tượng nên chỉ có thể trả lời ngắn ngủi.

Qua Neil, anh mở rộng vòng giao thiệp và có thêm bạn mới, mỗi khi đến thăm nhau họ họp lại chơi nhiều mục. Neil gợi ý rằng nên để cho chủ nhà thắng thì hay hơn nhưng Daniel không hiểu, vì nếu anh biết câu trả lời cho câu hỏi trong trò chơi thì tại sao không nói để thắng ? Tương tự vậy, khi cha mẹ ở nhà phê bình chuyện gì là 'Nước đến chân mới nhẩy', Daniel thắc mắc hỏi:

-         Nước ở đâu vô đây ?

Đó là tật chỉ hiểu nghĩa đen và không hiểu nghĩa bóng hay ẩn ý, rất hay thấy nơi người tự kỷ.

Như mọi lứa đôi khác, cuộc sống chung giữa Neil và Daniel có lên có xuống, nhưng anh tin là khi người ta yêu nhau thật lòng thì chuyện gì cũng có thể làm được. Tật thấy lo lắng khi có chuyện bất ngờ xẩy ra, trái với thông lệ, tiếp tục gây khó khăn cho Daniel. Thí dụ lúc rửa chén mà cái muỗng rơi xuống đất cũng làm anh kinh hoảng bối rối, phải ngưng lại một thời gian mới bình tĩnh, dịu xuống và tiếp tục như cũ. Chuyện nhỏ nhưng nó làm anh rối trí hết sức, phá hư nhịp trong thông lệ của anh. Neil phải học cách làm ngơ, để cho chuyện qua đi, kiên nhẫn chờ đợi. Dần dần cơn hoảng hốt xẩy ra ít hơn.

Khi khác nếu bạn hữu hay hàng xóm tình cờ đến chơi không báo trước, chuyện cũng làm anh bối rối bất an. Anh vui được gặp bạn nhưng cảm thấy căng thẳng và hồi hộp lo âu, vì nó có nghĩa anh phải thay đổi chương trình đã soạn ra cho ngày hôm ấy, mà thay đổi việc đã định làm anh không yên lòng. Neil phải trấn an, giúp cho anh dịu xuống.

Chuyện khác là giác quan quá nhậy đối với một số điều. Khi Neil tỏ sự thương yêu bằng cách vuốt ve tay Daniel thì anh cảm thấy khó chịu, đâm ra ngọ nguậy tránh né, và phải giải thích để Neil rõ; nhưng cầm tay nhau, choàng vai nhau thì không sao. Daniel tin rằng nhờ biết yêu, được yêu thương mà anh thay đổi, cởi mở hơn với mọi người và ý thức nhiều hơn về thế giới chung quanh; kinh nghiệm cũng làm anh tự tin hơn về khả năng tăng trưởng và có tiến bộ hơn mỗi ngày.

Ngôn ngữ vẫn là nguồn thích thú đối với anh. Daniel mượn sách học tiếng Tây Ban Nha của mẹ Neil, chỉ tuần sau anh mang trả lại và trò chuyện với bà bằng tiếng này một cách thoải mái làm bà kinh ngạc. Sau đó anh học thêm nhiều thứ tiếng khác. Cảm xúc của anh đối với ngôn ngữ hoàn toàn thuộc về mỹ quan, chữ và sự phối hợp các chữ có nét xinh đẹp và đầy kích thích với anh. Đôi khi anh đọc tới đọc lui một câu trong sách nhiều bận, vì chữ trong câu cho anh cảm giác đặc biệt trong lòng. Danh từ là loại chữ anh ưa thích, vì anh dễ tượng hình nó nhất.

Giống như nhiều người tự kỷ, Daniel có ký ức bằng hình (xin đọc thêm Tự Kỷ và Trị Liệu trong mục Tài Liệu, nói về việc suy nghĩ bằng hình) rất trội, khi đọc một câu hay chữ viết trong sách anh nhắm mắt lại, thấy nó trong đầu và nhớ như in không sai chạy. Trí nhớ anh kém hơn nếu chỉ nghe chữ hay câu và không thấy nó trên giấy. Khi có vốn ngữ vựng rồi thì chuyện trò với người bản xứ giúp anh cải thiện giọng nói, cách phát âm và hiểu nghĩa.

Mặt khác có những điểm trong ngôn ngữ khó cho anh. Daniel thấy khó mà hiểu chữ trừu tượng, với mỗi chữ anh tạo ra một hình ảnh trong trí để giúp hiểu nghĩa. Thí dụ chữ 'complexity - phức tạp' làm anh nghĩ tới bím tóc có nhiều sợi tóc riêng rẽ kết lại thành toàn khối. Chữ 'triumph - chiến thắng' thì anh vẽ trong đầu chiếc cúp lớn mầu vàng mà ai vô địch trong cuộc tranh tài thể thao đạt được; còn chữ 'fragile - mỏng manh' làm anh nghĩ tới ly thủy tinh; chữ 'fragile peace - hòa bình mong manh' thì có hình con chim bồ câu bằng thủy tinh. Hình ảnh này giúp anh hiểu là hòa bình có thể tan vỡ bất cứ lúc nào.

Tính yêu thích ngôn ngữ khiến Daniel tự tạo việc làm cho mình. Cùng với Neil anh mở một trang web dạy ngôn ngữ trên internet năm 2002, trang web thành công khiến anh hết sức hứng thú. Vậy là chót hết anh cũng tìm được việc làm và kiếm ra tiền, việc còn có lợi là anh làm ở nhà không bị lo lắng như khi phải làm việc trong môi trường không thể kiểm soát được và không cảm thấy thoải mái.

Khoa học gia cho rằng có sự liên kết về mặt thần kinh giữa việc hòa hợp mỹ cảm (synaesthetic) và tính sáng tạo ngôn ngữ của thi sĩ và văn sĩ, có vẻ như người có óc sáng tạo có tính hợp mỹ cảm 7 lần cao hơn người trong cộng đồng chung. Ý kiến khác tin là những ý niệm loại cao như số và ngôn ngữ nằm trong các trung khu đặc biệt của não, và tính hòa hợp mỹ cảm có thể gây ra do có liên lạc quá độ giữa các trung khu khác biệt này. Việc 'chạm dây - crossed wiring' có thể dẫn tới vừa tính hòa hợp mỹ cảm vừa khả năng mạnh mẽ liên kết các ý tưởng tựa như không liên hệ gì đến nhau, thí dụ mầu sắc với chữ, hay hình dạng và số.

 

 

Đọc  Số  Pi

 

Năm 2003 lúc 24 tuổi, Daniel tính ra 20 năm đã trôi qua từ trận động kinh lúc nhỏ, và anh muốn làm một việc để chứng tỏ là động kinh không ảnh hưởng bất lợi cho anh. Anh muốn gây quỹ cho  Hội về Động Kinh tại Anh, và có dự tính là đọc trước công chúng những số lẻ của số Pi (3,1416 …) trong toán học theo đúng thứ tự, vào ngày Pi Quốc Tế 14 tháng 3 mà cũng là ngày sinh nhật của Einstein. Đích nhắm của anh là phá kỷ lục đang có tại Âu châu nên đặt ra giới hạn là 22.500 số lẻ, tính ra anh có ba tháng để học thuộc lòng chúng, và buổi đọc được tổ chức tại bảo tàng viện Lịch Sử Khoa Học tại Oxford.

Pi là số vô tỷ (irrational number) có nghĩa nó không thể viết như là tỷ số của hai số nguyên, đó cũng là số vô hạn, tức những con số lẻ sau dấu phết bên phải sẽ kéo dài vô tận nên không ai có thể viết số Pi chính xác dù có bao nhiêu trang giấy. Thế nên bất cứ trị số nào của Pi được đưa ra cũng chỉ có tính phỏng chừng. Vấn đề đầu tiên cho Daniel là làm sao tìm ra được 22.500 số lẻ, vì đa số sách vở chỉ ghi vài chục hay vài trăm số. Anh và Neil vào internet và cuối cùng tìm ra trang web của một máy siêu điện toán của Nhật trữ hàng triệu số lẻ của Pi; trang web này trở thành nguồn cho kế hoạch của hai người.

Neil in số ra giấy, cứ 1.000 số cho một trang, tiện cho Daniel mỗi lúc học một trang; số lại được chia thành nhóm từng 100 số cho dễ đọc gọi là một câu. Khi nhìn vào chuỗi số trí óc anh bắt đầu chứa đầy mầu sắc, hình dạng và tính chất hợp chung lại thành cảnh trí bằng hình luôn luôn đẹp đẽ đối với anh. Muốn nhớ lại số nào anh chỉ việc trở ngược lại những hình dạng và tính chất khác nhau trong đầu, và từ cảnh trí đọc ra số. Cảnh trí thay đổi tùy theo những con số, thí dụ nếu một số rất sáng đi trước một số khác tối đậm thì anh sẽ tượng hình chúng riêng biệt với nhau, còn số nào trơn nhẵn có số khác cũng trơn nhẵn theo sau thì anh sẽ nhớ chung cả hai.

Chuỗi số Pi kéo dài làm cho cảnh trí càng lúc càng trở nên phức tạp, chồng chất lên nhau như đồi núi chập chùng lên đèo xuống dốc, cho tới lúc chúng thành nguyên một vùng trong trí anh, gồm toàn những số. Cứ hết mỗi 100 số thì khung cảnh thay đổi với hình dạng mới, mầu sắc và tính chất mới hiện ra. Diễn trình cứ thế tiếp tục mãi bao lâu anh còn gợi ra số trong trí. Mỗi lần anh có thể học hằng mấy trăm con số mà cũng rất căng thẳng.

Buổi đọc số Pi còn là để gây quỹ cho Hội về Chứng Động Kinh. Tới ngày, Daniel mang theo chuối, chocolate và nước vào phòng để ăn uống lấy sức trong lúc đọc. Trong phòng, đối diện với anh là bàn dài với giấy in những số lẻ của Pi, cho các giáo sư của phân khoa toán thuộc đại học Oxford tình nguyện kiểm lại các con số trong lúc anh đọc. Phần việc của họ là theo dõi buổi đọc và bảo đảm là nó hoàn toàn chính xác;  trên tường có đồng hồ bắt đầu vào lúc anh đọc, để công chúng khi vào xem có thể biết là anh đã đọc được bao lâu.

Tới giờ, Daniel ngồi vào ghế bắt đầu đọc và người kiểm soát dò theo trên trang giấy từng số một. Cảnh trí bằng số trong trí anh hiện ra và thay đổi theo chuỗi số. Phòng yên lặng hoàn toàn và Daniel thấy rất bình tĩnh, hơn mười phút sau anh đọc hết 1.000 con số đầu, ngưng lại uống nước rồi tiếp tục. Dần dần người ta vào phòng đông hơn nhưng ai nấy giữ yên lặng, ban đầu anh có hơi e ngại là sẽ thấy bối rối khi dọc trước mặt nhiều người, nhưng hóa ra là anh gần như không để ý tới họ vì trọn tư tưởng chìm đắm vào lượn nhịp nhàng và liên tục của những con số.

Luật của buổi đọc là anh không nói hay tương tác với bất cứ ai trong suốt buổi, những lúc nghỉ được định sẵn cho anh phục sức. Sau hơn hai tiếng anh đọc được 10.000 số và cảm thấy bắt đầu yếu, cảnh trí trong óc khởi sự lu mờ vì mệt dần. Daniel hy vọng không hóa yếu tới mức không làm xong việc. Tới 16.000 con số có một lúc anh thấy trí não trống trơn, không có hình dạng, mầu sắc, tính chất, hoàn toàn không có gì. Anh chưa bao giờ thấy cảnh này, làm như đang nhìn vào một lỗ đen. Daniel nhắm mắt lại, thở vài hơi sâu rồi thấy đầu tê đi một chút và trong khoảng tối đen mầu sắc bắt đầu tuôn ra trở lại và anh lại tiếp tục.

Năm tiếng đồng hồ trôi qua, anh thấy kiệt sức và mừng là đã gần tới cuối, anh có cảm tưởng như chạy điền kinh marathon trong đầu, đến 4.30 chiều thì xong. Tính ra anh đọc 22.514 số lẻ của số Pi không sai sót trong 5 giờ 9 phút, đặt kỷ lục tại Anh và Âu châu. Ảnh hưởng của giới truyền thông sau đó lan rộng mạnh mẽ hơn là anh và cơ quan tổ chức ước đoán, trong mấy tuần sau anh được phỏng vấn luôn trên báo và truyền thanh của nhiều nước. Câu hỏi hay đặt ra là tại sao học nhiều số lẻ như vậy ? Anh đáp rằng số Pi đối với anh đẹp đẽ tuyệt vời và là vật hết sức độc đáo. Tựa như bức tranh Mona Lisa hay khúc nhạc giao hưởng của Mozart, Pi có lý do riêng của nó làm ta ưa thích.

 

 

Phim  Tài  Liệu  Brainman.

 

Thành công này dẫn tới việc một đài truyền hình làm phim tài liệu về Daniel, họ có ý định này một phần vì khả năng lạ lùng của Daniel, mà một phần cũng do anh có thể đối phó được với sự quan tâm của công chúng và giới truyền thông về anh, nhắc lại là đa số người tự kỷ thấy khó mà tiếp xúc, nhìn vào mắt người khác, đừng nói tới việc cho phỏng vấn và trả lời hết người lạ này tới người kia. Phim tài liệu có tên là Brainman họa lại tên phim Rainman trước đó cũng về đề tài tự kỷ với tài tử Dustin Hoffman.

Phim có đoạn quay tại Mỹ, các giáo sư  tại đây muốn kiểm chứng khả năng của anh bằng cách kêu anh làm vài phép tính trong đầu, trong khi đó họ dùng máy tính để kiểm lại. Chuyện khác là họ đọc cho anh nhiều số và hỏi xem chúng có phải là số nguyên tố, Daniel làm trúng hết cả hai việc. Một thí nghiệm đáng chú ý là Daniel được cho xem trên màn ảnh máy điện toán những số lẻ của số Pi mà có vài số chín bị lén đổi thành số sáu. Ngón tay anh có gắn những điện cực, họ muốn xem thay đổi như vậy có sinh ra ảnh hưởng gì.

Khi nhìn vào chuỗi số trên màn ảnh, Daniel bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nhăn nhó mặt nhiều lần vì anh có thể thấy là vài phần khung cảnh bằng số của mình bị vỡ làm như chúng bị đập hư. Máy đo ghi nhận có trồi sụt, cho biết anh sinh ra phản ứng sinh lý khi con số bị thay đổi. Đáp ứng này làm khoa học gia thấy lạ lùng, họ xem anh là cơ hội ngàn năm một thuở để nghiên cứu về cách làm việc của não bộ; Daniel thì không biết trả lời ra sao với nhận xét đó. Kế tiếp toán truyền hình đưa anh tới Las Vegas ... đánh bài. Anh ngồi vào sòng bài, ban đầu chơi chưa quen nhưng sau vài ván hóa dạn dĩ và cuối cùng ăn đứt chủ sòng.

Phần kế của phim tài liệu là anh học tiếng Băng Đảo (Iceland) trong một tuần tại đảo quốc này, được mang tới đây trò chuyện với người trên đảo để tập phát âm, sau đó là cuộc phỏng vấn bằng tiếng ấy trên truyền hình Băng Đảo. Daniel lo lắng mà cũng tự tin trước buổi phỏng vấn, tuy không biết họ sẽ hỏi gì. Hàng trăm ngàn khán giả theo dõi trên truyền hình khi anh trả lời những câu hỏi trong 15 phút bằng ngôn ngữ chỉ mới học một tuần qua. Cảm giác thật khó tả mà Daniel thấy lạ hơn nữa là người ta hiểu được anh nói chi !

Phim tài liệu Brainman được chiếu tại Anh năm 2005. Công chúng đáp ứng nồng nhiệt với Daniel và anh hân hoan nghĩ  rằng chuyện của mình đã giúp được nhiều người. Từ đó tới nay có lắm thay đổi cho anh. Khi còn nhỏ anh không cảm thấy gần gũi cha mẹ và các em, giản dị là vì họ không nằm trong thế giới của anh, nay sự việc khác hẳn, anh ý thức là gia đình thương yêu và làm bao chuyện cho anh trong những năm qua. Daniel càng lớn thì mối liên hệ với gia đình càng trở nên tốt đẹp.

 

 

 

Soạn theo 'Born on a Blue Day' by Daniel Tammet. 2006.

Bài tóm lược bài này được đăng trong Tập San số 5 – 2006.