CHO  CON  ĐI  TRỊ  LIỆU 

 

Đừng so sánh con với trẻ khác. Nguyên tắc chung là vậy tuy nhiên cũng có ngoại lệ.

 

Một bà mẹ nói rằng nhờ so sánh con với trẻ khác cô mới nhận ra có gì đó không ổn và đâm nghi ngờ. Cô mới có con đầu lòng nên không có kinh nghiệm, khi mang con tới nhóm các bà mẹ có con nhỏ, cô thấy trẻ không phát triển như em khác đồng tuổi. Tuy vậy bác sĩ phủ nhận lo ngại này, giải thích rằng mỗi trẻ phát triển theo mức khác nhau. Về sau cô nghĩ nếu không nhờ so sánh cô sẽ không biết tình trạng con tệ đến bực nào, và đưa ý kiến là nên biết cách quan sát thay vì chỉ nhìn để xem con hơn thua chúng bạn ra sao.

 

Biết cách nhìn thì nhiều việc sáng tỏ. Bạn học được hành động tiêu biểu của trẻ đồng lứa với con, nhìn các trẻ tương tác, chơi đùa giúp bạn biết hành vi nào thích hợp ở tuổi ấy. Hiểu ra thì cha mẹ có thể đặt đích nhắm cho việc trị liệu của con, hiểu được tại sao chuyên viên dạy điều này hay kia. Có những điều trẻ tự nhiên làm như kêu to 'Coi con nè mẹ !' khi đi cầu tuột, hoặc xòe bàn tay đánh vào lòng bàn tay người khác tỏ ý hân hoan 'Số dách !'. Tuy nhiên hành vi ấy lại không tự nhiên đối với trẻ tự kỷ, chúng không nhìn người khác, không biết bắt chước nên không biết làm, do đó bạn cần phải dạy. Từ đây bạn hiểu ra rằng một số lớn điều ta nghĩ ai cũng biết thì không phải vậy, mà phải dạy trẻ tự kỷ, và khi dạy thì chia làm nhiều bước nhỏ liên kết nhau.

 

Cha mẹ còn so sánh khi mang con đi trị liệu, như sau một năm học chỉnh ngôn (speech therapy) thấy trẻ khác vào học cùng lúc nay biết nói nhiều hơn con thì đâm ra ganh tị, rồi ngã lòng  tuyệt vọng. Hay ngược lại thấy con  có tiến bộ hơn thì có thể vui mừng khoe khoang. Phản ứng nào cũng không đúng, và nhất là không công bằng vì mọi trẻ dù khuyết tật hay không có mức phát triển riêng không thể so sánh. Cha mẹ thấy con không bằng ai, nhưng thầy cô nhận xét rằng trẻ có tiến bộ nhiều điều như dứt tật ăn vạ trước mỗi bữa ăn, chịu ngồi yên tới cuối bữa; em cũng chịu nhìn vào mắt người khác. Đó là những điều gần như  bất khả lúc đầu năm mới vào học. Rồi em cũng mất đi tật tự kích thích như phẩy tay, lắc lư không ngừng. Bây giờ em chịu chơi trò với bạn.  Nghe kỹ thì cha mẹ thấy con có phát triển rất đáng kể, họ nhận ra là đã chú tâm quá đáng vào trẻ khác mà quên không thấy con học giỏi như thế nào.

 

Bạn có thể gặp cha mẹ có tánh ganh đua, nói cho con theo trị liệu tên này hay kia để trộ bạn, hỏi bạn mang con đi những trị liệu nào, con bạn nói được mấy chữ, hay đã được chuyển từ trường đặc biệt sang trường bình thường chưa. Tốt nhất là làm ngơ với thủ đoạn như vậy, nó chẳng  ích gì cho ai. Bạn hãy có chọn lựa, chọn việc chú tâm vào con và thành đạt của trẻ dù nhỏ dù lớn. Sách vở dạy rằng khi ta tập trung tư tưởng vào việc gì thì nó trở thành động lực trong đời ta, để ý chuyện bất lợi thì ta trở nên bi quan mà nếu đó là chuyện tích cực thì ta trở nên lạc quan.

 

Khi bạn chú mục vào thiếu sót của trẻ, vào chuyện mà con không thể làm được lúc này, thiếu sót hóa lớn bội phần trong trí bạn lấn át mọi điều hay khác của con. So sánh với trẻ khác là phí phạm năng lực vì nó vẫn không thay đổi sự phát triển của con khi trở lại thực tế . Hãy dồn năng lực cho con, vào mục đích nhắm tới, vào những tiến bộ nhỏ trong năm và mọi chuyện tốt đẹp khác của con, đó mới là việc quan trọng trong đời sống thực, so sánh chỉ là ao ước viễn vông không thực tế. Còn nếu con bạn phát triển hơn trẻ khác cùng lớp, hãy nhận biết cảm xúc hãnh diện, vui mừng cho con, và áy náy cho trẻ khác mà không cần phải hạ mình vì con hay thấy có lỗi với cha mẹ trẻ kia. Và chớ nên khoe khoang con bạn vì nó thiếu tế nhị và gây tổn thương người khác.

 

Kết Quả của Trị Liệu.

 

Điều nên biết ngay là không có gì bảo đảm trị liệu sẽ thành công cho con bạn, hay thành công như với trẻ khác. Mỗi trẻ đều khác nhau và học theo mức khác nhau, có em hợp với cách này và tiến bộ mau lẹ, em khác không có thay đổi đáng kể (xin đọc chuyện George và Sam trong tập san 2005). Chỉ có thời gian mới cho biết đây là trị liệu đúng cho con bạn hay không. Kết quả có thể không đến ngay vì vậy cha mẹ nên thực tế, vài tuần hay vài tháng học chỉnh ngôn (speech therapy) thì chưa đủ để con biết nói, một hai tháng tập cơ năng trị liệu (occupational therapy) chưa chắc sẽ giúp con biết điều hợp chân tay để leo, nhẩy. Ý kiến nói là nên cho con học ít nhất hai tháng trước khi quyết định muốn tiếp tục hay thôi.

 

Có khi trị liệu cần thay đổi mới cho kết quả tối đa, thí dụ ban đầu học chỉnh ngôn thì một thầy một trò nhưng khi em phát triển đôi chút thì học trong nhóm có lợi hơn, nhóm cho em cơ hội tương tác, tập kỹ năng tiếp xúc, trò chuyện, làm bạn mà học một mình sẽ không có. Đôi khi con đáp ứng mau lẹ mặt này hơn mặt kia,  cha mẹ kể tháng đầu tiên học chỉnh ngôn trẻ chỉ ngồi làm thinh dòm miệng cô giáo, để cô nói suốt buổi. Nhưng khi sang cơ năng trị liệu thì nhập cuộc ngay, chịu làm mọi động tác trong lớp dạy. Thầy cô sẽ cho bạn hay rằng tiến bộ với Sarah là biết nghe và làm theo yêu cầu 'Đứng lên', 'Ngồi xuống'; với Jake thì đó là ngồi yên một chỗ chơi ghép hình 5 phút, với Robby nói tía lia mà quay mặt chỗ khác là biết nhìn vào mắt cô khi cô nói chuyện.

 

Hãy tập nhìn ra những thành quả nhỏ, không đáng kể với ai khác mà đầy ý nghĩa cho bạn và con. Sau một tháng Jake chịu ngồi yên không khóc suốt buổi học là thắng lợi nhỏ; khi em biết vỗ tay, vẫy tay, nói 'Hello' lúc năm tuổi thì đó là thành công lớn; Sarah chịu để cho ôm là tiến bộ quan trọng, và Robby biết ngẩng đầu, quay lại lúc nghe gọi tên thì cha mẹ mừng hơn trúng số. Như đã có ghi, bạn cần ngồi học với con vì lẽ học thì phải tập, phải hành ở nhà, con bạn không nhớ mấy sau buổi học do đó bạn là người cần nhớ để ôn lại với con khi về nhà. Chuyên viên quan tâm đến sự tiến triển của con bạn cũng muốn có bạn ngồi trong lớp vì cùng lý do. Tuy nhiên có trẻ không chịu học lúc cha mẹ có mặt, vậy thì hãy đặt máy quay video trong phòng và bạn coi lại phim sau đó. Còn nếu chuyên viên muốn dấu nghề, không bằng lòng cho bạn ngồi trong buổi học hay thâu hình thì đi tìm người khác.

 

Phản ứng của con trong lúc học không nhất thiết muốn nói là trị liệu hợp hay không. Trẻ không thoải mái, kêu la nhiều khi chỉ có nghĩa là em bị bắt làm điều không muốn, chưa quen, chưa hiểu nên phản đối. Mà con ngồi yên thì cũng chưa chắc là em chịu học, hay chỉ dẫn vô đầu. Khi tới giờ học con có thể ôm cứng chân bạn, khóc thảm thiết như sắp bị tra tấn; hãy nghĩ con không bị nguy hiểm hay bị đau đớn mà chỉ vì chuyện mới lạ đối với trẻ. Em không thoải mái nhưng rồi sẽ quen. Màn khóc la có thể kéo dài mấy tuần, nhưng quả thật là trẻ quen dần và rồi mong tới giờ học, chịu ra mở cửa khi nghe chuông, biết cười yên lặng chào, để thầy cô nắm tay dẫn đi. Đây là kinh nghiệm chung của nhiều cha mẹ, cho hay ban đầu có chống đối mạnh mẽ nhưng sau một lúc thì êm xuôi. Họ kể có em còn cắn chuyên viên, ngồi thu lu trong góc phòng không nhúc nhích, hay lăn ra sàn không chịu ngồi dậy. Về sau tất cả đều thích học và có phát triển.

 

Đừng nghĩ rằng cho con đi học chỉnh ngôn, cơ năng trị liệu, chịu tốn phí cao là đủ mà cha mẹ phải tích cực trau dồi kỹ năng em đã học, bằng cách áp dụng ở nhà bất cứ khi nào thuận tiện. Thí dụ trong buổi học người trị liệu hỏi 'Em muốn gì ?' và Jake phải chỉ tay vào vật như ly nước, cái xe, nói tên của vật thì mới được cho. Jake học làm vậy khi ấy nhưng cha mẹ phải nhồi thêm vào trong ngày mới mong cử chỉ trở thành thói quen. Có nghĩa Jake vào bếp muốn uống sữa thì phải chỉ tay, mẹ sẽ hỏi 'Con muốn gì ?' và chỉ đưa ly khi con nói 'Sữa'.

 

Đây là những điều bạn có thể tự soạn, nghĩ ra dạy con ở nhà. Kế đó, đừng phân biệt là con có tự kỷ thì bạn không muốn biết về trị liệu cho hội chứng Down hay ngược lại. Sự thực là những bệnh do não khiếm khuyết thường có vài điểm giống nhau, bạn có thể học được từ trị liệu cho hội chứng Down nhiều điều áp dụng tốt đẹp cho tự kỷ. Chót hết có trị liệu là điều tốt nhưng nó không sao thay thế việc dạy con. Sách vở cùng đồng ý một điều, là dù có trị liệu bao nhiêu thì việc quan trọng nhất và bảo đảm mang lại kết quả nhất  vẫn là cha mẹ dạy con, bền bỉ kiên trì  cùng năm tháng.

 

 

Theo The Autism Sourcebook, by Karen Siff Exkorn, 2005.