CHỨNG TỰ KỶ 

 

Chương  Bẩy:  Tính  Dục

 

Tuổi Dậy Thì                                                                                         
Dạy Ở Nhà                                                                                            
Dùng Hình                                                                         
Ngôn Ngữ                                                                          
Chu Kỳ                                                                                           
Thủ Dâm                                                                                        
Phòng Riêng/ Nơi Công Cộng       
An Toàn                                                                                         
Vệ Sinh Cá Nhân                                                   
Cảm Quan                                                                          
Tình Thân Nam Nữ                                    
Hành Vi 'Không Thích Hợp'

 

Trẻ con học về tính dục từ lúc rất nhỏ cho dù cha mẹ không nói với con về việc ấy; mà nhiều điều em học được lại sai lầm, gây hoang mang và đáng sợ. Thêm vào đó môi trường chung quanh với sách báo, truyền hình, internet đầy dẫy hình ảnh, quảng cáo về tính dục, chuyện đời tư của tài tử thì chúng ta càng phải nói chuyện với con về tính dục và sự liên hệ, để giúp em hiểu vấn đề và không lo lắng. Đó là cho trẻ bình thường, với trẻ tự kỷ có hiểu biết khiếm khuyết thì việc hiểu rõ ràng về tính dục lại càng quan trọng hơn nữa.
Nó có nghĩa việc chuyện trò thông thường hằng ngày và giao tiếp ngoài xã hội có thể dẫn tới hiểu lầm, rối trí hay bực dọc, và đòi hỏi cha mẹ phải dành nhiều giờ để giải thích thế giới hỗn độn và kinh sợ này cho em nghe về tuổi dậy thì, tình thân nam nữ. Chuyện không dễ và khó nói vì nhiều lý do như tôn giáo, giá trị đạo đức và văn hóa của ta. Bài dưới đây có ý tổng quát chung cho chứng tự kỷ gồm nhiều lứa tuổi, vì vậy bạn cần thay đổi chút ít cho hợp với con và tuổi của em.
Trước hết, nói chuyện cởi mở về sự phát triển tính dục của con có thể giúp phá tan điều cấm kỵ, làm đề tài  không còn bí ẩn, giảm sự hoang mang, lo lắng hay sợ hãi, cho những cách mới để học và chia sẻ ý kiến, phương thức. Bạn cần nhìn tới việc là ngày kia con sẽ thành thiếu niên rồi người lớn.
Kế đó, nhìn nhận rằng phát triển tính dục là tiến trình bình thường, mọi trẻ nhỏ đều phát triển tính dục. Đó là một phần lành mạnh của việc trưởng thành, điều quan trọng là hiểu việc ấy và tránh sự tức giận, bài bác hay trừng phạt. Bạn nên xem hành vi tính dục như là một phần của việc phát triển xã hội của con, và rồi hỗ trợ việc học có hành vi tính dục thích hợp, theo cùng cách như  ta hỗ trợ việc học tất cả những hành vi xã hội thích hợp khác.

1. Tuổi Dậy Thì
Ở trường, trong chương trình học từ tiểu học đến trung học, dù là trường bình thường hay trường đặc biệt các em đều có môn về tính dục và mối liên hệ, tình thân. Nó bắt đầu ở cấp mẫu giáo bằng việc giải thích về liên hệ trong gia đình; khi học sinh được chín tuổi thì có việc giải thích tuổi dậy thì, bởi có vẻ như  ngày nay nhiều trẻ tới tuổi dậy thì sớm hơn so với thế hệ trước. Do đó, cha mẹ nên đi theo tiến trình ở trường để sự việc được thuần nhất.
Nói chung là vậy, cho riêng trẻ tự kỷ các em thường cần thời gian dài hơn để tự chỉnh và hiểu về những thay đổi trong đời em, thế nên với câu hỏi khi nào thì nên nói chuyện với con về tuổi dậy thì, cha mẹ cần quyết định là con mất thời gian bao lâu để nắm vững ý. Bạn có thể xem là một hành vi riêng biệt hay thói quen nào đó cần sửa đổi, như con cởi quần áo bất ngờ vào lúc không thích hợp. Kinh nghiệm thấy là tập cho con trước tuổi dậy thì quen với hành vi chấp nhận được trong xã hội thì hay hơn là để lâu về sau mới tập.
Về giải thích ra sao về tuổi dậy thì, bạn có thể chuẩn bị cho con từ hồi nhỏ bằng cách luôn luôn sẵn sàng để thảo luận với em những thắc mắc em có về cơ thể. Cách ấy làm em hiểu rằng tuổi dậy thì không phải là điều gì đáng xấu hổ, giúp em tự tin hơn. Hãy kiên nhẫn với nhiều câu hỏi ngượng ngùng khác mà em có thể hỏi bạn, điều này đặc biệt quan trọng với trẻ có tật hỏi đi hỏi lại hoài một câu, dù đã được trả lời trước đó nhiều lần; em khác thì cứ hỏi mãi 'Tại sao', làm như chưa hề được nghe giải thích.
Nếu có điều gì bạn không biết, cách tốt nhất là nói thật với con:
- Mẹ / Ba không biết, mình vào internet / kiếm sách xem họ nói gì.
Thà rằng nói như thế còn hơn là trả lời cho qua trong khi chính bạn mù mờ, vì khi ấy bạn làm con hoang mang thêm với câu trả lời không rõ ràng của bạn.
Khi khác, nếu con muốn hỏi một câu vào lúc không thuận tiện, bạn nên có sẵn câu trả lời tủ mà mọi người trong nhà có thể dùng, thí dụ:
- Hỏi hay lắm, nhưng để về nhà rồi mình nói chuyện.
Và rồi nhớ trả lời câu ấy khi về nhà, bằng không con có thể ngần ngại không muốn nhắc hay hỏi bạn nữa.

Hỏi Trường.
Trước khi bắt đầu có việc giải thích mọi điều ở nhà, có lẽ bạn nên nói chuyện với trường về em sẽ học điều gì trong lớp. Khi làm việc chung với trường, bạn sẽ bảo đảm được là có sự thuần nhất và xuôi thuận giữa lời giải thích ở nhà và ở trường. Lại nữa, lợi ích của việc tìm hiểu điều gì dạy ở trường là bạn có thể nghĩ bài dạy trong lớp không thích hợp cho con; nó có thể là đi quá mau, và đòi hỏi học sinh có hiểu biết sẵn vài điều. Có những chuyện mà trẻ bình thường không cần cố gắng học cũng biết nhờ quan sát, suy luận, hiểu các luật bất thành văn mà ấy lại là điều bất khả cho trẻ tự kỷ. Em cần được chỉ cho thấy hành vi và giải thích ý nghĩa, chẳng hạn em không hiểu các điều sau:
- Có bạn, làm bạn, tìm bạn
- Tình bạn
- Tình thân, mối liên hệ
- Dư luận, hoặc người khác nghĩ gì về hành vi này hay kia.
Nếu thấy cần, bạn có thể đề nghị việc hợp tác với trường để bảo đảm là con hiểu các ý niệm nói trên.

2. Dạy Ở Nhà.

● Dùng Hình.
Có đề nghị là bạn hãy bắt đầu bằng cách nói về chu kỳ sống cho con nghe, vì nó cho ý niệm căn bản về phát triển và tuổi đời thay đổi, trong đó có giai đoạn cho tuổi dậy thì. Ta có thể dùng hình chụp của người trong gia đình ở các lứa tuổi, và con có thể so sánh sự khác biệt về nét mặt, tuổi và chiều cao của anh em họ, anh em ruột, cha mẹ, cô dì chú bác, ông bà v.v. Đặc biệt bạn có thể chú trọng vào chính mình, cho con thấy hình của bạn lúc nhỏ và trong những chặng đời kế tiếp; rồi dùng hình của chính con, từ lúc em mới sinh cho đến bây giờ. Sinh hoạt này làm con có chút hiểu biết về khi nào tới tuổi dậy thì trong đời; điều này quan trọng vì ta không thể nói rõ ngày giờ lúc tuổi dậy thì xẩy ra cho em.
Bạn có thể vẽ phác họa đường nét chính của thân hình và ghi ra những phần khác nhau của cơ thể. Cho mỗi phần bạn có thể liệt kê những thay đổi sẽ có, từ chiều cao tăng thêm cho đến việc có lông mọc ở bộ phận sinh dục. Khuyến khích con thấy hào hứng về các thay đổi ấy, như nói về vài lợi điểm của việc trưởng thành:
- Được tự mình chọn kiểu tóc
- Chọn kiểu y phục
- Tự đi phố
v.v., những điều gì mà con ưa thích. Cách khác nữa là đo chiều cao của em thường hơn, so sánh nó với chiều cao của người khác trong nhà, khiến con cảm thấy việc lớn hơn và bước vào tuổi dậy thì là chuyện tích cực, không có gì đáng lo. Trẻ cần ý thức về cơ thể của mình nên với trẻ nào có tật nặng và chậm hiểu biết, bạn có thể dùng trò chơi về cảm quan để làm con ý thức các phần trên người, và ý thức về chính mình. Điều này quan trọng để cho em hiểu có những phần cơ thể không ai được đụng chạm tới, em có quyền nói 'Không'.
Một số sách dùng hình giải thích rõ ràng về tuổi dậy thì và tình thân nam nữ, đưa ra nhiều ý tưởng và sinh hoạt hữu ích mà bạn có thể dùng cho con. Các trang web thì có sinh hoạt cho phép con tương tác nhiều hơn, như  có đồ hình mà một phần của cơ thể nổi bật khi bấm vào đó. Trang web
bbc.co.uk/science/humanbody/
body/index.shtml?lifecycle
cho thấy những phần trên cơ thể nam và nữ thay đổi trong tuổi dậy thì, gây thích thú cho em nào thích về sinh học và thiên nhiên.
Bạn cũng có thể nhờ bác sĩ gia đình nói chuyện với con, đặc biệt là với câu hỏi ngượng ngùng là tại sao có những thay đổi ấy, nhất là khi con bạn muốn có lời giải đáp chính xác, đầy đủ và khoa học. Một số trẻ có hội chứng Asperger và trẻ tự kỷ khả năng cao (high functioning) thuộc loại này, nếu muốn bạn có thể kêu con vào website nói trên để tìm hiểu thêm:
bbc.co.uk/science/humanbody/body/articles/
lifecycle/teenagers/sexual_changes.shtml
Khi con lớn hơn, bạn có thể lấy hẹn với y sĩ để có khám tổng quát và nói chuyện về sức khỏe tính dục. Nó có thể là cơ hội cho con cảm thấy thoải mái hỏi y sĩ về cơ thể của mình.

● Ngôn Ngữ.
Cho dù dùng tài liệu hay phương pháp gì, bạn có thể thấy cần phải cẩn thận để con không sinh ra ý niệm thiếu thực tế về cơ thể của mình, hay của người khác phải giống như thế nào. Thí dụ có thiếu niên xem hình ảnh trên truyền hình hay sách báo, internet và tin rằng cơ thể của em phải có bắp thịt cuồn cuộn hoặc mảnh mai như tài tử mà em ưa thích, và khi không được vậy thì em thất vọng. Ý thức đúng là điều quan trọng, bởi lòng tự tin của thiếu niên nói chung bị xáo trộn trong giai đoạn tuổi dậy thì, nay thất vọng có thể làm con giảm thêm lòng tự quý chuộng mình, lòng tự tin, và đây là khó khăn dặc biệt cho trẻ tự kỷ.
Bạn hãy cẩn thận với cách dùng chữ của mình, vì trẻ tự kỷ có tật hiểu nghĩa đen, hiểu sát nghĩa. Thí dụ khi con trai lớn dần và 'vỡ tiếng', chữ ấy có thể làm trẻ tự kỷ lo lắng nhiều; thay vào đó bạn có thể tìm cách nói khác giản dị hơn như nói là giọng của con thay đổi, hóa trầm hơn. Khi ấy bạn có thể so sánh với giọng của ba/chú/anh lớn của em, và giải thích là giọng người nam thường trầm hơn giọng người nữ.
Có lẽ cũng nên phân biệt cho con thấy giữa chữ gọi chính xác các phần trên thân thể, với chữ mà con có thể nghe ở sân chơi. Làm vậy tránh cho con bị rối trí khi nghe người khác nói những chữ này, và ngăn trước để con không vô tình nói sai khiến chúng bạn chọc ghẹo. Kế tiếp, cho con hay các bộ phận này là phần kín đáo, riêng tư; dạy rằng ở trường có nghe bạn bè nói tới những phần ấy thì con không phải góp chuyện.
Ngoài việc cơ thể có thay đổi hình dạng khi con lớn, trẻ còn cần hiểu về những phát triển như có kinh nguyệt, dương vật căng cứng và mộng tinh (xuất tinh trong lúc ngủ). Có thể con cần được trấn an  vì thay đổi ấy đặc biệt gây lo lắng, hoang mang; cha mẹ chỉ cần nói rằng các điều này là diễn biến thông thường trong cơ thể, và ai cũng trải qua các điều ấy. Con gái có thể tưởng là em sẽ bị xuất huyết mà chết, con trai thì nghĩ là mình tè dầm và ngần ngại không muốn nói cho ai hay.
Cha mẹ có thể trấn an con rằng đó là việc bình thường bằng cách cởi mở, như dành riêng khoảng thời gian để lắng nghe không ngắt lời, cho con nói về điều làm em lo lắng. Bạn cũng có thể so sánh chuyện ấy với những chất dịch khác mà cơ thể tiết ra, như vẽ đường nét thân hình rồi chỉ cho thấy phần nào của cơ thể sinh ra nước mắt, mồ hôi, nước tiểu và tinh dịch. Làm vậy có thể giúp em hiểu nhiều hơn về cách cơ thể làm việc.

● Chu Kỳ.
Khi giải thích chu kỳ kinh nguyệt với con gái, bạn sẽ cần cho em thấy các sản phẩm thích hợp khi có kinh nguyệt. Những món này có thể cất trong ngăn tủ đặc biệt trong tủ quần áo của con, hoặc trong nhà tắm để em biết chắc là vật có đó khi em cần. Bạn cũng nên cho con hay em phải tới gặp ai ở trường nếu kinh nguyệt lần đầu xẩy ra ở đó, thí dụ như cô y tá của trường.
Chẳng những cho em thấy băng vệ sinh hay tampon, bạn còn cần dạy con gái cách dùng vật bằng cách mở gói lấy ra một băng và chỉ cho con cách đặt băng, những điểm đặc biệt của băng để giúp con nhớ cách đặt cho đúng. Nếu em cần dùng hình, bạn có thể dùng lịch để giúp con chuẩn bị khi sắp đến chu kỳ, làm vậy khiến em đỡ lo lắng. Một cách nữa là khuyến khích con luôn mang theo cuốn sổ nhỏ có ghi những chi tiết cần thiết, nó làm con được trấn an vào những lúc không có bạn bên cạnh. Nó cũng tập cho con có độc lập, và có thể dùng theo nhiều cách khác nhau trong suốt đời con.

● Thủ Dâm.
Đây là hành động thông thường cho trẻ trong tuổi dậy thì, cha mẹ nên chuẩn bị để nói về điều ấy với con, để em không bị lo lắng về chuyện em làm. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là hành động này hết sức riêng tư. Kế đó hãy đặt luật về khi nào và ở đâu (chỉ làm trong phòng riêng và tuyệt đối cấm ở nơi công cộng) được làm vậy.
Trang web
bbc.co.uk/science/humanbody/body/articles/
lifecycle/teenagers/erections.shtml
mô tả mặt sinh học của việc căng cứng dương vật. Khi cùng với con trai xem phần này và video trình bầy cách bộ phận sinh dục phát triển, bạn có thể trấn an con rằng chuyện đang xẩy ra cho cơ thể của con cũng là điều xẩy ra cho tất cả những cậu trai và đàn ông khác. Khi nói với con về việc căng cứng, bạn cũng cần giải thích cho em rõ về mộng tinh.
Điều quan trọng là con bạn biết cách lau rửa thân hình sau đó, bạn có thể cho con khăn, giấy lau thích hợp. Trong trường hợp mộng tinh, bạn có thể dặn con cho hay để nếu cần thì thay khăn trải giường. Nếu con thấy khó nói chuyện ấy, bạn và con có thể soạn ra dấu hiệu bằng tay hoặc hình ảnh trên tấm thẻ mà con có thể cho bạn thấy, để biết chuyện gì xẩy ra. Xin đọc thêm trong quyển Chứng Tự Kỷ: Tuổi Thiếu Niên và Trưởng Thành.

● Phòng Riêng/ Nơi Công Cộng.
Trong lúc dạy cho con biết những điều về tuổi dậy thì, bạn cũng cần chỉ dẫn cho con về những ai mà trẻ có thể cho hay bất cứ lo lắng nào mà em có, thí dụ như cha, mẹ, y sĩ, và y tá ở trường. Chuyện khác là con phải biết phòng nào là phòng riêng và phòng nào là chỗ công cộng, và hành vi nào cần phải giới hạn ở chỗ sau. Không phải ở nhà là có sự riêng tư hoàn toàn và chỉ khi ra phố mới là nơi công cộng, vì phòng khách, phòng ăn ở nhà cũng là chỗ công cộng, mọi người lui tới. Có hành vi chỉ làm được ở trong phòng riêng của mình, thí dụ như thủ dâm.
Để làm cho việc rõ ràng, bạn có thể dùng hình vẽ bảng cấm là vòng tròn mầu trắng trên nền đỏ có vạch chéo ngang qua, dán hình lên nơi nào con không được phép có hành vi không thích hợp như phòng khách, phòng ăn, ngoài vườn, sân v.v.; tương tự vậy, dán bảng mầu xanh là nơi con có sự riêng tư. Hãy dạy thêm rằng 'phòng riêng' không có nghĩa ấy là nơi thích hợp cho đủ mọi loại sinh hoạt tính dục; đặt ra luật trong nhà là ai cũng phải gõ cửa phòng ngủ trong nhà trước khi bước vào, và bạn cần cho khách đến chơi biết luật ấy.
Tuy thế, cho dù có qui củ, thông lệ (khiến con có sinh hoạt bận rộn luôn trong ngày), sinh hoạt lý thú và hỗ trợ bằng hình, hành vi bất ngờ cũng vẫn xẩy ra nên bạn cần chuẩn bị cho việc có thể có hành vi không thích hợp. Cha mẹ nên hiểu rằng việc khiếm khuyết khả năng giao tế của trẻ có nghĩa loại hành vi này sẽ thỉnh thoảng xẩy ra. Em không phân biệt được có chuyện chỉ có thể làm ở trong nhà mà không thể làm ngoài phố, không có ý niệm về sự kín đáo, riêng tư.
Bạn cần tính trước để không bị kinh ngạc hay tức giận, thay vào đó ráng làm ngơ nếu được, và nhìn chỗ khác; nghĩ cách thay đổi khung cảnh sao cho hỗ trợ việc con bị khó hiểu về tương tác xã giao, thí dụ có thêm qui củ và thông lệ, cho luật bằng hình tích cực rõ ràng, cho thưởng có tính thúc đẩy và dùng cách thưởng bằng hình.

● An Toàn.
Ý niệm về sự riêng tư có thể mở rộng sang việc chuyện trò về cách giữ cho con an toàn. Bạn có thể cùng với con viết chuyện, mô tả trường hợp có thể xẩy ra khi ai đó xử sự không thích hợp đối với con, và nếu con lo lắng về hành vi người khác đối với em, em cần cho cha mẹ hay thầy cô hay, thí dụ vậy. Đặc biệt cha có thể nhấn mạnh cho con trai biết là không nấn ná ở toilet công cộng, khi có ai nói chuyện với em. Cha hãy làm gương cho con thấy:
- Mình làm xong việc thì đi ra, không trò chuyện trong toilet.
Đi bơi cũng thế, bạn dạy con lo chuyện của mình và không dòm người khác đang thay quần áo, hay đang tắm vòi sen. Con không đụng vào thân thể ai và người khác cũng không đụng chạm vào thân thể của em. Em cần được dạy là phải cài cửa phòng vệ sinh ở nơi công cộng, hay phòng thay quần áo ở hồ tắm, và học cách làm vậy. Xin đọc thêm phần An Toàn trong chương V quyển Tự Kỷ và Trị Liệu: Chỉ Dẫn cho Cha Mẹ trang 260-286, hay trên trang web của nhóm Tương Trợ.

● Vệ Sinh Cá Nhân.
Trong giai đoạn dậy thì, người ta cần chú ý nhiều hơn về mặt vệ sinh cá nhân. Trẻ tự kỷ cần được làm cho biết về những thay đổi này, và hướng dẫn có hành vi thích hợp như dùng thuốc xịt khử mùi hôi (deodorant), tắm thường xuyên và gội đầu cho thường hơn. Không những cha mẹ cần giải thích tiến trình thực sự thí dụ như cạo râu thì làm làm sao, mà còn phải giảng rõ lý do phải làm vậy. Ấy là vì người tự kỷ không hiểu luật nằm đằng sau chuyện đó; thí dụ em có thể chỉ hiểu là phải tắm vòi sen vì nó một phần của thông lệ hằng ngày, và nếu thông lệ thay đổi vì bất cứ lý do nào, em thấy không cần phải tắm. Chuyện có thể làm bạn bè không thích và em bị chê bai.
Để giúp con bạn có thể soạn một bảng liệt kệ những công chuyện phải làm trong ngày như tắm rửa, dùng thuốc khử mùi hôi, cạo râu; làm xong chuyện nào thì làm dấu vào bên cạnh trên bảng. Cách ấy sẽ bảo đảm là con xong mỗi chặng trong việc sáng dậy chuẩn bị đi trường.

● Vấn Đề về Cảm Quan
Việc trưởng thành và giao tiếp với người khác phái có những vấn đề riêng của nó. Thí dụ nếu con gặp khó khăn về xúc giác, không muốn ôm, đụng chạm ai và cũng không muốn ai ôm hôn, đụng chạm mình, điều này có thể ảnh hưởng đến tình thân nam nữ tương lai. Cha mẹ có thể giúp làm cho con bớt nhậy cảm bằng cách ngồi gần con, tùy theo con chịu được tới mực nào. Từ từ tăng dần việc tiếp xúc đụng chạm với người của trẻ như chạm vào tay con một lúc ngắn, rồi tập con chịu cho cha mẹ ôm; mới đầu ôm nhẹ, xa xa, chỉ một giây; sau đó ôm gần hơn, rồi ôm chặt, ôm sát người và lâu hơn. Nếu được thì tập con cho bạn hôn, qua những giai đoạn như trên; có khi phải mất nhiều tháng hay nhiều năm mới thành công.
Tuy nhiên, xin nhắc lại là đừng bắt con phải chịu đựng cảm giác nào mà em không thấy thoải mái, cũng như em có thể chịu để cha mẹ ôm mà không cho ai khác ôm. Em cũng có thể không sao hiểu được hoàn toàn những lý do phức tạp tại sao ta ôm nhau, và ôm khi nào. Trẻ tự kỷ có thể ôm, hôn nhưng chỉ như là một phần của thông lệ đã học, thí dụ như mẹ thích được ôm khi đi làm về.
Một số người lớn tự kỷ tả lại lòng yêu chuộng hay cần đến một vật đặc biệt, như nói rằng ưa thích vật trong nhà người ta nhiều hơn là ưa thích chính những người ấy. Có lẽ họ thấy vậy vì ta có thể tiên liệu đồ vật sẽ như thế nào, và chúng vững bền, tin được, không giống như con người thay đổi lúc buồn lúc vui. Nếu nhìn theo quan điểm của người tự kỷ thì ta hiểu được tại sao họ nghĩ như vậy.

● Tình Thân Nam Nữ.
Khi con qua tuổi dậy thì, bạn có thể thấy cần nói chuyện với con về tình thân nam nữ. Con không chừng đã có ý niệm sinh học về vấn đề qua bài học ở trường. Tuy vậy bạn có thể muốn nhấn mạnh thêm ở nhà các hiểu biết đó. Bạn có thể tiếp xúc với trường để bảo đảm là có sự thuần nhất về điều dạy ở trường cũng như ở nhà, tránh cho con không bị hoang mang.
Có nhiều sách vở viết về đề tài này cho bạn chọn lựa, cũng như trên internet có những website trình bầy việc. Tùy theo mức hiểu biết của con và ý muốn của bạn mà cha mẹ có thể đề cập nhiều điều như thử nghiệm cổ tử cung (smear test), ngừa thai, bệnh truyền do đường tình dục v.v. Một đề nghị là dùng cách viết chuyện (Social Story) giải thích việc đi khám ở phòng mạch và gặp y sĩ hay y tá; cách khác là dùng sách có hình.
Người trẻ tự kỷ thường cần được phát triển kỹ năng giao tiếp để có thể duy trì tình bạn, tình thân có ý nghĩa. Nó là chuyện khác bạn phải dạy cho con và có nhiều sách vở, trang web giúp cha mẹ. Ta không đi vào chi tiết ở đây về việc tìm bạn hoặc cách giao tiếp với người khác phái, bạn có thể đọc thêm về đề tài này trong những sách nhóm Tương Trợ đã xuất bản.

● Hành Vi 'Không Thích Hợp'.
Chữ 'không thích hợp' thường là nhận xét của người bình thường nghĩ về hành vi của người tự kỷ. Điều nên nhớ là chứng tự kỷ cho khiếm khuyết về giao tiếp, ảnh hưởng đến khả năng hiểu thế nào là hành vi được chấp nhận trong xã hội. Em không hiểu trọn vẹn nên không màng đến các qui luật bất thành văn, không cảm thấy phải tuân theo luật so với người bình thường.
Với đa số thiếu niên tự kỷ, hành vi về tính dục được em xem như là bất cứ hành vi nào khác, không bị ràng buộc bởi qui ước trong xã hội; vì thế ý niệm này cần được xét tới khi hành vi không thích hợp lộ ra. Nhiều phần em không có ý gì khi chạm vào ngực phụ nữ; có một số lý do khiến em làm vậy mà không liên quan gì đến tính dục như ta tưởng:
- Thích nhìn thấy gương mặt lộ vẻ kinh ngạc, hoặc
- Giọng nói ngăn cấm cho em cảm giác thích thú,
- Em muốn biết phần ấy của cơ thể cho cảm giác ra sao khi sờ vào.
Bởi xã hội không chấp nhận hành vi này, điều quan trọng là phải ngăn chặn hành vi càng sớm càng tốt. Cha mẹ và trường học có thể dùng cách viết chuyện, vẽ hình để tìm xem trẻ tự kỷ nhìn sự việc ra sao, và mô tả hành vi thích hợp tức em nên làm gì trong trường hợp ấy:
- Người ta chào hỏi bằng cách bắt tay.
Bạn cũng có thể dùng hình Vòng Tình Thân (Circles Concept) để diễn tả bằng hình hành vi thích hợp trong xã hội, cách này có thể dùng cho bất cứ tình trạng nào. Nói về phản ứng đối với hành vi, đề nghị đưa ra là nên có sự bình thản và giọng nói ôn tồn được chừng nào tốt chừng ấy.  Ta nên nhớ rằng đáp ứng giận dữ, kinh ngạc hay trừng phạt có thể có nghĩa là hành vi sẽ xẩy ra trở lại ! Chẳng những vậy, nó cũng có thể diễn ra
- nhiều lần hơn (thường hơn khi trước),
- với cường độ mạnh hơn ('tệ' hơn trước kia),
- lâu hơn (một khoảng thời gian dài)

Cách đối phó được khuyên là không nên có trừng phạt, mà thay vào đó dạy và thưởng kỹ năng mới. Cho riêng mình thì bạn có thể tính trước để không bị kinh ngạc hay tức giận, xong ráng làm ngơ nếu được và nhìn chỗ khác.

Về lâu về dài kinh nghiệm thấy những điều sau hữu ích:
- Ngăn ngừa hành vi càng sớm càng tốt trước khi tật hóa tệ hơn.
- Đặt ra luật bằng hình rõ rệt ngay từ đầu khi hành vi mới chớm và áp dụng chặt chẽ, bởi càng để lâu tật càng ăn sâu và khó trị.
- Tập kỹ năng mới và có thưởng.
- Văn hóa Việt Nam khiến cha mẹ thấy ngượng ngùng khó nói về tính dục với con tự kỷ, và ai thiếu hiểu biết còn nghĩ con khuyết tật không có phát triển về tính dục. Đây là ngộ nhận lớn lao có thể gây tai hại cho con và cho bạn. Cha mẹ cần biết là khuyết tật nói chung không ảnh hưởng đến tính dục, và trẻ khuyết tật có phát triển tính dục bình thường, vào cùng lúc như các trẻ khác; chỉ có mặt trí tuệ và tình cảm của em là phát triển chậm. Vì thế bạn cần chuẩn bị để dạy con càng sớm càng tốt về tính dục, tránh khó khăn về sau cho em.

Chót hết, hãy để ý và khen tất cả các hành vi thích hợp, không phải chỉ riêng hành vi mà ta nhắm tới; Nen tập làm ngơ những chuyện nhỏ; một lý do tại sao hành vi khó chịu tiếp tục vì nó được chú ý quá nhiều, và hành vi thích hợp được chú ý quá ít !