CHỨNG TỰ KỶ 

 

Chương  Bốn:  Những  Tật  Chính (tt)

 

– Tương kế tựu kế, áp dụng sự si mê.
Angela thích lục thùng rác. Thay vì chặn đứng hành vi, em được cho việc làm đều đặn là chia rác ra những phần để tái chế biến (chai thủy tinh, giấy, plastic), và xem kỹ là rác bỏ vào thùng thích hợp. Giờ cho việc làm được đặt ra cho mỗi ngày, và một điều kiện để làm việc là em mang bao tay khi soạn rác, và luôn luôn rửa tay sau khi làm xong.
Tật si mê có thể được chuyển hướng một cách tích cực để gia tăng kỹ năng và các điều ưa thích, tăng lòng tự tin, mở rộng nhóm giao tiếp của mình. Bạn hãy dùng óc sáng tạo, nhìn tật si mê nào đó và nghĩ cách biến nó thành chuyện khác hữu dụng cho em. Ấy là cách rất hữu hiệu để giải quyết hành vi. Có người nói rằng họ ưa thích vải vóc, ưa thích này được mở rộng mới đầu là sưu tập mẫu vải, dần dần biến thành thủ công nghệ, và rồi may y phục.
Ta ghi thêm thí dụ trong việc dùng sự si mê để phát triển kỹ năng, lòng tự tin và có thêm giao tiếp như sau:
– Óc si mê điện toán có thể mở rộng thành nghề nghiệp về điện toán.
– Ai thích những ngày tháng lịch sử có thể gia nhập nhóm sử học và gặp người có cùng sở thích.
– Lòng ưa thích những âm thanh riêng biệt nào có thể hướng vào việc học một nhạc cụ.
– Tánh thích xé giấy có thể dùng để học kỹ năng tái chế biến giấy.
– Một em thích đếm được cho về nông trại ở, và nông gia giao em việc đếm những hàng bắp, hàng đậu, việc mà em làm rất xuất sắc.

8. Tự Kỷ và Tội Phạm.

Trẻ tự kỷ dễ có can dự vào hành vi tội phạm vì những khuyết tật của em:
- Không hiểu hành vi của chính mình.
- Không hiểu những qui luật trong xã hội.
- Không biết diễn giải ý định của người khác.
Cha mẹ kể lại những chuyện sau:

– Dominic nghe ba mẹ nói là anh có thể có bạn gái khi lên đại học. Ngày đầu tiên đi học đại học gặp một cô gái mà anh cho là xinh xắn, Dominic đi tới ngồi cạnh cô. Hoảng sợ, cô bỏ đi chỗ khác. Trong mấy tuần sau đó anh để ý tìm cô và muốn ngồi gần. Cuối cùng trường đuổi anh vì tội sách nhiễu tình dục.
Chuyện thấy là xẩy ra cho vài trường hợp khác, sự ngây thơ về các qui luật trong xã hội làm hành vi của người tự kỷ dễ bị hiểu lầm là sách nhiễu tình dục.

– Carl gặp một cô gái ở trạm xe lửa và thích cô vì 'cô cười với tôi'. Sáng hôm sau anh trở lại trạm và tìm cách cho cô một kiểu xe lửa mà anh ưa thích. Cô từ chối, nhưng anh khăng khăng với ý định và mỗi buổi sáng tới trạm chào cô mang theo một kiểu xe lửa mới. Anh bị bắt giữ vì bị nghi ngờ là theo dõi cô.
Vấn đề của người tự kỷ là họ không hiểu khác biệt giữa sự tốt bụng và lôi cuốn.

– Jake thích xe hơi và bị bắt vì ăn cắp xe. Sự việc là một băng thanh niên đã khuyến khích anh lấy xe, bảo rằng họ đã nói với chủ xe rồi nên không sao đâu.
– Mary đi xe bus và có người hút thuốc trên xe. Cô bảo họ có luật cấm hút thuốc, khi họ nói 'Cút đi', cô dằng điếu thuốc của họ và vứt bỏ. Có sự xô xát và rồi người này té xuống u đầu, cô bị bắt về tội hành hung.
Bởi người tự kỷ khả năng cao như Mary, Dominic hay khả năng thấp như Carl, Jake đều gặp khó khăn về giao tiếp và hiểu ý người, họ đều dễ bị hại trong cảnh tương tác đòi hỏi có hai kỹ năng ấy. Chuyện khó hơn cho Mary và Dominic khi xét theo tiêu chuẩn thông thường, vì họ biết ăn nói và bề ngoài không lộ ra khuyết tật.
Cơ quan thi hành công lực vài nơi bắt đầu nhận ra điều này, cũng như cha mẹ người tự kỷ vận động để nâng cao ý thức về tình trạng. Dầu vậy, cách thực tiễn nhất là ngăn ngừa, cho con có cách báo cho nhân viên công lực hay về khuyết tật của mình. Hội tự kỷ các nơi có mẫu thẻ gọi là 'Attention Card', hay 'Autism Alert Card', ghi chi tiết của người tự kỷ để trình ra khi có chuyện. Bạn cũng có thể tự làm lấy một thẻ cho con và bao plastic, trên đó ghi những số điện thoại cần thiết để cảnh sát liên lạc với bạn, và luôn luôn cho con mang theo trong túi. Xin đọc thêm phần An Toàn trong quyển Tự Kỷ và Trị Liệu: Chỉ Dẫn cho Cha Mẹ có nhiều ý thực dụng.

B. Ngôn Ngữ.

Vì một số lớn trẻ tự kỷ chậm nói hoặc không biết nói, một trong những ưu tiên hàng đầu của cha mẹ là tập cho con nói. Chuyên viên chỉnh ngôn cho lời khuyên là hãy duy trì môi trường giàu ngôn ngữ chung quanh em. Lý do là chúng ta học ngôn ngữ bằng cách bắt chước, và trẻ nào thường xuyên không được tiếp xúc với người khác biết nói chuyện, sẽ phát triển ngôn ngữ chậm hơn. Cha mẹ và chuyên viên cần tích cực tìm kiếm khung cảnh thích hợp, để cho em tiếp xúc với cách nói chuyện tiêu biểu và việc chuyện trò thường ngày.
Cha mẹ có thể nghĩ mình là người ít lời, không quen nói chuyện xã giao với người lạ, nhưng điều gì ta xem là chuyện thường lại có thể mang ý nghĩa khác với trẻ. Thí dụ cha mẹ đi mua sắm ở cửa hàng và nhờ người bán hàng chỉ dẫn, chuyện nhỏ như vậy có thể được trẻ tự kỷ thán phục, vì em không biết mở đầu câu chuyện hoặc hỏi để nhờ giúp đỡ. Cha mẹ có thể thực tập với con. Nói chuyện dù dài hay ngắn là kỹ năng được tập luyện cho trẻ bình thường lẫn trẻ tự kỷ, và bất cứ kỹ năng nào muốn được giỏi dang khéo léo thì chỉ có một cách duy nhất là thực tập không ngừng.
Nhận xét thấy là môi trường chúng ta sống tại Úc và những nước kỹ nghệ càng ngày càng có ít tiếp xúc giữa người với người hơn, thí dụ một số cửa hàng để cho khách hàng tự kiểm đồ mua, tự trả tiền không cần thâu ngân viên; vào thư viện mượn hay trả sách cũng có máy cho người ta tự làm lấy, và nếu ra máy rút tiền ở ngân hàng thì bạn cũng không phải mở miệng vì không nói chuyện với ai. Vì vậy, nếu dạy con tập nói thì bạn phải tích cực tìm kiếm những cách, cơ hội, khung cảnh cho con tập nói với người khác, khuyến khích con trò chuyện hoặc nghe họ nói.
Những cuộc chuyện trò ngắn có vẻ tầm thường lại thực ra đặt nền tảng cho việc có thể nói chuyện với người khác mặt đối mặt. Duy trì một môi trường giàu ngôn ngữ thường ngày là một trong những cách tốt nhất mà cha mẹ và thầy cô có thể làm, để nuôi dưỡng việc phát triển ngôn ngữ và việc chuyện trò. Sau đây là vài cách giản dị cho việc ấy:
– Sáng thứ hai viết giấy hay viết trong sổ liên lạc ba chuyện mà con làm ở nhà hồi cuối tuần. Yêu cầu thầy cô hỏi chuyện cho em nói về ba điều ấy. Ở nhà thì trả lời con mỗi lần em hỏi bạn, cho con thấy bạn coi trọng bất cứ chuyện gì mà em hỏi.
– Cho trẻ nào không biết nói thì cha mẹ được khuyên bắt chước âm mà con phát ra, dù nó không có nghĩa đối với bạn. Đừng sợ con nghĩ là bạn cười nhạo con khi làm vậy, vì nó không phải như thế. Nhiều phần em sẽ nghĩ là bạn đang lắng nghe, và bắt chước tiếng của em làm để cho biết là có lắng nghe em.
– Hát cũng là một cách nói. Nếu con học bài hát dễ dàng, hãy dùng ưu điểm ấy để tăng cường kỹ năng ngôn ngữ. Giải thích về những chữ mới trong bài mà có thể em không hiểu.
– Đừng sửa văn phạm hay cách phát âm chưa đúng, chưa gọn, mà bạn hãy làm gương bằng cách phát âm và dùng chữ đúng.
– Đặt ra luật nói chuyện hai phút. Bảo cho con hay là bạn muốn nói về sinh hoạt của con ở lớp ngày hôm đó, hay đề tài gì mà con thích. Cho con hai phút để chuẩn bị tư tưởng, rồi chuyện trò trong hai phút. Nên có sẵn khuôn mẫu để con quen thuộc và không lo lắng. Kèm với câu hỏi 'Hôm nay con làm gì ở trường', hãy hỏi con cảm thấy gì. Như vậy trẻ có cơ hội tìm hiểu, diễn tả cảm xúc của em ngoài hành động, và cho bạn biết nhiều hơn về kinh nghiệm của em trong ngày.
– Đặt ra luật ngưng hai giây để trả lời. Người trong nhà có thể nói rào rào mau lẹ, và trẻ tự kỷ không đủ sức theo kịp. Để làm chậm lại việc trao đổi và cho con cơ hội tốt hơn để tham dự, hãy có luật là chờ hai giây trước khi trả lời.

● Nhái Lại (Echolalia).
Hành vi khác thường hay thấy nhất về ngôn ngữ là tật nhái lại lời người khác, nó có thể là cuộc chuyện trò của ai khác mà em được nghe, hoặc trong băng video, bài hát, quảng cáo trên radio hay truyền hình, sách đọc lớn tiếng, v.v.
– Em có thể nhái lại một phần hoặc lập lại trọn cả đoạn quảng cáo hay phim đã nghe, đôi khi với cách nhấn giọng y hệt.
– Nhái lại có thể diễn ra ngay lập tức sau khi vừa nghe, hoặc trì hoãn một thời gian rồi mới lập lại điều đã nghe (giờ, ngày, tháng, năm) trước đó.
– Trong cách phát triển bình thường của ngôn ngữ, trẻ có thể sinh ra tật nhái lại; tuy nhiên tật giảm bớt khi trẻ bình thường biết nói giỏi lần. Nơi trẻ tự kỷ, tật xẩy ra thường hơn, và kéo dài lâu hơn một khoảng thời gian, vì em gặp khó khăn đáng kể trong việc tập nói một cách tự nhiên.
– Nhái lại là cách trẻ xếp đặt thông tin nhận được. Trẻ tự kỷ diễn giải thông tin như là trọn 'khối' mà không kể đến những chữ riêng rẽ trong câu. Khi xếp đặt lại câu, em cũng xếp đặt các chi tiết liên quan đến cảm quan và cảm xúc. Về sau khi gặp cảnh ngộ tương tự hoặc khung cảnh cho cảm nhận, cảm xúc tương tự, nó sẽ làm gợi nhớ và em nhái lại điều đã nghe.
Thí dụ em bực với thầy cô về việc phải làm, và nói to 'Go to hell ! – Cút đi cho rảnh !' Cha mẹ cho hay em nghe câu đó trong phim mới coi lúc gần đây, được thốt ra trong lúc giận dữ. Nay tâm trạng em giống vậy và bởi không biết cách đặt câu tỏ ý mình một cách lễ độ ('Em bực, em không muốn làm bài tập này'), trẻ nhái lại câu diễn tả đúng tâm tình của em.
Tật nhái lại nơi trẻ tự kỷ có thể xem là dấu hiệu tích cực cho kỹ năng ngôn ngữ tương lai, biết nói có ý nghĩa. Nó muốn nói là ít nhất trẻ đang tập sử dụng ngôn ngữ, tuy rằng chưa trọn vẹn, khéo léo.

● Khuyến Khích Nói.
Sau đây là vài cách mà người lớn có thể làm để khuyến khích trẻ tự kỷ nói:
– Tạo Cơ Hội cho con nói.
Khi trẻ không thể nói để cho biết nhu cầu của em, người ta thấy làm cho em thì dễ hơn là hỏi xem em muốn gì, thí dụ như tìm giầy và cột giầy cho trẻ; nhưng làm vậy là giảm bớt cơ hội tập cho trẻ tự làm lấy cho mình. Trong trường hợp này bạn có thể hỏi con muốn gì, tập cho em nói còn nếu không nói thì chính bạn nói 'Giầy, cột'. Con có thể phản ứng và tập nói, hoặc không phản ứng và không đáp. Trong trường hợp đó, đừng nản lòng mà tận dụng mọi cơ hội để lập đi lập lại và tập cho con làm.
Điều chú ý là nên chọn những chữ ngắn, dễ phát âm trước, và mới đầu chỉ nói một chữ, rồi đi tới chữ dài hơn, nhiều âm hơn; sau đó hai chữ và không cần đúng văn phạm, v.v. và cũng không cần phát âm phải đúng, ban đầu miễn con cho thấy có ý muốn nói là được, việc phát âm đúng từ từ sẽ tới sau.

– Tập Chơi Chung.
Trẻ tự kỷ cần học tương tác mà không nên để em lúc nào cũng chỉ chơi một mình. Bạn có thể chơi chung với con trong bất cứ chuyện gì con làm, dù là chơi với sợi dây hoặc xếp xe thành hàng. Nếu trẻ tỏ ra tức giận, hung hăng thì xin vẫn tiếp tục trì chí. Tức giận là một hình thức tương tác và tốt hơn là không có tương tác nào. Khi người khác cứ tiếp tục muốn chơi với em, trẻ có thể bắt đầu thấy là tương tác với người khác có khi lại vui.

– Cho Nhiều Giờ hơn.
Nó có nghĩa bạn hãy chậm lại. Dạy trẻ tự kỷ cần nhiều thì giờ hơn trẻ bình thường. Cha mẹ bận rộn có khi muốn dục con làm mau chuyện hằng ngày như ăn sáng, mặc quần áo. Tuy nhiên cần cho trẻ tự kỷ thêm giờ khi làm chúng vì một số lý do. Em có thể không hiểu hết lời yêu cầu vì bị chia trí với kích thích cảm quan, tay chân vụng về không cài khuy áo nhậm lẹ. Cho em thì giờ sẽ giúp trẻ hiểu chuyện gì xẩy ra chung quanh, và nghĩ cách em sẽ nói gì, làm gì với yêu cầu của người lớn.

– Cho Nhận Xét.
Chuyện quan trọng là nhớ thưởng trẻ khi em ráng hiểu và tìm cách liên lạc tỏ ý. Khi làm vậy là bạn tăng cơ may em sẽ thử làm nữa, giản dị chỉ là em muốn lập lại kinh nghiệm dễ chịu là được thưởng. Bạn chỉ cần khen ngắn gọn, mô tả điều em làm được; trẻ có thể liên kết hành động của mình và lời rõ ràng của bạn. Cách này gọi là lời khen có dán nhãn labelling:
- Cột dây giầy giỏi lắm !
- Cài khuy áo đúng lắm !
- Cất sách gọn gàng hay lắm !

Nhận xét khác là khi trẻ tự kỷ luôn có được điều em muốn, dễ dàng đạt được ý mình, thì em thấy không có lý do gì để liên lạc tỏ ý và tương tác. Vì vậy trong nhiều trường hợp người lớn cần tạo cơ hội cho em nói, và khuyến khích có tương tác. Vài cách là:

– Khuyến Khích Hỏi.
Hãy đặt đồ chơi / món ăn / video mà em ưa thích ở nơi em thấy được nhưng không thể vói tới, thí dụ trên kệ cao. Hoặc đặt trong hộp chứa mà em không mở được. Nó sẽ khuyến khích em hỏi để được giúp, cho tương tác giữa em và người khác.

– Đồ Chơi Khó Sử Dụng.
Với đồ chơi và trò chơi cần phải bóp mới chơi được hay phải vặn lên dây, thí dụ phát ra tiếng hoặc làm cho đi, nói v.v. vật sẽ khó cho trẻ chơi một mình, hoặc phải hỏi mới biết chơi, và cũng làm em chú ý. Khi đưa cho em vật, hãy cho em vài phút tìm hiểu cách chơi. Khi em tỏ ra bực bội vì không biết cách chơi, bạn có thể giúp em.

– Đồ Chơi cần Tương Tác.
Bong bóng và thổi bong bóng nước là vật và sinh hoạt dễ làm chú ý và dễ cho hai người chơi. Cách chơi giản dị như thổi bong bóng cho to rồi thả bay lên trời có thể làm em chú ý. Bạn hãy thổi bong bóng nửa chừng và chờ cho em có phản ứng, rồi mới thổi cho to hết mức. Ấy là cách gia tăng tương tác giữa trẻ và người khác. Chuyện cũng tương tự vậy với bong bóng nước, bạn thổi vài bong bóng nước về phía trẻ, khi em chú ý rồi hãy đóng nắp hộp và chờ cho em có phản ứng trước khi thổi thêm.

– Cho Từ Từ.
Nếu cho em hết một lần vật em muốn thì không có lý do gì để em hỏi xin thêm. Bạn có thể tạo thêm cơ hội cho em tương tác bằng cách cho ra đồ chơi hay thực phẩm theo từng chặng, để trẻ tương tác bằng cách cho biết em muốn gì và cần gì. Thí dụ, nếu em muốn bánh thì chia bánh thành vài phần, mới đầu cho một phần rồi từ từ cho thêm khi em tỏ ý muốn có thêm.

– Cho Quyền Quyết Định.
Khi em chơi một trò với người lớn, hãy chơi cho đến khi em tỏ dấu là đủ rồi. Em có thể lộ ra ý như là nhăn mặt từ chối, hoặc đẩy ra xa đồ chơi. Cách này có nghĩa em bị buộc phải cho biết mình muốn ngưng lại. Nếu em không nói để tỏ ý đã chơi xong, bạn có thể nói cho 'Xong', 'Hết' đi kèm với cách tỏ ý không lời của em,và ngưng lại để khuyến khích sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

– Giúp Em Hiểu.
Trẻ tự kỷ thấy khó mà diễn giải thông tin, vì em khó mà hiểu thế giới quanh em, ngay cả khi em hiểu sự việc, em có thể không hiểu chữ đi với sự việc ấy. Có những cách để giúp cho trẻ hiểu người khác nói gì với em. Nói bớt lại và nói chậm rãi. Người lớn có thể giới hạn số chữ khi nói chuyện với trẻ mà vẫn có đủ chi tiết cần thiết. Hãy dùng những chữ riêng cho sự việc đang nói, nhắc lại nó và nhấn mạnh nó, dùng cử chỉ như chỉ tay đi kèm với lời nói. Tóm tắt cho dễ nhớ là
- Nói ít mà nhấn mạnh, nói chậm và chỉ cho thấy, dùng tên em ở đầu câu.
(Say less and stress, go slow and show).
- Khi trẻ chỉ vừa biết nói để liên lạc tỏ ý, bạn nên dùng câu chỉ có một chữ để nói chuyện với em. Thí dụ như nói tên đồ chơi và thực phẩm mà em ưa thích. Khi dùng cách liên lạc này ta cần nói tên của vật ngay khi đưa cho trẻ, nếu em chú ý vào chuyện khác thì chữ sẽ mất đi nghĩa của nó.
- Ngưng lại giữa chữ và câu nói cũng có thể giúp trẻ tự kỷ hiểu người ta nói gì với em. Theo cách đó ta cho em giờ để sắp xếp những gì đã nói với em, và có cơ hội nghĩ ra câu trả lời. Dùng cử chỉ đi kèm với lời nói cũng giúp em hiểu chuyện gì nói với em. Thí dụ như làm cử chỉ uống, ăn v.v. khi đưa cho em ly nước hay thức ăn. Khi nói chuyện với em về người khác nếu có hình của họ đi kèm thì giúp trẻ hiểu rõ hơn, chẳng hạn có hình bà nội cho em thấy khi bạn cho con hay 'Ngày mai bà nội tới chơi'. Đây là kỹ thuật dùng hình, tương tự như thời biểu bằng hình.
- Những cách khác là ngôn ngữ bằng dấu, bảng liên lạc, hình.

● Lý do Chậm nói.
Trẻ tự kỷ thường không biết nói hoặc không biết dùng những hình thức liên lạc tỏ ý khác nhìn vào mắt, ra cử chỉ bằng tay, điệu bộ thân hình. Nếu trẻ không muốn tự ý khơi chuyện em sẽ không tập nói, học các âm thanh mới hoặc lắng nghe tiếng nói chung quanh em. Cuối cùng điều này dẫn tới việc chậm biết nói, và khi không biết nói, em thấy khó mà diễn tả ý mình, làm người khác hiểu được ý em. Hệ quả là trẻ đâm ra bực bội, phá phách.
Trẻ tự kỷ có thể không thấy có lý do gì phải liên lạc, tiếp xúc với người khác, mà khi không có lý do thì liên lạc tỏ ý không có ích gì và cũng không cần liên lạc tỏ ý. Trẻ tự kỷ cũng có thể tách ra khỏi những khung cảnh nào cần liên lạc tỏ ý, và như thế giới hạn cơ hội trò chuyện, và khi không có cơ hội thì không thể có việc phát triển khả năng liên lạc tỏ ý.

● Các vấn đề khác.
Vài điều hay gặp nơi trẻ tự kỷ về ngôn ngữ và cách liên lạc tỏ ý:
– Chuyện vãn.
Trẻ tự kỷ thường không hiểu việc chuyện vãn. Việc trò chuyện dùng lời nói lẫn giao tiếp không lời như cử chỉ, nét mặt, giọng nói, tốc độ nói mau hay chậm, nói trôi chẩy hay nhát gừng.
– Nhái lại.
Thấy khi trẻ lập lại điều em nghe hơn là cho câu trả lời thích hợp cho điều người khác nói với em. Thí dụ:
- Mẹ nói: Hello Mike.
- Mike đáp: Hello Mike.
Khi trẻ có tật nhái lại là em chỉ bắt chước câu nói không mà thôi, cho thấy em không hiểu người khác nói với em điều gì. Vì vậy nhiều phần là việc nhái lại không được dùng để cho thấy ý muốn liên lạc tỏ ý.
– Ngôn ngữ riêng.
Ấy là khi trẻ liên kết một chữ riêng với sự việc hay vật theo cách không giải thích được cho người nghe. Thí dụ Paul hai tuổi hay nghe mẹ hát một bài. Ngày kia khi đang hát, mẹ làm rớt cái chảo. Từ đó mỗi lần thấy cái gì giống như cái chảo thì Paul hát bài đó.
– Hiểu nghĩa đen.
Trẻ tự kỷ thấy khó mà hiểu lời bóng gió, mỉa mai, châm biếm hoặc ẩn ý. Thí dụ ta nói 'Đợi tới tết Congo' thì trẻ sẽ hiểu y hệt như thế mà không hiểu ẩn ý là đừng chờ nữa, chỉ mất công.

● Chuyên viên Chỉnh ngôn.
Công việc của họ là thẩm định, định bệnh và soạn chuơng trình tập luyện để gia tăng tối đa tiềm năng liên lạc tỏ ý của người học. Cho người tự kỷ, chuyên viên soạn cách trị liệu theo vấn đề em có; nhiều phần là họ sẽ làm việc về một trong những điều sau:
- Kỹ năng lắng nghe và chú ý.
- Kỹ năng chơi.
- Kỹ năng giao tiếp.
- Hiểu giao tiếp.
- Hiểu ngôn ngữ.
- Ngôn ngữ biểu lộ.
Bảng liệt kê trên có thể xem không liên quan gì đến việc dạy trẻ tập nói, nhưng điều cần nhớ là trẻ con biết nói, học cách dùng ngôn ngữ thích hợp qua kỹ năng như chơi, và lắng nghe/chú ý tới cách người khác liên lạc tỏ ý. Ta cũng nên nhớ là trẻ nào không liên lạc tỏ ý thì nhiều phần là không nói. Vì vậy chuyên viên chỉnh ngôn khởi đầu thường sẽ chú tâm vào việc làm trẻ liên lạc tỏ ý bằng cách dùng các hình thức ngôn ngữ khác nhau, như ra dấu tay, dùng ký hiệu, dùng hình, thay vì chỉ chú trọng vào việc học nói không mà thôi.

● Ngôn ngữ và chứng Asperger (Asperger syndrome AS).
Trẻ AS khác với trẻ tự kỷ là em không bị chậm nói mà phát triển ngôn ngữ bình thường. Tuy nhiên giống như trẻ tự kỷ, em cũng khó mà hiểu lời nói và nhớ lời dặn dò bằng miệng, cho dù em nói giỏi, miệng liến thoắng thao thao không dứt. Vì vậy, nói chung là khi đưa ra chỉ dẫn, bạn cần nói ngắn, gọn, giản dị. Khi nói chuyện một đối một, đầu tiên làm em chú ý bằng cách gọi tên em, và bởi nhìn vào mắt có thể khiến trẻ cảm thấy không thoải mái, thầy cô không nên đòi hỏi điều ấy. Nhiều em AS cũng thấy khó mà hiểu được ý nghĩa của nét mặt và cùng lúc hiểu lời nói với em, nhất là khi trẻ lo lắng.

 

C. Kỹ Năng Giao Tiếp.

Khiếm khuyết về giao tiếp là một trong những vấn đề chính của chứng tự kỷ, gây ra khó khăn nghiêm trọng cho họ trong đời sống hằng ngày. Khó khăn về giao tiếp thường đi kèm với những tật khác như kỹ năng liên lạc tỏ ý, hành vi lạ lùng và sở thích của họ. Thí dụ việc không biết nói chuyện qua lại là vấn đề về giao tiếp cũng như về liên lạc tỏ ý. Bình thường trẻ thơ rất chú ý vào thế giới và người khác chung quanh em, nhưng trẻ tự kỷ không tỏ ra chú ý đến người khác. Trẻ nhỏ tương tác với ai quanh em bằng cách bắt chước hành động, như người lớn vẫy tay chào thì em cũng vẫy tay, còn trẻ tự kỷ có thể không làm vậy, và cũng không để ý tới trò chơi chung. Biết chơi các trò tự nó không phải là kỹ năng quan trọng trong đời, nhưng khả năng bắt chước là chuyện quan trọng. Chúng ta thường học bằng cách quan sát người khác và làm chuyện họ làm, nhất là trong khung cảnh mới và trong việc học nói, dùng ngôn ngữ.
Người tự kỷ có thể không tương tác theo cách mà đa số chúng ta làm, họ có thể không để ý chút nào tới người khác. Một số, nhất là người có hội chứng Asperger, có thể muốn có bạn mà không biết cách kết bạn. họ không nhìn vào mắt và chỉ muốn chơi một mình.Đa số trẻ tự kỷ cần phải học nhiều mới biết cách thay phiên và chia sẻ. Khiếm khuyết này làm những trẻ khác không muốn chơi với em.
Người tự kỷ có thể không biết cách biểu lộ cảm xúc, không hiểu được cảm xúc của người khác hoặc nói về cảm xúc của chính mình. Kế đó rối loạn về cảm quan như xúc giác nhậy làm họ không muốn bị chạm, hoặc có hành động tự kích thích như vỗ tay không ngưng, có thể làm người khác thấy lạ lùng, không thoải mái khi ở gần họ, làm cho người ta tránh xa ai tự kỷ.
Vấn đề về giao tiếp như không biết trò chuyện, không tế nhị mà nói bất cứ điều gì họ nghĩ cho dù nó không thích hợp, khó thích ứng khi có thay đổi, không biết chải gỡ đầu tóc, đôi khi làm cho người lớn tự kỷ khó tìm được việc ở mức trí tuệ của họ và giữ được việc ấy. Tật lo lắng và trầm cảm nơi một số người tự kỷ làm cho những khó khăn về giao tiếp nặng thêm, và khó giải quyết hơn.
Những kỹ năng giao tiếp mà đa số chúng ta học bằng cách quan sát người khác có thể cần phải dạy trực tiếp cho người tự kỷ. Bởi trẻ và thiếu niên tự kỷ 'khác đời', và bởi vì các em thường rất ngây thơ so với tuổi, chỉ hiểu nghĩa đen, quá tin người, em thường khi bị bắt nạt và dễ bị lợi dụng. Chuyện quan trọng là cần dạy tất cả các trẻ từ tuổi rất nhỏ biết khoan dung và chấp nhận có dị biệt. Cho riêng các em tự kỷ thì rất cần dạy về an toàn cá nhân, và dặn cho em nhớ tới gặp cha mẹ, thầy cô hoặc ai đáng tin nếu cần giúp đỡ.

1. Kỹ Năng Giao Tiếp là gì.
Chúng ta ai cũng dùng nhiều kỹ năng giao tiếp bất cứ khi nào có tương tác, trong đó có những điều sau:
– Trò chuyện, như chào hỏi, dự vào cuộc trò chuyện, thay phiên nhau nói, lắng nghe, nói về một đề tài, ý thức khoảng cách riêng của mỗi người, biết chấm dứt cuộc nói chuyện v.v.
– Chơi, có thể kể là biết quan sát, dự vào cuộc chơi, biết thay phiên, biết chia sẻ, chơi qua lại, nhân nhượng, giải quyết tranh chấp, biết cách xử sự khi nghe nói 'Không', biết cách đối phó khi thua, chấm dứt cuộc chơi v.v.
– Hiểu tình cảm, thí dụ đọc được nét mặt có nghĩa gì, hiểu ý nghĩa của điệu bộ thân hình, ý nghĩa giọng nói/ cách nhấn âm, giọng cao thấp, nói mau hay chậm, ý thức điệu bộ của chính ta muốn nói gì, có chữ để mô tả nhiều cảm xúc khác nhau và không phải chỉ có vui, buồn, giận; biết tự điều chỉnh cảm xúc của mình.
– Đối phó với sự tranh chấp, gồm nhiều kỹ năng như biết nhờ giúp đỡ, cứng cỏi mà không hung hăng, biết bỏ đi khi tình trạng có căng thẳng, biết đối phó khi bị bắt nạt v.v.
– Có bạn, gồm kỹ năng như biết tình bạn là sao, biết chọn bạn thích hợp, phân biệt được ai là bạn thật lòng và ai không, đối phó với áp lực của bạn bè v.v.
Trẻ con phát triển những kỹ năng này sớm trong đời và trong nhiều năm, thường là tự học và không cần nhiều chỉ dẫn. Trẻ thăm dò môi trường chung quanh mình, làm thử để biết trúng sai và học từ kinh nghiệm để giải quyết vấn đề. Các em cũng quan sát bạn chung quanh, bắt chước nhau và tìm cách gia nhập cuộc chơi. Trẻ tự kỷ dường như không học để có kỹ năng giao tiếp như trẻ bình thường, vì vậy cha mẹ cần giải thích các trường hợp cho con để em hiểu.

2. Dạy Điều Chi.
Phần trên cho thấy kỹ năng giao tiếp rất đa dạng, và xem xét kỹ ta sẽ thấy có một trình tự nên theo cho việc học chúng. Lý do là dạy trẻ học cách đối phó với sự tức giận sẽ không có hiệu quả mấy, nếu em chưa hiểu ý nghĩa của những nét mặt khác nhau, và dạy cho em biết ý nghĩa của nét mặt cũng khó mà nếu em chưa biết ngồi yên, chú tâm nghe lời chỉ dẫn và biết chú ý. Vì thế, điều quan trọng là bắt đầu ở mức của em hơn là ở mức mà ta muốn, hay bằng với mức của trẻ cùng tuổi.
Kế đó, đành rằng cha mẹ biết con mình hơn ai hết, nhưng nói chuyện với thầy cô và chuyên viên có làm việc với con bạn cũng là điều hay. Nó sẽ cho bạn biết con có vấn đề nào ở trường, và có chuyện gì hay xẩy ra hoặc đáng để ý. Nếu có tâm lý gia nào chữa cho con thì họ cũng có thể cho nhận xét sâu xa, hoặc còn cho bạn một bảng liệt kê những điều cần quan tâm, hoặc bản thẩm định.
Việc hỏi thêm ý kiến người khác là điều nên làm, khi ta nhớ rằng có những điều trẻ làm ở nơi khác mà không làm ở nhà, do đó thầy cô có thể cho hay những hành vi mà cha mẹ ngạc nhiên nói 'Không, ở nhà cháu không hề làm như vậy'; hoặc cha mẹ cũng có thể khăng khăng là con biết cột giây dầy ở nhà, mà ở trường thì nhân viên chưa bao thấy em tự làm và họ phải giúp em. Ta sẽ giải thích dưới đây nguyên do sự khác biệt giữa hành vi của trẻ ở nhà và ở trường, hay nơi nào khác
Một trong những vấn đề lớn nhất với trẻ tự kỷ về chuyện học là khả năng tổng quát hóa. Với trẻ bình thường, em học một kỹ năng ở nhà rồi có thể áp dụng nó trong nhiều khung cảnh khác nhau. Tuy nhiên với trẻ tự kỷ em không làm được vậy, và bạn có thể phải dạy con học lại kỹ năng trong môi trường mới, với người mới. Thí dụ em vâng lời thầy cô hằng ngày ở lớp, nhưng khi họ vắng mặt và có thầy cô khác thay thế, em có thể nghĩ không phải vâng lời họ. Hoặc ở nhà được dạy không vừa ăn nhồm nhoàm vừa nói chuyện, nhưng khi tới nhà ông bà ngoại thì em làm. Em nghĩ đây là nơi khác, vậy luật học ở nhà không áp dụng ở đây. Việc khiếm khuyết khả năng tổng quát hóa có thể là do thiếu óc tưởng tượng và chỉ hiểu sát nghĩa đen, em học một kỹ năng và không biết hoặc gặp khó khăn trong việc áp dụng chúng vào khung cảnh khác.
Khi dạy, hãy chỉ cho con thấy sự tương tự giữa hai khung cảnh, và liên kết kỹ năng bạn dạy với khung cảnh thực như dùng tên người, đưa thí dụ cho em liên tưởng. Khi đã biết làm thuần thục trong một khung cảnh, tập cho em làm kỹ năng ấy trong các khung cảnh khác nhau càng nhiều càng tốt, càng với nhiều người khác nhau càng hay.

3. Dạy Khi Nào ?
Những điều cần nhớ khi chọn cơ hội để dạy con:
– Đừng dạy trong lúc có căng thẳng. Khi con bạn khổ sở, em khó mà tiếp thu chỉ dẫn mới. Thí dụ, đừng dạy con phải biết chia sẻ khi em ăn vạ vì anh chị em khác không cho em chơi chung đồ chơi.
– Hãy chọn ngày giờ cho kỹ, đừng dạy con vào lúc có chương trình truyền hình mà con ưa thích, hoặc vào ngày trong tuần bạn biết là con đặc biệt bị căng thẳng, thí dụ ngày có thể dục ở trường.
– Giới hạn để buổi học ngắn, và làm cho nó vui vẻ. Thí dụ chỉ một việc nấu ăn cũng có thể gói ghém trong đó nhiều kỹ năng, áp dụng được trong nhiều khung cảnh khác như biết chia sẻ, làm theo lời dạy, lắng nghe, biết chờ đợi (cho bánh nướng vàng !); hoặc chọn sinh hoạt nào mà con bạn có ưa thích đặc biệt.
– Mới đầu chỉ nên có bạn và con một đối một, có thêm ai khác không chừng gây thêm căng thẳng cho con. Nói rõ ra kỹ năng con đang tập: 'Chà, hôm nay con biết chia sẻ, giỏi quá'. Từ từ về sau bạn có thể thêm các con khác trong nhà, hàng xóm, anh chị em họ, bạn cùng lớp.
– Xếp đặt để con có cảm tưởng thành công, làm được việc. Giúp con học kỹ năng mới như nhắc chừng, và từ từ bớt lại không nhắc nữa cho đến khi con tự làm lấy từ đầu tới đuôi. Dàn xếp sao cho luôn luôn học xong một cách vui vẻ, tóm tắt lại những gì con đã học, và đã tiến bộ ra sao.
Thông thường cha mẹ sẽ khen con, ôm hôn, mỉm cười, và điều này rất quan trọng vì trẻ có thể thấy phải cố gắng nhiều khi học các kỹ năng, và cần được khuyến khích nhiều để tự tin vào khả năng của mình, và dám làm hơn. Tuy nhiên, khi trẻ tự kỷ không biết ý nghĩa nét mặt (mỉm cười), việc trừu tượng không sờ mó được (lời khen), và không thích được đụng chạm người (ôm hôn), thì bạn phải nghĩ việc có khen thưởng bằng cách khác cụ thể hơn (chơi game) hay cách mà em thích và hiểu được.
– Nên cho trường biết con đang học gì ở nhà, vì kỹ năng học ở nhà cần được tổng quát hóa. Nhờ trường củng cố khả năng, hỗ trợ nó ở lớp, sân chơi v.v. Nếu con bạn gặp khó khăn với kỹ năng giao tiếp ở nhà thì nhiều phần em cũng bị vậy ở trường. Do đó cho trường hay và nhờ họ trợ giúp em là điều hợp lý, cũng như em phát triển được kỹ năng giao tiếp sẽ có lợi cho trường.
Thí dụ trẻ không biết chào hỏi, không nhìn vào mắt. Cha mẹ dạy con kỹ năng ấy và hứa có thưởng, lập một danh sách những nhân viên em có thể gặp ở trường, cho họ hay để xin hợp tác giúp đỡ. Khi em gặp họ, nhìn vào mắt, nói:
'Hello, Mrs. King, Mr. Bush'
nhân viên sẽ vui vẻ đáp trả:
'Hello Jenny, how are you today ?'
Nhiều phần là em sẽ đi kiếm hết những nhân viên có tên trên danh sách chỉ để thực tập kỹ năng, và về nhà được thưởng. Từ từ, bạn lơi dần phần thưởng và rồi em sẽ tự động làm, không đòi được thưởng nữa.
– Nếu con bạn được cấp trợ giáo ở trường, hãy xem có thể dùng người trợ giáo để củng cố kỹ năng con đã học ở nhà. Thí dụ thông thường con có trợ giáo vào giờ toán, mà bạn biết là con có thể ngồi yên làm bài một mình, trong khi giờ ra chơi con thui thủi không biết cách gia nhập vào trò chơi của bạn khác, hoặc không trẻ nào chịu chơi với con vì em không biết cách chơi. Cha mẹ có thể nói chuyện với trường để sắp xếp lại giờ của người trợ giáo, như họ không cần đến với em vào giờ toán, mà đề nghị họ có mặt với em ở sân chơi vào giờ chơi, và tạo cơ hội cho em thực hành kỹ năng đã học ở nhà. Đó chỉ là cách sử dụng phương tiện sao cho có hiệu quả nhất.
– Cộng đồng.
Cách khác là dùng những sinh hoạt trong cộng đồng để tạo mối thân hữu cho con. Thư viện trong vùng thường có bảng thông tin cho biết có những sinh hoạt gì sắp tới, cũng như là các nhóm thể thao, sưu tập tem, văn hóa, kỹ thuật mà con bạn có thể thích và muốn tham dự. Cách khác là có những trại hè được tổ chức mà con bạn có thể muốn dự. Thường thường đó là trại có tính cách chuyên môn, em có cơ hội gặp người cùng sở thích, được học hỏi nhiều hơn

4. Tập Kỹ Năng Giao Tiếp.

● Nhận Biết Ý Nghĩa Nét Mặt.
– Bạn có thể làm các nét mặt khác nhau bằng cách dùng bánh biscuit tròn và cộng cà rốt làm miệng, hạt nho khô làm mắt. Nói chuyện với con về những cách biểu lộ khác nhau trên gương mặt, khi nào thì bạn có nét mặt ấy hoặc thấy con có biểu lộ đó. Cách khác nữa là dùng đĩa giấy để vẽ mặt.
– Phim hoạt họa là phương tiện rất hay để dạy về những nét mặt khác nhau, vì chúng được phóng đại. Bạn có thể cùng với con xem phim và ngừng ở đoạn thích hợp, trao đổi nhận xét, phê bình, bắt chước nét mặt ấy và đoán xem chuyện gì sẽ xẩy ra tiếp đó.
– Nhiều trẻ tự kỷ chỉ biết chữ vui, buồn và giận để diễn tả tình cảm và không biết chữ nào khác. Hãy bắt đầu với ba chữ này và rồi khai triển ra những cảm xúc khác như ngạc nhiên, hoang mang, hớn hở v.v.
– Chụp hình bạn và con hay người khác có nét mặt biểu lộ rõ rệt một cảm xúc, sau đó cùng với con xem những nét giống nhau trên gương mặt của hai hình, và nói chuyện về cách gương mặt biểu lộ. Đây là cách để giúp con học tổng quát hóa.

● Học Ý Nghĩa Điệu Bộ Thân Hình.
– Những cách trên cũng có thể dùng cho con nhận ra ý nghĩa của điệu bộ; thêm vào đó bạn có thể đóng kịch giả bộ, làm cử chỉ không lời.
– Cùng với con xem tạp chí và cắt ra hình ảnh điệu bộ nào 'tiêu cực' và 'tích cực', cho con bắt chước điệu bộ, giúp con nói lên chữ hợp với điệu bộ ấy. Bạn có thể chụp hình con làm cùng điệu bộ rồi đặt hai hình song song, giúp con tổng quát hóa.
– Tương tự vậy, chụp hình con vào lúc em không để ý cho em thấy người khác nhìn em ra sao, để em ý thức bộ dạng của mình. Như vậy con nhận biết ý nghĩa điệu bộ người khác mà cũng biết về điệu bộ của chính mình.
Có thỏa thuận giữa con và bạn về điệu bộ nên có, và cách kín đáo bạn nhắc nhở con ở chỗ công cộng (như gãi tai, xoa cầm) khi em có điệu bộ thân hình không thích hợp, để con có thể tự sửa lấy.

● Tình Cảm.
– Trước khi dạy con về tình cảm, hãy xem chắc là con đã có những kỹ năng căn bản (hiểu được biểu lộ trên nét mặt, bộ dạng thân hình, nói tên những cảm xúc v.v.) rồi hãy qua phần về động cơ nằm sau tình cảm và hiểu rằng phản ứng tình cảm của mỗi người khác nhau.

– Soạn một bảng ghi những cảm xúc thí dụ A - angry giận, B - bored chán, C - confused rối trí. Bảng từ A-Z cho con thấy có nhiều tình cảm khác nhau. Vài ngày bạn lại nói chuyện với con về một tình cảm, chỉ cho con biểu lộ nó, nói về nó khi con có cảm xúc ấy và bạn đáp ứng, cho con hiểu thêm về đáp ứng và khó khăn của người khác nữa. Kêu con vẽ hình gương mặt khi có cảm xúc ấy và viết tên nó ra.

– Khi đã có bảng ghi những cảm xúc, xếp loại nó và tô mầu mỗi loại một mầu khác nhau, thí dụ tình cảm tiêu cực tô mầu đỏ và tích cực mầu xanh. Trẻ tự kỷ thường học dễ hơn với điều cụ thể, và việc cảm xúc có mầu khác nhau giúp em phân chia và phân loại những tình cảm khác nhau. Khi dạy về cách làm dịu xuống, bạn có thể nói 'Mầu xanh đi vào, mầu đỏ đi ra', để giúp em tượng hình là cảm xúc an ổn đi vào người và cảm xúc bất ổn đi ra khỏi thân thể em.
Điều khác cũng quan trọng là hỏi con thích dùng mầu gì và cho con chọn mầu theo cách của em. Nhiều khi mầu ta chọn không hợp với sở thích của trẻ, hoặc mầu ta không thấy hợp lại rất đúng ý em và giúp em dễ học.

– Dùng hình như vẽ nhiệt kế có thể là cách rất hay để dạy trẻ tự kỷ những mức độ khác biệt của tình cảm. Bạn tạo hình tùy theo mức hiểu biết của con và thay đổi theo thời gian theo mức hiểu biết tăng theo tuổi. Sau đó đặt hình vào chỗ dễ thấy trong nhà như cửa tủ lạnh với hình mỗi người trong nhà trên đó.
Đặt lệ trong nhà là mỗi người đánh giá mình vào những lúc khác nhau trong ngày, và nói về điều ấy trong những lúc khác nhau trong ngày, như khi thức dậy, khi đi học về, sau bữa tối v.v. Trẻ sẽ thấy rằng mỗi người có thể cảm thấy khác nhau vào những lúc khác nhau, và không phải ai cũng cảm thấy giống như em.
Nếu không dùng nhiệt kế thì có hình khác cũng thông dụng là đồng hồ chỉ vận tốc, cái thang hay cây thước, hãy dùng hình nào mà con ưa thích.

– Dùng nhân vật quen thuộc nếu con ưa thích một đề tài nào đó. Thí dụ khi dạy về các mức năng lực, bạn có thể chọn ba nhân vật trong chuyện hay phim hoạt họa mà con thích, với X là nhân vật trầm tĩnh, Y rất náo động, la lối và chộn rộn, Z thì lờ đờ, chậm chạp, ù lì. Dùng ba nhân vật khi nói về hành vi của con như 'Con lăng xăng như Y vậy, con phải chậm xuống một chút để anh hiểu được con', cách nói ấy có thể giúp trẻ hiểu người khác nhìn em ra sao.

– Trò chơi vận động cũng tốt.
- 'Mình nhẩy tưng tưng đi', như là người đang tức bực,
- 'Mình nhẩy dây nhé', như là ai đang vui vẻ,
- 'Mình ngồi yên lặng', như là ai trầm tĩnh.
Cách này giúp trẻ liên kết cảm giác trong lòng với hình dạng bên ngoài, và cũng hiểu ta hành xử ra sao khi cảm thấy gì.
Với tất cả những đề nghị trên, điều hiển nhiên là trẻ phải có ý niệm về một tình cảm trước khi có thể tập nó, thí dụ em không dịu xuống khi được yêu cầu làm vậy nếu chưa biết 'dịu xuống' nghĩa là chi. Em cần biết cảm xúc ấy nhìn giống gì (vẽ mặt, điệu bộ thân hình), cảm thấy như thế nào (người nóng lên / cảm thấy lạnh v.v.) và nghe ra sao, trước khi biết cách thích nghi hành vi của mình.

● Học cách nhập cuộc.
– Xem kỹ là con thực sự hiểu trò chơi là sao. Điều quan trọng là em cần hiểu trong nhiều loại trò chơi sẽ có kẻ thắng, người thua. Một số trẻ tự kỷ không hiểu điều này trừ phi có người thảo luận với em trước.
– Dạy con quan sát và biết cách chọn trẻ nào có thể chơi với em với ưa thích tương tự. Thí dụ, nếu con muốn nói về đá banh thì chọn trẻ nào chơi đá banh, hơn là trẻ đang đọc sách hoặc chơi trò trên máy điện toán. Vài trẻ tự kỷ sẽ tin rằng ai cũng ưa thích điều như em, điều mà em muốn nói về; như thế khi giúp con đoán trẻ nào thích điều gì, em sẽ dễ chọn được bạn thích hợp với mình.
– Dạy con những câu có thể nói khi muốn chơi với bạn, và dượt nhiều lần với em cho thuần thục; cũng như dự trù luôn việc bị từ chối thì sẽ làm gì. Nếu cần hơn nữa bạn có thể viết sẵn vài câu trên thẻ cho con bỏ túi, khi lúng túng có thể lấy ra xem. Tuy nhiên tránh được việc xem thẻ trong lúc trò chuyện thì tốt hơn, bởi trẻ tự kỷ đã có cách ăn nói, đi đứng khác người gây chú ý, nay em có thể làm cho mình bị chú ý nhiều hơn nữa khi dùng thẻ, em có thể bị chọc ghẹo thêm và khó hòa nhập hơn với bạn ở sân chơi.
Cha mẹ có thể cùng với con viết chuyện về cách nhập cuộc chơi, để làm em hiểu thêm phải làm gì.

● Hiểu Trí Người - Theory of Mind (ToM).
Nhận xét thấy là người tự kỷ làm như không biết những qui luật bất thành văn trong việc giao tiếp, và sẽ vô tình nói hay làm những điều có thể gây phật lòng hoặc bực bội cho người khác. Trẻ tự kỷ thấy khó mà hiểu tâm tình người chung quanh, và hiểu rằng những điều em tin tưởng, sở thích và kinh nghiệm có thể khác với họ. Từ đây dẫn đến việc nhiều trẻ có thể gặp chống đối từ người chung quanh, và trẻ có hành vi không thích hợp. Bạn có thể không làm con thực sự hiểu được qua điểm của người khác, nên mục tiêu nhắm tới có thể chỉ là dạy cho con hiểu rằng người chung quanh có suy nghĩ khác với em.
– Cắt từ trong báo hay tạp chí hình các nhân vật nổi tiếng. Nhìn vào hình một người và hình con, nói về hai người khác nhau ra sao, bắt đầu từ khác biệt về hình dạng, lần lần đi tới khác biệt trừu tượng hơn theo mức hiểu biết của em.
– Kế đó, hỏi con là nếu có được một ngày đi chơi với nhân vật này thì em sẽ muốn làm gì và tại sao. Gợi cho con nói điều gì mà người này thu hút em. Và rồi tới phiên bạn chọn, có thể cùng người đó hay người khác và giải thích tại sao bạn chọn họ.
– Tiếp theo là chọn người mà bạn không muốn dành một ngày đi chơi với họ, và thảo luận với con tại sao bạn nghĩ như thế. Đây là một cách hay để cho con thấy người ta có thể gặp cùng một việc, mà nhìn khác nhau như thế nào.
– Hãy tưởng tượng đi vào một cửa hàng và muốn mua gì thì mua. Bạn sắp sẵn kéo, keo, tờ giấy lớn làm poster, tạp chí, sách liệt kê các món hàng catalogue, và cắt dán làm thành tờ poster hình về những điều thích mua. Nương theo đây hãy nói về mỗi người khác nhau thích điều gì, muốn có vật gì, ưa chuộng việc gì hơn, có sở thích khác nhau ra sao v.v.
– Một sinh hoạt thú vị là lấy một vật mà không cho con thấy, như đồ chơi hay đồ dùng trong nhà, để vào hộp và che kín lại. Kêu trẻ thò tay vào một đầu của hộp, mò mẫm một phần của vật và mô tả em cảm thấy gì. Xong kêu người khác đặt tay vào đầu kia của hộp, sờ soạng phần khác của vật và mô tả. Cả hai sẽ so sánh cảm giác khác nhau hay giống nhau, và đó là điểm chính của trò chơi. Người ta có thể có cái nhìn hoàn toàn khác nhau tùy theo thông tin mà họ có và cái nhìn của họ. Kế đó giúp con tổng quát hóa, bằng cách giải thích làm sao chuyện có thể xẩy ra trong đời sống hằng ngày, vì em có thể không tự động nghĩ đến những tình cảnh khác.
– Bạn và con ngồi đâu lưng vào nhau, cho con xem một bức hình và mô tả lại cho bạn vẽ ra trên giấy. Bạn vẽ theo lời mô tả hình của em mà chính bạn không thấy hình. Xong bạn so sánh hình vẽ của mình với hình con xem. Đây là cách rất hay để cho thấy cùng một điều mà hai người hiểu rất khác nhau ra sao, như khi con nói 'Cây to' và bạn vẽ thì cái cây của bạn nhiều phần sẽ không giống với cây trong hình.
Sau đó con và bạn đổi vai, nay tới phiên bạn nhìn vào một hình khác và mô tả cho con vẽ, hai người ngồi đâu lưng và người này không thấy vật mà người kia thấy hay vẽ.
– Nếu con chịu chơi đổi vai thì trò chơi sau rất hay. Hãy vẽ hình vài nhân vật có đặc tính thật rõ nét như lực sĩ quyền Anh, nha sĩ, bé gái, ông lão, cảnh sát, cầu thủ túc cầu, tài tử ca nhạc nổi tiếng v.v., để vào hộp và kêu trẻ lấy ra hai hình. Bạn cho con một cảnh như lực sĩ quyền Anh đi chơi một ngày với bé gái. Họ sẽ đi đâu, làm gì ? Con và bạn sẽ phải soạn một cuộc đi chơi cho hai người với những sở thích và nhu cầu riêng. Cách này tập cho con nghĩ ở vai trò người khác, nghĩ những điều mà bình thường em không nghĩ tới.
Nếu con thích thú vật thì chuyện lại hay hơn nữa. Hãy tưởng tượng con voi gặp con cá sấu, hai con sẽ nói chuyện gì với nhau. Trò chơi vừa tập cho trẻ tự kỷ dùng óc tưởng tượng là điều em yếu kém, vừa cho em học biết về những cái nhìn khác nhau.
– Thảo luận kinh nghiệm hằng ngày cho thấy người ta chọn lựa ra sao, và nêu cho con thấy. Thí dụ như mua quần áo, thức ăn, chọn phim để xem trên truyền hình, chọn chỗ đi nghỉ hè v.v.

● Kỹ năng Trò chuyện / Biết Thay Phiên.
Trẻ tự kỷ thấy khó học kỹ năng trò chuyện vì một số lý do. Người ta không tiên liệu được trò chuyện sẽ diễn ra sao và đi tới đâu, nó còn đòi hỏi phải có đáp ứng liền. Cho nên nhiều trẻ tự kỷ tránh không trò chuyện với bạn đồng lứa, vì em không theo kịp, mà thường nói chuyện với người lớn (họ nâng đỡ em, nương theo em mà đưa đẩy câu chuyện) hoặc với trẻ nhỏ hơn em (chúng không biết nhiều bằng em nên để cho em làm chủ câu chuyện).

– Hãy bắt đầu với kỹ năng căn bản như cách đứng, quay mặt về hướng nào, khoảng cách thích hợp v.v. Tập cho con làm chúng thuần thục.
– Nói chuyện với con về những sở thích của em. Nhiều trẻ tự kỷ có một đề tài đặc biệt mà em chuyên tâm và biết rất nhiều, muốn chia sẻ hiểu biết này với người khác. Tuy nhiên em cần biết rằng nói về đường đi của cá voi ở ngoài biển liên tục trong 20 phút liền thì không mấy ai tỏ ý ham nghe. Giúp con kềm chế tật nói nhiều bằng cách ghi những đề mục khác nhau lên giấy, xếp lại bỏ vào hộp, thí dụ như con vật ưa thích, nơi nghỉ hè thích nhất, phim muốn xem, đồ vật muốn mua, tài tử ưa thích v.v. Bảo em lấy ra một tờ và bắt đầu trò chuyện về đề mục viết trên tờ đó, cách này tập cho em nói về những đề tài ngoài mục mà em ưa thích. Khi nói xong thì bỏ tờ đó và hôm sau bắt đầu một đề mục khác.

– Dạy cho con biết chờ và thay phiên bằng cách dùng vật cụ thể như thanh gỗ chuyền tay. Thanh gỗ đến tay ai thì người đó được phép nói trong năm phút, hết phiên mình thì đưa cho người khác và tới phiên họ nói. Dùng đồng hồ tính giờ timer để cho biết khi nào hết phiên. Bằng cách này em học được luật chờ tới phiên mình nói, và biết lắng nghe người khác.
Điều quan trọng khác là em cần biết có những câu hỏi không nên đặt ra. Nhiều trẻ tự kỷ vì không hiểu được trí người, có thể hỏi những câu không thích hợp như 'Anh làm lương bao nhiêu ?' hoặc 'Sao bà mập quá vậy ?' cũng như em không biết là không nên hỏi 'Cô bao nhiêu tuổi ?' Bạn có thể phải chỉ cho con thấy là hỏi tuổi trẻ con thì được nhưng không nên hỏi người lớn.
Có trẻ tự kỷ nói năng đạo mạo, nghiêm chỉnh như ông cụ non, làm em khác với chúng bạn và có thể bị trêu chọc vì điểm ấy. Bạn nên sửa lại để con ăn nói hợp với tuổi hơn, bằng cách tập với con. Chẳng hạn dạy cho con nói:
– 'That's wicked' thay cho 'Yes, that's very nice'.
– 'Yeah, cool', thay vì 'I would like that'.
– 'Hết xẩy' mà không nói 'Thế thì nhất'.
Con cũng nên phân biệt những cách nói khác nhau trong các trường hợp khác nhau, thí dụ cách nói với bạn trong lớp thì khác với cách nói với ông hiệu trưởng.

– Trò chơi thêm chữ.
Cần hai người để chơi trò này. Một người bắt đầu bằng cách chỉ nói một chữ, thí dụ 'Một', người thứ hai thêm vào đó một chữ khác như 'Ngày', cứ như thế qua lại giữa hai người, mỗi lần chỉ thêm một chữ. Trò chơi đòi hỏi cả hai phải chịu lắng nghe người kia nói gì, và canh cho câu trả lời của mình giữ cho câu chuyện trôi chẩy. Chuyện có thể hóa ra rất kỳ quặc và buồn cười, nhưng là cách rất hay để luyện cho trẻ lắng nghe và đáp ứng ngay.

– Trò chơi cần bàn cờ như chơi cá ngựa là cách rất hay để dạy trẻ biết chờ đợi và thay phiên, cũng như trò chơi dễ thấy, có dấu hiệu rõ ràng cho biết tới phiên, như thẩy con thò lò v.v. và thường là vui.

– Vẽ hình người và bong bóng câu nói. Trẻ cần dùng óc quan sát để hiểu chuyện là về điều gì, và suy đoán coi mình có thể nói gì.

● Làm sai / Thua cuộc / Giải quyết tranh chấp.
Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong cách đối phó với những chuyện này. Nhiều hành vi không thích hợp xẩy ra do có tranh chấp, sinh ra một phần có thể do thiếu kỹ năng giao tiếp, mà cũng do thiếu ngôn ngữ về tình cảm. Nếu em bị bực tức thì la lớn và bỏ chạy, thường dễ hơn là nói 'Tôi không hiểu, tôi cần được giúp'. Kỹ năng này rất khó cho trẻ tự kỷ học và làm được, do những khiếm khuyết của tật và cần trì chí, kiên nhẫn.
– Làm sai.
Trẻ tự kỷ thà vo viên tờ giấy em đã cặm cụi vẽ từ sáng đến trưa và vứt thùng rác, thay vì làm lại. Để giúp đối phó bạn và con có thể xem phim trên truyền hình, để lấy ý là phản ứng ra sao trong những trường hợp giao tiếp. Hoặc bạn có thể thâu băng đoạn phim, bấm nút dừng ở đoạn muốn thảo luận, và nói về điều gì có thể làm kế trong cảnh ngộ ấy.
Vài kỹ năng giao tế cần tập là đến hỏi chuyện người khác, mở lời, mở đầu câu chuyện, thay phiên và chấm dứt cuộc trò chuyện. Giúp con tập bằng cách chơi đổi vai.

D. Cảm Quan.

Hệ thần kinh trung ương của chúng ta sắp xếp tất cả những cảm nhận ta có được nhờ ngũ quan, và giúp ta diễn giải, hiểu và đặt ưu tiên cho các thông tin ấy. Sau đó ta đáp ứng bằng tư tưởng, cảm xúc, cử động (hay hành vi) hoặc phối hợp các điều này. Khắp cơ thể chúng ta có cơ quan tiếp nhận cảm xúc hay kích thích, tay và chân có nhiều điểm tiếp nhận nhất. Ta tự động sắp đặt các cảm nhận trong đa số thời gian mà không cần suy nghĩ mấy; chẳng hạn ta có thể ý thức là màn cửa lay động nhẹ vì có gió, lá cây xào xạc, sóng vỗ rì rầm, hương hoa thoang thoảng, luôn cả tiếng còi xe cứu thương, ánh nắng lấp lánh trên cửa kính, tuy nhiên những cảm nhận này được xem là thứ yếu khi ta phải chú tâm làm một việc gì khác như sửa xe, sơn hàng rào, hoặc học bài. Cảm giác được ghi nhận mà không làm ta chia trí.
Ngược lại, một số lớn người tự kỷ bị rối loạn cảm quan, tài liệu ghi là có đến 90% người như thế gặp khó khăn với việc hòa hợp cảm giác. Họ thấy khó mà diễn giải các cảm nhận thông thường trong cuộc sống hàng ngày, không biết xếp đặt ưu tiên để làm ngơ chuyện nhỏ và để ý vào chuyện lớn, mà coi hai tiếng động quan trọng như nhau.
Trường hợp khác là họ có cảm nhận nhậy hơn hoặc ít nhậy hơn so với người bình thường, thí dụ tiếng máy hút bụi là điều không đáng quan tâm đối với ta, lại có thể ồn quá sức chịu đựng và gây đau đớn cho họ. Hàng vải y phục mịn và êm với người bình thường thì có thể cho cảm giác nhám, khó chịu bực bội làm họ muốn khùng.
Ai bị rối trí về cảm giác và phải luôn tìm cách đối phó với chúng sẽ dễ bị căng thẳng, lo lắng, sinh ra hành vi không thích hợp, như trẻ tự kỷ la hét trong chùa, nhà thờ vì y phục chà xát da làm em khổ sở. Phản ứng khi bị căng thẳng quá mức như vậy dễ bị hiểu lầm là trẻ hư, nhất là khi em không nói được để cho biết điều làm em khó chịu. Do đó, một số vấn đề về hành vi nơi trẻ tự kỷ có nguyên do từ cảm quan hơn là do tánh tình.
Ngoài khó khăn gây ra do não không diễn giải đúng cảm nhận từ môi trường, và cảm quan ít nhậy bén hoặc quá nhậy, có khi người tự kỷ gặp khó khăn với nhiều giác quan mà không phải chỉ có một giác quan bị rối loạn. Em có thể nhậy với cảm quan này mà yếu kém với cảm quan kia, làm sự việc hóa phức tạp thêm.
Lại nữa, có em không thể dùng cả hai giác quan một lúc, hễ nghe thì không thể định tâm để thấy và ngược lại. Cô giáo ra lệnh cho Peter mà em nhìn xuống sàn, cô nghĩ là em không để ý tới lời cô nên kêu em nhìn vào mắt của cô trong lúc cô nói. Em không làm được nên bị cô la; Peter bối rối lo lắng nên chạy ra khỏi lớp.
Chúng ta có bẩy cảm quan, được chia làm hai nhóm là cảm quan gần và xa. Cảm quan gần là hệ tiền đình, cảm quan về tư thế và xúc giác; cảm quan xa là bốn giác quan còn lại.

● Các Khó Khăn
– Thị Giác.
Nằm ở võng mô của mắt và được kích thích bởi ánh sáng. Thị giác giúp ta xác định các vật, người khác, mầu sắc, sự tương phản và ranh giới trong không gian.
Rối loạn thị giác hay thấy là trẻ bị chói mắt với ánh đèn, thấy ánh sáng gay gắt làm em đau đầu. Cha mẹ cho biết là con vừa bước vào thương xá là khóc đòi đi ra, nặng hơn thì lăn ra đất ăn vạ la hét. Trẻ không biết nói nên không thể cho ba mẹ hay là ánh đèn khiến em bị khó chịu.
Hình thức ít nhậy khác là em đòi ngồi sát truyền hình để xem, hoặc chăm chú nhìn hay di chuyển vật theo một cách thức riêng như quay tít hoặc thả rơi vật.

– Thính Giác.
Đây là cảm quan có hư hại dễ nhận ra nhất. Yếu kém thính giác có thể ảnh hưởng khả năng của ta trong việc liên lạc tỏ ý, và không chừng luôn cả sự thăng bằng.
Tật thay đổi tùy theo trẻ, có em sợ tiếng mưa rơi, em khác bực bội với màn cửa lay động, tiếng đàn; em khác nữa thì hết sức thích thú với tiếng máy sấy quần áo, hễ không ai canh là em chạy biến ra tiệm giặt quần áo, ngồi mê mẩn ngắm và nghe tiếng máy sấy.
Nếu không nhậy, em có thể làm ngơ với lời chỉ dẫn hay đòi hỏi, chuyện xẩy ra ở lớp có thể khiến thầy cô hiểu lầm cho rằng em coi thường họ. Một trong những bí ẩn của chứng tự kỷ là việc chẩn bệnh luôn luôn gồm có khám tai và thấy thính giác của em được bình thường, dầu vậy em không phản ứng với âm thanh như ai khác. Nó cho thấy thính lực tốt đẹp không chắc dẫn đến việc diễn giải cảm nhận đúng đắn.
Cảm nhận yếu còn khiến trẻ gây ra tiếng động cho mình nghe, đó có thể là nói lầm thầm một mình hoặc vỗ tay đôm đốp trên xe bus, nơi chỗ đông người. Tật vì thế sinh ra hành vi không chấp nhận được, muốn loại trừ hành vi thì cần phải có cách đối phó với tật mà không thể chỉ ngăn cấm hành vi là đủ.

– Xúc Giác.
Cảm quan này quan trọng cho việc phát triển về giao tiếp. Nó giúp ta thẩm định môi trường chung quanh (như một vật nóng hay lạnh) và có phản ứng thích hợp; nó cũng giúp ta cảm biết sự đau đớn để có phản ứng tránh cho mình bị hại, tức có tác dụng che chở, tự vệ.
Khi quá nhậy thì trẻ không thích được đụng chạm, ôm ấp, vuốt ve; người lớn ôm chặt lấy em tỏ lòng âu yếm sẽ là cực hình đối với trẻ. Còn nếu có cảm nhận yếu kém thì em có thể cậy làm tróc da, chẩy máu để có được cảm giác mạnh. Em có thể khăng khăng không chịu cho cắt tóc hay đánh răng vì đau da đầu, đau môi, miệng. Nhiều cha mẹ kể rằng mỗi lần đưa con đi cắt tóc là như mở cuộc hành quân qui mô, phải có sắp đặt chiến thuật lớp lang kỹ càng, trước sau cho ăn nhịp; cần hẹn trước vào lúc tiệm vắng khách, có hai người lớn giữ chặt em cho ông thợ cắt tóc bởi em vùng vẫy. Khi cắt xong rồi thì phải có 'hối lộ' là món ăn ưa thích, để con bớt kinh hoàng với chuyện vừa xẩy ra, và để lần sau em chịu đi cắt tóc hơn.
Đánh răng thì cũng phải dỗ ngon dỗ ngọt, và nếu dỗ không nghe thì mẹ ngồi chặn lên ngực con để đánh răng. Cách này chỉ có thể làm được khi con còn nhỏ, con lớn dần bạn sẽ phải dùng cách khác.
Tật khi kém nhậy là em cần phải sờ mọi người và mọi vật, đi tới đâu em cũng phải sờ vật ở nơi đó để hiểu về môi trường chung quanh. Mẹ kể là đi ngoài đường thì em đòi đi sát tường và rà tay lên tường suốt đoạn đường đi; hoặc trẻ có thể gắn bó với một số loại vải, đồ vật, chỉ thích mặc một số ít y phục không thay đổi. Trẻ lớn tuổi khi đi ra ngoài vẫn ôm con gấu bông kè kè bên mình, nhất định không chịu để ở nhà; rất có thể cảm giác quen thuộc của vải bọc gấu cho em cảm giác yên tâm.

– Vị Giác.
Cơ quan tiếp nhận trong lưỡi cho ta biết các vị khác nhau là chua, cay, mặn, ngọt v.v.
Người tự kỷ có thể rất nhậy hay kém về vị giác và do vậy, có thể chỉ chịu ăn một số món độc nhất mà không chịu đụng tới món khác. Em chỉ muốn ăn thực phẩm nhạt không có vị như tàu hủ, khoai; hoặc thèm những món có vị rõ ràng; em khác thích ăn món cứng, dòn và gạt ra món mềm, trơn hoặc ngược lại. Cha mẹ kể trong hơn 20 năm, con chỉ chịu ăn một hiệu mì gói và nhất định không ăn mì hiệu khác. Người khác thì ưa ngậm kẹo chua và khám phá là ông ngoại cũng thích như vậy. Với người lớn, nhà hàng kể rằng có ông khách mấy chục năm đến ăn hằng ngày, mỗi bữa y những món không thay đổi.
Ý kiến chuyên gia là bao lâu mà trẻ ăn các món khác nhau thì tật không thành vấn đề, cha mẹ không cần lo lắng thái quá.
Ngoài ra ta còn có thể nói đến những cơ quan tiếp nhận chung quanh môi, miệng, bên trong miệng. Cảm giác có thể ít làm trẻ không nhai kỹ mà nuốt trọng thức ăn, gây khó khăn cho việc tiêu hóa, cha mẹ kể con lua qua lua lại ba lần rồi nuốt, không nhai. Cảm quan không nhậy cũng khiến em nghiến răng, hay nhét thức ăn đầy một miệng, vì miệng không cho não biết khi nào là đủ.
Khi khác thì cảm giác nhậy làm trẻ khó nuốt tới mức bị nghẹn hoặc dễ nôn. Bình thường thức ăn phải vào sâu trong miệng mới khiến người ta có cảm giác muốn nôn, nhưng có em thức ăn chỉ mới đặt lên môi là đã muốn oẹ.

– Khứu Giác.
Cơ quan tiếp nhận trong mũi cho ta hay về mùi trong môi trường ngay bên ngoài. Khứu giác là giác quan đầu tiên mà ta dựa vào để hiểu chuyện chung quanh.
Trẻ có thể không chịu được mùi nồng của dưa chua, dưa muối, em cảm thấy nhợn muốn nôn. Khi nhiều cảm quan bị tấn công cùng một lúc như ánh đèn chói, tiếng ồn inh tai, mùi thực phẩm trong nhà hàng bay ra, có thể làm em ngợp và nổi cơn gào khóc chỗ đông người. Em có thể cũng không chịu được hơi người và do đó không muốn được ôm hôn, khi ông bà đến chơi muốn cháu hôn mình hay mình hôn cháu và bị đẩy ra thì không vui. Cha mẹ có khi cần phải giải thích để tránh hiểu lầm.
Một số trẻ tìm hiểu thế giới bên ngoài bằng khứu giác, với người bình thường chúng ta nhìn khung cảnh chung quanh, thấy vật và người và có nhận xét; nhưng em có hiểu biết về sự vật bằng cách ngửi. Vào nhà hàng trước khi ăn món gì em cũng gắp đưa lên mũi ngửi trước rồi mới ăn; cô Temple Grandin bảo rất xấu hổ khi thuật rằng hồi còn nhỏ, mỗi lần khách đến chơi nhà thì cô thích ngửi họ. Đi trường thì có em thích ngửi tóc bạn gái, cô giáo.

– Hệ Tiền Đình (vestibular system)
Chủ về sự thăng bằng, nằm ở tai trong. Nó giúp ta duy trì sự thăng bằng của cơ thể và tư thế; làm ta hiểu cơ thể đang ở đâu trong không gian và di chuyển mau chậm ra sao.
Trục trặc về hệ làm người ta đi đứng vụng về, loạng choạng, tay chân lóng cóng. Trẻ có tướng đi xiêu vẹo dễ cho cảm tưởng là em say rượu, không nghiêm chỉnh; hoặc trẻ có thể quay mòng mòng làm ta chóng mặt còn em thì không sao, tất cả đều là dấu hiệu cho thấy hệ bị hư hại.
Loại khác là em thích có hành vi nguy hiểm và không màng sự an nguy như bò, chạy bậy, leo trèo, nhẩy từ trên cao xuống. Hoặc em có thể xoay người không ngớt.

– Cảm quan về Tư thế (proprioceptive).
Nằm sâu trong bắp thịt và các khớp, hệ thống này cho ta ý thức vị trí của cơ thể so với chung quanh, những phần khác nhau của cơ thể ở đâu và di chuyển ra sao. Ý thức này thấy rõ khi ta vòng tay ra sau lưng, tuy không còn thấy tay nhưng ta biết nó vẫn có đó; khi bước lên xuống trên thang, biết giơ chân lên bao cao là vừa nấc thang kế để không bị vấp hay hụt chân, hoặc biết dùng sức ra sao khi nhấc vật, ta dùng ít lực khi cầm ly giấy so với ly thủy tinh.
Tật của cảm quan này làm em khó học kỹ nặng mới như cầm viết, cầm đũa; khó viết chữ vì nắm bút chì không chặt, đi tìm áp lực sâu như chui trong hốc, trong kẹt để cơ thể được ép lại, và chơi mạnh tay.

– Hợp Cảm (Synaesthesia)
Đây là một tật hiếm, thấy nơi vài người bình thường lẫn tự kỷ. Cảm nhận đi vào qua giác quan này và được diễn giải bằng giác quan kia. Thí dụ người ta nghe âm thanh mà lại thấy mầu sắc, như 'nghe' mầu xanh.
Họ mô tả là tên mỗi ngày trong tuần, mỗi con số, có liên kết với một mầu riêng biệt, như nói rằng hôm đó thứ ba vì nó mầu xanh. Xin đọc thêm chuyện 'Chữ, Số và Mầu' trong trang web của nhóm.

● Hành Vi và Cảm Quan.
Sắp xếp cảm nhận là khả năng xếp đặt và diễn giải thông tin ta nhận được nhờ cảm quan trong người và từ môi trường, điều này khiến ta có đáp ứng thích hợp với hoàn cảnh, công việc và môi trường. Khác biệt về cảm nhận là do thần kinh gây ra nên trẻ cần được thông cảm, hỗ trợ và có thời gian để khắc phục; cũng như khó khăn về cảm nhận có thể là lý do chính gây ra khó tánh, và ảnh hưởng tới việc học. Khó khăn về cảm nhận còn có nghĩa em không thể làm ngơ với cảm giác không quan trọng hoặc không đáng.
Do cảm nhận mạnh hay yếu mà trẻ sẽ có phản ứng nhiều hơn hoặc ít hơn so với ta tưởng với một số điều, chẳng hạn trời bên ngoài đối với ta là lạnh mà trẻ chỉ mặc phong phanh một áo, khi khác tiếng nhạc ai nấy cho là dễ chịu lại gây bực bội cho em. Đi xa hơn, phản ứng của trẻ có thể sinh ra nguy hiểm cho em và người khác, thí dụ em leo lên nóc nhà đi thoăn thoắt không sợ hãi.
Một nhận xét về cảm quan là tùy mức nhậy cảm nhiều hay ít mà trẻ có hai hành vi khác nhau để bù đắp.
- Nếu em rất nhậy và cảm giác tuy bình thường lại gây khó chịu, trẻ sẽ đối phó bằng cách đi ra khỏi nơi có kích thích, hay tránh không có cảm nhận, hình ảnh rõ nhất là em bịt tai, nhắm mắt để không bị đau đớn khi thính giác và thị giác bị kích thích; hoặc nếu không tránh được em sẽ tỏ ra bực bội, làm nư.
- Ngược lại nếu cảm nhận yếu kém trẻ sẽ 'thèm' có cảm nhận, có khuynh hướng đi tìm cảm giác mạnh, sẽ tìm cách để thỏa mãn thèm muốn ấy, đôi khi tới mức tự hại thân như cậy da làm chẩy máu hoặc đập đầu. Cha mẹ giải quyết bằng cách cho con đeo bao tay và đội mũ che chở, kèm với hứa hẹn là giữ yên bao tay hay mũ được nửa tiếng thì có phần thưởng. Dần dần thời gian tăng lên cho đến em chịu đeo bao tay suốt ngày.
Hoặc kích thích bình thường không gây ấn tượng nào, trẻ không nhận đủ thông tin về cảm giác trong đời sống hằng ngày, do đó gặp khó khăn khi có sinh hoạt và ảnh hưởng đến kỹ năng chơi đùa, như chơi mạnh tay không biết gượng nhẹ, làm bạn bè xa lánh không chơi chung. Nguy hiểm hơn là em không biết bếp nóng, và tới lúc bị phỏng mới có cảm giác để rụt tay về.

● Đối Phó.
Có nhiều cách để giúp cho trẻ có tật về cảm quan, thường khi chỉ cần có thay đổi nhỏ trong môi trường là đủ tạo sự khác biệt lớn lao, như không dùng đèn chói, nhấp nháy mà thay bóng dịu hơn, hoặc thay hệ thống chuông reo lanh lảnh ở trường như xé tai đối với em bằng âm trầm hơn. Nói chung có ba điều cần nhớ:
- Hãy để ý, nhìn môi trường xem nó có tạo nên khó khăn cho người tự kỷ, và ta có thể thay đổi điều gì.
- Hãy có óc sáng tạo, nghĩ đến những cách có thể làm sinh ra cảm nhận dễ chịu hoặc thích thú về cảm quan.
- Hãy chuẩn bị, khi nào được nên cho người tự kỷ biết trước về những kích thích cảm quan có thể có trong những môi trường khác biệt.
Chẳng hạn khi dẫn con đến một nơi lạ thì bạn có thể nói chuyện trước với con là ngày mai hai mẹ con sẽ đi đâu, gặp ai, sẽ thấy cảnh tượng gì, nghe âm thanh, nơi chốn có mùi gì v.v. để cho con ý niệm và em không bị ngạc nhiên khó chịu. Kế đó đừng bao giờ ép con phải chịu cảm giác nào, thí dụ dẫn con đi hội chợ mà em không chịu được kích thích ồn ào nơi đó thì tốt hơn bạn nên mang con về, cho dù đã mua vé. Bởi nếu ở lại, em bực bội òa khóc thì chuyện hóa tệ hơn.

 

– Ít Cảm Nhận.
Với khó khăn do cảm nhận kém, ta cần gia tăng kích thích để làm em chú ý hay để cho em dự vào một việc làm. Em nào cần có nhiều kích thích xúc giác thì một cách để em ngồi yên nghe giảng hoặc tập trung tư tưởng làm bài là cho em có banh cao su trong tay, hoặc một bọc gạo để nắn, bóp theo ý.
Bạn hãy quan sát và ghi ra những gì làm con có phản ứng, rồi dùng chúng để làm con chú ý. Nên thay đổi thường xuyên để duy trì việc có phản ứng và làm con nhậy bén hơn. Xếp đặt sinh hoạt để thêm cảm giác vào trong ngày tới mức làm con có cảm nhận, ở đây ta nói đến sự bồi dưỡng cảm quan (sensory diet), và cũng có thể làm bớt nếu cần. Nói khác đi ta chọn lựa sinh hoạt để làm tăng hay làm dịu mức cảm nhận, khi áp dụng ở nhà bạn cũng nên cho trường hay để nếu được thì trường làm theo cho con ở lớp

– Sinh Hoạt làm dịu.
Thường khi ta có thể quan sát thấy trẻ tự kỷ đi tìm để có cảm giác này, khi nhận ra rồi bạn có thể áp dụng làm em dịu xuống rất nhiều đối với khó khăn về cảm quan.
- Em có thể chơi mạnh tay như làm cho mình té lăn cù, té từ trên cao xuống,
- Len vào giữa các vật hay chỗ hẹp.
- Nằm dưới mền nặng, gối hay nệm
- Đòi được ôm chặt hay ép lại
- Đòi xách túi hàng khi đi chợ.
- Nhai và mút các vật.
- Bóp trái banh trong tay hay dùng máy tập các cơ.
- Đẩy xe bù ệt, xe nặng cho áp lực sâu lên cơ và khớp.
- Xoa bóp và tạo rung động.
- Chạy xe đạp

Tật làm cho trẻ tự kỷ xử sự theo cách mà ta không nhìn ra ngay khi ấy là có liên hệ đến cảm quan do quá nhậy hay yếu kém, nhưng thật ra tật là nguyên do đúng thực của hành vi. Sau đây là vài thí dụ cho thấy hành vi có thể bắt nguồn từ tật về cảm quan, và đề nghị về cách đối phó với tật.

– Kén ăn:
Nguyên do có thể có là nhậy cảm với vị hay tính chất thức ăn cứng, mềm, hoặc do em không cảm nhận được ở quanh miệng là có thức ăn. Giải pháp có thể làm là thay đổi tính chất của thực phẩm, thí dụ nghiền cho nhuyễn hoặc xay nát. Dần dần cho con cảm những tính chất khác nhau quanh miệng, như quệt miếng vải len, bàn chải và các thức ăn khác nhau. Khuyến khích có sinh hoạt về miệng như thổi tu huýt, thổi bong bóng nước.
Mục tiêu bạn nhắm tới là con phát triển tính linh động, uyển chuyển, chịu ăn những món khác nhau, thế nên cho trẻ quen với nhiều loại thức ăn là điều rất quan trọng. Hãy xem xét mức phản ứng với thức ăn như có phản ứng gì với mùi, vị, mềm cứng.
Cho ăn món mới với lượng ít và khi trẻ đói. Ban đầu bạn có thể để món mới trong một chén riêng và bên cạnh đĩa thức ăn thông thường, cho em quen với hình ảnh, mầu sắc, hương vị. Khi em quen rồi và không phản đối, bạn có thể đặt món mới vào đĩa của em, và cho em thấy bạn ăn món đó. Nếu tiện, cho em dùng tay bốc thức ăn để quen với tính chất của nó như cứng, mềm, nóng, lạnh.
Tránh không cho em sinh ra thông lệ cứng ngắc về thực phẩm. Khi trẻ khăng khăng đòi rằng thứ hai ăn cá, thứ ba ăn trứng, thứ tư ăn nui v.v. nó có thể gây xáo trộn không vui trong gia đình.
Luôn luôn cho có món không thích kèm với món mà trẻ sẽ chịu ăn.
Tìm cách bỏ món ăn chơi hoặc ăn bậy.
Dùng những cách khuyến khích và có thưởng để con tập ăn món mới.

– Ăn bậy, cái gì cũng nhặt lên bỏ miệng nhai, kể luôn cả quần áo và đồ vật. Tật này gọi là pica.
Nguyên do có thể có là em thấy làm vậy cho cảm giác thoải mái, hoặc thích cảm giác sinh ra khi nhai vật.
Giải pháp có thể làm là cho em nhai ống không có chất cao su (latex), nhai ống hút nước hoặc nhai kẹo cứng để trong tủ lạnh.

– Ưa vọc, trây, trét phân lên người hay lên tường, sàn nhà. Tật hay thấy nơi người tự kỷ khả năng thấp.
Nguyên do có thể có là không chừng em thích tính chất của phân, hoặc không nhậy cảm đối với mùi.
Giải pháp có thể làm là tìm cách cho con chơi món khác như thạch, bột nếp trộn với nước thành bột nhão cho em vọc; cho em chơi món khác có mùi nồng để thay thế.

– Không chịu mặc quần áo bằng loại hàng vải nào đó.
Nguyên do có thể có là em không thích tính chất của hàng vải hoặc cảm giác của vải chạm vào da.
Giải pháp có thể làm là lộn quần áo trong ra ngoài để không có đường may cộm, tháo nhãn hiệu trên quần áo, cho con mặc y phục nào mà em thấy thoải mái.

– Khó ngủ, đây là tật chung cho nhiều trẻ tự kỷ.
Nguyên do có thể có là em thấy khó mà ngưng cảm quan làm việc, làm ngơ với cảm nhận đặc biệt là thị giác và thính giác.
Giải pháp có thể làm là dùng màn cửa sậm ngăn ánh sáng bên ngoài hoặc dùng mền có gắn thỏi kim loại làm nặng trì xuống, đè lên thân thể cho áp lực sâu; hoặc cho con nghe nhạc để ngăn tiếng động bên ngoài.
– Khó tập trung tư tưởng trong lớp.
Nguyên do có thể có là em gặp nhiều điều làm chia trí như tiếng ồn (bạn trong lớp nói chuyện, chuông reo, tiếng ghế kéo xê dịch trên sàn) và kích thích thị giác (người qua lại, hình treo trên tường). Em cũng có thể thấy khó cầm viết chì, thấy nó cứng hoặc lạnh.
Giải pháp có thể làm là xin với thầy cô cho ngồi tránh xa cửa sổ hay cửa lớn để có ít điều làm chia trí. Nếu được thì có bàn trong góc với bình phong vây quanh, hoặc dùng bàn ghế trong lớp tạo thành một khu cho em không có gì chia trí. Tìm những loại viết chì khác với hình dạng (to hơn, hình tam giác) hoặc tính chất (mềm) để em cầm được thoải mái.

– Khó khăn về cử động tinh tế và viết tay.
Thường khi đây là do:
- Chậm phát triển,
- Trục trặc về cơ và khớp (tức cảm nhận về vị trí cơ thể trong không gian) tức cách nắm viết chì cũng như là ý ham làm nhiều hay ít.
- Khó khăn về thị giác khi nhìn từ trên bảng là mặt thẳng đứng, và chép vào tập là mặt phẳng nằm ngang.
- Bớt hứng thú muốn làm xong việc gọn ghẽ và làm việc gì cần bút chì / giấy.
- Khó làm ngơ với thông tin từ cảm quan khác ở chung quanh trong lúc học.

Cách đối phó.
- Tập cho em kỹ năng thích hợp nếu bị chậm phát triển.
- Vẽ sơ trước hình dạng hay chữ cho em đồ lại.
- Dạy chữ bằng cách dùng nhiều lại cảm giác, như miếng bìa cứng có chữ in trên đó, chữ bằng plastic
- Dạy em cách cầm viết chì, nếu cần thì mua viết chì loại to cho dễ cầm, hoặc cho em dùng đồ cầm bút.
- Dùng những cách khác để viết nếu khó cầm bút, thí dụ dùng máy điện toán để viết.

Những cách khác:
- Giảm lượng kích thích chung quanh (tiếng ồn và hình ảnh trong lớp)
- Dùng hình (visuals) cho con thấy thứ tự từng bước:
'Đầu tiên ... Rồi (First ... Then)' cho sinh hoạt khó làm.
- Dạy và chỉ cho con cách đối phó.

Trị liệu:
– Chuyên viên cơ năng trị liệu có thể soạn chương trình hoặc làm thay đổi môi trường để người có khó khăn với cảm quan sống được độc lập càng nhiều càng tốt.
– Chuyên viên chỉnh ngôn dùng kích thích cảm quan để khuyến khích và hỗ trợ việc học nói, tương tác.
– Chuyên viên nhạc trị dùng nhạc cụ và âm thanh để phát triển các cảm quan nơi trẻ, thường là thính giác.

● Hòa Hợp cảm quan (Sensory integration).
Nhiều nghiên cứu cho thấy là có liên hệ giữa trị liệu hòa hợp cảm quan và việc cải thiện phẩm chất cuộc sống cho người tự kỷ. Cho một số em thì trị liệu này là dụng cụ tốt đẹp để dạy em cách tương tác với thế giới chung quanh. Nó nhắm tới việc giúp cải thiện sức tập trung tư tưởng, lắng nghe trong lớp, đi đứng thăng bằng, cử động khéo léo hơn, và kiểm soát tật làm không suy nghĩ nơi trẻ tự kỷ.
Không phải trẻ nào cũng cần trị liệu, và không phải trị liệu cho thành công 100%, nên bạn cần biết rõ tật của con mình trước khi tìm hiểu xem trị liệu có giúp ích cho em. Kế nữa chứng tự kỷ không phải chỉ gồm một tật mà có nhiều khuyết tật hợp lại, thế nên trị liệu hòa hợp cảm quan không nên được xem là trị liệu duy nhất đứng riêng rẽ. Thường thường, chuyên viên chỉnh ngôn và thể chất trị liệu là người cho trị liệu hòa hợp cảm quan. Nếu bạn cho con theo trị liệu này thì nó cần đi kèm với những điều khác như dinh dưỡng, vận động mới mong có thành quả.

● Bồi Dưỡng cảm quan (Sensory diet)
Có một số cách để cho trẻ có đủ kích thích về cảm quan.
– Phòng cảm quan.
Có thể giúp làm kích thích, phát triển hay quân bình những cảm quan. Một số trường đặc biệt hay bệnh viện có nơi dành riêng làm phòng cảm quan, đôi khi nhà trẻ cũng có chỗ như vậy. Vài gia đình tạo riêng một phòng trong nhà, hoặc một góc phòng có màn quây lại để phân ranh. Trong phòng có để những món sau:
- nhạc êm dịu - gối rung
- sợi phát quang (fibre optics)
- banh gương (mirror balls)
- ống thổi bong bóng nước
- giường nước
- tường lồi lõm
- đèn mầu
- máy chiếu hình (projector)
- dụng cụ làm linh hoạt bằng nút bật tắt, cử động, âm thanh hoặc đè, bấm để trẻ học về nguyên nhân và hệ quả; như bấm nút thì gối rung và tắt thì hết rung.
Lợi ích của phòng cảm quan chính yếu là do kinh nghiệm cá nhân và quan sát riêng; hiện chỉ mới có nghiên cứu giới hạn nên chưa có xác định về giá trị của cách này.

– Tùy theo khó khăn của em mà bạn có thể sắp xếp cho con có sinh hoạt về thính giác hay thị giác v.v. Hiện nay trong lớp có một số học cụ cho em kích thích về cảm quan này hay kia, cảnh hay thấy là khi làm xong bài thì trẻ được thưởng bằng cách cho chơi trò gây ra kích thích, như vọc tay vào hộp kín có những món khác nhau cho em nhiều cảm giác mềm, cứng, tròn, vuông, trơn, nhám v.v.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TÓM TẮT

Đề Nghị về Hành Vi

1. Thay đổi cách suy nghĩ, thái độ của chính bạn trước. Bạn có phản ứng nào không chừng làm chuyện tệ hơn không ? Tập đừng phản ứng thái quá như cau có, la lớn giọng. Thứ nhất là con không hiểu do đó không giải quyết được vấn đề; thứ hai là nét mặt thay đổi làm con sợ và lính quýnh thêm càng tăng sự bực mình cho bạn. Tốt hơn nên nói ôn hòa, giữ nét mặt bình thản.

2. Dùng chữ giản dị, nói ngắn gọn. Luôn luôn gọi tên con trước tiên để làm chú ý. Nói cụ thể và đừng mỉa mai, bóng gió vì con sẽ không hiểu, đâm ra lo lắng.

3. Đừng cho có nhiều chọn lựa, tối đa là hai. Thí dụ đừng hỏi 'Con muốn ăn sáng món gì ?', thay vào đó hỏi 'Con muốn ăn cốm bắp hay cốm gạo ?'

4. Hành vi luôn luôn có dụng ý, hành vi là một hình thức liên lạc tỏ ý. Hãy tự hỏi, 'Con muốn gì khi (bịt tai, đập đầu v.v.), con muốn nói điều gì ?' hoặc 'Tại sao con bịt tai ?' mà khoan nghĩ là con hư.

5. Cho con phương tiện để bầy tỏ ý như dạy con chữ để diễn tả, nếu em biết nói, nếu em không biết nói thì dùng bảng chọn lựa (choice board), bảng liên lạc, dạy con dùng dấu tay (Auslan hay Makaton tại Úc), hay dùng bàn phím máy điện toán.

6. Trừng phạt thường không có hiệu quả vì nó không dạy kỹ năng mới. Tốt hơn nên dạy kỹ năng mới thay cho hành vi không thích hợp.

7. Tạo cơ hội cho con 'nói', đừng luôn luôn đoán trước con muốn gì mà khuyến khích con 'hỏi xin' đồ chơi, uống nước, sách hình.

8. Nếu đó là hành vi vô hại, và bạn chịu được ánh mắt kỳ lạ của người ngoài đường, thì có khi tốt hơn đừng tìm cách triệt nó mà hãy làm ngơ; bởi khi bị cấm làm một hành vi, em có thể sinh ra hành vi khác không chừng tệ hơn. Khi để yên, may ra sau một thời gian con sẽ ngưng hành vi ấy. Cha mẹ nói rằng lo sửa các tật của con làm họ hết hơi hết sức, nên họ tập bỏ qua chuyện không quan hệ và chọn tật nào cần sửa nhất mới trị, hầu dùng năng lực và ngày giờ cho đáng công.

9. Nhìn sự việc đúng tầm mức, có óc khôi hài, biết rằng mọi chuyện chỉ tương đối, có thể giữ tâm thần bạn được an ổn, thấy dễ thở hơn với khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.
Một bà mẹ có con thích vọc phân, trét khắp nhà, không cách nào trị được tật. Hết kế, một hôm cô gặp người khác trong nhóm có con y tật này và nay đã lớn. Mừng quá hỏi thăm thì bà mẹ sau hớn hở đáp:
- Bây giờ khỏe rồi, nó bỏ tật đó và đổi sang tật thủ dâm !