CHỨNG TỰ KỶ 

 

Chương  Năm:  Giáo  Dục        

 

Quyền của Cha Mẹ                                                          
Quyền của Trẻ                                                                 
Đi Học: Các loại trường, lớp                   
Cách Chọn Trường                                                          
Sinh Hoạt ở Lớp                                                              
Liên Lạc giữa Trường và Nhà                 
Tiểu Học lên Trung Học                          
Sau Trung Học                                                                 
ChuyểnTiếp                                                                                 
Đại Học.                                                                                      
Bài Đọc Thêm - Chứng Asperger            

___________________________

 

Phần này được viết cho giáo dục trẻ tự kỷ tại Úc nên sẽ không bàn đến hệ thống tại những nước khác như Hoa Kỳ, Việt Nam. Tuy vậy, dù hiện đang ở đâu cha mẹ Việt Nam cũng có thể lấy ý để áp dụng vào trường hợp riêng của mình.
Tại Úc, bạn nên tiếp xúc sớm với trường gần nhà ít nhất sáu tháng trước khi muốn ghi danh cho con đi học. Làm vậy sẽ cho bạn và trường có giờ để xem xét cách nào tốt nhất cho con. Nó cũng cho trường rộng rãi thì giờ để sắp xếp, và làm đơn xin thêm phương tiện họ có thể cần, để giúp con bạn hội nhập thành công vào lớp bình thường.
Trẻ nào có tật nặng và cần hỗ trợ nhiều, bộ giáo dục có thể cung cấp cho nhu cầu của em qua một số dịch vụ như:
– Lớp bình thường
– Lớp bình thường có hỗ trợ đặc biệt
– Lớp đặc biệt trong trường bình thường.
– Trường đặc biệt
Trường cần:
– Biết trước khi ghi danh nếu con bạn có nhu cầu đặc biệt về học
– Có giờ để chuẩn bị cho nhu cầu của em.
Cách tốt nhất là bắt đầu việc ghi danh ngay khi nào được trong năm trước năm con sẽ đi trường. Nếu con có khuyết tật về thể chất, trường cần được thông báo 18 tháng trước khi đi học, để bảo đảm là có sắp xếp cho trẻ di chuyển được quanh trường.

Việc chuẩn bị cho trẻ bắt đầu trong năm trước năm em đi học, bộ giáo dục sẽ giúp bạn lập một toán để soạn việc học và có quyết định về con. Toán này có thể gồm những người sau:
– Bạn và người nhà
– Thầy cô vườn trẻ
– Thầy cô chương trình can thiệp sớm
– Chuyên viên chỉnh ngôn, cơ năng trị liệu
– Nhân viên trường.
Tất cả những ai can dự vào việc chăm sóc và giáo dục con bạn sẽ hợp lại để soạn chương trình cho em vào trường. Nếu con bạn có chương trình can thiệp về chuyên khoa nào thì chuyên viên cũng trợ giúp việc tìm chỗ học cho em, và hỗ trợ thầy cô ở lớp của em. Bạn hãy thảo luận với người trong toán về bất cứ điều gì bạn muốn có, để giúp việc xếp lớp cho con được thành công.

● Quyền của Cha Mẹ.
Phụ huynh hoặc là người chăm sóc có quyền:
– Có sự kín đáo giữa bạn và trường, giữa nơi cung cấp dịch vụ và trường.
– Được hỏi ý về những dịch vụ giáo dục có sẵn, tài liệu dùng để thẩm định và cách thức; chương trình học của con, việc xếp lớp cho con.
– Tham dự vào việc thẩm định con, sắp xếp và duyệt xét chương trình học, duyệt xét việc xếp lớp.
– Được hỗ trợ của trường, có thông dịch viên, hỗ trợ của các chuyên viên khác.
● Quyền của Trẻ
– Có sự kín đáo giữa cha mẹ và trường, giữa nơi cung cấp dịch vụ và trường.
– Có thông tin về tài liệu dùng để thẩm định và cách thức; chương trình học của con
– Tham dự vào tiến trình thẩm định, sắp xếp và duyệt xét chương trình học, duyệt xét việc xếp lớp.
– Được hỗ trợ của trường, có thông dịch viên, hỗ trợ của các chuyên viên khác.

● Quyền của Trẻ
– Có sự kín đáo giữa cha mẹ và trường, giữa nơi cung cấp dịch vụ và trường.
– Có thông tin về tài liệu dùng để thẩm định và cách thức; chương trình học của con
– Tham dự vào tiến trình thẩm định, sắp xếp và duyệt xét chương trình học, duyệt xét việc xếp lớp.
– Được hỗ trợ của trường, có thông dịch viên, hỗ trợ của các chuyên viên khác.
● Đi Học.
Chuẩn bị cho con bắt đầu đi học là giai đoạn hào hứng và lo lắng cho cha mẹ, vì ai cũng muốn con mình có được kinh nghiệm tích cực, tuy nhiên cha mẹ có con khuyết tật thường thấy là có lo sợ và lo lắng nhiều hơn sự hào hứng và nhẹ lòng. Về một mặt thì cha mẹ và trẻ đã thành đạt nhiều điều, nhất là việc em có được kỹ năng cần thiết để đối phó với trường bình thường và lớn mạnh ở đó, đạt được ước mơ là hội nhập trọn vẹn với những trẻ khác. Với mặt kia, đây chỉ là khởi đầu của trọn một loạt nhiều đích mới, kinh nghiệm mới và bao điều phải vượt qua cho cả trẻ và cha mẹ.
Khi nghĩ tới việc chọn trường, bạn cần bắt đầu sớm và có hiểu biết rõ ràng là bạn muốn điều gì cho con, nhu cầu của con là gì, và giúp đỡ cùng hỗ trợ nào của chính phủ có sẵn đó cho bạn. Bạn cần tìm trường cho con ít nhất sáu đến mười hai tháng trước khi em bắt đầu đi học. Trẻ có quyền đi học ở trường gần nhà, dầu vậy bạn cần làm việc chặt chẽ với nhân viên trường để quyết định là trường nào có thể đáp ứng tốt nhất những nhu cầu đặc biệt của con.
Cách khác là cho con đi học trường nằm ngoài vùng của bạn. Ghi danh cho trường nằm ngoài khu vực tùy thuộc vào một số yếu tố, như số học trò mới của trường, điều kiện ghi danh, số học sinh đặc biệt có sẵn ở trường, và liệu nhân viên trường thấy họ có thể đáp ứng nhu cầu của con  bạn. Bạn nên đi thăm hết tất cả những trường có thể đi được ở gần nhà trước khi có quyết định sau chót. Hãy tới mỗi trường mang theo một bảng những câu hỏi để hỏi hiệu trưởng, và một bảng khác ghi những điều bạn muốn thấy có trong khung cảnh trường, kể cả lớp học và sân chơi.

● Các Loại Trường, Lớp.
Cha mẹ có chọn lựa gì ? Trẻ khuyết tật có thể được ghi danh vào lớp bình thường có thêm hỗ trợ, lớp hỗ trợ, hoặc vào trường đặc biệt. Bạn cần thăm dò mỗi chọn lựa này để quyết định điều nào thích hợp nhất cho con. Nên biết là lớp hỗ trợ có thể có ít chỗ, và mức tiến triển của trẻ sẽ được lượng xét thường xuyên. Nó có nghĩa việc trẻ đầu tiên được cho vào lớp hỗ trợ không muốn nói em sẽ ở luôn trong lớp ấy. Khi em phát triển kỹ năng và khả năng, em sẽ được đưa vào lớp thích hợp hơn.

– Lớp bình thường.
Nhu cầu của con bạn sẽ được thẩm định và xem xét. Nếu trường thấy là cần cho em thêm hỗ trợ, hiệu trưởng sẽ làm đơn xin tài trợ (Funding Support). Cha mẹ nên biết là hiệu trưởng không thể ấn định trẻ sẽ được nhận tài trợ bao nhiêu. Khi được cấp, trường sẽ dùng tài trợ theo nhiều cách, có trường dùng nó để mướn trợ giáo (teacher aide), trường khác có thể chi một phần tài trợ cho việc huấn luyện thầy cô, hay cho việc  mua học cụ. Tài trợ không có nghĩa là con bạn sẽ có nhân viên riêng cho em 1:1 mỗi ngày ở trường. Nhu cầu của trẻ và của trường sẽ quyết định là tài trợ được dùng như thế nào.
– Lớp hỗ trợ.
Trường bình thường có nhiều loại lớp hỗ trợ. Đơn xin vào lớp hỗ trợ sẽ được xét theo một số tiêu chuẩn. Trẻ theo học lớp này có chương trình soạn cho riêng em với sự can dự của thầy cô, cha mẹ và chuyên viên trị liệu. Chương trình của em thường xuyên được theo dõi và lượng định. Các loại lớp như vậy là:

Lớp IM:
Gồm 18 học sinh có khuyết tật nhẹ về trí tuệ. Em được nhận vào lớp này lúc 8 tuổi tức ở lớp ba, trước đó từ vườn trẻ đến lớp hai em theo chương trình Early School Support Program. Thầy cô ở đó sẽ giúp thầy cô lớp ba soạn và thực hiện một chương trình học riêng cho em. Bạn cần biết là không phải trường nào cũng có chương trình này, và nó cũng không có nghĩa con bạn có một thầy một trò. Em có có thể theo nhóm nhỏ đi học một môn riêng trong ngày tùy nhu cầu của các em, thí dụ trong khi lớp học toán thì nhóm nhỏ học thêm tập đọc. Việc học môn riêng này không được xem là một phần thông thường của chương trình hỗ trợ.

Lớp IO:
Lớp gồm chín em với khuyết tật trung bình về trí tuệ. Trẻ có chương trình riêng, chặt chẽ, lo về nhu cầu liên lạc tỏ ý, kỹ năng giao tiếp, chăm sóc bản thân, an toàn và di chuyển.

Lớp IO / IS:
Gồm sáu em có khuyết tật trí tuệ thay đổi từ trung bình tới nặng.

Đây là các hình thức chính, ngoài ra tùy khuyết tật và nhu cầu học sinh mà trường có thể có lớp hay chương trình riêng, thí dụ chương trình ngôn ngữ cho trẻ có trở ngại  về ngôn ngữ từ trung bình đến nặng. Chương trình cho trẻ tự kỷ sẽ chú trọng vào việc học bằng hình, nhưng cần biết là không phải vùng nào cũng có lớp hay chương trình đặc biệt, và con bạn có thể phải đi trường xa để có lớp hay chương trình hợp cho em.
Ngoài thầy cô ở lớp, trường còn có thầy cô hỗ trợ chuyên về một mặt trong việc giáo dục, có thể kể như sau:
- Học khó
- Hành vi
- Can thiệp sớm
Những thầy cô này làm việc chung với thầy cô ở lớp, và có thể có giờ với con bạn một hay vài lần trong tuần.

● Cách Chọn Trường thích hợp cho con.
Có một số điểm then chốt cần được xét tới khi bạn tìm trường thích hợp cho nhu cầu của con khuyết tật. Nó gồm có:
– Tầm vóc của trường và số lớp cho mỗi cấp lớp, trường nhỏ với số lớp giới hạn thường khi dễ hơn cho trẻ tự kỷ theo học. Có ít lớp hơn có nghĩa có ít học trò ở sân chơi vào lúc ra chơi, ở phòng ăn vào giờ ăn và em bớt cảm thấy ngộp, hoang mang.
Lại nữa, trẻ tự kỷ dễ bị bắt nạt do điệu bộ cứng ngắc, cử chỉ lóng cóng và tật của em. Ít học sinh trong trường khiến cho việc quan sát dễ hơn, và khi chuyện xẩy ra dễ có trẻ khác thấy để báo thầy cô, ngăn chặn kịp lúc. Ở trường đông hơn, sự việc có thể xẩy ra ở một góc vắng của sân hay chỗ khuất và không ai thấy để can thiệp.
– Số học sinh trong mỗi lớp, lớp nhỏ thường thích hợp và thoải mái hơn hơn cho trẻ tự kỷ.
– Vị thế của sân chơi, thí dụ tất cả học sinh sẽ ở trong sân, hay có sân riêng cho vườn trẻ và sân riêng cho các em tiểu học ?
– Có bao nhiêu thầy cô trực ở sân vào giờ ra chơi ?
– Thầy cô của trường có thông thạo với nhu cầu của trẻ tự kỷ, cách suy nghĩ và lối học riêng của em ? Điều này đáng chú ý nếu bạn tin rằng con tự kỷ, hay có hội chứng Asperger, đủ khả năng theo học lớp bình thường trong trường bình thường; khi ấy thầy cô ở lớp không nhất thiết là được huấn luyện để dạy trẻ tự kỷ, và có thể họ không có hiểu biết về chứng tự kỷ cùng những ưu điểm và tật của bệnh này.
Nếu vẫn muốn con học lớp bình thường, bạn có thể cho thầy cô tài liệu về chứng tự kỷ để đọc thêm, hoặc xin gặp họ để giải thích về tật của con và cho biết sẵn lòng hợp tác với trường dể công việc của thầy cô được dễ dàng hơn.
– Nhân viên trường có được huấn luyện dùng hình để tăng cường việc liên lạc tỏ ý và tương tác xã giao, hỗ trợ hành vi và dạy kỹ năng cho trẻ tự kỷ ?
– Có phụ huynh hay chuyên viên nào trong vùng có hiểu biết về nhu cầu của trẻ tự kỷ giới thiệu trường cho bạn ?
– Trường có chủ trương và thể thức nhắm đến việc phát triển mỗi em bất kể khả năng học chữ ra sao ?
– Trường có an toàn cho trẻ tự kỷ ? thí dụ không nằm trên đường lớn và có rào đầy đủ chung quanh ?
– Trong lớp có dùng hình hỗ trợ như thời biểu bằng hình, bảng chọn lựa và bảng thứ tự việc làm ?
– Bảng chọn lựa là có nhiều hình chọn lựa trên đó, khi làm xong một việc trong ngày thì em có quyền chọn lựa đọc sách, vẽ, chơi game, thổi bong bóng nước 5 phút, sau đó bắt sang việc khác.
– Bảng thứ tự việc làm 'Đầu tiên ... Rồi, First ... Then' cho em biết trình tự thầy cô muốn em làm gì, thí dụ đầu tiên làm toán sau đó được chơi banh trị liệu năm phút.
– Nhân viên trường có hiểu biết về nhu cầu đặc biệt về cảm quan của trẻ tự kỷ ?
– Hiệu trưởng và nhân viên có hoan nghênh và hăng hái hợp tác với bạn, để bảo đảm là nhu cầu riêng của con bạn được đáp ứng thích hợp ?
– Trường có sẵn phương tiện như thư viện, máy điện toán ?
Tuy nhiên đừng để bị thu hút bởi bề ngoài, trường có thể có phòng điện toán với một dọc nhiều máy mới, dụng cụ mới trông thật là hứa hẹn nhưng nếu thực tế là con bạn không có khả năng dùng máy điện toán, thì các phương tiện này tối tân thật nhưng không có ích gì cho con.
Thay vào đó nếu phòng học rộng rãi, thoáng mát thì ấy là một ưu điểm.
– Phương tiện chuyên chở công cộng có dễ đi tới trường, chỉ đi một lần xe hay bạn phải đổi xe ?

 Bạn nên tới gặp hiệu trưởng ở trường mới của con vài tháng trước khi đi học. Buổi họp này cần để thảo luận việc ghi danh nhập học, và cho trường thông tin về nhu cầu lẫn ưu điểm của con. Bạn cũng cần can dự vào buổi họp đầu về chương trình học của con. Nhân viên của toán hỗ trợ sẽ giúp bạn, nhưng bạn cần bảo đảm rằng những chi tiết quan trọng về con bạn được chuyển từ dịch vụ can thiệp sớm và chuyên viên sang nhà trường. Đây cũng là lúc thích hợp để thảo luận về cách học của con bạn (thí dụ học bằng hình, cần có kích thích cảm quan), và cho nhân viên của trường những mẫu hình mà hiện đang được dùng cho con bạn.
Điều quan trọng hơn cả là bạn nên thăm dò hết mọi chọn lựa có được về việc giáo dục cho con bạn. Thay vì cho con vào lớp bình thường, có khi trường đặc biệt, lớp hỗ trợ lại thích hợp hơn cho em. Bạn cần có thông tin về tất cả những chọn lựa cho con, và rồi chọn cách mà bạn tin là tốt nhất.

● Sinh Hoạt ở Lớp.
Thông Lệ có Qui Củ.
Thông lệ giúp trẻ tự kỷ hiểu được thế giới chung quanh em và không cảm thấy hoang mang, lo lắng, em được yên tâm theo dõi bài giảng và làm việc phải làm trong lớp. Hình thức thông lệ giản dị nhất là bảng thời biểu cho em biết chuyện trong ngày ở lớp. Nó cần có những chi tiết như các sinh hoạt hằng ngày, thầy cô phụ trách, và trình tự của sinh hoạt. Bảng thông lệ là cách cụ thể nhắc nhở em, giúp em tiên liệu, nó quan trọng vì cho em cảm giác làm chủ sự việc trong đời mình, giảm sự bực bội. Bảng còn khuyến khích có sự độc lập, vì em học cách chuyển từ sinh hoạt này sang việc kế tiếp.
Bảng sinh hoạt có thể ghi nhiều hay ít chi tiết tùy theo mức cần thiết, gồm:
- Ai làm gì ?
- Làm ở đâu ?
- Làm khi nào ?
và dành cho:
- Một thông lệ
- Một giờ học
- Một buổi sáng
- Nguyên một ngày
- Nguyên một tuần
Bảng thông lệ cũng có thể dùng được ở nhà, làm cho trẻ thấy cuộc sống có qui củ (xin đọc thêm chuyện Dane và Jimmy trong quyển Để Hiểu Chứng Tự Kỷ).

Dùng Hình ở Trường.
Tại sao dùng hình ?
Nhận xét cho rằng người tự kỷ học bằng mắt nhiều hơn là bằng tai, tức nhìn vào hình thì họ thấy dễ hiểu hơn là nghe. Chính họ thì nói rằng trong khi đa số người bình thường nghĩ bằng lời, họ lại nghĩ hoàn toàn bằng hình, và suy nghĩ bằng lời là việc thật xa lạ đối với họ. Suy nghĩ bằng hình giống như cho chạy cuộn băng video trong óc tưởng tượng của họ.
Hình hỗ trợ cho trẻ tự kỷ vì chúng:
– Làm học trò được độc lập và tự lập hơn
– Khuyến khích em tương tác với người khác, và người khác với em
– Khuyến khích em biểu lộ nhiều hơn, bầy tỏ ý mình hơn thay vì tránh né, cô lập.
– Giúp em tham dự vào sinh hoạt ở lớp
– Dạy trình tự, thông lệ và liên hệ nhân quả (làm chuyện A dẫn tới kết quả B, học giỏi thì có thưởng)
– Tăng khả năng hiểu của em về thay đổi trong thông lệ và tình trạng căng thẳng.
– Giải thích thông lệ phức tạp gồm nhiều bước (thí dụ sáng dậy làm vệ sinh, thay quần áo, ăn sáng rồi đi học)
– Tăng khả năng hiểu chuyện tương lai và kỳ vọng của em
– Là cách liên lạc tỏ ý trọn cả đời.

Hình là gì.
Chữ 'hình' có ý tổng quát, nó có thể là biểu tượng, chữ, bức hình chụp, hình vẽ, vật mà học sinh dùng để biểu lộ ý mình, hoặc để hiểu người khác. Tùy theo mức phát triển tri thức của mỗi em mà có em hiểu được chữ, biểu tượng hay hình vẽ, em khác đòi hỏi phải là hình chụp của vật  thì mới hiểu; em nữa chỉ hiểu rõ khi được thấy đồ vật thí dụ như  đồ chơi xe hơi.
Nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy không riêng gì cho người tự kỷ mà xã hội dùng hình rất nhiều trong việc tương tác, hình có đầy dẫy chung quanh ta như bảng chỉ đường, bảng giao thông, bảng chỉ lối ra hay lối vào ở văn phòng, ở phi trường, ngay cả vật quen thuộc như đồng hồ cũng là hình biểu tượng cho ý niệm về thời gian. Thế nên dùng hình để liên lạc tỏ ý là chuyện tự nhiên.
Cha mẹ, thầy cô đều có thể tự làm hình để dạy con và dùng trong lớp, lấy hình từ báo, tạp chí, tờ quảng cáo của cửa hàng hay trên internet. Loại bảng hình hỗ trợ có thể kể là bảng thời biểu, thông lệ, lịch hay trình tự, bảng chọn lựa, và viết chuyện. Hình có thể dùng cho nhiều cách liên lạc tỏ ý trong những trường hợp khác nhau, thí dụ để:
– Biểu lộ cảm xúc (con vui, buồn),
– Trò chuyện xã giao (em tên Jim),
– Bầy tỏ nhu cầu và yêu cầu (muốn uống nước),
– Cho thông tin (thứ ba đi bơi). Điểm quan trọng nhất là trẻ dùng hình để tiếp nhận thông tin khi thầy cô cho biết họ muốn em làm gì, và cũng dùng hình để bầy tỏ em muốn điều chi với người khác.
Đôi khi hình không phải là cách duy nhất để trẻ liên lạc tỏ ý, có em dùng hình cùng với việc ra dấu hoặc máy phát âm.

Cách tạo hình.
Vài đề nghị cho việc làm bảng hình trong nhà hay ở lớp.
– Hình phải có tính thực dụng, không cần phải đẹp mắt hay cầu kỳ. Nếu không có sẵn thì bạn chỉ cần vẽ ra !
– Làm hình chung với trẻ, chính em có thể vẽ, tìm hình, hoặc viết một chữ vào bảng. Em cảm thấy đó là 'hình của mình, do mình làm ra', hãnh diện về nỗ lực của mình và thuận làm theo hơn.
– Giản dị, ngắn gọn, nên hỏi trẻ để dùng chữ của chính em.
– Soạn theo mẫu Ai, Cái gì, Khi nào, Ở đâu, tuy bạn không cần dùng hết những điểm này. Tùy trường hợp có khi chỉ cần dùng Ai và Cái gì.
– Nên có chữ đi kèm mỗi hình để khuyến khích việc đọc và viết.
– Một số ý niệm trừu tượng như  'Làm Xong' khó có hình thích hợp.   
XONG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong trường hợp này bạn có thể dùng hình lá cờ ca rô đen trắng phất lên khi xe đua tới đích. Hoặc hợp tác với trẻ để tìm hình mà em hiểu và dùng nó luôn không đổi. Hộp 'Làm Xong' có thể giúp học sinh chú tâm vào công chuyện của em. Khi em hoàn tất hãy yêu cầu trẻ để bài làm vào hộp, cách ấy cho em thấy diễn tiến việc của mình và đã đạt được chuyện chi.                      

Viết Chuyện (Social Stories).
Là một cách khác giúp liên lạc tỏ ý, cho phép học trò hiểu một tình thế và cách xử sự trong tình thế ấy, nhằm giảm thiểu sự tương tác có thể gây hoang mang, xin đọc thêm chương Hành Vi. Trẻ viết chuyện trong khung cảnh an toàn như ở nhà hay ở lớp, và thực tập nó khiến em hiểu rõ mình nên làm gì ở trong khung cảnh nào, như đi chữa răng, đi mua hàng. Chuyện có hiệu quả hơn dặn dò bằng lời vì nó còn đó trên giấy không biến mất, cho học sinh nhắc nhở bằng hình. Đây cũng là việc áp dụng lối học của trẻ tự kỷ là học bằng mắt hơn bằng tai.
Viết chuyện dùng được cho nhiều mục đích, như giới thiệu về thay đổi sắp có và thông lệ mới ở nhà (đám cưới, gia đình sắp đi chơi xa) hay ở trường, giải thích hành vi của người khác, hỏi xin giúp đỡ, dạy kỹ năng mới, cho em cơ hội bầy tỏ cảm xúc của mình và hiểu tại sao mình đã phản ứng như vầy hay kia và cách đáp ứng tốt hơn. Khi em không nhìn vào mắt người khác lúc tương tác, em không thấy nét mặt và không biết người khác lộ ý gì nên có thể hiểu sai ý của họ và có nhận định không đúng. Vì thế, ngoài những công dụng nói trên, viết chuyện còn là cách cải thiện khiếm khuyết không hiểu được ý người.
Khi cùng trẻ viết chuyện, hãy chú tâm vào điều em có thể nghe, thấy và cảm xúc trong khung cảnh. Chuyện hữu hiệu nhất khi viết ở mức tri thức và theo quan điểm của em, và mục tiêu có thể là mô tả hay chỉ dẫn.

Mô tả:
Em đi mượn sách ở thư viện.
Em đứng xếp hàng ở quầy.
Em không chen lấn mà chờ tới phiên.
Chỉ dẫn:
Khi em tức giận,
Em có thể chọn lựa
Em có thể chọn uống nước.
Chuyện không cần phải dài, có thể viết mỗi trang một ý có kèm hình, và bạn đọc chuyện cùng với trẻ. Hành vi được tập hữu hiệu nếu chuyện có thể đọc mỗi ngày cho trẻ học cách làm, xử sự trong khung cảnh nào đó. Theo cách này, trẻ học về kỹ năng giao tiếp bằng cách trước tiên viết chuyện, kế đó chơi đổi vai (role play) cho cả lớp, chỉ một nhóm nhỏ hay một đối một để em thực tập.
Ở nhà, cha mẹ viết chuyện cùng với con, để chuẩn bị trước cho em việc sắp tới nếu trẻ tỏ ra lo lắng bối rối. Một số người tự kỷ nói rằng họ sợ hãi chuyện gì không tiên liệu được, và sẽ yên tâm nếu được hiểu rõ việc gì sẽ xẩy ra, viết chuyện là cách cho trẻ sự an ổn đó. Với em có tri thức bình thường và biết nói, có thể bạn không cần viết chuyện mà chỉ cần nói chuyện với con, cho em cơ hội bầy tỏ sự lo lắng của mình và bạn giải thích là cũng đủ.

● Liên Lạc giữa Trường và Nhà.
– Nhất quán trong thông lệ, cách dạy ở nhà và trường sẽ có lợi cho trẻ tự kỷ; trong việc giản dị như rửa tay, nếu em làm ở trường theo như cách ở nhà sẽ giảm được lo lắng, bực bội, không những cho trẻ mà luôn cho tất cả những ai tương tác với em. Có một số cách để gia tăng sự nhất quán:
– Họp thường xuyên, kể cả buổi họp thảo luận về chương trình giáo dục cho em (Individual Education Plan - IEP)
– Ghi ra giấy những cách sẽ dùng
– Sổ liên lạc
Nhiều trẻ tự kỷ theo chương trình can thiệp sớm hoặc có trị liệu và có một số chuyên viên làm việc với em, những người này như chuyên viên chỉnh ngôn, cơ năng trị liệu, y sĩ v.v. cũng cần tham dự vào việc liên lạc giữa trường và nhà, để có sự nhất quán hơn và làm chuyện rõ hơn.
Khi khác, sổ liên lạc được dùng để thông tin như trường hay gia đình cho nhau biết có gì thay đổi ở trường hay nhà có thể ảnh hưởng đến hành vi của em, thí dụ có tang trong gia đình hoặc có đổi thầy cô ở lớp.

● Tiểu Học lên Trung Học.
Đây là biến cố lớn cho trẻ tự kỷ vì em rời trường mà mọi người biết em để sang trường mới có thể lớn hơn, đông học sinh hơn, có nhiều điều xa lạ làm em sợ hãi, lo lắng. Cha mẹ cố thể làm được một số việc để giảm thiểu tâm tình bất lợi này, như dẫn em đi thăm trường sẽ học sang năm, cho em quen đường đi và khung cảnh mới.
Về những khó khăn ở trường xin dọc thêm các mục:
– Trường Học trong quyển Tự Kỷ và Trị Liệu: Chỉ Dẫn cho Cha Mẹ;
– Lên Trung Học trong quyển Chứng Tự Kỷ: Tuổi Thiếu Niên và Trưởng Thành có trình bầy chi tiết.

● Sau Trung Học
Từ hai năm cuối của trung học, nhà trường và phụ huynh có những cuộc họp để lo về tương lai của trẻ khi em tốt nghiệp và rời trường.
– Em nào có nhiều tật không thể được huấn luyện để đi làm sẽ có sắp xếp cho em theo học những chương trình ban ngày, chuyên dạy về kỹ năng sinh sống, tự lo thân, nhằm giúp em sống tự lập được càng nhiều càng tốt. Vài em có thể không đạt tới mức này mà cần có người trông coi suốt đời, số khác cũng cần được trợ giúp nhưng ít hơn và có thể tự mình làm những việc giới hạn.
– Một số có khả năng, được huấn luyện để đi làm hoặc cho cơ xưởng của chính phủ hoặc cho tư nhân.
– Em khác có thể học lên cao.
Dù là thuộc nhóm nào, chương trình cho mỗi học sinh sau trung học đều được soạn kỹ, có phụ huynh và thiếu niên tham dự và đóng góp ý kiến. Cha mẹ cần biết rõ khả năng của con, các chương trình cho người khuyết tật, để chọn lựa hoặc đòi hỏi cách sắp xếp thuận lợi nhất cho em. Khi bạn lơ là không tìm hiểu kỹ mà giao phó cho trường sắp xếp mọi chuyện, con có thể được cho học chương trình không thích hợp mà về sau muốn sửa đổi rất khó.
Thí dụ trường cho rằng em có đủ khả năng để được huấn luyện đi làm và cho em đi học nghề, nếu bạn ưng thuận trong khi con không đủ sức học, em không thu thập được mấy trong lớp huấn luyện và khi học xong, kỹ năng giao tiếp, mức tri thức yếu kém khiến em không tìm được việc phải ngồi nhà. Khi ấy, muốn xin cho con theo học chương trình ban ngày của người trưởng thành có khuyết tật là điều rất khó; trong lúc chờ đợi thanh niên không có gì làm ngồi ngó bốn bức tường trong nhà dễ sinh ra chán nản, rầu rĩ, sau một thời gian có thể quên đi kỹ năng đã được học và bị thụt lui.
Ngược lại, nếu bạn để ý tới khả năng của con, biết em không đủ sức đi làm và phản đối cách xếp đặt của trường ngay từ đầu, con có thể có chỗ trong chương trình ban ngày và tiếp tục phát triển kỹ năng, được bận rộn với sinh hoạt lành mạnh làm thanh niên vui thích mà bạn cũng được an lòng

● Chuyển Tiếp.
Là giai đoạn quan trọng trong đời của thiếu niên tự kỷ, đây là lúc lập kế hoạch và bảo đảm đường hướng cho tương lai, nó có nghĩa là chuyển dịch vụ từ trẻ sang người lớn và cho một số chương trình của chính phủ, việc chuyển tiếp này bắt đầu lúc em 16 tuổi. Vì vậy thiếu niên cần được cho can dự, chuẩn bị và hiểu những thay đổi ấy. Tuy nhiên, giai đoạn thay đổi này nhiều khi bị coi nhẹ, hoặc cha mẹ chờ đến phút chót mới lo chuyện, do đó không suy nghĩ hay tìm hiểu cặn kẽ chương trình nào có lợi nhất cho con.
Chẳng những thế, cha mẹ nên biết là họ cần liên lạc và làm việc chặt chẽ với trường để không có quyết định sai lầm, sinh ra ảnh hưởng tệ hại lớn lao cho đời của con, cũng như phải thúc đẩy nhiều những nơi liên hệ như dịch vụ, trường học để mọi người làm việc chung với nhau, hầu tạo một kế hoạch chuyển tiếp thích hợp, đáp ứng nhu cầu của người tự kỷ. Phần dưới đây cho bạn ý niệm tổng quát về việc phải làm để giúp sự chuyển tiếp từ dịch vụ trẻ nhỏ sang người lớn diễn ra suông sẻ, tốt đẹp.

Kế hoạch chuyển tiếp.
Là văn bản chi tiết, nên liệt kê những nhu cầu tương lai của cá nhân và cách đáp ứng nó. Kế hoạch bàn tới những phần thiết yếu như giáo dục sau trung học, y tế, gia cư, di chuyển, việc làm, và sở thích. Bạn không cần quan trọng hóa quá đáng nhưng khi ghi ra những điểm trên, kế hoạch cho bạn hiểu biết là con cần điều gì cho những tháng ngày sắp tới, và như vậy giữ cho bạn đi đúng hướng, bảo đảm được là những nhu cầu của con được đáp ứng. Kế hoạch này không phải là văn bản không thể sửa đổi, mà được soạn với hiểu biết là nhu cầu cá nhân có thể thay đổi theo thời gian.

Diễn biến. 
Chuẩn bị và lập kế hoạch là các điều chính yếu cho tiến trình này. Trong trọn tiến trình thông tin cần rõ ràng và có sẵn cho tất cả những ai tham dự, và quan trọng hơn hết là thiếu niên cần hiểu đầy đủ diễn biến, và được tham dự ngay từ đầu. Thông thường, nếu em học trường đặc biệt thì diễn biến tự động xẩy ra lúc em học lớp 9 hay lớp 10, và chương trình được thảo luận trong cuộc duyệt xét hằng  năm. Trong buổi đó,
– Thiếu niên và gia đình bầy tỏ sự quan tâm của họ, hy vọng và mong ước cho tương lai.
– Thảo luận về những hỗ trợ gì mà thiếu niên sẽ cần trong tương lai về mặt gia cư, y tế, việc làm và dịch vụ xã hội, Centerlink tại Úc.
– Chuyên viên và nhân viên xã hội, cho biết vai trò của họ hiện tại và vai trò có thể có trong tương lai cho người tự kỷ.
Trước khi có cuộc duyệt xét này bạn cần xem là mình có thông tin đầy đủ và cập nhật về tình trạng, việc học của con; biết buổi họp sẽ thảo luận chuyện gì. Dù nơi bạn cư ngụ không có thủ tục giống như vậy, thí dụ như ở Việt Nam, Hoa Kỳ hay những nước khác, cách thức trên tại Úc cho bạn căn bản và ý niệm để lo cho con trong hai năm cuối trước khi xong trung học. 
Ngay từ đầu, vai trò và trách nhiệm của ai tham dự, tức chuyên viên và nhân viên của dịch vụ, cần được xác định rõ. Với thiếu niên, nếu em có thể tham dự cuộc thảo luận thì người ta cần cho em thông tin dưới dạng em hiểu được và có thể chọn lựa dễ dàng. Bởi người tự kỷ thấy khó mà nắm được ý niệm và tưởng tượng ra những chọn lựa khác nhau, làm vậy cũng để tránh gây lo lắng và hoang mang cho em.
Cha mẹ hay người chăm sóc cho đóng góp giá trị trong cuộc duyệt xét chương trình chuyển tiếp, vì họ biết rành về thiếu niên. Cha mẹ có thể cho biết nhu cầu của em lúc này, và đề nghị cách mà họ cho là sẽ thích hợp với em trong tương lai. Cha mẹ cần chuẩn bị và có hiểu biết kỹ về vấn đề, bởi dịch vụ nhiều khi không đưa ra hết những tài liệu liên hệ. Điều cha mẹ có thể làm là:
– Hỏi để biết tên, vai trò và trách nhiệm của hết những chuyên viên, nhân viên xã hội, nhân viên trường có liên quan đến việc học của con.
– Tìm hiểu về những chọn lựa con có thể có về các mặt giáo dục sau trung học, y tế, gia cư, di chuyển, việc làm, và sở thích.
Khi ấy, bạn có thể ảnh hưởng và đưa ra những chọn lựa có thể thích hợp hơn cho con. Điểm chính của việc do đó là có thông tin và có chuẩn bị. Muốn có thông tin thường là bạn phải chịu khó lục lọi, xông xáo mới có được, mà bạn nên gắng công vì buổi họp là để quyết định tương lai của con. Bạn có thể tới thăm các trường cho người lớn khuyết tật nếu nghĩ rằng con sẽ cần vào các nơi này. Hoặc nếu con có thể đi làm thì bạn nên đi tới những chỗ làm của người khuyết tật, để biết điều kiện tại những nơi ấy và có thông tin chính xác, cho phép có chọn lựa đúng đắn.
Có khi 'sai một li đi một dặm', chuyện đã xẩy ra cho cha mẹ nào không có đủ thông tin mà chỉ dựa vào ý kiến của người khác tại buổi họp, vài tháng sau khi thấy rõ là chọn lựa không thích hợp cho con thì không thay đổi được nữa, hoặc phải tốn công nhiều hơn và mất một thời gian dài mới có được như ý.
Trong buổi họp, nhân viên trong trường có thể cho ý kiến về khả năng và nhu cầu của thiếu niên. Tuy nhiên cần nhớ rằng quyền quyết định là ở bạn. Nó có nghĩa khi đề nghị của họ xem ra có lợi cho trường hơn là có lợi cho con thì bạn cần xét lại.
Tại Hoa Kỳ, có luật tên Individuals with Disabilities Education Act (IDEA). Cha mẹ cần biết về luật này khi yêu cầu trường có hỗ trợ cho con. Bạn có thể vào internet để tìm hiểu về luật và cách giáo dục cho người khuyết tật tại Hoa Kỳ.

● Đại Học.
Học sinh tự kỷ khả năng cao (high functioning) và học sinh AS có thể muốn vào đại học, TAFE hay trường dạy nghề, và thực tế là một số người tự kỷ có thành đạt đáng kể ở các nơi ấy. Để có kết quả tốt đẹp, cha mẹ và người tự kỷ nên biết trước chuyện gì sẽ xẩy ra khi vào đại học.
Về mặt tích cực, đây là cơ hội có thêm tương tác xã giao, đặc biệt trong những ngành mà họ ưa thích. Cha mẹ có thể giúp con chọn môn sử dụng ưu điểm của thanh niên, tìm trường có ngành mà con muốn học, tìm thông tin về trường trên internet và gửi thư xin thêm tài liệu của trường, nếu có; và cũng nên đến thăm cơ sở,  khuôn viên để xem có gì có thể gây khó khăn cho con.
Về mặt tiêu cực, người tự kỷ có thể thấy là đại học cho kinh nghiệm  đáng sợ vì không có chương trình hỗ trợ cho sinh viên, như trường lo cho học sinh ở trung và tiểu học. Môi trường đại học có nhiều tự do là nơi mà kỹ năng yếu kém của họ về giao tế, chuyện học bị thử thách lớn; họ phải tự mình tạo qui củ, thông lệ và ấy là điều khó làm khi không hiểu ý người chung quanh. Khó khăn có thể khiến một số bỏ cuộc;  tuy nhiên vài năm sau họ có thể quay trở lại hoàn tất chuyện học khi phát triển kỹ năng khá hơn.
Vài đại học có chương trình giúp người tự kỷ như ghép họ với sinh viên khác làm bạn, chỉ dẫn cách sinh hoạt trên đại học, làm bài, xếp đặt chuyện nhà như đi chợ mua sắm, làm sổ sách chi tiêu. Hỗ trợ cách ấy làm một số người theo được chương trình và tốt nghiệp. Xin đọc thêm trong quyển Chứng Tự Kỷ: Tuổi Thiếu Niên và Trưởng Thành

 

 

 

 

 

Bài Đọc Thêm

 

Dưới đây là đề nghị về sinh hoạt trong lớp cho trẻ có hội chứng Asperger (Asperger syndrome - AS). Trẻ AS có những tật giống như tự kỷ, nhưng các em nói giỏi và có tri thức bình thường nên có vài đề nghị chung cho hai tật, mà cũng có đề nghị áp dụng chính yếu cho AS hơn là cho tự kỷ.

1. Thông lệ.
Cách sắp xếp trong lớp nên giữ trước sau y vậy không thay đổi, và tiên liệu được. Trẻ AS cần phải có thể tiên liệu chuyện xẩy ra mỗi ngày. Khi trường, lớp có thay đổi việc ấy nó gây lo lắng cao độ cho trẻ AS. Em không thích có ngạc nhiên như hôm nay thầy nghỉ và có thầy cô khác thay thế mà em không biết. Em cần được cho hay trước, nếu được, về những thay đổi và sự chuyển tiếp như ngày nghỉ giữa hai học kỳ, thư viện đóng cửa vài ngày để kiểm kê sách v.v.

2. Dùng hình.
Đó có thể là hình, đồ biểu, bảng liệt kê, bảng thời biểu. Khi nào có thể được, nên có dàn xếp để có hình mô tả những sinh hoạt khác nhau giúp em hiểu hơn. Việc làm nào cần nhiều chặng thì tốt hơn nên ghi rõ ra giấy. Đa số trẻ AS cần có hình hỗ trợ, và hình làm cho việc giảng dạy dễ hơn, vì em thấy khó mà chú tâm vào nhiều chữ cùng chỉ dẫn bằng lời hay lập đi lập lại. Tật của em là nói nhiều lời làm em rối trí thêm. Hình thì luôn có đó và diễn tả sinh hoạt mau lẹ và hữu hiệu, giúp cho trí nhớ ngắn hạn và làm rõ nghĩa. Nhớ bằng hình thì tốt hơn bằng lời cho em. Hình cũng khiến thầy cô không phải lập đi lập lại hoài.
Hình đặc biệt hữu ích cho lúc có chuyển tiếp giữa hai sinh hoạt, trong lúc giờ nghỉ hay giờ chơi không có chương trình định sẵn. Hãy có bảng thời biểu mỗi ngày trong lớp, cho biết sẽ có việc gì xẩy ra trong ngày. Em cần thấy mẫu của điều bạn muốn em làm để bắt chước, bằng không em làm theo ý em và kết quả có thể không giống như bạn muốn.

3. Luật.
Hãy xếp đặt cho lớp có tổ chức, qui củ và điều hành khéo léo. Trẻ cần biết em có thể làm gì và không được phép làm gì. Luật giản dị trong lớp giúp cho việc quản lý hữu hiệu học sinh, và có thể được nhấn mạnh khi em làm giỏi, tuân theo luật. Thêm vào đó, cần cho biết hệ quả thích hợp khi luật không được tuân theo, và áp dụng ngay khi việc xẩy ra. Luật có thể viết như sau:
- Em nói chuyện nhỏ giọng
- Em giơ tay khi cần được giúp
- Em làm theo chỉ dẫn của thầy cô
- Em mang theo bút và bút chì trong cặp.
Luật sẽ hữu hiệu hơn nếu có hình kèm theo, và dán trên tường chỗ dễ thấy.
Nên cẩn thận khi đặt ra luật vì chẳng những trẻ AS sẽ theo sát, mà em cũng đòi hỏi là mọi người theo sát như em. Khi thầy cô có lời nói không đi đôi với việc làm, trẻ sẽ vạch ra  mà tuy không có ác ý, nó sẽ gây bất tiện cho em và thầy cô. Thí dụ luật nói rằng phải giơ tay khi muốn đặt câu hỏi, và có em không giơ tay  mà vẫn nói và được bỏ qua, trẻ AS sẽ nêu ra sự bất nhất không phải vì em ưa kẻ vạch, mà vì em thấy luật không được tuân theo.
Tật này dẫn tới điểm sau là nên tránh việc phải dùng uy thế với em. Trẻ AS không tế nhị, thường không ý thức việc phải tôn trọng người có thẩm quyền như thầy cô, và sẽ có phản ứng cứng ngắc, khăng khăng giữ ý khi có tranh chấp. Trong trường hợp đó người ta nên rút lui để cho chuyện dịu xuống, thay vì mạnh tay áp đặt ý mình. Cách tốt nhất là thấy trước chiều hướng và có biện pháp ngăn ngừa, tránh việc đối đầu bằng cách giữ điềm tĩnh, thương lượng cho em có chọn lựa, hoặc đổi hướng chú ý.

4. Sân chơi.
Thường khi giờ chơi là lúc có nhiều khó khăn nhất cho trẻ AS vì sân chơi ồn ào, không tiên liệu được chuyện gì sẽ xẩy ra và có thể không an toàn nếu em bị bắt nạt. Giờ chơi vì vậy làm trẻ AS lo lắng, nhiều em muốn chọn chỗ yên lặng hơn như thư viện hay trở vào lớp học ngồi cho hết giờ chơi.
Nếu được, hãy linh động và cho trẻ có thể ra sân chơi hay ở chỗ yên tĩnh hơn, nó giúp làm giảm sự lo lắng. Có trường tạo sinh hoạt qui củ vào giờ chơi như nhóm chơi cờ, điện toán, nhạc v.v.

5. Liên lạc tỏ ý
Trẻ AS có thể thấy việc liên lạc tỏ ý bằng lời và không lời (điệu bộ, nét mặt) khó hiểu và khó nhớ. Tuy một số trẻ AS nói giỏi nhưng không chắc em hiểu hết những gì em nói, nhiều khi đó chỉ là lập lại vanh vách điều em nghe trên truyền hình hoặc đọc trong sách vở. Khi nói chuyện với trẻ AS bạn nên:
- Nói giản dị, chỉ dùng chữ chính và câu đơn giản.
- Nói sát nghĩa, đừng ám chỉ, mỉa mai, ngụ ý xa xôi. Đừng dùng thành ngữ khó hiểu có nghĩa bóng.
- Mỗi lần nói một ý, và nói theo thứ tự việc xẩy ra
- Cho có chọn lựa rõ ràng, đừng nói lửng lơ điều ai cũng biết nhưng trẻ AS không biết. Chẳng hạn hỏi 'Em muốn đọc sách hay chơi máy điện toán ?' thay vì nói 'Em muốn chơi gì ?'. Cũng như tới giờ phải đi hay làm chuyện gì thì nên nói 'Mình đi nào', mà không nên hỏi 'Mình đi nhé ?'. Tương tự vậy, nên ra lệnh 'Em đưa cô cuốn sách', vì nếu bạn nói 'Em đưa cô cuốn sách được không ?' trẻ sẽ hiểu sát nghĩa, coi đó như câu hỏi ý kiến mà không phải là lệnh, và em có quyền chọn lựa nên có thể ngay tình trả lời 'Không'.
- Cho em có giờ rộng rãi để trả lời, trẻ AS cần có thêm thời gian để sắp xếp ý nghĩa lời nói.
- Giữ cho giọng bình thường, trầm tĩnh, lớn tiếng giận dữ có thể gợi ra hành vi không thích hợp
- Giải nghĩa rõ ràng với em để bảo đảm là em hiểu ý bạn.
- Dùng câu xác định, cho em hay phải làm gì thay vì không được làm gì.

 

6. Bài làm.
Do bản tính hiểu nghĩa đen của trẻ AS, tan trường là tan trường không có gì phải làm thêm, do vậy nhiều trẻ AS thấy khó mà hiểu rằng phải làm bài cho về nhà. Nếu cho bài về nhà, thầy cô cần chia làm những phần nhỏ, và yêu cầu trẻ làm các bài tập ngắn thay vì nguyên một bài tập dài.

7. Thông cảm cho người khác.
Nhiều trẻ AS thiếu khả năng thông cảm hay biểu lộ sự thông cảm với người khác. Làm như em không thể nhìn sự việc theo quan điểm của người khác, thí dụ em không hiểu mình có thể làm tổn thương người khác, và không biết tại sao cần xin lỗi khi em chỉ nói sự thực như phê bình ai mặt mụn, không biết được người khác nghĩ gì, cảm thấy gì, hoặc tưởng tượng mình là người khác trong hoàn cảnh của họ. Em cần được giúp để nhìn ra ảnh hưởng hành động của mình đối với người khác, và đáp ứng với tình cảm một cách thích hợp.

8. Hãy lợi dụng sở thích của trẻ để dạy. Trẻ AS học giỏi nhất khi bài có liên quan đến sở thích của em, trẻ sẽ thích thú theo dõi bài giảng. Tương kế tựu kế, thầy cô có thể dùng sở thích để thưởng khi em làm xong bài, tuân theo luật, hay khi có hành vi thuận lợi. Thí dụ em thích chơi xếp hình thì cho em được chơi năm phút khi hoàn tất bài tập.

9. Tật AS là thiếu khả năng tổ chức và kỹ năng học. Em có thể có bàn học bừa bãi, không biết điểm nào chính điểm nào phụ trong bài đọc, do đó cần được dạy cách học, chú trọng nhiều vào điểm nào quan trọng và dành ít giờ hơn cho điểm không quan trọng bằng. Nếu không được giảng rõ, trẻ sẽ thức đến sáng để làm bài tập tràng giang đại hải gây bực bội cho cả trường và gia đình.

10. Bắt nạt.
Cần bảo vệ trẻ không bị chọc ghẹo, chế diễu trong lớp lẫn ngoài lớp, vì một trong những mối lo lắng lớn nhất của trẻ AS là sợ bị bắt nạt. Trường cần có nỗ lực giúp các học sinh khác có hiểu biết nhiều hơn về chứng AS, và khuyến khích lòng khoan hòa, chấp nhận sự khác biệt của người khác. Trường có thể mời cha mẹ hay nhân viên của hội AS, hoặc cha mẹ có thể yêu cầu thầy cô cho mình giờ để tới nói chuyện với lớp về tật AS, tạo sự cảm thông nơi bạn cùng lớp.
Cũng về mặt này, nhân viên trường như tài xế xe bus đưa rước, người phụ trách phòng ăn, quản thủ thư viện v.v. nên được cho biết những tật của chứng AS nói chung, tật cùng nhu cầu của trẻ AS nói riêng, và cách giúp đỡ khi em tiếp xúc với họ. Xin dọc thêm trong hai quyển:
- Chứng Asperger và Chứng NLD.
- Chứng Tự Kỷ: Tuổi Thiếu Niên và Trưởng Thành trang 48 và 299.