CHỨNG TỰ KỶ 

 

Chương  Sáu:  Chơi         

 

Chơi và Chứng Tự Kỷ              
Diễn Trình Chơi                                    
Tại Sao Dạy Cách Chơi.                       
Dạy Kỹ Năng Chơi.      

 

 

● Chơi và Chứng Tự Kỷ.
Giao tiếp và tương tác là một trong những khiếm khuyết chính cho trẻ tự kỷ. Khó khăn mà em gặp phải khi giao tiếp có liên hệ chặt chẽ với việc liên lạc tỏ ý, thế nên điều thiết yếu là tập cho em khả năng liên lạc tỏ ý và giao tiếp cùng một lúc.
Trẻ tự kỷ không chơi giỏi vì thường rút vào chính mình và làm ngơ người khác, em không học bằng cách quan sát người khác và cần phải dạy. Có khi em lộ tình cảm quá độ như gào to, cười, khóc nên có ít cơ hội chơi, vì những trẻ khác đâm sợ. Rồi em có sở thích giới hạn và lập đi lập lại, làm ngăn trở trò chơi khác, thí dụ bạn muốn sang trò khác hay thay đổi trò đang chơi mà em chỉ một mực chơi hoài trò cũ.
Trẻ tự kỷ thấy khó mà chia sẻ sự chú ý của mình với người khác, em không chỉ tay và nói với mẹ hay ai khác:
- Mẹ, coi con voi kìa !
cũng như không có khuynh hướng tự nhiên là để ý tới người khác, và dấu hiệu khi tương tác như điệu bộ thân hình, nét mặt. Vì vậy chuyện hết sức quan trọng là ta nhắm đến các mặt này trong suốt lúc em theo chương trình can thiệp sớm.
Nghiên cứu xác nhận là cha mẹ có thể giúp con chia sẻ sự chú ý bằng cách đi theo chủ ý và sở thích của em, và việc chơi chung như vậy là mức tiên đoán tốt nhất về học nói. Em có thể thích chơi một mình nhất, hoặc tỏ ý muốn có tương tác mà không biết phải làm sao, thành ra em cần được giúp phát triển kỹ năng cần thiết để chơi với người khác. Thí dụ khi làm theo cách chơi của em, dự vào hành động và sở thích của trẻ và luôn ở ngang với tầm mắt của em, cha mẹ có thể làm con chú ý đến họ và chịu có những giao tiếp sơ khởi.
Một số cách thử nghiệm cho trẻ tự kỷ có kèm câu hỏi về chơi trong đó, như hỏi rằng:
–  Con ông bà có hề giả vờ dùng tách đồ chơi như là tách trà để uống, hay có giả vờ chuyện khác ?
Có câu hỏi ấy vì có giả dụ cho rằng nếu trẻ không lộ ra hành động muốn chia sẻ sự chú ý (Má, đằng kia có cầu tuột !), và biết chơi giả bộ vào lúc em được 18 tháng là em có nguy cơ bị tự kỷ. Rồi khi tới y sĩ để khám thì y sĩ cũng quan sát xem em có biết chơi giả vờ. Nếu không lộ ra hành vi nào như vậy, cộng thêm với những triệu chứng khác thì đó là dấu hiệu em có rủi ro mắc bệnh tự kỷ.
Nhiều trẻ tự kỷ không tỏ dấu hiệu muốn chơi với em khác, mà thích chơi một mình. Có trẻ muốn chơi với bạn mà không biết nói làm sao, em gặp khó khăn trong việc tỏ ý muốn của mình. Xin bạn đọc thêm bài về John trong quyển Chứng Tự Kỷ: Tuổi Thiếu Niên và Trưởng Thành, cho chi tiết rõ ràng và đáng thương hơn. Khi không kêu gọi được bạn chơi với mình, vì em không biết cách chơi và bạn bỏ đi, trẻ có thể thấy chơi khó quá và đâm ra bực bội, không còn có thúc giục để chơi.
Thường khi nếu em có chơi biểu tượng thì người ta thấy nó không do óc tưởng tượng, mà do bắt chước theo điều thấy trên truyền hình hay nguồn nào khác tương tự. Em có thể chơi đi chơi lại một cảnh trong băng video, và tuy việc chơi có vẻ như  có óc sáng tạo và tưởng tượng, thực chất nó không phải vậy. Đặc tính chơi tới lui một chuyện là nét khác, trẻ có thể mỗi sáng lập lại một trò chơi y cách thức như hôm trước, không thay đổi ngày này sang ngày khác. Nếu có hướng dẫn em có thể chơi với trẻ khác cùng trò ấy, rồi cuối cùng tự mình kiếm bạn để chơi cũng chỉ trò này, tuy nhiên em cần người lớn hướng dẫn từng bước một trong suốt cuộc chơi.
Quan sát thêm thì trẻ còn bị khiếm khuyết về việc chơi đúng cách, thí dụ được cho nồi và muỗng thì ta biết khuấy muỗng trong nồi. So sánh với trẻ có hội chứng Down và trẻ bình thường, trẻ tự kỷ không biết nẩy thêm ý mà đưa muỗng thì em đặt vào nồi, nhưng không biết dùng muỗng để khuấy. Với trò chơi mới em cũng có ít hành động khác, và dành ít giờ để chơi hơn là hai trẻ nói trên.
Tóm tắt thì khả năng chơi của trẻ tự kỷ có vẻ nghèo nàn, tính suy nghĩ cứng ngắc có thể ảnh hưởng việc phát triển những kỹ năng khác, làm hư hại khả năng chơi và em khó mà chơi giả vờ.

● Diễn Trình Chơi.

Chơi là hành vi phức tạp và là một phần trung tâm trong sự phát triển bình thường của trẻ. Chơi quan trọng vì nó cho tương tác với trẻ khác và với người lớn, nhờ chơi mà trẻ nhỏ học được nhiều kỹ năng giao tiếp và liên lạc tỏ ý, luôn cả việc hợp tác với người khác, chia sẻ, thay phiên và cùng làm vệc chung để đạt tới mục đích nào đó. Chơi giúp phát triển óc tưởng tượng, mộng mơ, cho trẻ cơ hội tạo một vũ trụ khác song song với cảnh thật, cho em phương tiện biểu lộ chính mình.
Chơi khuyến khích trẻ tập kỹ năng giao tiếp và liên lạc tỏ ý, trưng ra ý tưởng và cảm xúc của mình bằng lời hoặc không lời. Người ta thấy chơi trải qua một số giai đoạn với đích nhắm khác nhau:
– Cảm giác và vận động.
Dạy trẻ nhỏ về cơ thể của em và về đồ vật ngay chung quanh em. Chơi sớm sủa nhất thấy ở trẻ rất nhỏ nhét bàn chân vào miệng và ngậm ngón chân của mình (cơ thể của em), hoặc bỏ vật vào miệng đưa qua lại để biết về vật.
– Thăm dò và biết sắp xếp.
Dạy trẻ lớn hơn một chút về vật và đặc tính của nó, về việc em có thể ảnh hưởng thế giới chung quanh, như kéo tay kéo chân búp bê, đặt vật nằm nghiêng thay vì đứng thẳng, gom nhiều vật lại với nhau.
– Vật lộn mạnh tay.
Nói về thân thể như xô đẩy nhau, kéo, dằng co té chồng lên nhau, rượt đuổi nhau. Những cách này, dạy trẻ chập chững và ở vườn trẻ kỹ năng về cử động tổng quát (gross motor skills) sử dụng các bắp thịt lớn. Nó cho em kinh nghiệm về trọn thân thể tương tác với người khác, và với vật trong môi trường.
– Tương giao.
Bắt đầu ngay từ lúc mới sinh khi có trao đổi giữa người chăm sóc và em bé, khi em biết lắng nghe, hóng chuyện. Lớn hơn một chút thì đó là sự tương tác giữa trẻ ở bậc tiểu học như chơi cảnh sát đi bắt cướp, chơi bán hàng một bên bán một bên mua. Nó dạy em về mối tương giao trong xã hội, và cách tham dự vào đó, cũng như các qui luật của xã hội mà em thuộc về (cảnh sát luôn luôn thắng và kẻ cướp lăn quay ra sân)
– Giả bộ.
Nhận xét nói rằng có hai loại chơi giả bộ. Trẻ bình thường biết chơi giả vờ cho thấy em hiểu ý nghĩa về biểu tượng, như cầm bàn chải trước miệng và hát, coi bàn chải như là microphone. Khi em đóng vai cao bồi hay mọi da đỏ, sự giả vờ ở mức cao hơn vì em biết lồng mình vào một vai trò khác và xử sự như nhân vật ấy.
Trẻ tự kỷ hiếm khi được thấy là em chơi đùa đúng nghĩa, và việc chơi của em có thể bị hư hại trong suốt những chặng phát triển kể trên, tuy nhiên đa số cuộc nghiên cứu chú trọng vào việc chơi giả vờ nhiều hơn hết. Khi tới tuổi biết suy nghĩ (tỏ ra biết chọn lựa) và biết nói, trẻ nhỏ bình thường bớt lần việc chơi có tính cảm quan và vận động, nhưng nơi trẻ tự kỷ giai đoạn này vẫn mạnh và kéo dài cho dù em đã biết suy nghĩ. Em không có giai đoạn thăm dò và sắp xếp, mà đồ chơi và đồ vật được dùng theo một chiều không thay đổi.
Chẳng hạn, em sẽ mê mải quay tít bánh xe của xe hơi đồ chơi, hơn là muốn chơi đua xe hoặc lái xe. Có vẻ như em không có sự tò mò của trẻ bình thường, và hành vi chơi của em thường giới hạn vào những sắp xếp giản dị, phẩm chất trò chơi của em thấp hơn so với trẻ bình thường cùng tuổi tri thức, và thường không có việc chơi tự nhiên có tính biểu tượng (dùng đũa làm súng bắn), hoặc có thì bị khiếm khuyết.
Chơi cho trẻ phương tiện để phát triển kỹ năng, thí nghiệm với các vai và tương tác với người khác, nhưng trẻ tự kỷ bị bất lợi trong cách dùng việc chơi cho các mục đích này. Chơi còn quan trọng cho trẻ tự kỷ vì chơi là sinh hoạt thông thường lúc nhỏ mà nếu thiếu kỹ năng chơi, trẻ bị cô lập nhiều hơn, càng làm lộ ra sự khác biệt giữa em và trẻ khác. Nếu cải thiện kỹ năng chơi của trẻ tự kỷ cho em cảm tưởng là mình chơi giỏi, làm tăng sự vui thích và thúc đẩy em chơi thì điều ấy tự nó là mục đích xứng đáng. Người lớn cũng học được nhiều điều khi nhìn ngắm trẻ chơi đùa, còn với trẻ tự kỷ vốn gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc và tư tưởng thành lời, chơi cho em cơ hội để biểu lộ chính em.

Quan Trọng của việc Chơi.

– Chơi được dùng như là cách để phát triển kỹ năng về nhiều mặt.
– Trẻ tự kỷ cần được dạy cách chơi với đồ vật, do có khiếm khuyết như hành vi lập đi lập lại không thay đổi và sở thích chật hẹp.
– Chơi có thể được dùng để giúp các mặt giao tiếp và liên lạc tỏ ý.
– Chơi là sinh hoạt tự nhiên hợp với tuổi.
– Chơi giúp em hòa hợp với bạn ở nhà trẻ.
– Tương tác vui vẻ, đùa giỡn làm trẻ được thúc đẩy, em thấy chơi là điều thích thú !
– Chơi có tính kích thích và thử thách.
Khi cha mẹ biết con có vẻ thích làm gì, bạn có thể tìm cách chơi chung bằng cách bắt chước hành động của em, và bất cứ âm thanh hay chữ nào mà em dùng. Theo cách ấy, trẻ không cần chuyển sự chú ý của em mà có thể từ từ để ý nhiều hơn tới hành động của cha mẹ, vì nó giống hệt của em. Làm theo cách chơi của trẻ giúp em học chấp nhận người khác chơi bên cạnh, và cho ra khởi đầu cho việc có tương tác qua lại nhiều hơn.
Dần dần, cha mẹ có thể thay đổi hành động của mình một chút  với mục đích là trẻ có thể bắt chước mình. Sự việc sẽ cần thời gian và thực tập, vì đang từ vai trò người lớn chuyên ra lệnh nay đổi ngược lại, bạn có khuynh hướng điều khiển cuộc chơi do đó cần ý thức để ngăn mình lại. Nếu chơi theo em và chờ cho em đáp ứng, ta gia tăng cơ hội cho trẻ khởi sự tương tác là bước đầu tiên dẫn đến việc giao tiếp.
Chơi quan trọng vì nó kích thích và thách đố trẻ nhỏ, và là phương tiện qua đó các em học kỹ năng cần thiết cho việc hòa nhập thành công ở vườn trẻ và trường học.Trẻ tự kỷ dễ bị các bạn tẩy chay vì em không biết chơi, vì khiếm khuyết kỹ năng giao tiếp, hệ quả là em bị cô lập. Dạy cho em chơi sẽ cải thiện được sự cô lập, khiến em dễ được chúng bạn chấp nhận hơn, vì khi em biết chơi, có nhiều cơ may là các bạn cho em nhập cuộc chơi hơn và tương tác với em. Một khi chơi chung, trẻ tự kỷ thấy lợi ích của việc trò chuyện và vì thế nẩy sinh ước muốn nói chuyện với bạn đồng lứa. Chương trình can thiệp dùng trị liệu bằng cách chơi, để khuyến khích trẻ tự kỷ phát triển khả năng liên lạc tỏ ý và kỹ năng giao tiếp.

● Tại Sao Dạy Cách Chơi.

 Từ các nhận xét trên có ý kiến nói rằng dạy trẻ tự kỷ biết chơi có thể làm tư tưởng uyển chuyển hơn, giảm việc suy nghĩ rời rạc không nhìn thấy tổng thể. Đặc biệt khi dạy trẻ nhỏ biết chơi, khả năng này có thể giúp em giảm hành vi lập đi lập lại, và khuyến khích phát triển việc liên lạc tỏ ý.
Khi xem xét trị liệu và cách giáo dục cho trẻ tự kỷ trước đây, người ta thấy việc chơi không được chú trọng trong cả hai phần, chủ trương ấy làm ngơ việc cần dạy trẻ biết chơi. Trẻ không được dạy chơi một cách tự nhiên, và chơi có tính tương tác hay biểu tượng. Hệ quả là cách can thiệp như vậy không khai thác hết mức tiềm năng chơi của trẻ.
Để sửa chữa thì có đề nghị dạy trẻ chơi có tính biểu tượng và chơi giả vờ, cả hai được cho là giúp sửa đổi những khiếm khuyết căn bản của trẻ tự kỷ. Lý do đưa ra là hai cách chơi này tạo môi trường phong phú cho việc biết sắp xếp vật có tính biểu tượng (chiếc đũa làm súng, cán chổi làm ngựa cho cao bồi cỡi), vốn là khó khăn đặc biệt cho trẻ. Đi xa hơn có thêm ý là không chừng chơi giả vờ còn giúp trẻ học và có thay đổi trong não bộ, cho phép em có tư tưởng uyển chuyển, biết chơi với người khác và nhờ vậy phát triển kỹ năng giao tế là điều mà em yếu kém.
Em có thể học bằng cách gia nhập nhóm trị liệu, chơi chung với trẻ khác trong chương trình can thiệp sớm ở chỗ học, mà em cũng cần được kích thích trong đời sống hằng ngày ở nhà, ở trường hầu cho phép em biết tổng quát hóa kỹ năng học được. Đề nghị này nhấn mạnh thêm ý ta đã ghi trước đây, là cha mẹ không thể cho con có trị liệu với chuyên viên rồi tin rằng như vậy là đủ. Thực tại là em phải tập thêm mỗi ngày ở nhà, có cha mẹ trông coi và đó mới là điều chính yếu mang lại kết quả.
Chuyện không khó nếu bạn chịu bỏ công tìm tòi một chút, chẳng hạn khi em học được trò chơi mới, chuyên viên sẽ cho em bài làm về nhà là dạy cho một người trong nhà biết chơi trò như em, và vào lớp dạy cho một bạn trong lớp. Làm vậy thực hiện được nhiều điều, em biết ăn nói khéo léo hơn, biết mở lời, chơi giỏi hơn, tăng lòng tự tin và có thêm bạn.
Vì các lý do này, có ý kiến nói rằng chơi là một phần có giá trị trong chương trình học của trẻ tự kỷ, giúp cho mọi mặt phát triển. Sau đây là vài đề nghị về một số trò chơi.

–  Trò chơi hấp dẫn về thị giác.
Trẻ tự kỷ có khuynh hướng thích trò chơi dùng kỹ năng phối hợp mắt và tay, như ghép hình hay vật liệu xây cất. Thí dụ:
- Thổi bong bóng nước
- Đuốc mầu
- Xếp vật theo mầu hay hình dạng
- Ghép hình
- Lego, đồ chơi xây cất.
- Xe lửa (đặc biệt Thomas the Tank Engine)
- Video.

 –  Đồ chơi vận động thân thể.
Lợi điểm của loại này là em có thể vui chơi mà không cần óc tưởng tượng hoặc phải hiểu và dùng ngôn ngữ. Người ta thấy là hoạt động thân thể làm giảm hành vi bất lợi, cải thiện tật về điều hòa vận động. Một số trò chơi đòi hỏi có người giám thị như bàn nhún.
- Đu.
- Cầu tuột.
- Bàn nhún (trampoline)
- Ngựa gỗ.
- Đá banh.
- Xe đạp.
- Hố cát
- Bóng rổ.

–  Trò chơi điện toán.
Máy điện toán và trò chơi điện toán đặc biệt hấp dẫn, mà có thể trở thành nỗi si mê chế ngự. Vì thế cha mẹ nên đặt ra ngay từ đầu giới hạn rõ ràng về khoảng thời gian được phép chơi.

Trị liệu dùng cách chơi là điều quan trọng vì:
–  Nó cho trẻ tự kỷ cơ hội thăm dò môi trường,
–  Phát triển kỹ năng vận động tổng quát và vận động tinh tế
–  Bắt chước hành động, lời nói, âm hanh,
–  Tương tác với người khác qua việc chia sẻ và thay phiên nhau chơi đồ chơi
–  Biết sắp xếp vật
Chương trình can thiệp dùng cách chơi cho cơ hội học và thực tập kỹ năng mới, làm trẻ nhỏ có cơ hội dùng sự liên lạc hai chiều với người lớn trong nhà và bạn trong nhóm.
Nếu xếp đặt có qui củ và ở mức tuổi thích hợp, ta có thể thấy các em nhỏ chơi chung với nhau tỏ ra vui vẻ, vui hơn khi chơi một mình.

● Dạy Kỹ Năng Chơi.

Vài mục đích nhắm tới trong việc dạy trẻ tự kỷ chơi là:
– Cho trẻ học kỹ năng cần để bắt chuyện, có tương tác với trẻ khác, và ngược lại, kỹ năng cần để đáp ứng với lời bắt chuyện, kêu em chơi của các bạn.
– Xem chắc để cho trẻ cảm thấy vui thú với việc chơi, làm em có thúc đẩy muốn chơi.
– Xem chắc để trẻ tự kỷ chơi với nhiều loại đồ chơi và có thể chơi đúng công dụng của món đồ chơi.
– Xem chắc để em học chia sẻ và thay phiên nhau với các em khác khi chơi.
– Xem chắc để em học bắt chước hành động, âm thanh và sau cùng là chữ.
– Xem chắc để em đối phó được với việc chuyển từ sinh hoạt này sang cái khác.

Người chỉ dẫn cho em cần hiểu rằng thay vì dùng việc chơi để dạy em kỹ năng, ban đầu ta phải dạy em cách chơi. Khi đã học cách chơi với một loạt những đồ chơi và sinh hoạt khác nhau, lúc ấy chơi được dùng như là phương tiện để khuyến khích, và dạy trẻ cách liên lạc tỏ ý và tương tác hữu hiệu hơn.
Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc phát triển những kỹ năng sau:
– Chia sẻ đồ chơi và khoảng không gian chơi
– Biết chờ đợi
– Biết thay phiên
– Dùng đồ chơi và các vật đúng cách (xe hơi là để chạy, đua xe mà không phải để xếp thành hàng)
– Biết chuyển từ sinh hoạt này sang kia, chỗ này sang chỗ kia.

 

Những Phương Thức Chính:

– Ngồi ngang mức với tầm mắt của em để trẻ chú ý đến bạn và chú tâm dễ hơn vào chuyện em đang làm.
– Dùng ngôn ngữ thật giản dị, và hướng tới vật em đang nhìn vào, thí dụ nói 'bánh xe', hay 'quay vòng vòng'.
– Chơi hồn nhiên, bắt chước hành động của em là quay tít bánh xe như em đang làm. Mẹ có thể ngồi cạnh với đồ chơi khác mà cũng quay tít và làm y vậy; hoặc chơi vật tương tự có tính kích thích giác quan như con quay, thổi bong bóng.
– Tỏ ra hào hứng khi chơi với con, để thúc đẩy em tương tác với bạn.
– Theo thông lệ và chuyện tiên liệu được, như dùng câu lập đi lập lại, bài hát, hoặc nói điều mà con chú mục vào, như 'bánh xe quay quay', 'xếp hàng, chuẩn bị, đi !' trước khi đẩy xe lửa hay xe hơi cho chạy.
– Chơi có thưởng, chơi trò mà con mê say.
Thưởng có thể giản dị như 'Chơi rồi ăn kẹo Smarties'.
Ban đầu, tương tác có thể rất ngắn chỉ một hai phút, điểm quan trọng là bạn nhẹ nhàng xen vào trò chơi của con bằng cách làm theo cách của em và ngưng lại trước khi em bực bội. Nếu chơi xong vui vẻ thì nhiều phần em muốn chơi nữa giống vậy.

Dùng Hình.
Đây là cách giúp em chơi. Hình đặt thứ tự chơi cho phép ta chia việc thành từng bước nhỏ, và có hình riêng biệt giải thích từng bước. Thí dụ:
- Rửa búp bê
- Lau khô búp bê
- Cho búp bê uống
- Cho búp bê ăn.
Bạn có thể lập bảng 'Đầu Tiên – Rồi (First ... Then),viết ra thứ tự chơi cho trẻ biết mình phải làm gì; kế đó luôn luôn chấm dứt bằng hoạt động ưa thích, vì nó có tác động như phần thưởng. Thứ tự ấy dạy trẻ là em có thể chơi đồ chơi ưa thích khi làm xong chuyện đã ấn định.Kế đó bạn đặt giờ chơi bằng máy tính giờ (timer).

 

FIRST                                                                                          THEN
Do your homework                                                                      Play the drums           

view detailsview details                

Đầu tiên làm bài tập                                                                     Rồi chơi trống

 

Bạn cũng cần phải dạy ý niệm 'Xong, hết rồi' khi chơi xong, bằng cách dùng hộp 'Xong' cho em cất đồ chơi vào đó, để giúp trẻ hiểu là một sinh hoạt đã chấm dứt.

Mẹo để thành công.
- Chơi cùng một trò ở những nơi khác nhau trong nhà hay vườn.
- Giảm bớt việc chia trí như chơi cách xa TV.
- Tránh tiếng ồn khung  quanh.
- Lựa giờ thích hợp như khi con không mệt hay đói.
- Giữ thái độ tích cực.
- Thay đổi trò chơi và đồ chơi.